USB-C: Sợi cáp thống trị

HOA KIM 15/12/2022 05:41 GMT+7

TTCT - Phải mất gần 3 thập niên, chuẩn kết nối USB mới có thể đường hoàng xưng vương trong lĩnh vực truyền dẫn dữ liệu, sau khi thu phục kẻ cứng đầu cuối cùng Apple phải chuyển sang dùng USB-C.

USB-C: Sợi cáp thống trị - Ảnh 1.

Apple và cuộc chiến cáp Lighting và USB-C.

"Đến cuối năm 2024, tất cả điện thoại di động, máy tính bảng và máy ảnh được bán ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải được trang bị cổng sạc USB Type-C (USB-C)" - Nghị viện châu Âu tuyên bố trong thông cáo báo chí ngày 4-10, sau khi luật mới được thông qua bởi cơ quan lập pháp của khối. Từ mùa xuân năm 2026 luật sẽ được mở rộng để áp dụng cho cả máy tính xách tay, thông cáo nêu rõ.

Thật ra hầu hết điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android ngày nay đã có cổng USB-C chứ không cần đợi luật ra đời. Công ty duy nhất thật sự bị ảnh hưởng là Apple, vốn cho đến nay vẫn trung thành với cổng sạc độc quyền Lightning trên các dòng iPhone, dù đã phải "thỏa hiệp", sử dụng USB-C cho iPad mới (10-2022) và MacBook từ nhiều năm trước.

Không ai có thể phủ nhận việc USB-C trở thành chuẩn cáp thống nhất trên mọi thiết bị chỉ còn là vấn đề thời gian, và chặng đường gần 30 năm ra đời và cải tiến của phát minh USB thiên tài cuối cùng cũng đã gần đến ngày hái quả ngọt. "USB-C gần như chắc chắn sẽ trở thành loại cáp để sạc mọi thứ" - cây bút công nghệ Justin Pot viết cho tạp chí The Atlantic.

Vì sao Apple vẫn kiên quyết giữ thiết kế cổng sạc Lightning trên iPhone dù thế giới đã chuyển sang USB-C? Tương thích phần cứng chỉ là một phần, quan trọng hơn là thiết kế này đã được Apple đăng ký bảo hộ độc quyền và giúp công ty này thu khẳm thông qua chương trình cấp phép sản xuất cho bên thứ ba. Theo đó, đơn vị muốn sản xuất cáp Lightning phải tham gia chương trình MFi của Apple với phí 99 USD/năm, chưa kể khoản hoa hồng không được tiết lộ trên mỗi sản phẩm bán ra, theo The Atlantic. Nếu chuyển sang USB-C, Apple xem như mất trắng phần doanh thu này.

Thiết kế hoàn mỹ

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà lập pháp và hãng công nghệ đều hài lòng với USB-C. Nó vượt trội các chuẩn cáp xưa nay về mọi mặt, từ tốc độ sạc và truyền dữ liệu, khả năng đa nhiệm cho đến kích thước nhỏ gọn và đặc biệt là thiết kế đối xứng giúp người dùng chẳng còn phải băn khoăn cắm theo chiều nào mới đúng.

Nhưng trên hết, USB-C hữu ích đơn giản vì nó được thiết kế để làm tiêu chuẩn, và thực tế đã trở thành tiêu chuẩn. "Chúng ta đều có quá nhiều dây nhợ trong nhà và mỗi lần cần tìm đúng loại cáp cho một thiết bị nào đó là rước bực vào người… Trước [sự ra đời của USB-C], thị trường chưa từng giải quyết thỏa đáng vấn đề này" - Justin Brookman, giám đốc chính sách công nghệ của Tổ chức Consumer Reports nói với The Atlantic.

Người dùng máy tính thế hệ đầu hẳn còn nhớ sự phiền toái của việc mỗi thiết bị ngoại vi sử dụng một đầu cắm khác nhau: chuột, bàn phím, loa, tai nghe, màn hình, máy in… mỗi thứ chỉ hoạt động nếu cắm đúng loại cổng phù hợp khiến thiết kế thùng máy trông cồng kềnh và mất thẩm mỹ.

Nhận thấy vấn đề này, một nhóm các công ty công nghệ trong đó có những ông lớn như Compaq, IBM, Intel và Microsoft đã ngồi lại với nhau bàn cách thiết kế một chuẩn kết nối thống nhất có thể sử dụng cho nhiều thiết bị. 

Cái tên USB - viết đầy đủ là universal serial bus, tức giao thức truyền tải dữ liệu tuần tự vạn năng, được chọn cũng vì mục đích đó. Năm 1995, nhóm này thành lập Diễn đàn những nhà triển khai USB (USB-IF) và một năm sau ra mắt chuẩn USB đầu tiên trên thế giới. 

Ngày nay, USB-IF có hơn 1.000 công ty thành viên và đi đầu trong việc giúp các hãng giới thiệu hàng trăm sản phẩm tuân thủ chuẩn USB ra thị trường, theo trang web của tổ chức này.

USB-C: Sợi cáp thống trị - Ảnh 3.

Tất cả những cổng kết nối này đã bị USB thay thế.

Thế nhưng mục tiêu ban đầu của USB-IF chỉ được hiện thực hóa phần nào trong suốt hơn chục năm đầu tồn tại. USB đúng là đã giúp ma trận cổng kết nối thu về một mối nhưng bản thân nó cũng sinh ra đủ loại cổng kết nối khác nhau, với thiết kế, kích thước, tính năng và tốc độ truyền dữ liệu khác nhau.

Đầu tiên là Type-A - cổng kết nối hình chữ nhật kinh điển đến nỗi mỗi khi nhắc đến "cổng USB" thì thứ người ta nghĩ đến trong đầu thường là loại này, cũng là thiết kế phổ biến nhất và hiện diện trên hầu hết máy tính cá nhân ngày nay. Sau đó là Type-B - thiết kế vuông vức thường thấy trên những cọng cáp máy in. Rồi còn có Mini-USB và Micro-USB - những đầu kết nối nhỏ hơn được sử dụng thông dụng trong cáp sạc của những mẫu điện thoại đời cũ. Đó là chưa kể nhiều biến thể ít gặp như Mini-AB, Micro-AB...

Mãi đến năm 2015, những thiết bị đầu tiên có trang bị cổng USB-C mới xuất hiện trên thị trường, và việc nhận ra tiềm năng khổng lồ của loại cổng kết nối này phải mất thêm nhiều năm nữa. Nhưng với việc thành trì cuối cùng cưỡng lại làn sóng chuyển đổi là Apple mới đây rốt cuộc cũng phải chịu thua trước quy định của EU, quá trình chuẩn hóa cáp sạc có vẻ đã hoàn tất.

USB-C: Sợi cáp thống trị - Ảnh 4.

Cả họ nhà USB.

"Meryl Streep của thế giới cáp"

Tại sao những đối thủ của nhau trong giới công nghệ lại chịu hợp tác để tạo ra một chuẩn cáp sạc ưu việt duy nhất? 

Theo Brad Saunders - người đại diện cho Intel trong nhóm các công ty sáng chế ra USB-C, lý do ban đầu là tốc độ: các cổng kết nối USB cũ đã đạt đến giới hạn và không còn cách nào cải tiến để làm chúng nhanh hơn nữa. Trong khi đó, máy tính cá nhân cũng thay đổi theo hướng ngày càng mỏng và nhẹ hơn, còn cổng USB lúc bấy giờ quá lớn và không thân thiện lắm với người dùng. 

"Dĩ nhiên mục tiêu hàng đầu vẫn là mang tiền về cho công ty. Nhưng theo thời gian chúng tôi có thêm động lực là những gì mình làm có thể thay đổi thế giới theo hướng ‘xanh’ hơn. Nếu có thể chuẩn hóa cáp sạc, rác thải công nghệ cũng sẽ giảm. Chúng tôi bắt đầu nhận ra mình có thể tạo ra tác động thật sự" - Saunders nói với Scientific American.

Nhà báo Farhad Manjoo của tờ The New York Times nhận xét USB-C có thể là "một trong những cải tiến làm thay đổi cuộc sống" của thời đại chúng ta. Luật mới của EU chỉ áp dụng cho cáp sạc, nhưng rõ ràng USB-C còn làm được nhiều hơn thế. 

USB-C: Sợi cáp thống trị - Ảnh 5.

Vừa truyền dữ liệu vừa sạc với USB-C

"Nó là Meryl Streep của các loại cáp" - Manjoo ví von bằng hình ảnh nữ diễn viên tài hoa 73 tuổi người Mỹ với khả năng thể hiện xuất chúng trong bất kỳ vai diễn nào - bằng chứng là 21 đề cử Oscar danh giá mà bà nhận được trong suốt sự nghiệp tính đến nay. 

Ngoài sạc, cáp USB-C có thể được sử dụng để truyền tín hiệu video từ máy tính đến màn hình hoặc TV, truyền dữ liệu với tốc độ chóng mặt giữa máy tính với máy ảnh, ổ đĩa rời và các thiết bị ngoại vi khác, đặc biệt hơn cả là nó có thể làm tất cả những việc này cùng lúc.

"Sợi cáp USB-C được nối giữa laptop và màn hình trên bàn làm việc của tôi đang vừa truyền dữ liệu vừa cấp nguồn điện theo hai chiều trái ngược nhau - màn hình (được cắm vào ổ điện) đang sạc pin cho laptop, trong khi laptop cùng lúc đó cũng đang truyền hình ảnh sang màn hình" - Manjoo giải thích. Khả năng này của USB-C khiến nó vượt trội so với cổng HDMI truyền thống chỉ làm tốt một việc duy nhất là truyền tín hiệu hình ảnh.

Bằng vô số tiện ích không cần quá phô trương như thế, USB-C đang dần thay thế mớ dây nhợ đủ loại trên bàn làm việc hoặc trong hành lý du lịch bằng một cọng cáp duy nhất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của chủ nhân. "Nói cách khác, USB-C báo hiệu bình minh của cọng cáp đa năng" - Scientific American đưa ra dự báo từ năm 2016, khi chuẩn cáp này vừa ra đời.■

USB-C có sống mãi?

Với lịch sử phát triển sôi động của các loại cáp máy tính, lấy gì làm chắc chắn USB-C sẽ là loại kết nối cuối cùng và không bị thay thế bởi một thiết kế khác trong tương lai? Câu trả lời là không có gì chắc chắn, nhưng có lý do để nhân loại lạc quan rằng USB-C sẽ ở lại với chúng ta ít nhất là một thời gian dài nữa. Tháng

10-2022 chuẩn USB4 thế hệ 2.0 đã được USB-IF giới thiệu với băng thông tăng gấp đôi so với thế hệ trước, từ 40 Gbps lên đến 80 Gbps. May mắn thay chuẩn mới hoàn toàn tương thích với cáp hiện tại, tức người dùng không cần thay thế những cáp USB-C mà mình đang sở hữu để tận hưởng tốc độ nhanh hơn, theo trang tin công nghệ Engadget.

"USB-C ra đời trong bối cảnh ngành công nghệ đang bước vào một kỷ nguyên ổn định mới. Chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng của năm tới sẽ chỉ khác một chút so với năm nay" - The New York Times lý giải. Hơn nữa, thiết kế đặc biệt của USB-C giúp nó có thể được linh động cải tiến (ví dụ như về tốc độ truyền dữ liệu) theo sự tiến bộ của công nghệ mà vẫn tương thích với những thiết bị cũ. Ngoài những thiết bị đặc thù như đồng hồ thông minh hay phụ kiện theo dõi sức khỏe cần chuẩn kết nối riêng, có thể nói vương quốc mà USB-C cai trị trong thế giới công nghệ vẫn rất rộng lớn và triều đại của nó sẽ còn trường tồn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận