Trung Quốc: Gánh nặng trên vai một người?

DANH ĐỨC 25/10/2017 20:10 GMT+7

TTCT - Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc hôm 18-10, được đánh giá là trọng đại hơn hẳn với vị thế cao vòi vọi của ông Tập Cận Bình qua những nỗ lực xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Từ thời Đặng Tiểu Bình, chưa bao giờ Trung Quốc có một nhà lãnh đạo với vai trò cá nhân lớn như thế? -Ảnh: AFP/Getty Images
Từ thời Đặng Tiểu Bình, chưa bao giờ Trung Quốc có một nhà lãnh đạo với vai trò cá nhân lớn như thế? -Ảnh: AFP/Getty Images

 Ngay trước đại hội, báo chí thế giới, bất luận chính kiến, không ngớt mô tả quyền lực của ông Tập sau một nhiệm kỳ. Hãng tin Bloomberg gọi ông là “nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất kể từ Mao (Trạch Đông)”. Đài truyền hình ARTE Pháp - Đức gọi ông là “tân hoàng đế”.

Tờ Les Echos của Pháp không dừng ở hiện tượng, bình luận đó là “ám ảnh quyền lực tuyệt đối”. Le Figaro, cũng của Pháp, dùng từ “người cầm lái” - một sáo ngữ cũ vốn dùng để gọi ông Mao. The Times of India của Ấn Độ thì viết: “Sau ông Mao và ông Đặng, ông Tập có thể được phong là nhà tư tưởng”.

Những tựa báo đó phản ánh các cách nhìn khác nhau. Báo chí Âu - Mỹ, vốn quen với một thể chế và văn hóa chính trị khác, xem đây là một nỗ lực quyền bính cá nhân.

Còn từ góc độ một đất nước hơn 1,3 tỉ dân chưa ra khỏi tình trạng u u minh minh của một nền kinh tế chuyển đổi với những bất cập và khe hở của nó, đây lại là một chọn lựa vì sự an nguy và phát triển. Muốn thực hiện “Trung Quốc mộng”, nhất thiết ông Tập phải được toàn quyền.

Lãnh đạo nòng cốt

Điều này đã được dọn đường từ tháng 10-2016 với việc nâng ông Tập lên thành “lãnh đạo nòng cốt”.

Tại buổi chiêu đãi tối 30-9-2016 ở đại lễ đường Nhân Dân, Bắc Kinh của Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc nhân quốc khánh lần thứ 68, Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu:

Kể từ Đại hội Đảng 18 đến nay, ban chấp hành Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là lãnh đạo nòng cốt, đã nắm bắt xu thế phát triển của thế giới ngày nay nói chung và Trung Quốc ngày nay nói riêng, thuận theo yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân, đưa ra hàng loạt biện pháp chiến lược và phương châm, chính sách quan trọng, thúc đẩy sự nghiệp vĩ đại xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thu được những thành tựu mới mang tính lịch sử̉” (Đài RCI, 1-10-2016).

Bốn tuần sau, tờ South China Morning Post (SCMP) số ra ngày 28-10-2016 đưa tin Hội nghị trung ương 6 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 vừa kết thúc, đã mở rộng thêm quyền lực chính trị cho Tổng bí thư Tập Cận Bình bằng cách gọi ông là “hạt nhân, cốt lõi” của Đảng, kêu gọi “toàn thể đảng viên đoàn kết chặt chẽ xung quanh Ủy ban trung ương với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân”.

SCMP trích lại xã luận của Tân Hoa xã nói Trung Quốc cần người lãnh đạo mạnh mẽ giống như ông Mao, và rằng ông Tập đáp ứng yêu cầu đó. SCMP bình luận thêm rằng giới phân tích chính trị Trung Quốc dùng cụm từ “lãnh đạo nòng cốt” hay “hạt nhân lãnh đạo” thường để nói đến quyền chấp thuận hay phủ quyết chung cuộc.

Trong quá khứ, cụm từ này được Đặng Tiểu Bình sử dụng hồi năm 1989 để gọi Mao Trạch Đông, bản thân mình cùng người kế vị là Giang Trạch Dân.

Tuy nhiên, sang đến những năm 1990, không thấy các văn kiện và báo chí Trung Quốc gọi ông Hồ Cẩm Đào, người kế vị của ông Giang và tiền nhiệm của ông Tập, là “lãnh đạo cốt lõi” nữa.

Theo SCMP, với cách gọi “lãnh đạo cốt lõi” này, có thể đoán rằng ông Tập sẽ đóng vai trò chế ngự hơn nữa trong kế hoạch thay đổi nhân sự ở Đại hội Đảng 19, nơi bầu ra hơn 300 ủy viên trung ương chính thức và dự khuyết; 11/25 ủy viên Bộ Chính trị, và 5/7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ về hưu.

Bảo vệ và chỉnh đốn Đảng

Thông cáo báo chí Hội nghị trung ương 6 phát đi hôm 27-10-2016 cho biết hội nghị đã thông qua hai văn kiện sửa đổi: Điều lệ giám sát nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc và Các chuẩn mực sinh hoạt chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tình hình mới.

Thông cáo báo chí cũng nhấn mạnh các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ Chính trị hay Ban chấp hành Trung ương Đảng là đối tượng điều chỉnh của hai văn kiện mới sửa đổi. Từ đó, có thể thấy mọi lãnh đạo cao cấp trong Đảng đều nằm trong phạm vi giám sát, không có ngoại lệ.

Trên thực tế, quyết tâm “không có ngoại lệ” đã được thể hiện từ lâu trong cuộc chiến chống tham nhũng, bao gồm điển hình là từ quân đội.

National Interest ngày 15-4-2016 tạm sơ kết: “Phát súng cảnh cáo đầu tiên nhắm vào các “con hổ”. Năm 2014, ông Tập đã bắt giữ nguyên phó chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu, do ông này dính vào nghi án “tiền đổi cấp bậc”.

Sau khi ông Từ bị khai trừ Đảng, năm 2015 ông Tập bắt thêm một cựu phó chủ tịch Quân ủy trung ương Quách Bá Hùng với các cáo buộc tương tự. Các vụ bắt giữ hai quan chức vào loại cao cấp nhất trong quân đội Trung Quốc này là chưa từng có, đồng thời đánh dấu lần đầu tiên các sĩ quan về hưu cao nhất phải đối mặt cáo buộc tham nhũng.

Tính đến đầu tháng 3-2016, chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập đã dẫn tới việc bắt giữ ít nhất 44 sĩ quan cao cấp, mặc dù số lượng thực tế có thể cao hơn”.

Việc “đả hổ” này không còn là đơn lẻ mà là hàng loạt, thế cho nên việc thông cáo kêu gọi tất cả đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc “đoàn kết chặt chẽ xung quanh ban chấp hành trung ương mà đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân nòng cốt” là một lời hiệu triệu có sức nặng rất lớn.

Gần một năm sau, Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 nhóm họp từ 11 tới 14-10-2017 với sự tham dự của 191 ủy viên trung ương, 141 ủy viên trung ương dự khuyết; các ủy viên Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương và lãnh đạo các cơ quan hữu quan với tư cách dự thính không biểu quyết. 11 ủy viên trung ương mới được bầu từ số ủy viên dự khuyết của khóa trước.

Hội nghị đã nghe và thảo luận báo cáo chính trị của Tổng bí thư Tập Cận Bình theo ủy thác của Bộ Chính trị.

Hội nghị thẩm định và thông qua báo cáo của Ban chấp hành trung ương khóa 18 trình lên Đại hội Đảng lần thứ 19; thẩm định và thông qua báo cáo công tác của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương trình lên Đại hội Đảng lần thứ 19; thẩm định và thông qua dự thảo “Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc” (sửa đổi), quyết định trình ba văn bản này lên Đại hội Đảng lần thứ 19 thẩm định và xem xét.

Thông cáo của hội nghị nêu rõ: “Việc sửa đổi điều lệ bao gồm các lý thuyết cùng tư tưởng chiến lược then chốt trình bày trong báo cáo của Tổng bí thư Tập Cận Bình, theo đó điều lệ sửa đổi phải thể hiện trọn vẹn thành tựu mới nhất của công việc Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mácxít, các khái niệm cầm quyền mới, các tư tưởng và sách lược của Trung ương Đảng từ Đại hội khóa 18, cũng như kinh nghiệm mới trong việc gắn bó với Đảng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và siết chặt kỷ luật Đảng”.

Thế nào là “Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mácxít”, “các sách lược cầm quyền mới”,...? Graham Allison, nguyên giám đốc Trường Chính sách công Kennedy, ĐH Harvard, nguyên thứ trưởng quốc phòng Mỹ, giải thích trong bài “Ông Tập muốn gì?” trên tờ The Atlantic:

Là người lèo lái chính của toàn bộ công cuộc này, yêu cầu đầu tiên của ông Tập với việc thực hiện Trung Quốc mộng là xây dựng lại tính chính danh của một Đảng Cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ trong vai trò người tiên phong và người giám hộ của nhà nước Trung Quốc.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Tập nói với các đồng sự trong Bộ Chính trị rằng “được hay mất sự ủng hộ của quần chúng là một vấn đề liên quan đến sự sống còn hoặc sự kết liễu của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Ông thẳng thừng cảnh báo: “Tham nhũng có thể giết Đảng”. Và ông trích dẫn tư tưởng Nho học, “lễ đức hợp trị” (cai trị bằng đức hạnh và giữ trật tự bằng hình phạt). Đây không phải là lời dọa suông.

Muốn thế, ông phải thiết kế một sự thay đổi hoàn toàn mới, khác với mọi cuộc thay đổi trước đó, tác giả Allinson bình luận tiếp: “Và ngược lại với chính sách “cởi mở tư tưởng” (glasnost) của Gorbachev, ông Tập đòi hỏi phải tuân thủ ý thức hệ, thắt chặt kiểm soát các cuộc thảo luận chính trị; đồng thời củng cố vai trò trung tâm của Đảng trong quản trị đất nước.

Ông Đặng (Tiểu Bình) tìm cách tách Đảng với nhà nước và tăng cường bộ máy nhà nước so với Đảng. Ông Tập đã thẳng thừng bác bỏ ý tưởng đó. Ngay sau khi ông Tập lên nắm quyền, Nhân Dân Nhật Báo đã đăng bài cô đọng quan điểm của ông: “Chìa khóa để điều hành mọi thứ cho tốt và thực hiện Trung Quốc mộng là ở Đảng””.

Ý sau cùng này được lặp lại trong thông cáo của Hội nghị trung ương vừa rồi: “Thúc đẩy các cải cách khó khăn, xây dựng một Đảng trong sạch và chiến đấu chống tham nhũng, giải quyết hiệu quả các bất trắc và thách đố khác nhau; đồng thời cải tiến sáng tạo sự giám sát vĩ mô.

Các quan chức cao cấp cần trung thành với Đảng và sẵn lòng bảo vệ uy quyền lãnh đạo trung ương của Đảng cùng sự đoàn kết của Đảng. Vị trí hàng đầu của Đảng cần được đảm bảo về mọi mặt, và vai trò của Đảng trong việc giám sát tất cả các công việc và trong việc điều phối tất cả các bên cần được bảo đảm”.

Bốn từ khóa trong mệnh lệnh này: (1) “Đảng” là tối thượng, (2) “trong sạch” (một Đảng trong sạch), (3) “vĩ mô” (giám sát vĩ mô) và (4) “trung thành” (với Đảng).

Có thể tóm tắt quan niệm lãnh đạo của ông Tập qua bốn từ khóa đó: không có chỗ cho những băng hoại và sự tự tung, tự tác tản quyền như trước để rồi các tỉnh, các ngành trở thành những cõi riêng.

Thông cáo chung nêu rõ: “Không có thẩm quyền cùng sự lãnh đạo tập trung của Trung ương Đảng, không có kỷ luật chính trị, luật lệ nghiêm, cùng một môi trường chính trị sạch sẽ, Đảng có thể mất đi tính sáng tạo, tính gắn kết và hiệu quả của mình, làm suy yếu nền tảng, khả năng quản trị của mình và rồi thất bại trong nhiệm vụ của mình”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc, như thế, đang đứng trước một thời đại mới và đất nước Trung Quốc cũng sẽ như thế với ông Tập Cận Bình là “hạt nhân lãnh đạo”.■

Biến mộng thành thực

Trong báo cáo đọc trước đại hội sáng thứ tư 18-10, ông Tập nhấn mạnh mục tiêu là “đảm bảo thắng lợi quyết định trong việc xây dựng một xã hội tương đối thịnh vượng trong mọi khía cạnh, phấn đấu cho sự thành công của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới, và lao động không mệt mỏi để thực hiện giấc mơ Trung Quốc về trẻ hóa đất nước”.

Song, ông cũng cảnh cáo rằng: “Trong khi lực lượng sản xuất tổng thể của Trung Quốc đã cải thiện đáng kể và trong nhiều lĩnh vực năng lực sản xuất của chúng ta dẫn đầu thế giới, thì vấn đề của chúng ta chính là sự phát triển của chúng ta không cân đối và không đầy đủ.

Đây đã trở thành yếu tố cản trở chính trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân đối với một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Trên hành trình đó, ông cảnh giác cao độ: “Chúng ta không nên sao chép máy móc các hệ thống chính trị của các nước khác” (Tân Hoa xã, 18-10-2017).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận