Sẽ hết thời miễn phí?

TRƯỜNG SƠN 10/11/2017 02:11 GMT+7

TTCT - Facebook dường như đang xây dựng một kế hoạch ép các nhà sản xuất tin tức phải chi tiền nếu muốn thông tin “tới liền” người đọc. Đâu là giới hạn của mạng xã hội lớn nhất thế giới này?

Thử nghiệm chia đôi News Feed của Facebook gây bất an cho giới báo chí.
Thử nghiệm chia đôi News Feed của Facebook gây bất an cho giới báo chí.

 

Muốn chơi phải trả tiền?

Người dùng Facebook đã quen thuộc với News Feed, trang chủ hiển thị các nội dung (bài viết, hình ảnh, video) mà bạn bè và các trang mà họ theo dõi đưa lên Facebook.

Facebook thông báo từ hồi tháng 7 sẽ thử nghiệm một trang tin mới ngoài News Feed, gọi là Explore Feed, hiển thị nội dung từ các trang mà họ không bấm “Like” hoặc “Follow”, còn trang News Feed thì vẫn hiển thị các nội dung như trước giờ.

Để truy cập Explore Feed, người dùng phải tìm biểu tượng màu đỏ có hình phi thuyền trên thanh công cụ bên trái màn hình desktop hoặc ứng dụng mobile.

Chuyện “chia đôi” News Feed không có gì đáng nói nhưng cuối tuần qua, Facebook tiến hành một thử nghiệm khác tại 6 quốc gia (Sri Lanka, Bolivia, Slovakia, Serbia, Guatemala và Campuchia), News Feed chỉ còn hiện tin từ bạn bè của người dùng và các “tin tài trợ”, tức bài quảng cáo do doanh nghiệp trả tiền cho Facebook.

Để xem nội dung từ các tờ báo (mà Facebook gọi là nhà xuất bản tin tức) hay doanh nghiệp mà mình đã “thích”, người dùng phải mất thêm một bước là vào trang Explore Feed.

Với các chủ trang, việc này giống như cửa tiệm đang ở mặt tiền, ai đi qua cũng thấy, sau một đêm phải dọn vào trong hẻm, khách muốn vào phải “quẹo cua” mới đến được.

Việc News Feed chỉ hiển thị “tin tài trợ” đồng nghĩa tờ báo hay trang tin điện tử nào muốn “trở lại mặt tiền” thì phải móc hầu bao. Phải chăng Facebook muốn truyền đi thông điệp với các trang tin tức rằng mạng xã hội 2 tỉ người dùng này không còn là sân chơi miễn phí mà “muốn chơi phải trả tiền”?

“Ác mộng” cho báo chí?

Trong bài viết “Facebook đang làm các nhà xuất bản tin tức khiếp sợ bằng một thí nghiệm mới như thế nào” ngày 24-10, New York Magazine cho biết với đa số các trang tin điện tử, cứ 4 người khách ghé thăm website thì có 1-2 người truy cập thông qua Facebook.

Việc “mất chỗ” trên trang chủ Facebook và phải trả tiền để được trở lại bình thường quả là “cơn ác mộng” cho các cơ quan báo chí truyền thông, như Mashable miêu tả.

Ngày 21-10, nhà báo người Slovakia Filip Struharik đăng đàn trên trang Medium, cho rằng 60 trang báo lớn nhất Slovakia đã có lượng tương tác (thích, bình luận và chia sẻ) các bài viết trên trang Facebook của họ giảm 4 lần so với trước khi Facebook bắt đầu thí nghiệm.

Tương tự, The Guardian dẫn lời nhà báo Dina Fernandez (Guatemala) cho biết lượng truy cập từ Facebook của trang tin điện tử Soy502 mà cô đang làm việc đã giảm 66% với cùng lý do.

Sau bài viết cảnh báo của Struharik, giới công nghệ lập tức râm ran tin đồn rằng sau 6 thị trường “chuột bạch” này, Facebook sẽ sớm buộc toàn bộ các tờ báo phải trả tiền nếu muốn các bài viết của mình hiện trên News Feed của độc giả.

Điều này chắc sẽ là “thảm họa” với các tờ báo và trang tin vốn phụ thuộc vào Facebook như cửa ngõ để tiếp cận bạn đọc cũng như thu hút truy cập cho phiên bản điện tử của mình.

Nhà báo Marko Miletić của tờ Mašina (Serbia) cho biết viễn cảnh đó, nếu có thật, còn gây ra tác động lớn hơn, khi các tờ báo nhỏ, hay website của bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tài chính eo hẹp sẽ không có khả năng trả tiền cho Facebook, trong khi họ không có cách tiếp cận độc giả nào khác ngoài thông qua mạng xã hội.

“Vì thế, những kẻ “mạnh vì gạo” có thể chi đậm cho Facebook để chiếm quyền được phổ biến thông tin có lợi cho mình, điều này sẽ tai hại nếu bị những tổ chức chính trị dân túy tận dụng” - Miletić cảnh báo.

Facebook muốn gì?

Ngày 23-10, Adam Mosseri, phó chủ tịch phụ trách mảng News Feed của Facebook, đính chính trên Twitter rằng thí nghiệm “chia đôi News Feed” chỉ diễn ra ở 6 quốc gia nói trên, và mục tiêu của dự án này là “tìm hiểu liệu người dùng có thích xem nội dung cá nhân và công cộng ở hai nơi khác nhau hay không”.

“Nội dung công cộng” theo Mosseri là nội dung không phải do bạn bè của người dùng chia sẻ, tức đến từ các trang Facebook của báo chí hay doanh nghiệp. Sau Twitter, Mosseri cũng viết một thông báo chính thức, khẳng định Facebook “hiện không có kế hoạch mở rộng thí nghiệm lên người dùng toàn thế giới, cũng như bắt các trang Facebook phải trả tiền để nội dung được hiển thị ở News Feed”.

Sau hai lần “nói lại cho rõ” trên, Mosseri tiếp tục gặp gỡ giới truyền thông tại một sự kiện ở New York hôm 24-10 và khẳng định vụ “chia đôi News Feed” này chỉ là một trong số hàng ngàn thí nghiệm Facebook thực hiện mỗi ngày để “tìm ý tưởng mới”.

Song, trang QuartzNew York Magazine đều cho rằng các tờ báo và trang tin điện tử vẫn còn lo ngại kịch bản xấu nhất sẽ diễn ra chứ không phải lời hứa “không mở rộng chính sách này ra toàn cầu” của Facebook.

Trong khi đó, tạp chí The Atlantic ngày 25-10 cho rằng cần phải xem đây là cuộc thí nghiệm đúng nghĩa của Facebook và mạng xã hội này có lý do “chính đáng” để làm thế.

Theo The Atlantic, có thể Facebook đang tìm cách để giải bài toán nan giải bao nhiêu năm qua: làm sao để News Feed gọn gàng, dễ xem, thay vì như cái chợ thông tin, đủ thượng vàng hạ cám, từ tin quan trọng của người thân đến hình ảnh quảng cáo bán hàng, hay đường dẫn đến các bài báo lá cải như hiện nay.

Ngoài ra, số bạn bè “đa thành phần” trên Facebook cũng là cơn đau đầu với nhiều người dùng: làm sao để “chu toàn” những gì mình chia sẻ khi “khán giả” ngoài bạn bè, đồng nghiệp cùng lứa còn có người thân trong gia đình và sếp ở công ty?

Facebook có công cụ cho phép “phân vùng” người đọc các nội dung do người dùng chia sẻ, chẳng hạn hình ảnh ăn chơi thì ẩn không cho sếp thấy, nhưng ngày càng có nhiều người chọn cách ngưng chia sẻ trên Facebook luôn cho nhanh, thay vì phải loay hoay “kiểm duyệt” thành phần khán giả mỗi lần muốn cập nhật trang cá nhân.

Đây là điều Facebook không hề muốn bởi mạng xã hội này vận hành chủ yếu dựa vào lượng thông tin khổng lồ hàng tỉ người dùng đăng tải mỗi ngày.

Việc có hai trang riêng để cập nhật tin tức từ bạn bè và các thông tin báo chí hay sản phẩm, ít nhất cũng giúp người dùng đỡ chóng mặt vì quá tải thông tin mỗi lần “lên phây”.

Về lâu dài, The Atlantic cũng chỉ ra một lợi ích khác nếu Facebook thật sự buộc các tờ báo phải chi tiền để hiện bài viết trên News Feed chính: bằng cách đó, mạng xã hội này sẽ bớt bị “tiếng oán” là tiếp tay cho tin vịt, thông tin sai lệch hay tin tức giả (fake news).

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, các bài viết tin vịt lại có tương tác cao hơn con số của các trang tin uy tín gộp lại, theo Quartz. Nhiều trang chuyên tung tin giả chẳng cần phải chi tiền quảng cáo cho Facebook vì chỉ có một News Feed duy nhất.

Khi có Explore Feed, người dùng vẫn có thể thấy đường link đến tin giả do bạn bè của họ chia sẻ, nhưng lúc này trách nhiệm thuộc về chính người đã đưa tin đó lên mạng chứ Facebook hoàn toàn vô can, không còn mang tiếng là tạo điều kiện cho tin giả sinh sôi.

Báo chí truyền thống liệu sẽ chịu thêm một “đòn hiểm”?
Báo chí truyền thống liệu sẽ chịu thêm một “đòn hiểm”?

 

“Bức tường phí”

Chuyện “lùm xùm” của Explore Feed diễn ra khi Facebook đang có “quan hệ căng thẳng” với các nhà xuất bản tin tức xung quanh việc tin giả lấn át tin thật.

Phản ứng kém tích cực của giới công nghệ với Explore Feed cũng được xem là bất lợi cho Facebook, xét trong cuộc đua cung cấp nền tảng đọc tin tức cho người dùng di động.

Theo trang The Verge, tương lai của việc xuất bản nội dung trên Internet “không chỉ được quyết định bởi các cơ quan báo chí mà còn là các công ty công nghệ nắm giữ các nền tảng thu thập và phân phối các thông tin đó”.

Dù mỗi tờ báo in hay báo điện tử đều có trang web riêng, Apple, Google và Facebook đều cung cấp nền tảng để thể hiện các bản tin đó dưới dạng dễ đọc và tiện lợi hơn cho người dùng di động.

Ra mắt năm 2015, Instant Article của Facebook được giới thiệu là nền tảng tiện dụng, giúp người dùng di động đọc tin tức từ các nhà cung cấp với tốc độ cực nhanh mà không phải thoát khỏi Facebook để vào web của tờ báo đó.

Vậy nhưng, sau hai năm, danh sách các tờ báo rời bỏ nền tảng này ngày càng dài vì cho rằng việc thu tiền từ quảng cáo thông qua Instant Article thấp thua xa so với việc lôi kéo người dùng truy cập vào trang web “chính chủ”.

Trong khi đó, Google với lợi thế là bộ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới, ngày càng thắng thế với AMP - nền tảng đọc tin nhanh từ trang kết quả tìm kiếm của mình; còn Apple News - nền tảng tương tự của Apple, cũng tận dụng được lượng người dùng iOS đông đảo.

Để vực dậy niềm tin từ các nhà xuất bản tin tức, Facebook sẽ thử nghiệm dựng “bức tường phí” (paywall) ngay trên Instant Article, tức không cho người dùng đọc tin tức chia sẻ dưới dạng Instant Article, trừ phi họ trả tiền cho tờ báo đó.

Trong thông báo ngày 19-10, Facebook cho biết sẽ bắt đầu thử nghiệm với một số tờ báo ở Mỹ và châu Âu như The Washington Post, The Los Angeles Times, The TelegraphThe Economist trong vài tuần tới.

Thu phí độc giả là quan tâm hàng đầu của các tờ báo, vì thế Facebook cho biết các đối tác tham gia chương trình sẽ nhận 100% doanh thu. Đây là một động thái “nhún nhường” của Facebook, vừa thừa nhận yếu kém của Instant Article vừa bày tỏ thiện chí muốn thực sự cộng tác với báo chí.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận