Quảng trường Trần Quang Khải (TP Rạch Giá) rộng 4,2ha, vốn đầu tư 55 tỉ đồng là nơi để tổ chức nhiều sự kiện lớn của tỉnh Kiên Giang và TP Rạch Giá - Ảnh: B.ĐẤU
Người dân huyện cũng mê quảng trường ở thành phố
Toàn tỉnh Kiên Giang có 4 quảng trường phục vụ đời sống người dân như: Tượng đài Bác Hồ và quảng trường Phú Quốc, quảng trường Chiêu Anh Các (TP Hà Tiên), quảng trường Trần Quang Khải và quảng trường Phú Gia (TP Rạch Giá).
Trong đó, sau hơn 9 năm đưa vào hoạt động, quảng trường Trần Quang Khải đã phát huy hiệu quả phục vụ cộng đồng ở khu lấn biển, không chỉ là nơi phục vụ các chương trình, sự kiện trọng đại của tỉnh mà còn trở thành nơi vui chơi giải trí của người dân TP nơi biển Tây.
Chị Huỳnh Thảo Ngân (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) nói rằng với người dân tỉnh Kiên Giang, quảng trường Trần Quang Khải vài năm qua là nơi vui chơi giải trí không chỉ của giới trẻ mà còn có cả người lớn.
Nếu như hằng ngày, người dân ở TP Rạch Giá được tập thể dục buổi sáng tại quảng trường thì về đêm nơi đây cũng là nơi tổ chức trò chơi cho thiếu nhi.
Đặc biệt, mỗi dịp lễ Tết, nơi đây trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động mừng năm mới rất sôi động, đem lại những "món ăn tinh thần" mới lạ và bổ ích cho người dân.
"Tôi ở Giồng Riềng nhưng vẫn thường ra quảng trường xem các hoạt động trò chơi hay các hội chợ tổ chức ở đây. Ở đây vừa thuận tiện là trung tâm TP Rạch Giá vừa gần biển nên hầu như ai ai cũng thích", chị Ngân nói.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án ODA TP Rạch Giá cho hay quảng trường Trần Quang Khải được khởi công vào năm 2015, hoàn thành vào tháng 4-2016 đã thật sự phục vụ đời sống tinh thần của cư dân vùng biển Tây. Quảng trường có tổng diện tích hơn 4,2ha, với kinh phí hơn 55 tỉ đồng.
"Quảng trường Trần Quang Khải không chỉ phục vụ những sự kiện lớn, trọng đại của tỉnh Kiên Giang mà còn là nơi để người dân vui chơi, giải trí ngoài trời hiệu quả ở khu vực TP Rạch Giá hiện nay", lãnh đạo Ban quản lý dự án nói.
Nói về việc này, ông Bùi Trung Thực - phó chủ tịch UBND TP Rạch Giá - cho biết hiện nay quảng trường Trần Quang Khải phục vụ cộng đồng rất tốt trên địa bàn thành phố khi thông thoáng, điều tiết giao thông thuận lợi.
Quảng trường 10 Tháng 3, TP Buôn Ma Thuột với không gian rộng rãi, nhiều hàng cây xanh xung quanh là nơi vui chơi, lui tới hằng ngày của người dân - Ảnh: TR.TÂN
Hài hòa hiện đại với bản sắc, truyền thống
Tại TP Buôn Ma Thuột, quảng trường 10 Tháng 3 không chỉ được xem là công trình kiến trúc biểu tượng mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng quan trọng của người dân TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Trong lễ kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk cuối năm 2024, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Quảng trường và không gian đô thị Buôn Ma Thuột là minh chứng cho định hướng xây dựng trung tâm vùng Tây Nguyên văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc. Đắk Lắk cần phát huy lợi thế, xây dựng Buôn Ma Thuột thành đô thị xanh, điểm đến đáng sống và trung tâm kết nối vùng".
Nằm ở trung tâm thành phố, quảng trường được xây dựng trên nền đất bằng phẳng, từng là nơi tổ chức hội chợ và sự kiện nhỏ của địa phương. Hiện nơi đây được quy hoạch bài bản, bao quanh bởi các tuyến đường lớn như Trường Chi