Một cách nhìn khác vào trí khôn con người

HOWARD GARDNER 19/09/2012 04:09 GMT+7

TTCT - Trí khôn là niềm tự hào của loài người, chứng tỏ sự vượt trội của chúng ta so với các giống loài khác. Thế nhưng cách nhìn nhận của số đông về trí khôn lại bị hạn chế bởi những tiền kiến trong nhận thức, dẫn tới không ít ảo tưởng trong giáo dục và phát triển con người.

Phóng to

Khái niệm "chỉ số IQ" (chỉ số thông minh) nay đã lan ra toàn thế giới và đem lại niềm tin rằng trí khôn có thể được đo một lần và chỉ một lần là đủ. Điều này xuất phát từ "khái niệm thông dụng rằng trí khôn là một đặc điểm di truyền đơn nhất (hoặc một tập hợp các nét đặc điểm) được đánh giá một cách đáng tin cậy nhờ một cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ đồng hồ hoặc bằng một test đo nghiệm với giấy và bút".

Nhiều người mặc nhiên cho rằng người có chỉ số IQ cao nên được đánh giá cao hơn những người khác, từ đó dẫn đến sự sùng bái thái quá trí khôn logic, cũng như những phân biệt bất công giữa các nhóm chủng tộc, văn hóa...

“Có tồn tại ít nhất là một số trí khôn, chúng tương đối độc lập với nhau, và chúng có thể được các cá nhân và các nền văn hóa tạo ra và kết hợp lại thành vô vàn con đường thích nghi”.

Cuốn sách Cơ cấu trí khôn của Howard Gardner giúp chúng ta có một cách nhìn khác - cách nhìn tâm lý học - vào trí khôn con người. Tác giả đưa ra lý thuyết về "các dạng trí khôn" - cách gọi tắt của nhiều năng lực tương đối độc lập của trí tuệ con người - tức những "cơ cấu trí khôn" được dùng làm nhan đề cuốn sách.

Cho tới nay, bản chất và phạm vi cụ thể của mỗi "cơ cấu" vẫn chưa được xác lập thỏa đáng, cũng như số lượng cụ thể các trí khôn chưa được ấn định. Nhưng "có tồn tại ít nhất là một số trí khôn, chúng tương đối độc lập với nhau, và chúng có thể được các cá nhân và các nền văn hóa tạo ra và kết hợp lại thành vô vàn con đường thích nghi".

Những dạng trí khôn được trình bày và khảo sát ở đây gồm: trí khôn ngôn ngữ, trí khôn âm nhạc, trí khôn logic - toán, trí khôn không gian, trí khôn cơ thể - vận động và trí khôn cá nhân (gồm trí khôn cá nhân hướng vào bên trong con người mình và trí khôn cá nhân hướng sang người khác). Chúng không nhất thiết bộc lộ hết ở một con người, và cũng không cần phải có tất cả để thực hiện một dạng kỹ năng và kỹ xảo nào đó.

Một thủy thủ thổ dân Puluwat, một thiếu niên học thuộc lòng kinh Koran và nắm vững ngôn ngữ Ả Rập, hay một cô bé Nhật Bản dưới 10 tuổi có thể chơi những tác phẩm âm nhạc cổ điển phức tạp... đều có sự vận dụng khác nhau của các dạng trí khôn, và trí tuệ của họ đều xứng đáng nhận được sự trân trọng.

Những bằng chứng khoa học sinh học, tâm lý học... cùng các ví dụ văn hóa được trình bày chặt chẽ và hấp dẫn khiến chúng ta ngạc nhiên trước sự phức tạp trong cách thức bộ não vận hành, từ khả năng mẫn cảm trước sự tương tác giữa các hàm nghĩa ngôn ngữ của một nhà thơ, khả năng thao tác trên vật liệu âm thanh của một nhạc sĩ, đến thế giới trừu tượng và khổ hạnh của các nhà toán học...

Chính tác giả khẳng định "không có và vĩnh viễn không thể có một danh mục duy nhất không thể bác bỏ và được chấp nhận phổ biến về những trí khôn của con người", và với tư cách một nhà khoa học nghiêm túc, ông dành riêng một chương tự nhìn nhận những hạn chế trong lý thuyết của mình. Qua đó chúng ta có thể thấy con đường khám phá tiềm năng trí tuệ còn hết sức mênh mông.

Quy mô của cả những cái đã biết lẫn những cái chưa biết khiến chúng ta thấy rằng không thể phán xét một cách đơn giản "cái thực thể vừa hấp dẫn vừa kỳ lạ có tên là trí tuệ" ấy, và rằng giáo dục một con người là quá trình hết sức gian nan và cao quý. Bên cạnh việc nghiên cứu những dạng trí khôn riêng biệt, chúng ta cũng đồng thời phải nghiên cứu cách thức liên kết các dạng trí khôn đó với nhau và huy động chúng vì những mục đích mang tính xây dựng, nhằm giúp con người phát huy những tiềm năng trí tuệ và mục tiêu cao nhất là phát triển một nhân cách vừa độc đáo vừa hài hòa.

Howard Gardner (sinh năm 1943) là giáo sư tâm lý học nhận thức và tâm lý học giáo dục của Đại học Harvard. Ông được trao nhiều giải thưởng, trong đó có giải MacArthur năm 1981, giải Grawemeyer về giáo dục của Đại học Louisville năm 1990, giải Guggenheim năm 2000... và nhận được bằng danh dự của 28 trường đại học khắp thế giới.

THANH VÂN

___________

(*) Cơ cấu trí khôn: Howard Gardner, Phạm Toàn dịch, NXB Tri Thức, 2012

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận