Mô hình MCN ở Việt Nam

YÊN LAM 06/05/2020 06:05 GMT+7

TTCT - "MCN chỉ giúp các creator đi nhanh hơn bằng các quyền lợi hỗ trợ từ MCN, còn quyết định thành công hay không phụ thuộc vào nội dung của creator sáng tạo ra".

Ảnh: Digital Information World

Tại Việt Nam, mô hình MCN cũng không còn xa lạ, với các tên tuổi lớn thường được nhắc đến như POPS, Yeah1 Network, MeTub, Điền Quân Network, BHMedia… Câu chuyện “đảo chính” ở YouTube như bài viết Medium nêu lên với điển hình T-Series có đúng với thị trường MCN Việt Nam? TTCTđặt câu hỏi này với những người trong cuộc.

Tập đoàn Yeah1 là công ty truyền thông Việt Nam có mô hình hoạt động có nét tương đồng với T-Series. Trả lời TTCT, đại diện Yeah1 cho biết Yeah1 khởi nguồn từ việc sản xuất các nội dung để phát sóng trên các kênh truyền hình của công ty (Yeah1 TV, Yeah1 Family và iMovie) từ năm 2007 và bắt đầu đẩy mạnh phát triển kinh doanh sang mảng YouTube từ năm 2015 với các kênh được yêu thích thời gian đó là Phở, Ngọc Thảo, Yeah1 TV… “Tuy nhiên, T-Series thiên về một dạng nội dung trong khi Yeah1 sản xuất, mua bản quyền và khai thác nhiều loại nội dung đa dạng chủ đề, thể loại khác nhau như phim ảnh, giải trí, trẻ em…”.

Đại diện Yeah1 cho rằng MCN vẫn đảm bảo cả tiêu chí Broadcast Yourself (kết nối giữa YouTube với các creator - người tạo nội dung) và “sản xuất công nghiệp” (kết nối YouTube với publisher - nhà xuất bản nội dung), chứ không thiên hẳn về một phía nào. Vẫn theo vị đại diện này, không nhất thiết phải “sản xuất công nghiệp” thì kênh mới phát triển và thành công trên YouTube, chất lượng nội dung có thu hút và mang lại giá trị cho người xem hay không mới là yếu tố quyết định.

“MCN chỉ giúp các creator đi nhanh hơn bằng các quyền lợi hỗ trợ từ MCN, còn quyết định thành công hay không phụ thuộc vào nội dung của creator sáng tạo ra. Do đó các creator chỉ nên tham gia 1 MCN khi các quyền lợi và hỗ trợ từ MCN đó phù hợp và giúp creator đi nhanh hơn trên con đường thành công trên YouTube (như hỗ trợ truyền thông, sản xuất, kỹ thuật, bản quyền, tư vấn...)” - đại diện Yeah1 chia sẻ thêm.

Nói thêm về thị trường MCN ở Việt Nam, đại diện Yeah1 cho biết ngoài các MCN trong nước thì các MCN lớn ở nước ngoài cũng đang mở rộng và phát triển vào thị trường Việt Nam để cạnh tranh với nhau, nên cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt và khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Điều này buộc các nhà kinh doanh khai thác MCN phải nhanh nhạy hơn, đưa ra nhiều sự hỗ trợ mới mẻ, sáng tạo hơn, còn với creator thì họ sẽ có thêm nhiều lựa chọn để có được nhiều lợi thế hơn trước đây.

Bên cạnh đó, đội ngũ YouTube cũng đang phát triển mạnh mẽ và tích cực trực tiếp quản lý các creator cũng như ngày càng siết chặt chính sách với các MCN. Nhiều MCN đã bị YouTube chấm dứt giấy phép, thậm chí là các MCN đã gắn bó với YouTube trên 10 năm.

“Mảng MCN không còn là miếng bánh ngon như trước đây khi mà các MCN phải tăng mức chia sẻ doanh thu với creator, thông thường trước đây mức chia sẻ là 65-70% doanh thu nhận từ YouTube nhưng tỉ lệ này hiện tại đã lên tới 90-95% và thậm chí là 100% với các kênh lớn. Điều này đồng nghĩa với việc phần lớn các MCN đang lỗ chi phí hoạt động” - đại diện Yeah1 cho biết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận