'Kho báu' từ kiện hàng 'bom'

HẠ LAM 20/10/2023 02:59 GMT+7

TTCT - Những món hàng mua qua sàn thương mại điện tử nhưng không có người nhận hoặc bị trả lại cũng có thể "có giá" và mang lại niềm vui, thậm chí may mắn phát tài, cho nhiều người.

Ảnh: ecomcrew.com

Ảnh: ecomcrew.com

Mua hàng "bom" - đơn hàng bị hủy, trả lại vì người đặt mua không nhận - đang là thú vui mới của nhiều người. Có người chỉ đơn giản muốn giải trí - "khui hàng", "đập hộp" là những niềm vui đi kèm chuyện mua sắm online. 

Có người muốn thư giãn với trò may rủi. Cũng có người nghiêm túc xem đây là cơ hội "đãi cát tìm vàng", nếu may mắn mỉm cười họ có thể tìm thấy "kho báu" trong những đơn hàng bị trả lại, được gom ngẫu nhiên và rao bán theo kiện trên chính các sàn thương mại điện tử.

Kẻ bỏ, người mua

Theo phân tích của Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ và Công ty phần mềm Appriss Retail, năm 2021 trung bình người mua hàng trả lại 16,6% đơn hàng đã đặt, tăng 6% so với năm 2020 và gấp đôi năm 2019. Số hàng hóa bị trả lại trong năm gây ra tổng thiệt hại doanh thu lên đến 761 tỉ USD. Đó là chưa kể những đơn hàng không giao được hoặc bị người mua đổi ý "phút 91" và từ chối nhận.

Theo quy trình, sàn thương mại điện tử sẽ trả những sản phẩm này lại cho người bán để chúng bắt đầu một "vòng đời" mới - được bày bán lại và giao cho người mua tiếp theo. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề rắc rối phát sinh nếu làm cách này, chẳng hạn kiểm đếm số lượng và tình trạng của sản phẩm bị "bom". 

Trong nhiều trường hợp, giá trị của mỗi đơn hàng bom không đáng kể, nếu hàng "săn sale", khuyến mãi thì có thể có giá 0 đồng. Người bán rõ ràng không có nhu cầu nhận lại những đơn hàng giá trị thấp như thế vì họ phải bỏ ra chi phí logistics còn lớn hơn số tiền lời mà đơn hàng mang lại.

Để xử lý những đơn hàng không có khả năng bán lại ngày càng chất cao như núi này, giải pháp của các sàn thương mại điện tử như Amazon (Mỹ) là: gom nhiều đơn hàng ngẫu nhiên lại với nhau và đóng chúng thành một kiện (return pallet). Mỗi kiện gồm vài hoặc vài chục sản phẩm, sau đó bán thanh lý cho những đơn vị hoặc cá nhân có nhu cầu mua.

Bất kỳ ai cũng có thể mua những kiện hàng này từ Amazon với giá đôi khi chỉ 200 USD, nhưng cũng có thể cao ngất ngưởng tận 13.000 USD, tùy vào số lượng đơn hàng "bom" trong kiện, theo tìm hiểu của trang fool.com. Tuy nhiên, người mua không được biết trước chính xác có gì bên trong cho đến khi họ khui hàng.

Ngoài Amazon, có rất nhiều trang web bán kiện hàng "bom" khác ở Mỹ. Chẳng hạn các trang Direct Liquidation, BULQ, Liquidation.com, BoxFox và eBay bán những kiện hàng "bom" bằng hình thức đấu giá. 

Một số trang cho phép lựa chọn kiện hàng theo loại sản phẩm, như thời trang, gia dụng… thay vì tổng hợp "loạn xà ngầu" các mặt hàng. Một số giao hàng tính phí, một số cho phép người mua đến nhận hàng và tự vận chuyển.

Thú khui hàng "bom"

"Chúng tôi bỏ 615 USD mua một kiện hàng trả lại trên Amazon", "Đập hộp kiện hàng trả lại khổng lồ trị giá 4.000 USD" là những tiêu đề video phổ biến trên YouTube và TikTok, tiêu biểu cho xu hướng làm nội dung dễ lan truyền nhất ngày nay. Đa số các video đều gắn kèm hashtag "truy tìm kho báu". Và quả là kho báu có đến thật.

Năm ngoái, tờ New York Post đưa tin YouTuber có tên HopeScope đã chi 7.000 USD mua một kiện hàng gắn nhãn "hàng cao cấp" bị thất lạc từ nhà đấu giá Erkelens & Olson. Mở từng chiếc hộp trong kiện trước ống kính máy quay, chủ kênh không ngừng reo mừng vui sướng trước những thương hiệu xa xỉ nhất thế giới đang bày ra trước mắt. 

Tổng cộng, cô đã nhận được không dưới 19 chiếc quần hiệu Ralph Lauren, 7 chiếc ví Louis Vuitton và 3 chiếc túi cùng thương hiệu và kính Gucci, dây chuyền Hermes và túi xách Hermes. Nếu chúng quả thật đều là hàng chính hãng, tổng giá trị ước tính lên đến hơn 55.000 USD.

Ảnh bìa một video khui hàng bom trên kênh YouTube Jamie and Sarah.

Ảnh bìa một video khui hàng bom trên kênh YouTube Jamie and Sarah.

Chưa bàn đến góc độ kinh tế, xét về mặt tinh thần, HopeScope chắc hẳn đã đạt được mục đích cơ bản ban đầu khi quyết định mua kiện hàng "bom", đó chính là tìm kiếm điều bất ngờ và thử vận may xem mình có thu được món hời nào không.

Hiện nay, nhiều TikToker, YouTuber và tài khoản nổi tiếng trên Facebook thường xuyên tung những video khui kiện hàng "bom" như HopeScope. Họ chọn mua kiện hàng mà không biết trước những sản phẩm trong kiện là gì, mặc kệ chúng có thể có giá trị thấp hơn hoặc cao hơn số tiền đã bỏ ra.

Về cơ bản, đối với những người này, mua hàng "bom" giống như chơi một trò may rủi và chỉ nhằm thỏa mãn cảm giác khui hàng xem điều bất ngờ gì đang đợi mình. Có người còn so sánh giống với mua xổ số.

Ở vị trí của người xem, xem người khác mở một món quà bất ngờ khơi dậy cảm giác hồi hộp chờ đợi và thích thú trước biểu cảm của người làm video. Do đó, dễ hiểu vì sao những video khui kiện hàng "bom" mua từ các sàn thương mại điện tử có độ lan truyền rất lớn trên mạng xã hội.

Cơ hội kinh doanh có lãi?

Tuy nhiên đối với một người, đây chính là cơ hội kinh doanh. Thử tưởng tượng nếu thành công bán lại những món đồ đã "đập hộp", HopeScope có thể lời gấp gần 8 lần số vốn bỏ ra mua kiện hàng "bom" ban đầu.

Cặp đôi Jamie và Sarah McCauley là ví dụ điển hình cho mánh làm ăn siêu lợi nhuận này. Theo những giấy tờ mà CNBC có được, từ tháng

12-2020, cặp vợ chồng này bắt đầu mua đi bán lại những lô hàng bị hoàn trả của các chuỗi siêu thị hay nền tảng thương mại điện tử như Target, Walmart và Amazon.

Công việc này không quá phức tạp. Họ đi tới nhà kho ở địa phương, hỏi mua lại những thùng hàng bị trả lại với giá trung bình 550 USD/thùng và đăng bán riêng lẻ từng sản phẩm trong đó. Tính đến tháng 12-2022, ước tính hai vợ chồng đã chi tổng cộng khoảng 7.150 USD mua hàng "bom" theo lô để bán lại, và thu về khoản lời lên tới 19.500 USD.

Câu chuyện một vốn đem về gần gấp ba lời của nhà McCauley rõ ràng nghe thật hấp dẫn và chắc càng thôi thúc mãnh liệt hơn cho những ai có ý định thử sức với nghề "lướt sóng" mặt hàng này.

"Hàng bom" bán theo lố trên eBay.

"Hàng bom" bán theo lố trên eBay.

Tuy nhiên, trang fool.com cảnh báo dù đây có vẻ là nghề tay trái "ngon ăn", nhưng có thể sẽ không tạo ra đủ lợi nhuận để một người bỏ hẳn công việc cố định hằng ngày. Thực tế, mọi thứ không hề đơn giản và nhẹ nhàng như những gì thấy trên mạng. Người mua tốt hơn hết phải đến tận kho thanh lý xem xét nhãn hiệu và mô tả trên các đơn hàng để biết bên trong có những gì.

Với một thực tế là không ai đảm bảo chất lượng hàng hóa trong kiện hàng "bom", trang fool.com ước tính người mua có thể thu lại khoảng 50-60% giá trị thị trường nếu đó là mặt hàng đã qua sử dụng "sương sương". Đối với những mặt hàng bị lỗi, người mua có thể phải tự sửa chữa hoặc chia chúng thành nhiều phần để bán riêng lẻ.

Jamie cho biết thông thường hai vợ chồng anh có thể bán lại trung bình khoảng 25 sản phẩm từ mỗi kiện hàng "bom" mua qua Amazon và bỏ túi 1.880 USD, nhưng họ cũng từng gặp phải một thùng hàng chứa tới 19 mặt hàng mãi vẫn ế sưng.

Mặt khác, để định giá món hàng định bán, một lần nữa họ lại cần tìm đến địa chỉ tham khảo không đâu xa lạ chính là Amazon. Theo lời khuyên của fool.com, chỉ cần giảm giá mặt hàng ở mức 50-60% so với giá mà Amazon đang bán là đủ để người mua bù đắp chi phí cho kiện hàng "bom" và có thêm một chút lợi nhuận.

"Địa điểm" lý tưởng để bày bán những món hàng "bom" theo gợi ý của fool.com là những mạng rao vặt như Facebook Marketplace và Craigslist với mức chi phí thấp, hoặc trên chính Amazon. Ngoài ra, các dịch vụ khác tính phí từ 8-15% giá bán.

Rõ ràng có rất nhiều việc phải làm nếu có ý định kinh doanh hàng "bom" nhưng con số thu về thì không ai dám nói trước. Nếu kiện hàng có những sản phẩm tốt, người bán có thể ra giá cao hơn 100 - 200% so với số tiền bỏ ra ban đầu. Tuy nhiên, có khi chỉ đủ bù chi phí.

Trang này khuyên bạn đọc đừng mong làm giàu từ việc kinh doanh kiện hàng "bom" theo kiểu đầu tư lướt sóng như vậy. Ngoài những khó khăn trên, fool.com nhấn mạnh buôn hàng "bom" chỉ lý tưởng đối với những ai có thể chủ động phương tiện vận chuyển và sẵn sàng dành 10 - 15 tiếng mỗi tuần để nào là phân loại hàng hóa, nào là lập danh mục sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Vợ chồng McCauley ban đầu chỉ làm việc này như một trò giải trí cho vui và dù may mắn có được kết quả khá "rủng rỉnh", họ cũng không chủ quan. "Tất nhiên, cũng có khi chúng tôi gặp phải thùng hàng chứa nhiều món đồ hư hỏng nặng. Việc khui thùng hàng giống như một canh bạc" - cặp đôi nói.

Không rõ ở Việt Nam cách gọi hàng "bom" (hay "boom") bắt nguồn ra sao và khi nào nhưng từ này, cùng với hành động "bom hàng" (đặt mua nhưng khi hàng giao đến thì không nhận) đã phổ biến rộng khắp cùng với sự phát triển của thương mại điện tử.

Trên các sàn thương mại điện tử phổ biến luôn có kết quả trả về khi tìm với từ khóa "kiện hàng bom/boom". Giới sáng tạo nội dung cũng thi nhau làm các video khui hàng "bom" hài hước.

Tất cả theo đúng tinh thần vui là chính, như trong phần rao (nguyên văn) của một người bán kiện hàng "bom" trên sàn S: "Hàng boom chỉ dành cho các bạn đam mê unbox, đam mê trải nghiệm, đam mê khám phá, nếu bạn không thuộc tuýp người đó thì shop nghĩ bạn đừng nên chọn hàng boom".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận