Hợp tác công tư để cải thiện tầm vóc quốc gia

NGUYÊN HẠNH 05/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Không phải vô tình mà Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) từ năm 2001 đã chọn ngày 1-6 hằng năm làm Ngày sữa thế giới. Đây là ngày nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sữa, nguồn canxi phong phú và cung cấp dinh dưỡng cho con người.

Bữa ăn trưa, với phần không thể thiếu là một hộp sữa, là một phần của việc giáo dục dinh dưỡng cho học sinh Nhật Bản. Ảnh: Independent
Bữa ăn trưa, với phần không thể thiếu là một hộp sữa, là một phần của việc giáo dục dinh dưỡng cho học sinh Nhật Bản. Ảnh: Independent

Cùng với FAO, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chính phủ các nước phát triển đều khuyến cáo sử dụng sữa trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày là có lợi cho sức khỏe.

Mô hình Thái Lan

Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á thực hiện các chính sách khuyến khích tinh thần tự nguyện và sự tham gia của cộng đồng vào việc nâng cao chất lượng chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Chương trình sữa học đường cung cấp sữa cho trẻ em Thái trong khoảng 3-12 tuổi tại tất cả các trường công lập và tư nhân kể từ năm 1992.

Khởi đầu, một số địa phương được lựa chọn như Bangkok và Chiangmai đã thí điểm chương trình cho phép phụ huynh mua sữa với mức giá thấp hơn 25% giá gốc, thông qua tem phiếu phát hằng tháng cho con em của họ tại các trường mầm non và tiểu học. 

Đây là tiền đề cho chương trình sữa học đường tại Thái Lan. Qua nhiều năm, chương trình này dần phát triển và cung cấp 200ml sữa miễn phí cho học sinh mỗi ngày.

Năm 2003, Quốc hội Thái Lan đã thống nhất sữa dùng trong chương trình sữa học đường phải được xử lý theo quy trình UHT, tức tiệt trùng ở nhiệt độ cao khoảng 140oC, trong khoảng 4 đến 6 giây, hoặc thanh trùng, tức được xử lý ở mức độ nhiệt vừa phải khoảng từ 75-90oC.

Theo đề xuất của chính quyền Bangkok, toàn Thái Lan sẽ được chia thành 3 khu vực sữa học đường. Nguyên lý hoạt động của ý tưởng này là buộc người tiêu dùng và nhà cung cấp phải thực hiện mua bán sữa trong cùng một khu vực. 

Ví dụ như sữa tươi của khu vực 1 phải được xử lý và tiêu thụ tại khu vực 1. Hệ thống phân khu này nhằm cân bằng cung cầu và giúp việc phân bổ nguồn lực trở nên hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, các nhà máy sữa muốn trở thành nhà cung cấp cho chương trình sữa học đường buộc phải được Bộ Công nghiệp cấp phép, cũng như sở hữu giấy chứng nhận an toàn thực phẩm hợp lệ từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Thái Lan và có hợp đồng dài hạn để mua sữa nguyên liệu địa phương.

Tất cả sữa phân phối cho các trường đều được làm từ sữa tươi nguyên chất, không phải sữa bột. Đến năm 2004, toàn bộ các nhà cung cấp sữa cho trường học phải đạt chứng nhận HACCP, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu.

Cơ quan kiểm soát ngân sách chương trình sữa trường học phải báo cáo toàn bộ ngân sách cho Ủy ban Chính sách sữa quốc gia, trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Thái Lan.

Theo Báo cáo chi tiêu công của Thái Lan do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố năm 2011, ngân sách dành cho chương trình sữa học đường thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. 

Chính quyền địa phương có nghĩa vụ quản lý và phân bố nguồn quỹ cho các trường học trong địa bàn. Nguồn quỹ này thường được trao cho các trường trước khi năm học bắt đầu.

Dù vậy, báo cáo của UNICEF cho thấy việc không cấp quỹ đúng hạn đầu năm học là vấn đề lớn nhất của chương trình sữa học đường tại Thái Lan. Ngoài ra, chương trình sữa học đường của Thái tại nhiều địa phương cũng gặp vấn đề khi không tiếp cận được toàn bộ đối tượng học sinh và không cung cấp đủ sữa trong 200 ngày học.

Tuy chương trình sữa học đường của Thái vẫn cần nhiều điểm điều chỉnh về việc mở rộng độ bao phủ, cũng như ngân sách, đây vẫn là một mẫu hình đáng học hỏi cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Theo tờ Rappler (Philippines), mô hình của Thái Lan cho thấy tính hiệu quả khi các cơ quan chính phủ phối hợp với nhau. 

Bộ Giáo dục, Nội vụ và Nông nghiệp nước này đã cùng hợp tác để nâng cao sức khỏe thể chất cùng chế độ dinh dưỡng của trẻ em Thái Lan, đồng thời tạo ra sinh kế cho người dân địa phương và cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.

Vượt qua hỗ trợ tài chính, Bangkok đã đưa ra nhiều nỗ lực để giữ chương trình này cân bằng giữa số lượng và chất lượng, tạo tiền đề để phát triển xa hơn.

Chương trình sữa học đường của Thái Lan được đánh giá là hình mẫu đáng tham khảo. Ảnh: DLD Channel
Chương trình sữa học đường của Thái Lan được đánh giá là hình mẫu đáng tham khảo. Ảnh: DLD Channel

Chính sách tạo nên sự khác biệt

Nếu Thái Lan cung cấp một mẫu hình đáng học hỏi ở khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản lại được cho là một trong những nước tiên phong về chương trình sữa học đường tại châu Á.

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản phải đối mặt tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ trên khắp cả nước. Thách thức này đòi hỏi một giải pháp toàn diện để giải quyết khi gần đe dọa toàn bộ hệ thống xã hội và giáo dục của xứ sở mặt trời mọc.

Theo công ty đóng gói thực phẩm đa quốc gia Tetra Pak (Thụy Điển) - vốn tham gia chương trình sữa học đường tại nhiều quốc gia, chương trình cung cấp bữa trưa tại trường học và việc giáo dục sức khỏe được đề xướng tại Nhật Bản lần đầu tiên vào năm 1946.

Liên hiệp Các cơ quan được cấp phép cứu trợ tại châu Á (LARA), UNICEF đã phối hợp cùng Bộ Giáo dục, Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế Nhật Bản nhằm gây quỹ cho sữa trong giai đoạn 1949-1951. 

Vì sữa dần chiếm vai trò quan trọng như nguồn cung dưỡng chất thiết yếu trong các bữa trưa ở trường học, phụ huynh Nhật Bản bắt đầu đón nhận nguồn hỗ trợ. Các Hiệp hội phụ huynh và giáo viên (PTA) cũng tổ chức hoạt động tình nguyện phân phát sữa cho trẻ.

Theo Đạo luật ăn trưa học đường, chi phí cho chương trình ăn trưa cho học sinh, trong đó bao gồm chương trình sữa học đường, sẽ được chia sẻ giữa chính quyền địa phương, trường học, phụ huynh và chính phủ.

Cụ thể, chi phí xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất và tiền lương cho nhân công sẽ do chính quyền địa phương gánh vác. Phụ huynh học sinh sẽ chịu chi phí thực phẩm và năng lượng, trong khi ngân sách quốc gia sẽ hỗ trợ các trường học trong việc xây dựng cơ sở vật chất cần thiết.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách giáo dục quốc gia Nhật Bản (NIER) chỉ ra rằng chương trình ăn trưa học đường của Nhật đến năm 2009 đã có sự thay đổi lớn, với sự ra đời của Chương trình giáo dục dinh dưỡng và thực phẩm (Shokuiku).

Từ đây, Nhật Bản đã biến bữa ăn trưa của học sinh trở thành một phần của việc giáo dục dinh dưỡng cho học sinh, giúp các em biết cách xây dựng và duy trì chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe.

Dù vậy, với nhận thức về chế độ dinh dưỡng ngày càng tăng, chương trình sữa học đường cũng đối mặt với nhiều thách thức khi buộc phải thay đổi theo hướng cá nhân hóa nhiều hơn. Điều này xuất phát từ việc mỗi học sinh có các vấn đề khác nhau về dị ứng, rối loạn tiêu hóa hoặc ảnh hưởng từ truyền thống của các nhóm thiểu số, theo NIER.■

Theo một báo cáo đăng trên trang web của FAO do Pensri Chungsiriwat và Vipawan Panapol (Cơ quan phát triển vật nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp Thái Lan) thực hiện, chương trình sữa học đường của Thái xuất phát từ chuyến thăm Đan Mạch của vua Bhumibol Adulyadej và hoàng hậu Sirikit vào năm 1960.

Sau chuyến đi này, một dự án hợp tác trang trại sữa với hỗ trợ từ quốc gia châu Âu được khởi động ở tỉnh Saraburi. Hợp tác xã sữa Thái - Đan Mạch khánh thành vào ngày 17-1-1962, đặt nền móng cho ngành sữa của Thái Lan. 

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 1960, ngành công nghiệp sữa còn non trẻ đã đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung sữa nội địa vì nhu cầu tiêu thụ thấp.

Năm 1969, một nhóm nông dân đã cầu cứu nhà vua và vua Adulyadej đã cho xây dựng nhà máy sản xuất sữa bột ngay trong khuôn viên của tổ hợp Cung điện Dusit ở Bangkok. Năm 1970, chính quyền tỉnh Ratchaburi cấp khoảng 8ha đất và 1 triệu baht để xây dựng nhà máy sữa bột ở Nongpho.

Nhà vua cũng tài trợ hơn 1 triệu baht cho dự án này. Nhà vua mang ngành sữa về Thái Lan, và hoàng gia liên tục cùng với chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển cho ngành công nghiệp này.

Song song với các chương trình do hoàng gia hỗ trợ, chính phủ Thái Lan còn thực hiện hàng loạt chiến dịch nhằm cổ vũ người Thái tiêu thụ sữa. 

Chiến lược thành công nhất trong số các nỗ lực này là chính sách sữa học đường, do Ban vận động uống sữa quốc gia (NMDCB) đề xuất năm 1992 với ý tưởng “một mũi tên rúng hai đích” khi vừa cứu được ngành công nghiệp sữa, vừa cung cấp thêm dưỡng chất cho học sinh.

Lúc này, Hợp tác xã sữa Thái - Đan Mạch được chuyển thành công ty nhà nước Tổ chức Xúc tiến chăn nuôi bò sữa Thái Lan (DPO) và quản lý chương trình sữa học đường. Theo báo cáo của DPO vào tháng 9-2014, công ty này quản lý ngân sách trên 13 tỉ baht mỗi năm để đảm bảo cung cấp sữa cho hơn 7 triệu học sinh.

Có thể nói Chương trình sữa học đường được coi là một phần nỗ lực củng cố sức khỏe dân số của Chính phủ Thái Lan. 

Tuy do Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan chủ trì, chương trình này nhận được sự hỗ trợ của Bộ Y tế và cả Bộ Giáo dục Thái Lan. Khảo sát tình hình sức khỏe giai đoạn 2008-2009 của Thái Lan cho thấy 56% trẻ 2-5 tuổi uống 200ml sữa mỗi ngày.

Chương trình ăn trưa và sữa học đường còn có sự tham gia của nhiều chương trình cộng đồng khác, được giám sát bởi kế hoạch xóa đói giảm nghèo của Bangkok. 

Kế hoạch này đã thành công trong việc hạ tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng từ 51% (1980) xuống còn 20% (1990) và đến năm 2006 chỉ còn 10%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận