Đợi rươi!

CẨM THÚY 12/11/2011 21:11 GMT+7

TTCT - Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm là dịp người dân vùng nước lợ ngoại thành Hải Phòng chầu chực ngoài đồng đợi rươi, một món ăn dân dã nay đã trở thành hàng hiếm.

Phóng to

Ông Vũ Văn Quang đi thuyền ra “máng” vớt rươi - Ảnh: Cấm Thủy

Tôi về xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng khi những cánh đồng vừa gặt xong. Bên những đầm nước ven bờ sông Hàn, một nhánh của sông Thái Bình, lượn lờ những chiếc xe máy của người buôn rươi. Họ và các chủ đầm tỏ ra hào hứng khi thấy tôi đến trên chiếc xe máy biển số Hà Nội.

Cả đầm rươi được có vài lạng

Bên căn lều đắp bằng đất của ông Vũ Văn Quang, nhà ở thôn Nam Phong, xã Kiến Thiết, là một đầm nước hơn 6 mẫu toàn gốc rạ, nước đang chảy dưới một cửa cống xây gạch, qua một khung lưới chắn ngang, phía dưới thắt lại như cái túi. Đó là cái “săm” để đón rươi, còn cái cống gọi là “máng rươi”. “Từ sáng tới giờ chưa được cân nào, bác đợi một chốc may ra mới có rươi” - ông Quang ngồi trong lều hút thuốc lào nói vọng ra.

Không nhiều, nhưng vẫn có những con rươi màu đỏ hồng bơi vun vút trên mặt nước. Có những con rươi lớn vừa bơi vừa xả ra đằng đuôi một vệt trắng, người ta gọi đó là bột rươi. Đây là loại rươi ngon nhất, đắt nhất. Hồi đầu mùa, rươi loại này có giá 500.000-600.000 đồng/kg tại Hà Nội, và không phải lúc nào cũng có. Rươi loại nhỏ thì có nhiều màu xanh, đen và giá rẻ hơn. Ông Quang bảo rươi to hay nhỏ phụ thuộc con nước và thổ nhưỡng từng đầm.

“Như thế này mới gọi trướng rươi thôi, chưa có nhiều. Mà cũng chả biết từ nay đến hết con nước thì có được tí nào không nữa” - bà Vũ Thị Bẩy, vợ ông Quang, nói trong lúc luôn miệng kêu nghề rươi vất vả, khổ sở. “Trướng rươi” là khi rươi lên thưa thớt trước con nước chính. Khi thủy triều ngoài biển đẩy nước lợ trong sông tràn vào đồng, rươi mừng rỡ chui lên!

Phóng to

Rươi bò lúc nhúc - Ảnh: Cấm Thủy

Trong con nước “đôi mươi” tháng trước, vợ chồng ông Quang đã thu được hơn 40kg rươi, giá mỗi ký bán tại máng khi đó là 220.000 đồng.

“Năm ngoái được nhiều nhất, khoảng hai tạ. Nhưng kiếm được vài chục triệu đồng ấy cũng khổ lắm. Chúng tôi có nhà trong xóm, nhưng nước rươi thì cứ phải ra nằm chầu chực trong cái lều này, chờ khi nào có rươi thì vớt, nửa đêm cũng phải làm” - bà Bẩy phân trần và cho biết thêm chỉ riêng cái máng gạch vừa xây để quây lưới kia đã tốn hết 5 triệu đồng. Theo bà thì cả lúa lẫn rươi từ 6 mẫu đầm này mỗi năm để được ra đôi chục triệu là thắng rồi.

Cách đầm nhà ông Quang vài chục mét là đầm của nhà bà Đặng Thị Hoài. Không khí ở đây có vẻ rôm rả vì mấy người buôn rươi đang quây quần quanh chiếc chậu nhựa đã có khoảng hơn ký rươi phì đầy bong bóng. “Không ai nuôi nấng gì được đâu. Chỉ cố làm sao khi gặt lúa xong thì để rạ lại cho mùa sau đất xốp mới có rươi. Lúa sâu bệnh cũng không dám phun thuốc nên lắm khi lúa hỏng mà phải chịu đấy” - bà Hoài nói.

Ông Vũ Văn Chiến, chồng bà Hoài, cho biết thửa đầm này mới được cày vỡ, cải hoán nên rươi ngon hơn. Ông giải thích: “Nó như con giun nằm dưới đất bùn. Đất càng sạch, càng xốp thì rươi càng to, càng ngon. Như hôm nay thì mới là nước đầu, gọi là “rấp bãi” thôi, ngày kia mới là nước chính. Khi ấy nước lên đến đâu, rươi nổi lên đến đấy, nước rút ra sông thì rươi cũng theo ra sông nhưng bị bắt khi đi qua cái săm này”. Ông Chiến bảo hôm nay rươi chưa “chín” hẳn, còn nhỏ con, ít bột. Vào chính con nước, rươi vừa nhiều vừa to con hơn.

Phóng to

Rươi đựng trong khay xốp, rưới nước đá cho ngủ để chuyển đi xa - Ảnh: Cấm Thủy

Đi tiếp trên đường đê chừng gần cây số, tôi gặp một chủ đầm rươi trẻ tên Vũ Văn Sang đang bắt những chú cá rô phi trong “săm” ra “kẻo nó quẫy thì nát hết rươi”.

Mới 31 tuổi, Sang vẫn còn nhớ quá khứ oanh liệt của vùng rươi này: “Khi tôi còn bé, khu bãi này còn hoang hóa, không có bờ vùng bờ thửa, chỉ trồng cói, cá tôm nhiều, rươi thì vô kể. Cứ nước rươi là cả làng cầm rổ rá, giậm, vợt đi vớt rồi lấy thúng, chậu đựng rươi. Nhiều quá thì đổ ra bạt rồi gánh đi bán, bán không hết mà ươn thì đổ đi, mang về chỉ có tanh hôi cửa nhà. Khi ấy ai nghĩ đến việc chờ đợi, chầu chực từng cân từng lạng như bây giờ”.

Rồi Sang bảo ngoài rán chả, người vùng này còn làm mắm rươi, kho rươi, nấu canh rươi, thậm chí cả lẩu rươi. “Nhưng chúng tôi cũng đôi khi mới dám ăn hoang thế thôi, vài người ăn một bữa là tiền triệu như không đấy” - Sang cười. Đó là vì con rươi từ khi lên khỏi máng, vào đến bàn ăn trong TP Hải Phòng đã qua hai ba cầu lời lãi, giá gấp rưỡi. Lên đến chợ Hàng Bè, chợ Bắc Qua ở Hà Nội, giá có thể đã gấp đôi.

Rươi ngày càng hiếm, nhưng trong khoảng mươi xã có rươi ở khu vực Tiên Lãng, Vĩnh Bảo của TP Hải Phòng đã xuất hiện vài “tổng đại lý” thu gom rươi để chở ra Móng Cái bán sang Trung Quốc.

Phóng to

Người buôn rươi đến tận máng mua - Ảnh: Cấm Thủy

“Nâng trứng, hứng rươi”

Sự nhiều của rươi qua chuyện đong rươi bằng thúng, đựng bằng thuyền, thậm chí đi vào tục ngữ “trộm cắp như rươi” nay đã trở thành quá khứ. Rươi hiếm, giá cao ngất, có người bảo rằng đi buôn rươi mà như buôn thuốc phiện, lắm khi phải lén lút. Ấy là vào mùa rươi năm ngoái, khu vực này bỗng xuất hiện một nhóm côn đồ chặn người buôn rươi “thu tô” mỗi ký 20.000 đồng, ai không cho sẽ bị chém tan hộp xốp hoặc cắt đứt dây co buộc rươi.

Công an huyện Tiên Lãng nhận được tin này đã cử cảnh sát hình sự mật phục và tóm gọn năm tên “cướp rươi”, một loại tội phạm chưa từng có trong lịch sử tội phạm Việt Nam! Cũng năm ngoái, một người ở huyện An Lão kề bên đã thiệt mạng trong một cuộc tranh chấp đầm rươi.

Trong một ngày lang thang ở vùng rươi Tiên Lãng, tôi gặp cả những người buôn rươi đến từ Thái Bình. Trong số đó, cô gái trẻ xinh tên Giang, nhà ở xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, cho biết ngày thường cô buôn cá, đến vụ rươi thì chạy xe máy sang Hải Phòng cất rươi. Mua tại máng 220.000 đồng/kg, về chợ Đông Sơn, chợ Cầu Nguyễn bán 250.000 đồng, trừ xăng xe còn lãi một đôi trăm. “Vấn đề là phải có rươi. Chứ cứ đến đợi rồi về không thì chỉ có hỏng xe, tốn xăng” - Giang nói.

Ông Nguyễn Văn Thành, một người dân Kiến Thiết tôi gặp hôm ấy, cũng là một đại lý rươi cỡ nhỏ, chuyên cất rươi từ làng ra bán buôn ở chợ Đổ trong nội thành Hải Phòng. Ông bảo làm rươi cũng tinh tế như làm hoa. Rươi phải gột nước cho thật sạch, lấy khăn sạch thấm khô rớt dãi, rồi giội nước đá vừa tan cho rươi ngủ, nếu để rươi bò sẽ ra nhớt, làm rươi bị “vít”, tức rớt dãi bít chặt các lỗ thở khiến rươi ngạt mũi mà chết! “Đúng là nâng trứng, hứng rươi. Trông lúc nhúc thế này nhiều người kinh hãi lắm, nhưng họ không biết là nó sạch nhất trên đời đấy” - ông Thành cười nói.

Trên đường về qua huyện Vĩnh Bảo, tôi tình cờ gặp một đại lý rươi. Lại là cảnh hàng chục người chầu chực đợi chờ rươi từ đầm về, trong khi một số người đã đến lượt thì khẽ khàng nhúp từng vốc rươi đặt vào từng chiếc khăn vải rồi để lên bàn cân.

Cũng những chiếc khăn cotton ấy, họ nhẹ nhàng chấm vào từng đám rươi để thấm cho sạch nhớt, rồi rưới vào rươi vài bát nước lạnh từ một xô nhựa đựng đá đang tan, y như quy trình trong lý thuyết của ông Thành giảng giải với tôi khi nãy. Nắn nót, khẽ khàng như đang tắm cho một em bé sơ sinh, đúng là họ đang “nâng trứng, hứng rươi”, trong khi những người khác kiên nhẫn đợi rươi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận