Điểm IELTS để làm gì?

NGUYỄN VŨ 02/03/2024 14:55 GMT+7

TTCT - Đó là một chứng chỉ Anh ngữ, và nên cứ là như thế.

Ảnh: GyanDhan

Ảnh: GyanDhan

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh thành dừng tuyển thẳng hay cộng thêm điểm ưu tiên cho học sinh thi vào lớp 10 công lập có chứng chỉ ngoại ngữ kiểu IELTS, nhiều phụ huynh đã tốn kém khá nhiều tiền cho con em học tiếng Anh tại các trung tâm sẽ thất vọng, tiếc nuối công sức đã bỏ ra. 

Nhưng đại đa số phụ huynh khác, không đủ điều kiện tài chính như thế, sẽ thở phào nhẹ nhõm vì tránh được cho con mình một cuộc đua tranh không công bằng.

Yếu tố nào là quan trọng nhất trong tuyển sinh vào lớp 10 công lập? Đó là cân đo khả năng của các em theo đuổi tốt nhất 3 năm học phổ thông trung học - và hai môn cơ bản để đo lường năng lực này của các em chính là văn và toán. 

Môn văn để xác định khả năng đọc hiểu, tiếp nhận thông tin rồi diễn đạt ý tưởng khi học các môn khác; môn toán nhằm đo lường trình độ suy luận logic, tư duy nhạy bén, góc nhìn tổng thể. Môn tiếng Anh không có chức năng này.

Điểm IELTS, đo lường kỹ năng tiếng Anh của các em, sẽ chỉ cần thiết nếu đây là kỳ thi tuyển sinh vào các lớp trong đó ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh. Dùng điểm IELTS để xét miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì còn có lý, chứ để tuyển thẳng hay cộng thêm điểm cho thí sinh thi vào lớp 10 công lập là sai mục đích, nên yêu cầu của Bộ GD-ĐT là hợp lý.

Phải nói Việt Nam gián tiếp tạo điều kiện cho những nơi tổ chức kỳ thi IELTS có thêm nhiều khách hàng. Lấy ví dụ khi Bộ GD-ĐT công nhận IELTS là chứng chỉ tiếng Anh dùng để miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nếu thí sinh đạt trên 4.0, số lượng người thi IELTS tăng lên ngay. 

Theo Vietnam News, trong năm 2021 có 28.600 thí sinh được miễn thi môn tiếng Anh nhờ có chứng chỉ IELTS từ 4.0 điểm trở lên, thì đến năm 2022, con số này tăng thành 35.000 và năm 2023 lên đến 47.000. 

Năm 2018, chỉ có 1,5% người thi IELTS trong độ tuổi 16-18 thì đến năm 2022, tỉ lệ này tăng lên 30%, trong độ tuổi 16-22 còn vọt lên 62%. Có thể đó là do một tỉ lệ lớn sinh viên phải thi lấy điểm IELTS để được công nhận tốt nghiệp đại học.

Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có đến 27 trường đại học, học viện được công nhận đủ điều kiện tổ chức các kỳ thi này. 

Đáng tiếc cũng như các loại chứng chỉ A, B, C ngày trước, kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh không được tin cậy và không được sử dụng rộng rãi. Ngay cả Bộ GD-ĐT khi quy định miễn bài thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cũng chỉ đề cập đến các chứng chỉ như TOEFL hay IELTS cho môn tiếng Anh, mà không hề công nhận chứng chỉ ngoại ngữ do các cơ sở giáo dục Việt Nam cấp. 

Chỉ mới gần đây trong dự thảo sửa đổi quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bộ mới bổ sung chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc sẽ được miễn thi. Chưa biết bao giờ dự thảo này được chính thức áp dụng.

Sự quan trọng hóa điểm IELTS nói riêng và trình độ ngoại ngữ nói chung ở Việt Nam cho thấy chúng ta chưa bắt kịp xu hướng mới trong học và dạy ngoại ngữ. 

Quan điểm của các tỉnh thành khi ưu tiên học sinh thi vào lớp 10 đạt IELTS từ 4.0 điểm trở lên là nhằm khuyến khích phong trào học ngoại ngữ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương! Vấn đề nằm ở chỗ nguồn nhân lực chất lượng cao có nhất thiết phải có điểm IELTS cao hay không?

Hiện nay chất lượng dịch của các ứng dụng như Google Translate hay DocTranslator đã rất tốt, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu dịch để hiểu một văn bản, chưa kể các chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT hay Bard đều có thể dịch thông suốt nhiều ngôn ngữ. 

Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ chứng kiến các ứng dụng phổ biến giúp một người nói vào máy một câu tiếng Việt, máy sẽ phát ra tiếng Anh hay một người nói tiếng Anh, máy sẽ phát ra tiếng Việt, hoàn toàn chính xác, không có độ trễ, không còn giọng như người máy.

Viễn cảnh nghe diễn giả nói thao thao bằng tiếng Pháp nhưng trong tai chúng ta phát ra tiếng Việt là không xa. Lúc đó hàng rào ngôn ngữ được tháo gỡ khá nhiều.

Trong bối cảnh đó việc học ngoại ngữ phải khác - bởi với một nguồn lực có hạn, các kỹ năng mới lại xuất hiện nhiều, chương trình học phải phân bổ thời gian học hợp lý. 

Có lẽ đã đến lúc cho phép học sinh sử dụng càng nhiều càng tốt các công cụ hỗ trợ khi học ngoại ngữ, một mặt để các em làm quen với những công nghệ các em sẽ sử dụng trong cuộc sống thật sự, mặt khác để học sinh tự tin học và sử dụng ngoại ngữ, giảm phụ thuộc dần vào máy móc, ứng dụng, tăng dần kỹ năng ngôn ngữ theo đúng trình độ thực tế.

Thử gõ câu nhắc (prompt) này vào ChatGPT: "Tôi đang học tiếng Anh. Bạn hãy đóng vai một du khách mới đến Việt Nam lần đầu. Bạn hỏi tôi những câu hỏi du khách thường thắc mắc. Khi tôi trả lời, hãy sửa giùm tôi các lỗi ngữ pháp, nếu có". 

Chúng ta sẽ thấy học tiếng Anh trong thời AI có thể cá nhân hóa đến mức độ cao nhất, như thể mọi học sinh có riêng một người thầy bản xứ bên cạnh. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận