Cho đến trước ngày 18-10, đã có 227 người (14 nữ và 213 nam) từng đi bộ ngoài không gian, tất cả bắt đầu từ chuyến đi đầu tiên - bước ra không gian và đi vào lịch sử - của Leonov cách đây hơn nửa thế kỷ. Leonov đã không kịp chứng kiến cột mốc lịch sử của hai nữ phi hành gia người Mỹ, khi qua đời ở tuổi 85 trước đó một tuần, theo xác nhận từ Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos).
Bức tranh Alexei Leonov vẽ năm 1973, tái hiện cảnh ông đi bộ trong không gian. Ảnh: tass.ru |
Bước ra ngoài không gian
Ngày 18-10, trang space.com đã đăng bài tưởng nhớ Leonov với dòng tít đơn giản, “Những anh hùng vũ trụ: Alexei Leonov”, tóm tắt lại quá trình Leonov đã chuẩn bị cho chuyến đi bộ ngoài không gian lịch sử và sự nghiệp phi hành gia của ông kể từ khi thực hiện thành công sứ mệnh đó.
Leonov đã trải qua 18 tháng huấn luyện cật lực trong môi trường không trọng lực, trước khi cùng đồng nghiệp Pavel Belyayev rời Trái đất trên tàu Voskhod 2 ngày 18-3-1965. Khi Voskhod 2 đã vào quỹ đạo và ở khoảng cách 500km với Trái đất, Leonov “trôi” vào airlock (khoang trên tàu vũ trụ cho phép phi hành gia mở cửa ra ngoài), trườn ra khỏi tàu và bắt đầu lơ lửng trong không gian.
Nhiệm vụ mà Leonov và Belyayev thực hiện là chuyến bay vào vũ trụ có con người lần thứ 17 của nhân loại, nhưng trong cả 16 nhiệm vụ không gian trước đó, chưa có phi hành gia nào rời tàu vũ trụ và thực sự trôi trong không gian. Leonov đã nhận nhiệm vụ sinh tử, và đi vào lịch sử. Leonov, với bộ đồ vũ trụ nối với tàu Voskhod 2 bằng một sợi cáp dài 5,4m, đã có 12 phút và 9 giây “đi bộ” trong vũ trụ, giúp lịch sử gọi tên Liên Xô.
Nhưng kỹ năng và lòng quả cảm của Leonov chỉ được chứng minh khi ông quay trở lại tàu Voskhod 2. Trong quá trình lên kế hoạch, các chuyên gia đã không ngờ rằng chân không trong không gian sẽ làm phồng bộ đồ bay của phi hành gia, khiến ông không thể chui lọt qua cửa airlock để vào tàu trở lại. Leonov đã nhanh trí mở một van trên bộ đồ của mình, xả bớt áp suất. Bộ đồ xẹp xuống, Leonov cảm thấy tay chân tê buốt và có cảm giác như bị kim châm, nhưng rồi cũng xoay xở chui trở lại vào tàu bằng cách chui đầu vào trước.
Nhưng khó khăn chưa dừng ở đó, trên đường trở về địa cầu, khi tàu vừa vào khí quyển Trái đất thì gặp sự cố, khiến hai phi hành gia phải hạ cánh khẩn cấp cách địa điểm chính thức đến hàng trăm dặm. Belyayev và Leonov cầm cự hai đêm trong cái lạnh dưới 0 độ C, trước khi được giải cứu. Sứ mệnh thực hiện chuyến đi bộ trong không gian đầu tiên thành công, dù suýt chút nữa đã thành thảm họa.
Trong một cuộc phỏng vấn với Liên đoàn Thể thao hàng không thế giới (FAI) hồi năm 2015, nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử này, Leonov kể lại ông đã reo lên “Trái đất hình tròn” ngay khi nhìn thấy thế giới loài người, từ bên ngoài không gian.
Nhưng thứ sẽ còn mãi trong trí nhớ Leonov, hẳn là cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Burdenko ở Matxcơva hôm 11-10, chính là “sự yên ắng lạ thường” của vũ trụ. “Yên ắng đến nỗi tôi có thể nghe tiếng tim mình đập. Tôi được bao bọc bởi các vì sao và trôi trong không gian. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đó” - ông nói trong cuộc phỏng vấn.
Leonov được phong anh hùng Liên Xô, và chỉ trở lại vũ trụ 10 năm sau đó với vai trò lịch sử khác: chỉ huy nhiệm vụ Soyuz 19 - chuyến bay vào không gian chung đầu tiên giữa Mỹ và Liên Xô, hai quốc gia trước đó còn chạy đua không gian khốc liệt. Đó là sự xoay vần thú vị của lịch sử và với riêng Leonov, người đã tham gia chương trình vũ trụ của Liên Xô với nhiệm vụ “đánh bại” Mỹ trong cuộc đua đưa phi hành gia “đi bộ” ngoài vũ trụ hồi thập niên 1960.
Vẽ trong không trọng lực
Nếu trang Space tưởng nhớ Leonov bằng cách kể lại vắn tắt cách ông trở thành “anh hùng vũ trụ”, thì tờ The Economist có bài viết tiễn biệt ông rất “thơ”, đồng thời hé lộ con người nghệ sĩ bên trong phi hành gia huyền thoại. “The blue of Earth,” tên bài viết, có nghĩa là “Nỗi buồn (cũng đồng thời là màu xanh) của Trái đất” trước sự ra đi của một huyền thoại, cũng giống như phi hành gia Nga Oleg Kononenko gọi cái chết của Leonov là “mất mát của cả hành tinh chúng ta”.
Từ nhỏ Leonov đã thích hội họa. Khi 19 tuổi, ông từng ghi danh vào Học viện Nghệ thuật Latvia, nhưng phải sớm nghỉ học vì không có tiền đóng học phí, theo tập san nghiên cứu vũ trụ Journal of Critical Space Studies. Sau đó Leonov tham gia không quân Xô viết, nhưng vẫn tham gia các lớp học vẽ ban đêm để không phải từ bỏ giấc mơ hội họa. Năm 1960, khi đang là phi công trong không quân, Leonov được chọn để huấn luyện thành phi hành gia cùng với Yuri Gagarin - người đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ.
Leonov đã bước vào tàu Voskhod 2 không chỉ với tâm thế của một nhà du hành vũ trụ, mà còn là một người nghệ sĩ, với hành trang là sổ ký họa và một hộp bút chì màu. Ông không muốn lãng phí cơ hội thực hiện điều mà các họa sĩ chỉ có thể mơ ước: được nhìn ngắm địa cầu và vẽ bên ngoài Trái đất, ngay giữa vũ trụ bao la.
Theo Journal of Critical Space Studies, hộp bút chì màu được Leonov dùng dây cao su buộc quanh cổ tay của bộ đồ vũ trụ, và mỗi chiếc bút cũng đều có dây buộc để giữ chúng khỏi trôi lơ lửng bên trong tàu vũ trụ.
Bức tranh đầu tiên của nhân loại được vẽ ngoài không gian và hộp bút màu Alexei Leonov đã mang lên tàu vũ trụ Voskhod 2. Ảnh: psiqueacademy.es |
Và như thế, Leonov, từ trong khoang tàu vũ trụ Voskhod 2, đã vẽ mặt trời với những tia sáng đủ màu của nó. Bức vẽ trông đơn giản so với tài năng hội họa của Leonov: một chấm đỏ thể hiện mặt trời và những vệt màu cắt ngang. Nhưng hãy nhớ rằng nó được vẽ trong môi trường phi trọng lực trong không gian chật chội của tàu vũ trụ, bởi một người phải buộc hộp màu vào cổ tay.
Bức tranh vẽ mặt trời trong không gian phi trọng lực của ông được triển lãm tại Bảo tàng Khoa học London năm 2015, và “gia tài” hội họa của phi hành gia Xô viết còn có bức tự họa cảnh ông đang “dạo bước” trong không gian năm 1965, và ký họa các nhà du hành vũ trụ cũng như phong cảnh Liên Xô. ■
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận