Bóng đá không cần like

HUY ĐĂNG 23/07/2022 03:08 GMT+7

TTCT - Chỉ trong vòng 1 tháng, số lượng tương tác trên fanpage của Pau FC đã tăng gấp 10 lần (từ khoảng 30.000 người theo dõi trước đây lên hơn 280.000), tất nhiên là bởi hiệu ứng từ Nguyễn Quang Hải.

Làng bóng đá thế giới đến nay có lẽ không còn xa lạ với những cơn bão mạng xã hội nổi lên mỗi khi có cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.

Bóng đá không cần like - Ảnh 1.

Trận đấu giao hữu giữa Liverpool và Manchester United trên đất Thái Lan trở thành sự kiện bóng đá thu hút nhất mùa hè. Ảnh: AFP

Sân cỏ chỉ xem trọng chuyên môn

Trước Quang Hải, CLB Heerenveen của Hà Lan cũng từng đón hiệu ứng tương tự vì sự hiện diện của Văn Hậu. Trước đó là Mito Hollhock khi Công Phượng gia nhập, Incheon United của Xuân Trường, hay MuongThong United của Đặng Văn Lâm…

Tất nhiên, sự cuồng nhiệt của người hâm mộ Việt không dẫn đến cơ hội ra sân cho các tuyển thủ. Bài học với Văn Hậu là rõ ràng nhất. 

Không những không trọng dụng anh, ban huấn luyện Heerenveen còn gây ức chế bằng cách chỉ tung cầu thủ con cưng của người hâm mộ Việt Nam vào sân khi trận đấu chỉ còn 3-4 phút, và hiển nhiên là Văn Hậu không kịp thể hiện gì. 

Đó có thể là cái giá anh phải trả cho cách hành xử của chính những CĐV đồng hương. Sau khi sớm "vỡ mộng", thay vì tiếp tục ấn nút like, đông đảo CĐV Việt Nam ùa vào fanpage CLB Heerenveen và để lại những lời lẽ thiếu văn hóa.

Bóng đá là một môn thể thao nhà nghề với yếu tố thương mại ngày càng cao. Dù vậy, những bản hợp đồng thương mại lại chưa bao giờ có chỗ trong thế giới bóng đá đỉnh cao. 

Trong quá khứ, ngôi sao người Nhật Kazuyoshi Miura từng nhiều lần bị truyền thông Ý bỉ bai khi ra sân trong màu áo Genoa - đội bóng anh chuyển đến chơi một năm theo bản hợp đồng thương mại. Miura quả thật đã không thể hiện được gì.

Nếu yếu tố chuyên môn có thể bị thương mại tác động thì các cầu thủ người Ả Rập, Nga hay Thái Lan đã tràn ngập ở Premier League từ lâu. Takumi Minamino, một ngôi sao đã khẳng định được tài năng ở châu Âu, vẫn chỉ là dự bị tại Liverpool. 

HLV Juergen Klopp thậm chí không điền tên anh vào ghế dự bị trận chung kết cúp FA mùa rồi. Ở thế giới bóng đá đỉnh cao, các cầu thủ khó thể trông chờ gì khác ngoài tài năng của mình để chiếm một vị trí trên sân.

Bóng đá thời thương mại hóa

Sự cuồng nhiệt của CĐV vẫn mang lại nhiều lợi ích trong một thế giới bóng đá thương mại hóa. Khi nói về tầm cỡ siêu sao, giới truyền thông phương Tây luôn nhắc đến lượt follow trên mạng xã hội. 

"Mở rộng thị trường" cũng là điều không thể thiếu trong sách lược phát triển của mọi đội bóng. Những vùng trũng trong làng túc cầu, vì vậy vẫn chiếm một vị thế nhất định với các nền bóng đá hàng đầu.

Từ mùa giải tới, Premier League sẽ chào đón một cột mốc đặc biệt trong lịch sử bán bản quyền phát sóng. Đó là lần đầu tiên giá trị bản quyền truyền hình nước ngoài vượt qua bản quyền truyền hình nội địa, cho giai đoạn 2022 - 2025 có giá lần lượt là 5,3 tỉ và 5,1 tỉ bảng. Các con số đấy tăng xấp xỉ gấp đôi so với 10 năm trước, gấp gần 20 lần so với 20 năm trước.

Những Park Ji Sung, Son Heung Min, Minamino chắc chắn có đóng góp vào sự tăng trưởng. Mạng xã hội càng làm bùng nổ yếu tố thương mại thông qua hình ảnh ngôi sao. 

Một khảo sát năm 2018 cho thấy sự hiện diện của Son Heung Min đã giúp Tottenham chiếm lĩnh thị trường Hàn Quốc, biến "Gà trống" thành đội bóng đông fan nhất xứ sở kim chi, với hơn 11 triệu CĐV, bỏ xa những cái tên lừng lẫy như Real Madrid, Barcelona hay Manchester United. 

Chỉ 2 năm sau khi ký hợp đồng với Son, doanh thu thương mại của Tottenham tăng từ 77,5 triệu USD lên 117 triệu USD, và hiện là khoảng 200 triệu USD, dù thành tích thi đấu của họ không thay đổi mấy.

Cần chất lượng, không cần số lượng

Trở lại với câu chuyện cầu thủ Việt, sự hiện diện của Quang Hải hay Văn Hậu có giúp Việt Nam trở thành một thị trường được bóng đá châu Âu hướng đến? Có lẽ là chưa, dù về mặt con số, tương tác mạng xã hội thật sự hứa hẹn.

Khi Văn Hậu mới đến Heerenveen, CLB Hà Lan đăng lời chào bằng tiếng Việt trên fanpage làm nức lòng không ít người hâm mộ Việt Nam. Ít ngày sau, họ làm tiếp một cuộc phỏng vấn với hậu vệ người Hà Nội, nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn lượt xem trên Facebook. 

Bộ phận truyền thông của đội bóng Hà Lan đối xử với Văn Hậu như một ngôi sao ngoại quốc. Nhưng chỉ đến đó rồi hết. Văn Hậu thất bại và ra đi, một phần vì anh không đáp ứng được chuyên môn, và một phần có thể vì chính thất bại của yếu tố thương mại.

Những cơn bão like, bão tương tác, bão ca ngợi từ Việt Nam không thực sự tạo ra thị trường mà lãnh đạo CLB Heerenveen chờ đợi. Do đặc thù của một môn thể thao mang tính đại chúng quá lớn, chất lượng thương mại CĐV mỗi nơi không giống nhau.

Một ví dụ là đội tuyển bóng đá Mỹ không có vé dự World Cup 2018, dẫn đến việc số lượng du khách Mỹ đến Nga năm đó sụt giảm nhiều so với những kỳ World Cup trước (từ khoảng 200.000 ở World Cup 2014 còn 90.000). 

Nhưng mọi con số thống kê về du lịch của Nga cho thấy du khách Mỹ vẫn là "khách sộp" nhất trong một tháng tổ chức giải bóng đá thế giới. Trong các du khách đến Nga hè năm đó, trung bình mỗi người Mỹ chi 6.000 USD. Ngân hàng Sherbank ước tính du khách nước ngoài đã chi tiêu khoảng 1,5 tỉ USD ở World Cup 2018 và người Mỹ chiếm đến 1/3.

Số lượng lượt like tuy quan trọng, nhưng xét tới cùng thì vẫn phải quy ra tiền. Những thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc - mỗi CĐV trung thành thật sự có thể đồng nghĩa với nguồn thu đều đặn vài trăm, thậm chí là cả ngàn USD cho CLB, qua tiền mua sắm áo đấu, đồ lưu niệm, vé đến sân xem du đấu, thậm chí là sang châu Âu để chiêm ngưỡng các ngôi sao mình hâm mộ. 

Để biến hàng trăm ngàn lượt like dành cho Heerenveen hay Pau FC thành những số tiền đó thì lúc này vẫn còn là chuyện… không tưởng. ■

Thèm thuồng nhìn du đấu

Những chuyến du đấu mùa hè đóng vai trò quan trọng để các CLB và giải đấu châu Âu mở rộng thị trường.

Theo Athletic, mỗi CLB hàng đầu ở Anh thường nhận được khoảng 2-3 triệu USD cho một trận đấu giao hữu ở châu Á, châu Mỹ hoặc châu Đại Dương. Con số tương ứng với các đội trung bình của Premier League là 500.000 USD.

Nhưng đó chỉ là bề nổi, những chuyến du đấu còn mang lại lợi ích lâu dài như hợp đồng quảng cáo, bán hàng lưu niệm… Athletic cho biết doanh thu thương mại năm 2020 của Manchester United đã giảm hơn 50 triệu USD vì không thể du đấu do đại dịch.

Những năm gần đây, nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia thường xuyên đón các CLB hàng đầu châu Âu đến du đấu mùa hè.

Mới đây nhất, trận đấu mở màn tour du đấu mùa hè giữa Liverpool và Man United đã diễn ra trên sân Rajamangala ở Bangkok, trở thành sự kiện bóng đá hấp dẫn nhất mùa hè ở Thái Lan.

Trong khi đó, lần gần nhất có một CLB châu Âu đến Việt Nam du đấu là 7 năm trước (Manchester City). Trận đấu này lúc bấy giờ trở thành trò cười của truyền thông Anh vì những bài phát biểu dài lê thê, khiến trận đấu bị trễ 15 phút.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận