Đời cười

4 ngôi làng Trung Quốc hòa giải 'mối thù truyền kiếp' hơn 200 năm

HẢI THU

Đăng lúc 08:47 | 15/11/2023

Sau hàng thế kỷ, 'mối thù truyền kiếp' giữa 4 làng ở Trung Quốc đã được chấm dứt bằng các cuộc họp hòa giải, cho phép các cặp đôi yêu nhau và kết hôn.

Vừa qua 4 ngôi làng gồm Chaqiao, Meidong, Meixi và Xialiu thuộc thành phố Yết Dương, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã đồng loạt tổ chức lễ hóa giải "mối thù truyền kiếp", Yang Cheng Evening News đưa tin.

Hơn 200 năm, các thế hệ của 4 ngôi làng này bị ràng buộc bởi các quy định cấm kết hôn liên làng của tổ tiên đặt ra. Sự việc ảnh hưởng đến cuộc sống của 30.000 cư dân. Nguyên nhân nguồn gốc của mối hận thù là do tranh chấp đất đai và nguồn nước.

Ông Yang Yantian - bí thư đảng ủy làng Chaqiao - cho biết được chính quyền Yết Dương giao cho nhiệm vụ hòa giải "mối hận thù truyền kiếp" này hồi tháng 6.

Ông đã làm việc với 80 cụ cao niên và tổ chức hàng chục cuộc họp trong nhiều tháng qua. Ông cũng mời nhiều người có trình độ và uy tín của làng đến dự họp, tranh luận với người dân. "Vấn đề khó khăn nhất là thuyết phục các trưởng lão trong làng", ông Yang chia sẻ.

Sau đó, một nhóm trưởng lão ở làng Chaqiao bắt đầu tổ chức các cuộc đàm phán hòa giải với những người đồng cấp ở làng khác. Tạo nên những buổi lễ hòa giải giúp người trẻ trong làng xích lại gần nhau hơn.

Một loạt các cụ họp để hòa giải 'mối thù truyền kiếp' giữa các làng đã diễn ra - Ảnh: Baidu

Một loạt các cụ họp để hòa giải 'mối thù truyền kiếp' giữa các làng đã diễn ra - Ảnh: Baidu

Người dân ở 4 ngôi làng hầu hết đều học cùng một trường cấp hai và nhiều người trở thành bạn bè thân, nhưng họ không được phép hẹn hò và kết hôn. Một người dân 34 tuổi ở làng Chaqiao cho biết, họ được phép kinh doanh với những người dân làng khác nhưng "tình yêu và hôn nhân bị nghiêm cấm".

Những người không tuân thủ quy định mà lấy nhau sẽ không được người làng chúc phúc và bất kỳ điều xui xẻo nào xảy đến với họ sẽ bị coi là tổ tiên trừng phạt.

Để tránh lời nguyền của tổ tiên, một cô dâu ở Gaomei, khu vực có làng Meidong và Meixi, đã phải đặt phòng khách sạn trong ngày cưới để chú rể từ làng Chaqiao đến đón, thay vì đón dâu ở nhà.

Một người khác đến từ làng Chaqiao cho biết, ông và người vợ ở Gaomei đã kết hôn hơn chục năm, nhưng họ phải làm việc và sống ngoài làng để tránh bị chê trách.

Còn người phụ nữ họ Yang ở làng Chaqiao chia sẻ, con trai cô đã đính hôn với bạn gái ở Gaomei hồi tháng 9. Vợ chồng cô đã không ủng hộ từ khi hai đứa bắt đầu hẹn hò cách đây 3 năm và cô không dám nói với những người dân làng khác, kể cả anh trai về việc đính hôn.

"Bây giờ, tôi không còn lo lắng về điều đó nữa", cô Yang nói.

Những tấm biển đề chữ "Láng giềng hòa thuận" được các làng tặng cho nhau - Ảnh: Baidu

Những tấm biển đề chữ "Láng giềng hòa thuận" được các làng tặng cho nhau - Ảnh: Baidu

Câu chuyện về "mối hận thù truyền kiếp" hơn 200 năm của 4 ngôi làng đã gây sốc trên mạng xã hội Trung Quốc và làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi.

"Thật không thể tin nổi, thời buổi bây giờ vẫn còn có những làng không cho phép tự do kết hôn. Họ là những Romeo và Juliet thời hiện đại," một người trên mạng xã hội viết.

Một người khác nói: "Ngay cả những người bảo thủ nhất cũng phải nhượng bộ trước tỉ lệ kết hôn và sinh đẻ giảm sút". "Hợp tác là cách duy nhất để đôi bên cùng có lợi", người thứ ba chia sẻ.

Theo SCMP

Bé gái 2 tuổi biết cưỡi ngựaBé gái 2 tuổi biết cưỡi ngựa Mẹ đánh rơi con xuống đường nhưng không hay biếtMẹ đánh rơi con xuống đường nhưng không hay biết Sếp bị phạt vì mắng nhân viên gen Z lười biếngSếp bị phạt vì mắng nhân viên gen Z lười biếng
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Đời Cười