"Viêm phổi bí ẩn" ở Trung Quốc: COVID cũng có chút liên quan

PHẠM HẰNG 06/12/2023 07:28 GMT+7

TTCT - Có những lúc lịch sử dường như lặp lại khiến ai nấy rùng mình: cuối năm rồi mà lại xôn xao về tình trạng bệnh đường hô hấp không được thông tin rõ ràng ở Trung Quốc…

Bên ngoài Bệnh viện Nhi Thượng Hải ngày 24-11-2023. Ảnh: Reuters

Bên ngoài Bệnh viện Nhi Thượng Hải ngày 24-11-2023. Ảnh: Reuters

Tháng 12-2019, ProMed - hệ thống báo cáo về các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu - lên tiếng về sự xuất hiện của một vi rút bí ẩn, sau này được gọi tên SARS-CoV-2, và tiếp nối là đại dịch kinh hoàng. 

Hạ tuần tháng 11-2023, ProMed một lần nữa cảnh báo về "dịch bệnh viêm phổi bí ẩn ở trẻ em" ở Trung Quốc, khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải yêu cầu ngành y tế nước này cung cấp thông tin chi tiết.

Sự tương đồng làm người ta e ngại. Trước mắt, phía Trung Quốc khẳng định không có thêm vi rút bí ẩn hay mầm bệnh lạ nào, song đã có thể xác định nhiều hơn một mối liên hệ giữa COVID-19 và tình trạng bùng phát bệnh hô hấp lần này.

Vì sao bệnh viện quá tải?

Ngày 21-11, ProMed cho biết hàng loạt trẻ em ở miền bắc Trung Quốc, cụ thể là Bắc Kinh và Liêu Ninh, đã nhập viện vì bệnh hô hấp. Các cụm dịch viêm phổi này gia tăng đặc biệt dữ dội sau kỳ nghỉ lễ quốc khánh đầu tháng 10, xuất hiện mạnh mẽ ở trẻ em và khiến các bệnh viện quá tải. 

Ngay hôm sau, WHO yêu cầu Trung Quốc công bố thông tin về đợt bùng phát này, bao gồm thông tin dịch tễ học, lâm sàng cũng như kết quả xét nghiệm từ các cụm bệnh ở trẻ em này.

Mặc dù không có con số chính thức, các nguồn tin trong nước lẫn quốc tế đều mô tả cảnh bệnh viện quá tải bệnh nhi. Katrina Yu - thông tín viên của hãng tin Al Jazeera ở Bắc Kinh - cho biết một bệnh viện lớn ở đây tiếp nhận trung bình 1.200 bệnh nhân cấp cứu mỗi ngày. Một bà mẹ họ Liu nói với tờ Global Times bà phải xếp hàng sau 300 người khi đưa con gái 4 tuổi đến Bệnh viện Nhi Bắc Kinh.

Theo Reuters, Trung Quốc đã phản hồi yêu cầu cung cấp thêm dữ liệu của WHO trong vòng 24 tiếng theo quy định. Theo đó, cơ quan y tế Trung Quốc cho biết sự gia tăng số lượng bệnh nhân ngoại trú và nhập viện là do sự lây lan của các mầm bệnh "quen" gồm cúm, vi rút hợp bào hô hấp (RSV) và đặc biệt là mycoplasma pneumonia, một loại vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp ở trẻ em. Đặc biệt, Bắc Kinh nói không phát hiện bất kỳ "mầm bệnh mới hoặc bất thường nào".

Theo Global Times, tình trạng bùng nổ bệnh viêm phổi là do "khoảng trống miễn dịch" ở trẻ em, một "tác dụng phụ" của các biện pháp phòng chống COVID-19 cực kỳ nghiêm ngặt của Trung Quốc. 

Việc phong tỏa triệt để không chỉ ngăn vi rút corona mà còn khiến người dân ít tiếp xúc với các mầm bệnh hô hấp khác, từ đó giảm khả năng miễn dịch tự nhiên và tăng nguy cơ mắc bệnh. Trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng, phần vì không được tiêm vắc xin, phần không tiếp xúc tự nhiên do trường học đóng cửa, giãn cách xã hội thời dịch.

Trẻ em được điều trị tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23-11-2023. Ảnh: AFP

Trẻ em được điều trị tại bệnh viện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23-11-2023. Ảnh: AFP

Francois Belloux, giám đốc Viện di truyền thuộc Đại học London, cho biết trong một tuyên bố rằng Trung Quốc có thể đang trả "nợ miễn dịch" (immunity debt), tức tình trạng hệ miễn dịch bị suy yếu do không tiếp xúc với vi khuẩn, vi rút trong thời gian phong tỏa kéo dài. Ông nói thêm rằng dựa trên thông tin hiện tại, "không có lý do gì để nghi ngờ sự xuất hiện của một mầm bệnh mới".

Như vậy có thể nói COVID-19 phần nào "liên quan" tới đợt bùng phát bệnh hô hấp này. Một nguyên nhân dính dấp khác: trong đại dịch, việc dùng quá nhiều thuốc kháng sinh và thuốc chống vi rút, đã làm tăng tỉ lệ lây nhiễm các bệnh lý liên quan đến kháng kháng sinh. 

Đặc biệt, tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở vi khuẩn mycoplasma pneumonia ngày càng gia tăng tại Trung Quốc. Báo The Telegraph (Anh) dẫn một nghiên cứu từ tháng 2-2022 cho thấy 80% trẻ em bị viêm phổi do mycoplasma pneumonia kháng lại Marcolid - nhóm kháng sinh đặc hiệu để điều trị vi khuẩn này.

Mycoplasma pneumonia thuộc nhóm vi khuẩn không điển hình; lây nhiễm xảy ra rải rác quanh năm, với các triệu chứng nhẹ như đau họng, mệt mỏi, ho kéo dài. Một số ít trường hợp tiến triển thành viêm phổi và thường được điều trị bằng kháng sinh. 

Tuy nhiên, ở đợt dịch này, "chúng tôi phát hiện nhiều bệnh nhân mắc các bệnh nhiễm trùng hỗn hợp, kháng thuốc và viêm phổi thùy hơn" - bà Zhou Huixia, giám đốc trung tâm y tế trẻ em tại một bệnh viện nhà nước ở Bắc Kinh, nói với China Daily.

Nhân nói chuyện kháng kháng sinh

WHO vừa tổ chức "Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh thế giới" từ ngày 18 đến 24-11, và chuyện bùng nổ bệnh hô hấp ở Trung Quốc là minh chứng sống động và thời sự cho việc vì sao lời kêu gọi này là quan trọng.

Kháng kháng sinh (AMR- antimicrobial resistance) xảy ra khi các vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với thuốc điều trị như thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc chống vi rút; làm cho các bệnh nhiễm trùng (kể cả các bệnh thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, bệnh do thực phẩm…) trở nên nặng nề hơn hoặc không thể điều trị, từ đó làm tăng nguy cơ lây lan bệnh và tử vong.

AMR trực tiếp gây ra hơn 1,2 triệu ca tử vong vào năm 2019 và ước tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Đây thực sự là "một đại dịch thầm lặng".

"Viêm phổi bí ẩn" ở Trung Quốc: COVID cũng có chút liên quan- Ảnh 3.

Trong các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của AMR thì trẻ em và trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương nhất với hàng ngàn ca tử vong mỗi năm. Mới đây, nghiên cứu do Đại học Sydney tiến hành cho thấy nhiều loại kháng sinh được WHO khuyến nghị, hiệu quả điều trị còn dưới 50% trong các bệnh nhiễm trùng ở trẻ em.

Cụ thể, theo công bố trên The Lancet regional Health - Southeast Asia hồi tháng 10, kháng sinh Ceftriaxone hiệu quả chỉ còn trong 1/3 số trường hợp, còn Gentamycin hiệu quả chưa đến một nửa số trường hợp trẻ em bị nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não. Khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Một vài nguyên nhân được tiến sĩ Phoebe Williams - tác giả của nghiên cứu - chỉ ra là thử nghiệm lâm sàng kháng sinh "mới tập trung ở người lớn và thường xuyên bỏ qua trẻ em và trẻ sơ sinh". Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần sớm cập nhật các hướng dẫn mới về kháng sinh toàn cầu, để phản ánh tốc độ phát triển nhanh chóng của AMR. Hướng dẫn gần đây nhất của WHO được xuất bản cách đây tới 10 năm (2013). 

Cuộc chiến không cân sức

Trong cuộc chiến ngăn kháng kháng sinh, có lẽ lợi thế đang nghiêng về vi khuẩn. Vi khuẩn kháng thuốc đang phát triển mạnh mẽ, thay đổi môi trường làm gia tăng kháng kháng sinh, trong khi khoa học đã lâu không có kháng sinh mới.

Do quá trình vi khuẩn sao chép với tốc độ "chóng mặt" (điển hình như một con vi khuẩn E.Coli có thể sao chép thành 68 tỉ vi khuẩn trong 12 giờ), và việc lạm dụng kháng sinh ở cả người và động vật trong chăn nuôi, đã góp phần vào sự xuất hiện của các gene đột biến - giúp vi khuẩn tồn tại được ở nồng độ cao hơn liều tối đa của thuốc kháng sinh.

Gene đột biến này được truyền sang thế hệ tiếp theo khi vi khuẩn nhân lên. Tệ hơn nữa, một số vi khuẩn như E.Coli, vi khuẩn Salmonella có thể "chuyển gene ngang", để chia sẻ các gene kháng thuốc giữa hai vi khuẩn riêng lẻ, bao gồm cả các loài khác nhau.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự "tiến hóa" của vi khuẩn kháng thuốc có liên quan đến ba cuộc khủng hoảng gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Một báo cáo của tạp chí y khoa Lancet vào tháng 8-2023 cho biết tình trạng AMR tỉ lệ thuận với nồng độ PM2.5 trong không khí. Cụ thể, nồng độ PM2.5 tăng 10% liên quan đến sự gia tăng 1,1% tình trạng kháng kháng sinh trên toàn cầu.

Trải qua nhiều thế kỷ nghiên cứu và phát triển, hiện nay có hơn 100 loại kháng sinh và đã lâu chưa có kháng sinh mới để tránh vi khuẩn "quen mặt". "Nhóm thuốc chống vi trùng cuối cùng được phát minh cách đây 40 năm và bất kỳ loại thuốc mới nào cũng chỉ là sự lặp lại của các nhóm chính" - giáo sư Sid Thakur, giám đốc điều hành chương trình sức khỏe toàn cầu của Đại học bang North Carolina (Mỹ), nói với tạp chí American Scientist. Ông lý giải điều này là do các công ty dược phẩm lo ngại về rủi ro kinh tế khi đầu tư nghiên cứu thuốc kháng sinh mới; bởi quá trình phê duyệt thuốc có thể mất tới 10 năm và vi khuẩn tiến hóa với tốc độ không ngừng, có thể nhanh chóng kháng lại thuốc mới.

Chính vì thế, các nhà nghiên cứu đang nỗ lực "chạy đua" để tìm ra những cách thức mới chống lại AMR. Đây được coi là ưu tiên hàng đầu của y học hiện đại và công nghệ sinh học.

Một trong những vũ khí mới được kỳ vọng là thực khuẩn thể (Bacteriophage) - thể vi rút có khả năng ký sinh ở vi khuẩn, tiêu diệt vi khuẩn khi chúng nhân lên và không gây hại cho tế bào con người. Thực khuẩn thể được hình thành bởi protein là vỏ bọc ngoài và một bộ gene ADN hoặc RNA, có cấu trúc đơn giản hoặc phức tạp.

Khi so sánh với thuốc kháng sinh hiện nay, thực khuẩn thể có những ưu điểm về mặt lý thuyết như chúng chỉ ảnh hưởng đến loại vi khuẩn mục tiêu, có khả năng nhân rộng tại vị trí nhiễm trùng, không có tác dụng phụ nghiêm trọng và việc lựa chọn thực khuẩn thể mới diễn ra tương đối nhanh chóng (trong khi phát triển kháng sinh mới phải mất nhiều thời gian). Tuy nhiên, sự hiểu biết về thực khuẩn thể còn nhiều hạn chế và các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách tạo ra một thực khuẩn thể có khả năng chống lại nhiều vi khuẩn cùng lúc.

Tóm lại, việc phát triển các loại thuốc và giải pháp mới còn cần nhiều thời gian. Và để ngăn ngừa AMR, cần tiến hành các biện pháp bảo vệ như đối với dịch COVID-19: rửa tay thường xuyên, cập nhật lịch tiêm chủng, giữ phòng thông thoáng và tránh xa những người dễ bị tổn thương nếu chúng ta không khỏe.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận