Thần Tài thời nay

DANH ĐỨC 13/02/2023 14:11 GMT+7

TTCT - Đời sống phong lưu hơn, cuộc giành giật mưu sinh cũng khốc liệt hơn, đâm sinh ra nhiều tập tục mới mẻ mà chuyện ông thần Tài ăn cá lóc nướng chỉ là một ví dụ.

Không nhớ chính xác năm nào, nhưng lần đầu tiên tôi nghe tới chuyện "mua vàng ngày thần tài" là sau năm 2000, trong một tiệm hớt tóc ở đường Nguyên Hồng (quận Gò Vấp, TP.HCM), tức một địa điểm có đặc tính "tám chuyện" rất rõ ràng.

Thần tài là một ông thần "nhập khẩu", dù cũng đã lâu đời ở Việt Nam, nhưng tập tụng cúng kiếng rầm rộ mới có gần đây. Ảnh: Feng Shui

Thần tài là một ông thần "nhập khẩu", dù cũng đã lâu đời ở Việt Nam, nhưng tập tụng cúng kiếng rầm rộ mới có gần đây. Ảnh: Feng Shui

Giở lại báo cũ thì thấy cách đây 6 năm, một đồng nghiệp ở báo Yên Bái đã đặt câu hỏi "Vì sao nhiều người muốn mua vàng ngày vía thần tài?" và nhận thấy rằng "phong tục mua vàng trong ngày vía thần tài trước đây chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ thương nhân, giới kinh doanh tại Sài Gòn, nhưng khoảng 5 năm nay đã trở thành trào lưu lan rộng ra cả phía Bắc, nhất là Hà Nội".

Cúng thần Tài và những điều mới lạ

Thú thiệt, là một người Sài Gòn chính cống tuổi đã "cổ lai hi", thuộc gia đình "tư sản mại bản", tôi có thể quả quyết rằng chưa từng thấy hay nghe nói tới cái vụ mua vàng vía thần tài hay "ngày thần tài" này. 

Chủ hai tiệm vàng lớn nhất khu chợ Tân Định thời đó là Mỹ Thịnh và Đình Thể chơi thân với cha tôi, tháng tháng cùng tụ tập khui hụi để… cụng ly với nhau, chưa bao giờ thấy biểu cha tôi "mua vàng cúng thần tài".

Tất nhiên, cũng có nơi có lúc nhắc tới "thần tài", tỉ như trong quảng cáo vé số "thần tài gõ cửa", hay ở tiệm "khách trú một căn" gần nhà, rồi tiệm "khách trú hai căn" ở ngã ba Bà Lê Chân - Hai Bà Trưng. Tất nhiên, cũng có nhà thắp nhang vái ông Địa vân vân hay cúng rằm tháng 7 như một tín ngưỡng. Lăng Ông ở Bà Chiểu hay đền Đức Thánh Trần trên đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) đầu tháng hay rằm vẫn đông người.

Cái cung cách đi lễ, cúng bái như vậy nghiêm trang không khác gì điều mà cách đây đúng 6 năm, đại sứ Thái Lan tại Việt Nam lúc đó, Manopchai Vongphakd, đã nói với một đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ của tôi: "95% người Thái là Phật tử, người Thái đi lễ chùa như một lẽ tự nhiên để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo của mình". 

Ông đại sứ nhấn mạnh: "Tôi có thể khẳng định người Thái đi chùa để cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình, chứ không phải cầu chức tước, tiền bạc" (Tuổi Trẻ 12-2-2017), và dù là một nhà ngoại giao, vẫn phá lệ tỏ rõ sự ái ngại trước những quang cảnh ngược lại ở Việt Nam.

Chuyện gì cũng phải có lý

Không khó để hiểu sự khác biệt này. Ở Thái hay Campuchia, việc tới tuổi vô chùa tu đã thành lệ, nên việc giảng dạy giáo lý, tu đạo, hành đạo đã thành nếp. Còn ở ta thì nay lại là phôi thai sau một thời gian dài tạm gián đoạn, có đến nửa thế kỷ hơn. 

Chính vì vậy mà chuyện cúng bái sau này có xu hướng trở lại với thời kỳ mà ông Đào Duy Anh cách đây gần trăm năm (1938) đã mô tả trong Việt Nam Văn hóa sử cương (tr. 225): "Về phương diện tôn giáo, cứ theo truyền kỳ đời trước thì ta có thể đoán rằng tổ tiên ta… có tín ngưỡng một thứ tự nhiên đa thần giáo, tin rằng phàm các hiện tượng và thế lực tự nhiên ở trong vũ trụ, như trời đất, mưa gió, núi sông, đều có thần linh chủ trương. Có lẽ người ta tưởng rằng linh hồn người chết thường đi lại với người sống, nếu có cúng quẩy thì vong hồn phù hộ… Những tín ngưỡng ấy về sau chịu ảnh hưởng của những điều tín ngưỡng quỷ thần của Trung Quốc".

Chẳng qua, trong quãng thời gian gián đoạn, việc tu học chính quy đứt đoạn, chưa kịp phục hồi, nên trong dân gian bàng bạc một trạng thái phổ quát mà nhà nghiên cứu Sophie Rothé gọi là "mê tín dị đoan" và định nghĩa: "Trong nhiều định nghĩa, cho đến thế kỷ 19, thuật ngữ này [mê tín dị đoan] là từ trái nghĩa của "tôn giáo", là sự xuyên tạc một đức tin". 

Theo các tác giả, sự thái quá đấy, quá chú trọng đến lễ bái, là "do thiếu hiểu biết, do sợ hãi quá mức và hiểu sai các giới luật thiêng liêng".

"No dồn đói góp" có thể nói là tình trạng chung của các hoạt động tín ngưỡng hiện giờ, mà mỗi dịp xuân về là lại đặc biệt nhộn nhịp. Trong cả câu chuyện phức tạp đấy, không thể không nói tới vai trò của truyền thông, như một tác giả khác, Joan Favret-Saada, đã rút kinh nghiệm, nhấn mạnh cách thức mà báo chí nắm lấy một vài giai thoại địa phương và xây dựng lại chúng thành những biểu tượng bất chấp đúng sai.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận