Sinh nhiều, sinh ít, chi bằng sinh vừa phải

PHAN BẢO - HỒNG VÂN 15/08/2023 06:30 GMT+7

TTCT - Đó hẳn là "mơ ước" của chính phủ các quốc gia, bởi nghiên cứu cho thấy tỉ suất sinh dù cao hay thấp cũng dẫn đến lo ngại, trong khi chính sách hạn chế sinh có nhiều bất cập, còn khuyến sinh thì không hiệu quả.

Ảnh: FT

Ảnh: FT

Khoảng năm 2000, tỉ suất sinh trung bình trên toàn cầu là 2,7 con trên một phụ nữ, cao hơn khá nhiều so với mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con). Mức sinh hiện nay của thế giới là 2,3 con và tiếp tục giảm.

Bức tranh phức tạp

Theo Financial Times, tỉ suất sinh toàn cầu hiện tại là một bức tranh nhiều màu, phức tạp.

Các quốc gia có tỉ suất sinh thấp, chủ yếu là các nước phát triển, đang có sự sụt giảm mạnh về số lượng người trong độ tuổi lao động, trong khi đó dân số già hóa gây thiệt hại lớn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội.

Nhật Bản dẫn đầu nhóm này ở châu Á với gần 30% dân số hiện ở độ tuổi trên 65, một số quốc gia khác trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore cũng không kém cạnh, theo BBC. Chính phủ các nước này đang đau đầu lo lắng về tác động của những xu hướng trên đối với tài chính công và sản lượng kinh tế.

Thái Lan, dù chỉ là một thị trường mới nổi, đang đứng trước nguy cơ trở thành một "xã hội siêu già", với số người trên 60 tuổi được dự báo sẽ chiếm hơn 1/5 dân số. Hiện khoảng 18% dân số Thái Lan ở độ tuổi trên 60. 

Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động so với người cao tuổi năm 2021 là 3,4, nhưng đến năm 2040, các quan chức dự báo tỉ lệ này có thể chỉ còn 1,7. Số ca sinh đã giảm gần 1/3 kể từ khi bắt đầu chiều hướng đi xuống vào năm 2013, theo Reuters.

Tình hình tại hai "cường quốc" dân số ở châu Á lại đang trái ngược nhau: trong khi hơn 1/4 dân số của Ấn Độ ở độ tuổi từ 10 - 20 thì dân số Trung Quốc được dự báo sẽ giảm một nửa vào cuối thế kỷ này, từ 1,41 tỉ hiện nay xuống chỉ còn 732 triệu vào năm 2100, theo Bangkok Post.

18 quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Bồ Đào Nha, Bulgaria, cũng đang chịu chung số phận. Riêng các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Ý sẽ giảm hơn một nửa dân số.

Đến giữa thế kỷ này, tình hình dân số "teo tóp" sẽ lan rộng ra 151 quốc gia trên toàn cầu. Và vào cuối thế kỷ 21, hầu hết mọi nơi trên trái đất đều sẽ như vậy, ngay cả ở châu Phi.

Chi hàng trăm tỉ đô la

Nghiên cứu do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) công bố vào tháng 4 cho thấy những cuộc khủng hoảng toàn cầu chồng chéo khiến tỉ suất sinh dù cao hay thấp cũng làm các nước "đứng ngồi không yên".

Ở châu Á, suốt một thời gian dài, chính phủ các nền kinh tế hùng mạnh trong khu vực sẵn sàng chi hàng trăm tỉ đô la nhằm cố gắng đảo ngược xu hướng giảm sinh.

Theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, đất nước của ông đã chi hơn 200 tỉ USD trong hơn 16 năm qua để gia tăng dân số. Tại quốc gia láng giềng Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida cũng cam kết tăng gấp đôi ngân sách cho các chính sách liên quan đến trẻ em lên 150 tỉ USD. Con số này chiếm hơn 4% tổng sản phẩm quốc nội của Nhật.

Hầu hết những biện pháp các nước trong khu vực thực hiện nhằm tăng tỉ suất sinh đều giống nhau, như: trợ cấp hằng tháng cho cha mẹ của trẻ, trợ cấp hoặc miễn phí giáo dục, xây dựng thêm nhà trẻ, ưu đãi thuế và mở rộng thời gian nghỉ phép của cha mẹ.

Câu hỏi đặt ra là những biện pháp này, nhất là việc "thưởng tiền", có hiệu quả không. Câu trả lời là "không".

Liên Hiệp Quốc cảnh báo nỗi lo lắng về dân số đang khiến chính phủ các nước áp dụng nhiều chính sách sinh sản không hiệu quả, thậm chí gây tổn hại quyền lợi của người dân và làm mất bình đẳng giới.

Viết trên Bangkok Post, nhà báo tự do Gwynne Dyer dẫn trường hợp quê nhà Newfoundland của ông ở Canada làm ví dụ. Newfoundland từng được xem là nơi nghèo nhất Bắc Mỹ và nổi tiếng với mức sinh cao. Khi được sáp nhập vào Canada năm 1949, người dân Newfoundland được hưởng trợ cấp nuôi con. 

Nhiều người nghĩ khoản trợ cấp hấp dẫn này sẽ khiến mức sinh tăng cao hơn nữa, song thực tế ngược lại: tỉ suất sinh bắt đầu giảm, lúc đầu chậm, sau đó nhanh hơn. Các cô gái được giáo dục tốt hơn, phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn và mọi người chuyển đến các thị trấn hoặc thành phố lớn hơn. Đến nay, một phụ nữ trung bình ở Newfoundland chỉ có 1,36 con trong đời và dân số đang giảm dần.

Ảnh: Brian Stauffer

Ảnh: Brian Stauffer

Ở châu Á, dữ liệu trong vài thập kỷ qua từ Singapore và Hong Kong cho thấy nỗ lực tăng dân số của chính phủ như dã tràng xe cát. Theo trang MoneySmart, tỉ suất sinh của Singapore tiếp tục thấp đến mức nhiều người nói vui rằng trẻ sơ sinh đã lỗi thời (1,1 con/phụ nữ). 

Vấn đề là, mặc dù hầu hết các bậc cha mẹ trẻ và những người sắp làm cha mẹ đánh giá chính phủ khá hào phóng khi thưởng đến 12.000 đô la Singapore, tương đương số tiền mà một số người có thể kiếm được một năm ở đảo quốc này, theo chính sách Baby Bonus (Tiền thưởng cho trẻ sơ sinh), họ vẫn chọn nuôi mèo thay vì sinh em bé. Đơn giản là vì thú cưng ít tốn kém hơn.

Cặp đôi đã kết hôn 3 năm - Nurul (28 tuổi) và chồng Alvin (30 tuổi) chia sẻ với MoneySmart: "Baby Bonus không phải là không đủ, chỉ là mọi thứ ở đây quá đắt đỏ". "Mọi thứ" mà cặp đôi này kể đến bao gồm phí thuê nhà, cho con đi nhà trẻ, chi phí chăm sóc người cao tuổi. 

Ngoài ra, những người đang ở độ tuổi sinh nở như Nurul còn nêu những lý do khác, chẳng hạn: nhịp sống bận rộn; quỹ thời gian hạn hẹp không thể chu toàn cả công việc, chăm con lẫn thì giờ riêng cho bản thân; và môi trường sống hiện tại quá áp lực cho con trẻ.

Ở Hong Kong, nơi tỉ suất sinh cũng chẳng nhỉnh hơn Singapore là bao, ngoài chi phí tốn kém, theo tờ China Daily, có một nhân tố khác ngăn cản phụ nữ có ý định sinh con thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Báo này gọi nhân tố đó là "hình phạt làm mẹ". Tác động của việc sinh con đối với nghề nghiệp, thu nhập, thậm chí cả phẩm giá lớn đến mức viễn cảnh kết hôn và lập gia đình thường không mấy hấp dẫn trong mắt người trẻ.

Bên cạnh đó, China Daily chỉ ra rằng sinh nhiều trẻ em hơn không thể giải quyết vấn đề già hóa dân số, bởi không chỉ phải đợi ít nhất 21 năm để trẻ sơ sinh bắt đầu đi làm và đóng thuế, mà trẻ em còn lấy đi nguồn lực từ nhóm dân số trong độ tuổi lao động. 

Chính sách khuyến sinh cũng mâu thuẫn với các chính sách khuyến khích nữ giới tham gia tích cực vào lực lượng lao động. Hơn nữa, chỉ gia tăng tỉ suất sinh nhất thời trong một năm, năm tiếp theo lại giảm đi có thể có tác động bất lợi đến việc lập kế hoạch và cung cấp dịch vụ công.

Mặt khác, ngoài góc độ hiệu quả, chính sách kiểm soát sinh sản còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Michael Herrmann, cố vấn cấp cao về kinh tế và nhân khẩu học tại UNFPA, chia sẻ với BBC: "Các quốc gia lo ngại về mức sinh thấp hoặc giảm trở nên ít chú trọng đảm bảo tiếp cận phổ cập kế hoạch hóa gia đình hơn. Một số nơi hạn chế quyền phá thai, đặc biệt có những nơi xem đây là hành vi bất hợp pháp. Số khác loại bỏ giáo dục giới tính khỏi chương trình giảng dạy ở trường học".

Báo cáo của UNFPA chỉ ra những thay đổi chính sách ở Ba Lan trong vài năm qua đã làm giảm khả năng tiếp cận với biện pháp tránh thai khẩn cấp và hạn chế giáo dục giới tính. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình công bị hạn chế, dẫn đến nhiều phụ nữ lâm vào cảnh nợ nần sau khi chi tiền túi cho việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục.

Không ai "đẻ theo chính sách"

Chính sách tăng sinh là công cụ của nhà nước nhưng "tư liệu sản xuất" em bé là của từng cá nhân. Nuôi con cũng là nguồn lực cá nhân. Ít nhất là hiện nay, có con hay có thêm con là một quyết định phức tạp và riêng tư.

Jennifer D. Sciubba, tác giả cuốn sách nói về cột mốc dân số 8 tỉ người của thế giới, nêu ý kiến trên báo The Hill của Mỹ - nơi mức sinh trung bình của phụ nữ là 1,66 con - rằng trong mấy chục năm qua, các nước đã thành công trong việc bảo phụ nữ đừng đẻ, nhưng giờ đây chưa có nước nào thực sự biết cách làm tăng tỉ lệ sinh chung, chưa nói đến tăng làm sao để bền vững.

Giải pháp phức tạp hơn chúng ta nghĩ - những kết quả không như kỳ vọng của các nỗ lực ở Nhật Bản, Hàn Quốc là ví dụ. Vậy sự hỗ trợ nào thực sự hữu ích và cần thiết cho những người muốn sinh con thứ hai hoặc thứ ba? Bà Sciubba cho rằng đó là các chính sách liên quan đến bình đẳng giới và chia sẻ việc nhà như chế độ nghỉ phép có lương được áp dụng cho cả hai phụ huynh của trẻ và có thể sử dụng linh hoạt, có dịch vụ gửi trẻ chất lượng, hợp túi tiền và thuận tiện… Tóm lại là những thay đổi toàn diện hơn, lâu dài hơn.

Những giải pháp đó phải hướng đến giảm gánh nặng đối với phụ nữ nuôi con nhỏ và tạo điều kiện cho họ đi làm sau khi sinh. Những lời kêu gọi dù từ góc độ truyền thống hay xã hội, gán cho phụ nữ trách nhiệm sinh con vì gia đình, vì tương lai đất nước không phải là cách. Đơn giản vì không ai trong xã hội này nợ ai việc phải đẻ con cái. Vì vậy, trước thực tế nhiều chính phủ trên thế giới có mục đích rõ ràng là tác động đến việc sinh con của từng cá nhân bằng chính sách, bà Sciubba thẳng thắn nói rằng hãy ngừng (các chính sách) bảo người dân sinh em bé! Nó chẳng những tốn kém mà còn không hiệu quả.

Tạm thời, các nước cho phép nhập cư nhiều hơn. Lượng người nhập cư vào các nước giàu ngày nay đang ở mức cao kỷ lục, giúp các chính phủ giải quyết được tình trạng thiếu lao động. Tuy nhiên đây cũng là một giải pháp tạm thời, thuốc giảm sốc cho nền kinh tế, chứ không phải giải pháp trực tiếp cho vấn đề giảm mức sinh.

Một cách nữa là đầu tư cho bộ phận dân số hiện hữu thay vì mong chờ công dân mới. Cụ thể là giải phóng tiềm năng của người nghèo trên thế giới để giảm bớt sức ép của tình trạng thiếu lao động trẻ có trình độ. Có cơ sở cho điều này. 2/3 trẻ em Trung Quốc đang sống ở nông thôn và đi học ở các trường học có cơ sở vật chất đơn giản. Ấn Độ cũng có khoảng 2/3 người trẻ trong độ tuổi từ 25-34 chưa hoàn thành trung học phổ thông. Nâng cao kỹ năng cho họ là điều cần làm để có thể tạo nên sức bật ở người lao động trẻ tuổi, khiến họ trở thành những nhà đổi mới sáng tạo trong các nền kinh tế trì trệ.

Năm 2016, Bộ Nội vụ Hàn Quốc từng lập website thể hiện tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản theo cấp địa phương và sau đó phải gỡ vì dư luận chỉ trích cách làm này xúc phạm phụ nữ không sinh con. Ảnh: Ahn Young joon/AP

Năm 2016, Bộ Nội vụ Hàn Quốc từng lập website thể hiện tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản theo cấp địa phương và sau đó phải gỡ vì dư luận chỉ trích cách làm này xúc phạm phụ nữ không sinh con. Ảnh: Ahn Young joon/AP

Tuy nhiên, theo Antonio Fatás - giáo sư kinh tế tại Trường kinh doanh INSEAD (Pháp), bất kể những chính sách sinh sản có hiệu quả hay không, các quốc gia vẫn phải đầu tư vào chúng. Vị giáo sư nói với BBC: "Tỉ suất sinh không tăng nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu có ít hỗ trợ hơn? Tỉ suất sinh có thể sẽ còn thấp hơn nữa".

Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng đang đầu tư vào các lĩnh vực khác nhằm chuẩn bị để nền kinh tế của họ sẵn sàng thích ứng với tình trạng dân số ngày càng giảm.

Theo bà Xiujian Peng đến từ Đại học Victoria, Trung Quốc đã và đang đầu tư vào công nghệ và đổi mới để bù đắp vào số lượng lao động ngày càng suy giảm nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của việc dân số thu hẹp. Ngoài ra, các nhà lập pháp ở nhiều quốc gia đang cân nhắc thay đổi quy định nhập cư để cố gắng lôi kéo lao động trẻ từ nước ngoài.

Nhìn chung, bất chấp những khoản chi tiêu cho các chính sách sinh sản có hiệu quả và hợp lý hay không, chính phủ các nước dường như không có lựa chọn nào khác.■

Những hệ quả kinh tế

Thế giới đang già đi, tiếng khóc của trẻ con không nhiều bằng tiếng ho lụ khụ của người già. Đi kèm với điều này là những hậu quả kinh tế sâu sắc sẽ xảy ra trong tương lai.

Giảm dân số sẽ tạo ra các thách thức lớn cho xã hội và nền kinh tế. Thách thức đầu tiên là tiền đâu để trả lương hưu cho những người hưu trí ngày càng đông trong xã hội. Cơ chế hiện nay là nhà nước thu thuế của người lao động trong độ tuổi lao động để trả lương cho những viên chức nghỉ hưu.

Tại thời điểm này, ở các nước giàu, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động (từ 20-64) và người trên 65 tuổi là 3:1, tức khả năng chi trả còn rủng rỉnh. Tuy nhiên, đến năm 2050, tỉ lệ này là còn chưa tới hai người - tức khả năng trả lương hưu eo hẹp hơn. Hệ quả là mức thu thuế sẽ cao hơn, tuổi nghỉ hưu sẽ muộn hơn và thậm chí có nguy cơ lớn là khủng hoảng ngân sách hưu bổng.

Ở Pháp và nhiều nước trên thế giới, chính sách tăng tuổi hưu đã khiến bao người giận dữ, rầm rộ xuống đường biểu tình, đốt phá cửa hàng cửa hiệu, đối đầu với cảnh sát. Bạo lực và căng thẳng là vậy nhưng chính phủ vẫn khăng khăng thà chấp nhận nỗi đau này để tránh nỗi đau khác tệ hại hơn trong tương lai.

Tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số trong cộng đồng về hưu giảm chỉ là một vấn đề trong tổng thể phức tạp của các hệ lụy do giảm mức sinh. Vấn đề quan trọng khác là giảm sự năng động và sức sáng tạo của nền kinh tế và xã hội. Người trẻ rất dồi dào về "trí thông minh linh hoạt" - được hiểu là khả năng tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề theo những cách hoàn toàn mới, theo The Economist.

Sự năng động, trẻ trung, táo bạo của người trẻ bổ sung cho sự lão luyện, kinh nghiệm và ổn định của người lớn tuổi. Nó cũng là nguồn gốc của đổi mới và tiến bộ. Thống kê cho thấy bằng sáng chế của các nhà phát minh trẻ tuổi nhất thường có những yếu tố đổi mới mang tính đột phá hơn.

Tại các quốc gia có dân số già hơn, người ta nhận thấy người trẻ ít mạnh dạn và ít sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn - cứ như thể sức ì níu họ lại. Các cử tri cao tuổi cũng cứng nhắc, nếu không muốn nói là bảo thủ về chính trị. Vì người già ít được hưởng lợi nhờ kinh tế phát triển hơn so với người trẻ nên họ cũng ít quan tâm đến các chính sách hỗ trợ tăng trưởng. Tựu trung, sự đổi mới sáng tạo thay thế cái cũ hiếm xảy ra hơn ở các xã hội già hóa. Điều này cản trở tăng trưởng năng suất, thậm chí có thể làm lỡ những cơ hội lớn.

Trung Quốc: Người ta không sinh, tôi cũng chẳng đẻ

Một phụ nữ mang thai ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Một phụ nữ mang thai ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Chẳng những không hiệu quả, theo The Economist, chính sách kiểm soát dân số ở Trung Quốc còn để lại những tác động tiêu cực rõ mười mươi.

Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 1962, dân số của quốc gia đông dân thứ hai thế giới này bắt đầu giảm. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động liên tục giảm suốt một thập kỷ qua, làm cản trở tăng trưởng, trong khi số lượng người già ngày càng tăng, gây áp lực lên hệ thống phúc lợi.

Các quy định về kế hoạch hóa gia đình như chính sách một con bị cho là nguyên nhân làm giảm tỉ suất sinh. Theo một nghiên cứu do Pauline Rossi đến từ Đại học Bách khoa Paris (École Polytechnique) ở Paris và Yun Xiao từ Đại học Gothenburg thực hiện dựa trên dữ liệu sinh sản của phụ nữ Trung Quốc sinh từ năm 1926 đến năm 1945 và được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Kinh tế châu Âu, các chính sách kiểm soát sinh sản có "tác động lan tỏa"; nghĩa là nếu một số cặp vợ chồng giảm sinh, có thể dẫn đến những cặp vợ chồng khác làm theo.

Những đối tượng trong nghiên cứu đang trong độ tuổi sinh sản khi chính sách kế hoạch hóa gia đình đầu tiên của Trung Quốc - chiến dịch "muộn hơn, lâu hơn và ít hơn" - bắt đầu diễn ra vào năm 1970. Chiến dịch này khuyến khích các cặp vợ chồng kết hôn muộn hơn, chờ đợi lâu hơn giữa các lần sinh con và sinh ít con hơn.

Kết quả là Trung Quốc chứng kiến sự suy giảm mức sinh lớn nhất trong giai đoạn này. Cụ thể, theo Ngân hàng Thế giới, tổng tỉ suất sinh của Trung Quốc giảm từ 6,2 năm 1969 xuống 2,7 trong một thập kỷ sau đó, cùng thời gian chính sách một con được đưa ra.

Điều quan trọng là, chiến dịch "muộn hơn, lâu hơn và ít hơn" chỉ áp dụng đối với nhóm dân tộc chính ở Trung Quốc - người Hán. Điều đó cho phép các tác giả nghiên cứu phản ứng của các nhóm dân tộc thiểu số, những người không phải tuân theo chính sách này.

Sau khi kiểm soát các yếu tố khác, các nhà nghiên cứu thấy rằng chính sách này không ảnh hưởng đến các nhóm thiểu số sống tách biệt với người Hán. Tuy nhiên, đối với những nhóm thiểu số sống giữa cộng đồng người Hán, tỉ suất sinh sản giảm đi. Những địa phương có tỉ lệ người Hán trong dân số càng cao thì ảnh hưởng càng mạnh.

Sau một loạt chiến dịch kiểm soát sinh sản kể trên, dù chính sách một con đã kết thúc vào năm 2016 và Chính phủ Trung Quốc chuyển sang chính sách ba con vào năm 2021 để thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh thêm, thế nhưng tỉ suất sinh vẫn chưa tăng trở lại. Tỉ suất này thậm chí còn giảm xuống mức thấp kỷ lục - 1,2 con - vào năm 2021.

Chi phí sinh con cao đồng nghĩa với việc các cặp vợ chồng muốn có ít con hơn. Thêm vào đó, hiệu ứng lan tỏa khiến cặp vợ chồng này bắt chước cặp kia, đã ít con thì lại càng ít hơn. Theo The Economist, nếu không có động lực từ bên ngoài, Trung Quốc không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận