Săn tham nhũng trên con đường tơ lụa

NGUYỄN THÀNH TRUNG 09/04/2024 09:25 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đang hướng các hoạt động chống tham nhũng ra bên ngoài, cụ thể là trong các dự án Vành đai con đường.

Tờ Bưu Điện Hoa Nam vừa đưa tin Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI), cơ quan giám sát chống tham nhũng tối cao của nước này, đã kêu gọi tăng cường liêm chính trong hoạt động của Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) ở cuộc họp hôm thứ ba 19-3 với nhiều cơ quan liên quan nhằm đẩy mạnh cuộc truy lùng tham nhũng trong các dự án xuyên biên giới của Trung Quốc.

Ảnh: Diaglogo-Americas.com

Ảnh: Diaglogo-Americas.com

Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan phụ trách nhân sự trong bộ máy đảng và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong truy quét các nghi phạm bỏ trốn.

Săn cáo và Lưới trời

Điều đó đồng nghĩa nghi phạm tham nhũng trong các dự án BRI đang trở thành trọng tâm trong cuộc truy lùng mang tính quốc tế của Trung Quốc sắp tới. Báo cáo của CCDI viết: 

"Chúng ta củng cố lập trường gây áp lực cao chống tham nhũng để cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ và đảm bảo chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng khó khăn và kéo dài". 

Đây là báo cáo thứ hai của CCDI trong vài tháng qua tập trung vào chống tham nhũng ở các dự án BRI, với hy vọng tạo ra hình ảnh tốt đẹp hơn cho sáng kiến này.

Khi mở chiến dịch chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy đảng và chính quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình thúc đẩy hai định hướng cụ thể nhằm bảo đảm không để lọt tội phạm tham nhũng: Săn cáo và Thiên võng (Lưới trời). 

Nhưng nếu trước kia các chiến dịch này nhắm vào giới quan chức tham nhũng trong nước rồi bỏ trốn ra nước ngoài, thì giờ tâm điểm chuyển sang BRI, vốn trước đây bị xem nhẹ trong các nỗ lực làm trong sạch bộ máy.

Tình trạng xem nhẹ đó là có lý do. Thứ nhất, hành vi tham nhũng với BRI chủ yếu diễn ra ở ngoài Trung Quốc, tại các nước có dự án đi qua. Thứ hai, các nghi phạm dù gì cũng góp phần thúc đẩy hình ảnh và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc ở nước ngoài. 

Tuy nhiên, giờ đây CCDI muốn nâng cao khẩu hiệu BRI mới của ông Tập: "Mở, xanh và sạch", trước nhiều cáo buộc từ phương Tây về tình trạng không minh bạch, bẫy nợ và các nguy cơ với môi trường của những dự án này.

Nhắc lại, vào tháng 7-2014, Bộ Công an Trung Quốc phát động chiến dịch Săn cáo với mục đích bắt giữ các quan chức trốn ra nước ngoài thông qua các hiệp ước dẫn độ song phương và thỏa thuận hợp tác tư pháp hoặc các hoạt động "bí mật" ở nước ngoài. 

Chỉ hai năm sau, vào năm 2016, chiến dịch Săn cáo đã trở thành vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Năm 2021, ông Tiêu Bồi, phó bí thư CCDI, tổng kết rằng 9.165 kẻ đào tẩu đã "hồi hương" và hơn 21,7 tỉ nhân dân tệ (3 tỉ USD) tiền nhũng lạm được thu hồi kể từ khi chiến dịch bắt đầu vào năm 2014.

Sau thành công ban đầu của Săn cáo, chiến dịch chống tham nhũng quốc tế còn lớn hơn mang tên Thiên võng được mở vào cuối tháng 3-2015, dưới sự lãnh đạo của CCDI, phối hợp với các cơ quan khác. 

Trong chiến dịch Thiên võng, cảnh sát Trung Quốc hợp tác với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trấn áp các ngân hàng ngầm và công ty nước ngoài được sử dụng để chuyển tài sản tài chính bất hợp pháp.

Chiến dịch Săn cáo đã được Trung Quốc triển khai được hàng chục năm, lùng bắt các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài. Ảnh: Tân Hoa xã

Chiến dịch Săn cáo đã được Trung Quốc triển khai được hàng chục năm, lùng bắt các quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài. Ảnh: Tân Hoa xã

Ưu tiên BRI

Trong báo cáo hôm 19-3, CCDI coi việc chống tham nhũng liên quan đến BRI là ưu tiên hàng đầu trong công việc năm nay. Nhìn theo tiến trình, nỗ lực của CCDI vào đầu năm 2024 là tiếp nối những cam kết chống tham nhũng trước đây. 

Năm 2022, ông Triệu Lạc Tế, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và bí thư CCDI lúc đó, tuyên bố Trung Quốc đã xây dựng một cơ chế theo dõi những kẻ đào tẩu. CCDI sẽ tiếp tục và mở rộng hoạt động của Thiên võng và "xây dựng BRI trong sạch", cũng như tăng cường luật quản lý người ở nước ngoài trong chống tham nhũng.

Tuy nhiên, những thông báo của CCDI vừa qua cho thấy có lẽ Trung Quốc đang cần một động lực mới và quyết tâm chính trị cao hơn. 

Quyết tâm của CCDI được thể hiện trong bối cảnh một số tổ chức, viện nghiên cứu ở phương Tây liên tục đưa ra báo cáo đánh giá các dự án BRI có nhiều vấn đề liên quan đến tham nhũng giữa các công ty Trung Quốc và chính quyền quốc gia sở tại.

Được ông Tập khởi xướng vào năm 2013, BRI là chương trình cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc với số vốn đầu tư ước tính lên đến 1.000 tỉ USD nhằm liên kết các thị trường mới nổi, kết nối châu Á với châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. 

Trung Quốc ca ngợi BRI là ví dụ điển hình về "hợp tác cùng có lợi" dựa trên "hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia".

Vậy mà ngày 27-2 vừa rồi, một báo cáo của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ (FDD) có tiêu đề chơi chữ "Thắt chặt vành đai hay kết thúc con đường?" lại cho rằng tham nhũng và lãng phí xảy ra tràn lan trong nguồn tài trợ phát triển của Trung Quốc. 

Báo cáo rút ra kết luận đó trên cơ sở các nghiên cứu điển hình ở Ecuador, Zambia và Cộng hòa dân chủ Congo. Báo cáo cũng cho rằng khoản nợ mà các nước tham gia phải gánh chịu gây ra tác hại ngày càng lớn với nền kinh tế, trong khi các dự án gây ra tàn phá về xã hội, kinh tế và môi trường. 

Họ kết luận BRI đã không đáp ứng được các mục tiêu cao cả ban đầu của Bắc Kinh.

Sau đó, Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của Trung Quốc 13-3 đã chạy bài phản hồi cho rằng bản báo cáo của FDD "mang tính ác ý", "giật gân quá mức" các vấn đề về tham nhũng liên quan đến BRI bằng cách trích dẫn các nguồn "thiên vị và suy đoán chủ quan".

Tuy nhiên, báo cáo FDD không phải là nghiên cứu duy nhất kết luận tiêu cực về BRI. Trước đó vào tháng 9-2021, nghiên cứu chuyên sâu của trung tâm AidData, Đại học William và Mary, Virginia, Mỹ, đã vẽ ra bức tranh về những trở ngại ngày càng tăng với BRI. 

Nghiên cứu cho thấy 42 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình hiện nợ Trung Quốc hơn 10% GDP hằng năm. Các nhà nghiên cứu cũng xác định các khoản vay trị giá 385 tỉ USD từ Trung Quốc đã không được đưa vào số liệu thống kê chính thức. 

Chính sự thiếu tính công khai và hạn chế tiếp cận thông tin này dẫn đến nhiều đồn đoán về hối lộ và tham nhũng.

Một dự án lấn biển thuộc BRI ở Sri Lanka. Ảnh: Reuters

Một dự án lấn biển thuộc BRI ở Sri Lanka. Ảnh: Reuters

Vấn đề minh bạch

Điều không thể phủ nhận là BRI được thiết kế không rõ ràng. Bằng cách hạn chế giám sát từ bên ngoài, các dự án dễ dàng tạo cơ hội trúng thầu cho các nhà thầu Trung Quốc. 

Các cáo buộc tham nhũng xuất hiện còn bởi những bên cho vay lớn nhất, các ngân hàng Trung Quốc, cũng không thật sự minh bạch. Các điều khoản cho vay hiếm khi được công bố. Thậm chí cựu chủ tịch Ngân hàng Exim Trung Quốc vào năm 2007 từng nói: "Nước trong thì không có cá".

Trung Quốc không phải là nước đầu tiên rơi vào bẫy triển khai các dự án, nhất là ở nước ngoài, mà không có sự giám sát đầy đủ. Các thể chế tài chính đa phương quốc tế hiện đã có thể phát triển hoạt động cho vay nghiêm ngặt hơn chính vì các nhà tài trợ của họ từng mắc nhiều sai lầm trước đây mà các công ty Trung Quốc hiện đang lặp lại.

Vấn đề của Trung Quốc là quyết tâm tới đâu mà thôi. Theo một báo cáo gần đây của Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác liên quan đến BRI, các điều khoản về chống tham nhũng và liêm chính đã được đưa vào với 37 quốc gia và tổ chức quốc tế nhằm xây dựng chính sách quản trị sạch. 

Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là thỏa thuận trên giấy. Vấn đề còn bởi ở hơn 80 quốc gia mà BRI hướng tới kết nối, tham nhũng là vấn nạn phổ biến. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc, đa số là công ty nhà nước, sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư mà những công ty phương Tây khác có thể sẽ không làm. Họ cũng biết rằng Bắc Kinh có thể thay mặt họ can thiệp chính trị nếu cần.

Truyền thông phương Tây cáo buộc khi đồng ý tăng chi phí dự án, Bắc Kinh có thể chuyển số tiền này cho những chính trị gia thân thiết ở quốc gia sở tại để tăng đòn bẩy chính trị. 

Tháng 1-2019, tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin các quan chức Trung Quốc đã đồng ý giúp bảo lãnh cho quỹ phát triển nhà nước 1MDB của Malaysia dưới thời cựu thủ tướng đang bị điều tra tham nhũng Najib Razak, bằng cách thổi phồng chi phí các dự án cơ sở hạ tầng.

Trước đó, theo điều tra của The New York Times năm 2018, tại Sri Lanka, quỹ đầu tư của Trung Quốc được cho là đã được dùng vào nỗ lực tái cử thất bại của cựu thủ tướng Mahinda Rajapaksa. (Tất cả các bên liên quan đều phủ nhận cáo buộc). ■

Trung Quốc, giống như bất kỳ bên cho vay lớn nào, đều tìm cách tạo ảnh hưởng với tiền bạc của họ. Tuy nhiên, phải thừa nhận chính quyền Mỹ và châu Âu có các bộ luật và cơ chế kiểm soát các công ty và dự án hoạt động ở nước ngoài chặt chẽ hơn. Luật hình sự và cạnh tranh của Trung Quốc cũng có các điều khoản liên quan đến hối lộ và tham nhũng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có đủ phương tiện làm sạch BRI, vấn đề là họ đang cần một quyết tâm chính trị cao hơn, cao hơn cả tham vọng gây ảnh hưởng ở nước ngoài, nếu thật sự muốn một BRI sạch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận