Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Nếu tôi cũng sáng tác giống bao người thì tôi là cái gì?

ĐẬU DUNG 04/10/2023 14:44 GMT+7

TTCT - Đỗ Bảo trò chuyện cùng Tuổi Trẻ Cuối Tuần về chặng đường 30 năm đã đi qua, từ một thanh niên hăm hở bước vào con đường âm nhạc tới khi thành danh trong làng nhạc nhẹ Việt Nam.

Liveshow Một mình bao la kỷ niệm 30 năm sáng tác của Đỗ Bảo đã phải lùi hết lần này tới lần khác, nhưng rồi đầu thu này, nhạc sĩ thế hệ 7X này thư thả báo tin đêm nhạc ấy sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Nếu tôi cũng sáng tác giống bao người thì tôi là cái gì? - Ảnh 1.

Trong thời buổi khó khăn này, anh lại "chơi lớn" khi tổ chức liveshow ở cả TP.HCM lẫn Hà Nội? Lâu rồi, tôi mới lại thấy một liveshow tác giả…

Thời buổi này đâu dễ bán vé. Nghệ sĩ phải đầu tư bao nhiêu tiền bạc, công sức, có những tác giả mơ cả đời vẫn chưa thể làm được một liveshow. Dầu vậy, tôi vẫn cố gắng làm liveshow, album tác giả khi có điều kiện. Mệt nhưng cũng vui mà. Làm liveshow, ra album tác giả cũng là cách để xác định tư cách tác giả của họ.

Anh đã định vị được tên tuổi của mình trong địa hạt nhạc nhẹ Việt Nam. Anh cần gì phải xác định tư cách đó nữa?

Đã khẳng định rồi thì phải duy trì và khẳng định tiếp chứ. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng lao động nghệ thuật là một công việc nhọc nhằn và đòi hỏi sự liên tục. Ở nước ngoài cũng ít những đêm nhạc tác giả, phần lớn là các đêm nhạc của các ngôi sao. Ở ta thời trước, lâu lâu các cụ vẫn làm một đêm nhạc của họ. Tôi khá thích nét văn hóa truyền thống đó. Với những đêm nhạc như thế, tên tuổi của họ, các tác phẩm của họ cũng có một đời sống hoàn toàn khác.

Tôi từng nghe nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, nhạc sĩ Trần Tiến hát ca khúc của mình… Nhân tiện lần này "chơi lớn", sao anh không hát một sáng tác của mình cho thiên hạ "trầm trồ"?

(Cười) Tôi hát chán lắm. Tôi không đủ tự tin đó đâu, xin nhường lại cho các ca sĩ. Nhưng đâu phải nhạc sĩ nào cũng hát nhỉ? Nhiều cụ không hát mà. Văn Cao là một ví dụ.

Nhắc tới chuyện hát hò, tôi nhớ thời trước các "cụ" nhạc sĩ nhà mình rất hay có những cuộc sinh hoạt văn nghệ trà dư tửu hậu với nhau. Trong những cuộc đó, họ hát ca vui vẻ, nhận xét, góp ý về tác phẩm của nhau. Nhiều tác phẩm cũng được "khai sinh" từ đó…

Bây giờ là thời đại của sản xuất công nghiệp, thành ra không có những sinh hoạt văn nghệ đầm ấm, trong sáng và vui vẻ đó nữa. Tôi nghĩ lúc đó họ vẫn còn thấy sự thiêng liêng của một ngành nghệ thuật, của một người được làm nghệ thuật. Họ sống và sáng tác như kiểu thần tiên với nhau. Còn bây giờ, không thấy thần tiên với nhau, tôi chỉ thấy những ông thợ hoặc những nhà kinh doanh, nhà đàm phán… mà thôi.

Năm 2002, khi còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Đỗ Bảo gây tiếng vang lớn khi thực hiện hòa âm phối khí cho album Nhật thực của ca sĩ Trần Thu Hà và nhạc sĩ Ngọc Đại.

Chuỗi album tác giả sau đó: Cánh cung (2004), Thời gian để yêu (2008), Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta (2013) giúp anh nhận cú đúp "Nhạc sĩ của năm", "Album của năm" vào các năm 2004, 2009 tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến. Nhiều sáng tác của Đỗ Bảo được yêu thích như Bức thư tình đầu tiên (Tấn Minh hát), Bức thư tình thứ hai (Hồ Quỳnh Hương), Bài ca tháng sáu (Trần Thu Hà), Điều hoang đường nhất (Khánh Linh), Thời gian để yêu (Nguyên Thảo), Mây (Tùng Dương), Người buông neo (Trần Thu Hà), Chuyện của mặt trời - Chuyện của chúng ta (Trần Thu Hà), Anh thợ ảnh (Hoàng Quyên)…

Đỗ Bảo hòa âm phối khí cho nhiều album của nghệ sĩ, đáng kể nhất là Những ô màu khối lập phương (2007) của Tùng Dương, giúp anh chiến thắng tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến cho hạng mục "Album của năm".

Trước liveshow Một mình bao la, Đỗ Bảo là giám đốc âm nhạc của hai chương trình lớn: Mùa chuyển (đêm nhạc Phú Quang - Đỗ Bảo), Đàn chim Việt (kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao).

Có những ca khúc của tôi, nghệ sĩ không dám hát

Cho nên anh rơi vào cảm trạng "một mình bao la"? Đấy là tên một ca khúc mới mà anh tung ra trong liveshow lần này?

Lúc đặt tên cho bài hát này, thực tình cũng tình cờ thôi. Nhưng giờ nghĩ lại, có lẽ nó gợi ra một hình ảnh rất đúng về mình, nói chính xác hơn là rất đúng về con người nói chung. Tôi hay bạn - nói cho cùng - cũng nằm trong hai chữ "con người" đó. Chẳng qua lâu nay, ta đang nhìn gộp những con người trong cuộc đời lại với nhau nên ta không thấy ta một mình bao la. Nếu tách bạch ra thì ai cũng một mình trong cái bao la này.

Anh nói anh là một người mơ mơ màng màng. Nhưng cũng phải có lúc anh tỉnh chứ?

Phần lớn tôi ở trong trạng thái mơ màng, không rõ ràng. Tỉnh lúc nào nhỉ? Có lẽ là những lúc nói chuyện ba lăng nhăng với hội bạn thân. Đó có lẽ là lúc tôi đời thường nhất.

Ở ranh giới tỉnh và mơ đó, những nốt nhạc tìm đến anh ra sao?

Âm nhạc được nảy lên từ những rung động đẹp mà người nhạc sĩ có được trong cuộc đời. Bây giờ ngẫm lại hành trình 30 năm qua, tôi nhận ra những giây phút làm việc cật lực, say sưa, hay nhẹ nhàng nhất… mà tôi có, đều được khởi đi từ nhu cầu muốn diễn tả những cái đẹp trong cuộc đời bằng âm nhạc, lao động nghệ thuật của mình.

Đỗ Bảo trong đêm live concert "Hà Nội mùa chuyển" tháng 4 -2023. Ảnh: NVCC

Đỗ Bảo trong đêm live concert "Hà Nội mùa chuyển" tháng 4 -2023. Ảnh: NVCC

Anh là một trong những đại diện của nhạc nhẹ Việt Nam. Trong quan sát của anh, nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay như thế nào?

Những năm gần đây, âm nhạc phát triển hơn thời của thế hệ tôi rất nhiều nhờ những công nghệ sản xuất, trình độ cũng như kiến thức du nhập từ phương Tây. Hiện về công nghệ sản xuất, tất nhiên vẫn chưa bằng các nước phát triển nhưng Việt Nam cũng đã tiệm cận rồi. Thậm chí, cái gì chưa làm được, nghệ sĩ của ta cũng sẵn sàng thuê hoặc mời người làm được cho họ. Sản phẩm nhiều, đa dạng nhưng vì quá nhiều nên đầy thách thức cho nghệ sĩ.

Anh có thể nói cụ thể hơn?

Có rất nhiều cách gọi một nghệ sĩ nào đó là thành công, làm cho giá trị bị bão hòa. Ngày xưa, có những nhóm nhạc, có những nghệ sĩ mà thành công của họ vượt lên rất xa so với những nghệ sĩ còn lại, như Michael Jackson, Whitney Houston… Ngày nay thì không. Ngày nay, nghệ sĩ thế giới cũng phải học cách tiếp thị, tìm cách bán tài năng mà họ có. Thậm chí có những nghệ sĩ phải lên mạng bán khóa học của mình. Ngày xưa những thứ đó là vàng, họ phải giấu đi, giờ mà không bán, để cũng mất giá. Vả lại, họ không làm điều đó thì người khác cũng làm. Bối cảnh xã hội mới đã tạo ra một thế giới không còn bí mật nữa. Đó cũng là thách thức cho nghệ sĩ.

Hay giờ đây, một người nghiệp dư hát vui vui cũng có hàng triệu view. Chúng ta biết giải thích sao về điều đó? Những người nghệ sĩ học hành bài bản như tôi sao mà đọ được với họ? Nếu so thì khổ lắm, nên càng thấy mình "một mình bao la".

Ảnh: DO BAO OFFICIAL YOUTUBE CHANNEL

Ảnh: DO BAO OFFICIAL YOUTUBE CHANNEL

Nếu âm nhạc được xem là mặt hàng thì chất lượng mặt hàng đó hiện ra sao?

Nó cũng như các mặt hàng khác trên thị trường, chất lượng đang cao đều lên. Chẳng hạn nhìn quần áo mà xem, nhờ công nghệ sản xuất phát triển nên giờ đây ngay cả hàng chợ thì chất lượng cũng tốt lên rất nhiều. Song cũng trong thị trường đó, nếu không cẩn thận, ta vẫn mua phải hàng dỏm, hàng chất lượng kém hoặc vấp phải một quảng cáo sai, hoặc một cú lừa thật - giả mà ta không biết. Đặc biệt, nhờ sự vượt trội về công nghệ nên sản xuất hàng loạt, số lượng hàng hóa nhiều, ồ ạt, na ná nhau, rất khó chọn lựa. Nó đặt ra câu hỏi: Vậy sáng tạo là gì?

Tôi cũng không dám nói mình là người làm ra cái mới nhưng tôi luôn có ý thức về chuyện đó. Vài chục năm trước, có những ca khúc tôi viết ra, phải chờ qua năm tháng mới công bố. Có những bài của tôi, nghệ sĩ không dám hát, không dám chơi nhạc bởi nó ngược dòng tai nghe của khán giả Việt Nam. Lúc làm hòa âm phối khí cho đĩa Nhật thực (2002) của Trần Thu Hà và nhạc sĩ Ngọc Đại, hay đĩa của chính mình như Cánh cung (2004)…, tôi có cảm giác đang làm một việc giống như kéo xe bò lên dốc vậy. Tới bây giờ nhạc của tôi vẫn là một thứ nhạc không dễ được lòng số đông. Nhưng tôi nghĩ, nếu tôi cũng sáng tác giống bao người thì tôi là cái gì?

Bây giờ, làm kỹ xảo dễ lắm

Trong thời buổi mà nhiều khán giả chuộng thứ âm nhạc đầy tính kích thích hoặc thời thượng, làm thế nào âm nhạc đầy tĩnh lặng và ngược dòng của anh vẫn có đất "sống"? Tôi thấy anh có một tệp khán giả rất ổn định và đang ngày càng trẻ hóa. 

Tôi nghĩ, có thể vì âm nhạc của tôi được viết ra bởi cái thôi thúc diễn tả những vẻ đẹp của cuộc đời nên nó nhận được sự đồng điệu chăng. Ở khía cạnh con người xã hội, tôi không bao giờ dám nói mình là một người tốt đẹp cả nhưng trong âm nhạc, chắc chắn tôi là một người tốt đẹp. Nhạc Đỗ Bảo có làm xấu ai đâu, có phản bội được ai đâu, có xúi giục được ai, có làm cho ai đau khổ bao giờ đâu…

Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Nếu tôi cũng sáng tác giống bao người thì tôi là cái gì? - Ảnh 2.

Nhìn lại 30 năm đã đi qua, anh thấy đó là con đường như thế nào?

Tôi không hổ thẹn về điều gì. Cũng đủ hài lòng khi nhìn lại cả một chặng đường, bởi ở từng bước đi, tôi đều nhắc nhở bản thân về ước mơ ban đầu: trở thành một tác giả.

Ở thế hệ trước, nhạc sĩ chỉ cần biết viết lời và giai điệu là xong, nhưng sang thế hệ của chúng tôi, bối cảnh xã hội buộc chúng tôi phải toàn diện hơn. Internet tác động một cách sâu rộng, đủ thứ trào lưu âm nhạc của thế giới đổ về, khán giả thì phân hóa, thẩm mỹ nghe nhìn cũng khác. Lúc đó, phần mềm sản xuất âm nhạc bắt đầu có nhiều hơn và ngày càng tốt hơn. Phần mềm đó, cùng cây đàn điện tử kết nối máy tính đã mở ra cho thế hệ chúng tôi một bầu trời, một cách thức, một phương thức làm nghệ thuật khác. Không thay đổi không được. Tôi lao vào học đàn cho tốt, mày mò tìm hiểu về hòa âm, phối khí và xem đó là một kỹ năng cần phải có của một nhạc sĩ. Chỉ có những người trong nghề mới biết thiếu một cái gì đó thì khổ như thế nào. Nó như một sự mặc cảm vậy.

Mới đây, Siu Black trở lại với "hit" Ngọn lửa cao nguyên làm bùng nổ sân chơi Việt Nam Idol, cho thấy giọng hát của người ca sĩ vẫn là một giá trị bất biến. Nó đi ngược lại điều mà không ít người nói hiện nay, ca sĩ không nhất thiết phải có giọng bởi có máy móc trợ giúp. Là nhạc sĩ, là người hòa âm phối khí, là người biên tập âm nhạc của rất nhiều chương trình âm nhạc lớn, anh nghĩ sao?

Về nghệ sĩ biểu diễn, về ngành biểu diễn nói chung, tôi cho rằng tài năng, kỹ năng, kỹ thuật của người biểu diễn vẫn là điều có giá trị. Đặc biệt, những người có giọng hát trời cho (âm sắc) - giống như một hương thơm đặc thù của một loài hoa mà trời cho người này không cho người khác. Họ lại có kỹ thuật, có khổ luyện, tôi nghĩ đó mới là yếu tố khiến khán giả muốn thưởng thức.

Bây giờ, làm kỹ xảo trong các lĩnh vực đều dễ lắm. Âm nhạc cũng không ngoại lệ. Có điều, nó thiên về cảm giác công nghiệp quá, tôi không đánh giá cao. Tôi vẫn luôn tin rằng trong lĩnh vực đặc thù này, năng lực và trình độ mới là yếu tố quan trọng để định vị tư cách nghệ sĩ của một người nào đó. Chúng ta nên đánh giá họ dựa trên vẻ đẹp nghề nghiệp mà họ có, thông qua sự khổ luyện, lao động nghệ thuật nghiêm túc… để tất cả điều đó cộng hưởng, tài năng đó được diễn tả một cách trực tiếp đầy hấp dẫn mà không cần nhờ tới sự trợ giúp nào.

Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tham gia nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, AI đã biết phối nhạc "hay" theo kiểu phổ thông, ca sĩ ảo cũng biết hát tròn trịa. Thế chỗ đứng của nghệ sĩ thực ở đâu? Tôi cho rằng chắc chắn phải là những thứ tài năng mà máy móc, AI không thể diễn tả hay bắt chước được. Kể cả máy móc có thông minh trong việc thể hiện cảm xúc của con người đến đâu, vẫn có những sai số. Con người chúng ta cũng sai số nhưng sai số trên nền tảng khổ luyện, kỹ thuật tốt và lao động nghiêm túc thì nó vẫn giá trị, rất hay và đẹp.

Cảm ơn anh đã trò chuyện.

Chia sẻ lý do "Nam tiến", tổ chức liveshow ở TP.HCM vào ngày 11-11 rồi mới tổ chức ở Hà Nội vào ngày 25-11, nhạc sĩ Đỗ Bảo nói: "Tôi vẫn có một nhóm khán giả ở TP.HCM trong suốt vài chục năm qua. Họ đã sống ít nhiều với âm nhạc của tôi. Tôi nghĩ họ hoàn toàn xứng đáng để tôi có một đêm nhạc dành cho họ theo một cách nào đó".


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận