Đại học Mỹ: Gió tuyển sinh đổi chiều

NGUYỄN VŨ 26/07/2023 15:19 GMT+7

TTCT - Tuyển sinh vào các đại học hàng đầu ở Mỹ đang thay đổi, không chỉ vì phán quyết mới nhất của Tòa Tối cao nước này.

Trước đây tuyển sinh vào các đại học hàng đầu ở Mỹ xoay quanh một số yếu tố như điểm bài thi SAT hay ACT, bài luận, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa, chính sách ưu tiên cho học sinh da màu. Nay tình hình đã khác.

Ảnh: The American Project

Ảnh: The American Project

Rõ nét nhất trong thay đổi chính sách tuyển sinh là việc đến 96% các đại học ở Mỹ không yêu cầu thí sinh nộp điểm các kỳ thi chuẩn hóa như SAT hay ACT. Lập luận của họ là điểm thi không phản ánh chính xác năng lực của sinh viên tương lai, mà chỉ đo lường mức độ giàu có của gia đình sinh viên.

Không còn coi trọng điểm số

Hiện có hai loại trường, một là để thí sinh tùy chọn, thi rồi gởi kết quả điểm cũng được chứ không bắt buộc (test-optional); và hai là nói rõ không đưa điểm thi thành tiêu chí xét tuyển nên có gởi điểm cũng vô dụng (test-blind). Trước đó vào năm 2021, Tổ chức College Board cũng bỏ luôn các kỳ thi SAT II, tức SAT của từng môn như toán, lý, hóa, sinh… và bỏ luôn mục viết luận tùy chọn trong kỳ thi SAT.

Sau khi các trường tuyên bố không yêu cầu nộp điểm SAT, lượng thí sinh dự tuyển tăng vọt, ví dụ ở ĐH Cornell là 71.000 hồ sơ so với bình quân các năm trước là 50.000. Trước đây học sinh vào các diễn đàn tuyển sinh, choáng ngợp với điểm SAT cao chót vót ở những ĐH hàng đầu, nên thường tránh xa các trường này. 

Nay họ muốn thử sức vì có thành tựu ở các mặt khác. ĐH Chicago bỏ yêu cầu điểm SAT vào năm 2018 và đến năm học vừa rồi, khoe rằng lứa sinh viên mới đa dạng hơn trước: sinh viên da đen tăng 56%, sinh viên gốc Mỹ Latin tăng 26%, sinh viên nông thôn tăng 36%...

Tuy nhiên việc bỏ điểm SAT gây ra những hệ lụy không nhỏ với nhiều học sinh. Đầu tiên là học sinh gốc Á, vốn thường có điểm SAT cao hơn hẳn các nhóm học sinh khác. Các trường hàng đầu thường bị kiện do đối xử phân biệt với thí sinh gốc Á, dù họ có điểm SAT cao hơn - nếu chỉ dựa vào điểm số, tỉ lệ sinh viên châu Á sẽ vượt lên hẳn các nhóm khác.

Thứ hai, xét về mặt giàu nghèo thì chi phí cho điểm SAT thấp hơn nhiều so với các yếu tố khác như hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, hay dễ thấy nhất là tham dự các cuộc thi triển lãm dự án tốn kém kiểu như Genius Olympiad. Như thế học sinh con nhà giàu hưởng lợi nhiều hơn khi bỏ xét điểm SAT, so với những học sinh muốn vươn lên bằng chính sức học của mình.

Bỏ chính sách ưu tiên hay phân biệt do màu da

Nói ngắn gọn, Tòa Tối cao Mỹ ra hai phán quyết cho rằng tuyển sinh đại học dựa vào màu da thí sinh là vi hiến. Đây là chính sách đã tồn tại 45 năm nay nhằm giúp người da đen, thường có hoàn cảnh thua thiệt, nhiều cơ hội hơn trong tuyển sinh ĐH. 

Các trường thường giành một tỉ lệ nhất định để tuyển sinh viên da đen dù các thí sinh này có thể có học lực kém hơn. Như ĐH Harvard, một trong hai nơi bị kiện, cũng từng phân biệt đối xử với thí sinh gốc Á, không tuyển họ dù thành tích học tập tốt hơn các nhóm khác vì sợ tỉ lệ sinh viên gốc Á ngày càng tăng quá mức.

Tuy phán quyết là như thế, chánh án Tòa Tối cao có nói thêm các ban tuyển sinh vẫn có thể xem xét hồ sơ tuyển sinh để xem chủng tộc của thí sinh ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống, là động lực giúp các em tiến thân ra sao. 

Nói cách khác, quy trình tuyển sinh sẽ kém minh bạch hơn vì ưu tiên thí sinh da đen hay o ép thí sinh gốc Á vẫn còn, nhưng sẽ tinh vi hơn, thể hiện qua lời kể của thí sinh trong bài luận hay phỏng vấn trực tiếp. Tương lai e là sẽ có nhiều vụ kiện hơn nữa liên quan đến màu da trong tuyển sinh.

Khác với suy nghĩ thông thường cho rằng vào được các trường như Harvard ắt phải học giỏi ở mức xuất sắc, thực tế chưa chắc. Dĩ nhiên điều này vẫn đúng với một tỉ lệ lớn sinh viên trúng tuyển, nhưng cũng có một tỉ lệ không nhỏ được nhận vào học không phải vì điểm số. 

Nghiên cứu năm 2019 của Cục Nghiên cứu kinh tế Mỹ cho thấy 43% sinh viên da trắng được nhận vào Harvard là vận động viên thể thao, sinh viên có cha mẹ từng học Harvard, con em đội ngũ giảng viên và nhân viên nhà trường, hay sinh viên trong danh sách quan tâm của hiệu trưởng, tức nói trắng ra là sinh viên có gia đình đã hiến tặng những món tiền lớn cho trường. 

Như Jared Kushner, con rể Donald Trump, được nhận vào Harvard sau khi cha anh này hứa tặng cho trường 2,5 triệu đô la năm 1998. Harvard cũng mở rộng cửa đón nhận con em các chính khách trên thế giới, nhất là những chính trị gia của các nước Harvard muốn tạo ảnh hưởng.

Tuyển sinh quốc tế vẫn như cũ

Sinh viên quốc tế có thể choáng khi xem mức học phí ở các đại học hàng đầu ở Mỹ, như ĐH Brown cho biết tổng chi phí theo học tại trường, gồm học phí, ăn ở sẽ lên đến 88.000 đô la mỗi năm từ năm học 2023-2024. 

Con số này ở trường Cornell là 87.000 đô la. Một trường thuộc loại khoa học xã hội như Middlebury cũng có phí tổn lên tới 83.400 đô la/năm. Với mức lạm phát cao ở Mỹ vài năm qua, con số này có thể còn tăng nữa.

Trong khi đó do đại dịch Covid-19, số sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ giảm mạnh, năm 2020 giảm đến 43% so với năm trước. Hiện tỉ lệ này phục hồi nhưng vẫn chưa đạt mức trước đại dịch. Chính vì thế, xu hướng chung của ĐH Mỹ là mở rộng cửa chào đón sinh viên quốc tế, nhất là sinh viên có khả năng đóng học phí ở mức cao nhất. 

Nguồn thu từ các sinh viên này giúp họ cân đối thu chi vì dù có tuyên bố cấp cho sinh viên quốc tế học bổng vài ngàn đô la, số thu được vẫn cao gấp mấy lần học phí của sinh viên bản xứ đóng. Đa số các trường ở dạng này không đòi hỏi cao về năng lực sinh viên, sẵn sàng trả chừng 15% tiền hoa hồng trên học phí năm đầu tiên cho các đại lý tuyển sinh ở nước ngoài.

Với các trường hàng đầu, chính sách tuyển sinh cũng dành tỉ lệ nhất định cho sinh viên quốc tế nhằm đa dạng hóa môi trường học tập (năm nay họ tổng kết đã tiếp nhận thí sinh từ 67 quốc gia!). 

Với những trường này, trước đây điểm số SAT là yếu tố quan trọng. Nay thay vào đó các hoạt động ngoại khóa, phục vụ cộng đồng, các phong trào bảo vệ môi trường, bài luận nhấn mạnh đến tính đa dạng sinh viên đóng góp cho nhà trường… sẽ lên ngôi. 

Chính vì thế các kỳ thi kiểu như Genius Olympiad, dù chi phí tham gia khá tốn kém, vẫn thu hút nhiều học sinh để làm nền cho một hồ sơ tuyển sinh "đẹp". ■

Bài luận thời ChatGPT

Bài luận trong hồ sơ tuyển sinh từng là một trong những yếu tố mang tính quyết định; nó là bức tranh tổng quát để ban tuyển sinh hình dung về người sinh viên tương lai, đánh giá cá tính, tính cách, lòng trung thực, mối quan tâm đến các vấn đề xã hội…

Thế nhưng sau nhiều vụ bê bối luyện viết luận, thậm chí có các lò viết thuê, các trường cũng ít nhiều dè dặt hơn trước các bài viết nổi trội.

Các ban tuyển sinh đối phó bằng công cụ công nghệ như phần mềm phát hiện đạo văn Turnitin. Tinh vi hơn có chương trình Authorship Investigate sẽ lục lọi dữ liệu nền của bài luận được nộp để biết ai là tác giả, tập tin được mở mấy lần, biên tập mấy lần, có chuyển giao sang máy khác không...

Sau đó chương trình sẽ rà soát các đặc điểm hành văn của bài luận, các dấu hiệu đặc trưng của từng người để xác định người nộp hồ sơ tuyển sinh và người viết bài luận có phải là một hay không.

ChatGPT cũng đang tạo ra những thay đổi mới. Học sinh có thể dùng công cụ AI này để tìm ý tưởng hay thậm chí viết luôn cả bài luận. Thí sinh nước ngoài có thể nhờ nó kiểm tra tiếng Anh.

Ban tuyển sinh các trường ắt cũng phải có biện pháp đối phó, dễ nhất là hạ thấp tầm quan trọng của bài luận trong tiêu chí tuyển sinh hay đọc bài viết với tâm thế khác. Họ sẽ cất công đi tìm tính sáng tạo và độc đáo, riêng biệt, những thứ ChatGPT chưa rành, để đãi cát tìm vàng.

Biết đâu nhờ vậy các lò viết luận thuê, các dịch vụ hỗ trợ tuyển sinh mà thực chất là làm đẹp hồ sơ bằng bài luận do người khác viết sẽ không còn đất sống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận