Philippines và biển cả

DANH ĐỨC 15/07/2012 19:07 GMT+7

TTCT - Vụ đối đầu trên dải đá ngầm Scarborough giữa Philippines với Trung Quốc là một dịp nhìn lại xem dân tộc này đã và đang sống với biển cả và nhờ vào biển cả như thế nào, cùng những khó khăn, thiếu thốn và ước mơ của họ. Trở lại Philippines sau 20 năm, tôi đã nhìn và thấy sự tình.

Bức tượng đồng Người đi biển ở cảng Manila - Ảnh: Danh Đức

Vịnh Manila những ngày này mưa bão nhiều hơn là nắng êm. Ngoại trừ một hôm đầu trời còn quang, mây tạnh, còn ngày nào cũng mưa to, gió lớn. Thậm chí chuyến bay về lại Việt Nam diễn ra trong sự rượt đuổi của cơn bão Dindo, mấy lần máy bay bị hất tung lên rớt xuống, khay thức ăn văng tung tóe.

Biết làm sao được khi đất nước gồm 7.107 hòn đảo lớn nhỏ, có đến 36.289km bờ biển này là nước “đầu sóng ngọn gió” trên Thái Bình Dương, năm ngoái phải “tiếp đón” đến 21 cơn bão lớn nhỏ, cơn bão cuối cùng tên Washi từ ngày 13 đến 19-12! 

Philippines cũng là nước của 20 cơn địa chấn được ghi nhận hằng ngày, thảm họa lớn nhất là vụ núi lửa Pinatubo phun trào năm 1991 khiến 847 người thiệt mạng. Tứ bề là biển, lại ở vị trí đầu sóng ngọn gió, người Phi có hướng ra biển hơn cũng là chuyện đương nhiên và tất yếu.

Nhân lực là nền tảng chứ không phải cảng biển

“Chính phủ luôn nghĩ đến việc phát triển và duy trì một hạm đội thương thuyền do người Phi làm chủ trên thương trường quốc tế. Song nhu cầu hỗ trợ tài chính vì mục đích mua tàu lại không hề là một nhu cầu sinh tử”.

(The Philippines overseas shipping industry: a situation report)

Thứ hai 25-6, hầu như cùng lúc với chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Louisville của hạm đội 7 Mỹ ghé cảng Subic, thì ở cảng Manila, thị trưởng Manila Alfredo Lim cũng cắt băng tái khánh thành đài tưởng niệm Người đi biển. 

Điêu khắc gia Julie Lluch đã kính cẩn tôn vinh người đi biển bằng một bức tượng thủy thủ cuồn cuộn bắp thịt (rất cơ thể học), tay ghì chặt bánh lái trước sóng gió.

Người thị trưởng mà 20 năm trước tiếp tôi trong văn phòng tòa thị chính bàn về làm thế nào cho công chức được kỷ cương ngăn nắp, nay đã 83 tuổi mà vẫn cường tráng, ra đại lộ Roxas trước biển, vén tấm văn bia bằng đồng khắc chữ ký của ông cùng dòng chữ: “Để ghi nhớ ngày quốc tế người đi biển và để cung hiến một lần nữa tượng đài này cho tất cả những ai đã trải qua những thử thách của biển cả...”.

Ngày người đi biển quốc tế (The International Seafarers' day) hằng năm được tổ chức vào ngày 25-6 rất trọng thể ở đất nước có đến 400.000 người đi biển, trong đó đến 330.424 người trên các tàu nước ngoài, theo thống kê năm 2009 của POEA - cơ quan quản lý người Phi lao động ở nước ngoài.

Là một nước đông đến 98,6 triệu dân tính đến tháng 7-2008, diện tích chỉ 299.764km2 mà có đến 55/76 tỉnh đâu mặt ra biển, nếu không thật sự làm kinh tế biển thì có mà đói rã, chứ đừng nói có được GDP/đầu người là 2.223 USD, gấp đôi Việt Nam (2011). 

Thế nhưng, khi mô tả về nền kinh tế biển này sẽ không thấy nêu ra bao nhiêu cảng biển hiện có, sẽ tốn tiền tốn của để xây, cũng không thấy khoe có bao nhiêu con tàu, mà chỉ thấy nêu những yếu tố liên quan đến nhân lực: các làng chài, người đi tàu viễn dương, thợ đóng tàu, nhân viên điều hành hàng hải, chủ nhân/người khai thác các resort.

Chỉ thấy tự hào rằng “tài nguyên nhân lực của Philippines vẫn là một trong những niềm tự hào không chỉ về mặt số lượng mà cả về chất lượng và tính cạnh tranh. Một trong những nhóm nhân lực quan trọng nhất của đất nước là lĩnh vực đi tàu viễn dương”.

Người Phi thừa hiểu cho dù hạm đội 7 hải quân Mỹ từng đóng tại căn cứ Subic, song đó là chuyện cổ tích của thời chiến tranh lạnh, và Chính phủ Mỹ năm 1991 sau mặc cả chỉ chịu chi 203 triệu USD/năm cho việc lưu ngụ tại cảng này, nhất định không chi thêm một xu, thà rút đi còn hơn. 

Đây là một dấu chỉ cho thấy một khi không còn là căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á, cảng Subic không tài nào sánh nổi với cảng Singapore về mặt vị trí “ngã tư quốc tế” trong eo biển Malacca mà bất cứ con tàu nào từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương cũng phải qua.

Vấn đề không đơn giản là hễ cứ có vịnh, có cảng nước sâu thì tàu bè thiên hạ sẽ phải bỏ lộ trình cũ mà vào một cảng trong xó xỉnh. Thành ra sau khi đóng cửa cảng Subic, Philippines đã tận dụng biến cảng này thành một cảng khu chế xuất tự do (miễn thuế xuất nhập khẩu) và cũng không màng đến việc xây dựng bất cứ một cảng nào khác, ngoài cảng Manila sẵn có.

Người Phi theo kinh tế thị trường đã lâu khi người Mỹ thế chỗ người Tây Ban Nha cai trị đất nước này vào cuối thế kỷ 19. Do vậy, họ hiểu rất rõ rằng bỏ vốn ra thì phải cầm chắc thu lợi bao nhiêu, đồng thời cũng không quen thói nhà nước dùng vốn ngân sách đứng ra làm ăn nên chính sách kinh tế biển của họ không có chữ nào cho xây cảng biển, trái lại tập trung cho nỗ lực xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển và cũng qua ngã tư nhân là chủ yếu.

Thành ra không lấy làm lạ khi đọc trong báo cáo về chiến lược kinh tế biển của họ cách đặt vấn đề sau: “Hơn bao giờ hết, nguồn dự trữ tài nguyên nhân lực hàng hải bao gồm các sĩ quan hàng hải thương thuyền có chuyên môn và tài năng cũng như đội ngũ quản lý tàu về lâu về dài sẽ vẫn dẫn dắt sự phát triển của Philippines trong vai trò một trung tâm hàng hải có tính cạnh tranh”.

Một lớp luyện thi vào trường hàng hải ở Philippines - Ảnh: Danh Đức

Người Phi đi biển

Không lấy làm lạ tại sao Perla Aragon Choudhury lại kiêu hãnh khoe rằng “Người Phi bây giờ vẫn còn ngự trị trên biển”! Theo Ủy ban Đào tạo đại học của Philippines (CHED), người Phi chiếm đến 30% thủy thủ đoàn hạm đội thương thuyền thế giới.

Trong số đó có đến 51.614 người làm việc trên các tàu treo cờ Panama (Panama là vô địch thế giới về môn cho mượn “tên” để đăng ký quốc tịch tàu bè, tàu hàng Việt Nam cũng có); 29.681 người trên tàu Bahamas; 21.966 người trên tàu Liberia; 10.308 người trên tàu Singapore; 9.772 người trên tàu Marshall Islands; 8.172 người trên tàu Anh; 7.513 trên tàu Malta; 7.052 người trên tàu đảo quốc Cyprus; 7.017 người trên tàu Hà Lan; 6.975 người trên tàu Na Uy...

Còn theo Bangko Sentral ng Pilipinas, Ngân hàng Trung ương Philippines, năm ngoái những người Phi đi tàu viễn dương này đã gửi về hơn 3 tỉ USD kiều hối, trong đó có 700 triệu USD từ những thủy thủ làm việc trên các tàu treo cờ EU, tức đòi hỏi chuyên môn cao. 

Tất nhiên đó không phải là những phu phen tàu cá hay phu phen hầm tàu mà là thủy thủ chuyên nghiệp có trình độ quốc tế, lương thủy thủ từ 1.000-1.200 USD/tháng, lương kỹ sư máy trưởng 10.000-15.000 USD/tháng, lương hạm trưởng 12.000 USD/tháng.

Công việc đi biển của người Phi rất đa dạng: đang có 47.782 người Phi làm việc trên tàu khách, 42.356 người trên tàu chở hàng rời, 31.983 người trên tàu container, 25.011 người trên tàu dầu, 7.502 người trên các tàu chở hóa chất, 3.471 người trên các tàu chở khí đốt (4)...

Trụ cột của kinh tế biển là gì?

Rất thực tế, người Phi không vung tiền xây hết cảng nước sâu này đến cảng nước sâu khác trong 55 tỉnh nhìn ra biển của họ, bởi lẽ nếu muốn thế sẽ phải xây đến 55 cảng rồi bỏ trống cho hải âu làm tổ! 

Ngược lại, họ chủ trương đào tạo những người đi biển có chuẩn quốc tế, thông thạo luật và thông lệ hàng hải, có kinh nghiệm hải hành, tất nhiên tất cả qua trung gian tiếng Anh mà họ thừa hưởng từ khi còn là thuộc địa Mỹ.

Hiện lực lượng người đi biển của họ đông khoảng 700.000 người, gồm cả nam lẫn nữ, và hiện có 96 trường đào tạo chính quy ở trình BS (cử nhân khoa học) về vận tải biển và cơ khí hàng hải, học trình ba năm lý thuyết, một năm trên tàu. Mỗi năm có khoảng 280.000 sinh viên theo học ngành này. Và người Phi chiếm 30% nhân sự các hãng tàu biển quốc tế!

Các thương gia Phi “của đau, con xót” trân trọng từng đồng peso của họ, đứng trước xu hướng vận tải hàng hải giảm từ cuối thập niên 1990 đã bớt đầu tư mua tàu, hạm đội thương thuyền của Philippines ngày càng giảm.

Trong khi đó, người Phi đi biển ngày càng chiếm lĩnh thị trường lao động hàng hải thế giới. Đây mới chính là “con gà đẻ trứng vàng” (the goose that lays the golden eggs) trong chính sách kinh tế biển của Philippines, nguồn thu ngoại tệ (USD) đứng thứ sáu của chính phủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận