Không chỉ là một nơi sống, mà là một cách sống

GS.TS.KTS BRUNO DE MEULDER 11/08/2012 03:08 GMT+7

TTCT - Ngày 30-7, một hội thảo khoa học quốc tế mang tên “Ý tưởng quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” đã diễn ra tại thành phố này. Có thể do ý thức được mức độ quan trọng của một tầm nhìn xuyên tương lai, nên có một cái gì đó khá táo bạo đã được đề xuất trong ý tưởng quy hoạch Đà Lạt lần này với một hình dung mới và đầy tham vọng.

Phóng to
Ảnh: MAI VINH

Nói đến Đà Lạt, người Việt Nam ai cũng nôn nao. Bởi trong họ, Đà Lạt không chỉ là một đô thị mà còn là một tâm tưởng, đó có khi là một hoài niệm, có khi là một cảm giác sống tinh khôi, tươi mát mà thâm trầm... Sống ở đây là một trải nghiệm khác thường, chưa nói đến du khách, ngay cư dân tại chỗ dù hằng ngày cũng phải đi làm lụng kiếm sống, đi họp hành, đi học, thậm chí đi nhậu lai rai... thì những hoạt động nhân sinh thường tình ấy cũng đượm một chút gì đó lãng đãng, khác lạ. Là bởi Đà Lạt có một kiểu sống khang khác, hình thành bởi một kiểu đô thị khang khác, không giống nơi nào ở dưới “xuôi”.

Tìm ra được cái hồn khang khác đó của đô thị này rồi bảo lưu nó, áp dụng công cụ quy hoạch để đáp ứng những áp lực của đời thường: gia tăng dân số, gia tăng các chức năng nhiệm vụ mới của Đà Lạt..., nhằm phát triển mô hình sống thú vị vốn ra đời 120 năm trước này để nó vẫn khỏe mạnh cho đến 50 năm sau, có lẽ là mục tiêu sâu xa nhất của cuộc hội thảo.

Một Đà lạt rất rộng

Vậy trong ý tưởng quy hoạch này, Đà Lạt sẽ mở rộng như thế nào? Thành phố hiện hữu với diện tích 392km² được đề nghị sẽ sáp nhập vùng sơn nguyên cực rộng ở phía bắc (nguyên huyện Lạc Dương nơi có đỉnh núi Lang Bian, cao nguyên Dankia - suối Vàng, bao gồm cả vùng rừng núi thuộc công viên quốc gia Bidoup - Núi Bà). Ở phía đông và đông nam, theo hướng đi về Phan Rang sẽ sáp nhập nguyên huyện Đơn Dương. Ở phía nam sẽ sáp nhập nguyên huyện Đức Trọng. Phía tây lấy thêm năm xã của huyện Lâm Hà.

Như vậy, Đà Lạt sẽ mở rộng đến 3.308km², gấp gần chín lần diện tích hiện hữu (trong năm thành phố lớn trực thuộc trung ương thì Hải Phòng rộng 1.520km², Đà Nẵng: 1.257km², Cần Thơ: 1.401km², Hà Nội: 3.344km², TP.HCM: 2.098km²).

Có thể nói việc vận hành một thành phố như thế này quả là chưa có tiền lệ ở nước ta. Bởi, cái khó hơn cả là chữ rộng này dường như không chỉ là một vòng tròn nới rộng bán kính, nó chứa trong nó chiều cao của núi, chiều sâu của kiến thức quản lý và cả nhiều chiều khác nữa về cách sống, về quá khứ và tương lai...

Phóng to
Những ý tưởng về quy hoạch Đà Lạt được rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế quan tâm khi được đưa ra trưng bày tại hội thảo - Ảnh: MAI VINH

Một Đà Lạt giảm cao độ

Trên lộ trình đến Đà Lạt, ta cảm nhận rõ hai bước nhảy chuyển tầng cao độ của địa hình, đầu tiên từ địa hình trung du thoai thoải của Đồng Nai ta bước vào đèo Bảo Lộc và “nhảy” lên cao độ 800m so với mặt biển, khí hậu đã bắt đầu mát mẻ. Từ đây di chuyển non 100km trên một địa hình thoai thoải dốc hướng đến Đức Trọng, nơi có sân bay Liên Khương, ta sẽ bước vào đèo Prenn và “nhảy” lên cao độ 1.500m, ở đây ta mới gặp cái chất Đà Lạt lành lạnh, bàng bạc sương khói đầy quyến rũ. Như vậy, Đà Lạt chính là khí hậu có được ở cao độ này.

Đây là “thành phố” để thoát khỏi thành phố. Đà Lạt là một loại đô thị rất đặc biệt trong lịch sử đô thị, một loại hình phi đô thị, là một cực đối lập với thành phố, nhưng đồng thời cũng là một thành phố lý tưởng”.

Tuy nhiên, cái tài sản quý giá này chỉ trải ra trên diện tích 396km² của Đà Lạt hiện hữu, khi phải mở rộng thành phố, dự kiến đến 3.308km2, ta buộc phải hạ cao độ của đô thị Đà Lạt. Như vậy, một phần rất lớn của Đà Lạt mở rộng có thể chỉ mát mát như Đức Trọng hiện nay, với địa hình cảnh quan tuy cũng có đồi dốc nhưng không còn kỳ vĩ, quanh co, không còn có thông xanh, không còn cái trầm mặc của một thành phố trong rừng...

Kiến trúc sư Thierry Huau, dù với tư cách tư vấn, trưởng nhóm chuyên gia Pháp tham gia dự án cho kế hoạch mở rộng này, cũng không giấu được băn khoăn. Ông nói: “Vấn đề đặc điểm khí hậu rất quan trọng vì đó là bản sắc của Đà Lạt, mà điều này rất mong manh. Không phải tự nhiên mà người ta chọn độ cao 1.500m. Bác sĩ Yersin lúc ấy đã thuyết phục chính quyền Pháp xây dựng đô thị này dựa theo độ cao để có một loại khí hậu đặc biệt. Do đó, Đà Lạt ra đời dựa vào hai yếu tố: khí hậu và sông hồ”.

Ai yêu mến Đà Lạt khi đứng giữa lòng đô thị này đều nhận ra loại địa hình của thành phố này, một loại núi và bình nguyên trên núi. Trung tâm thành phố là vùng bình nguyên được bao quanh bởi các dãy đồi hướng về trung tâm là hồ Xuân Hương, khu vực này có dạng như lòng chảo hình bầu dục có cao độ 1.477m. Bao quanh lòng chảo này có những đỉnh núi độ cao đến 1.700m. Nơi cao nhất của trung tâm thành phố là Bảo tàng Lâm Đồng trên đường Hùng Vương có dinh của ông Nguyễn Hữu Hào, cao 1.532m, nơi thấp nhất là thung lũng Nguyễn Tri Phương thì cao độ cũng là 1.398m.

Chả trách mà toàn quyền Paul Doumer trong lá thư đề ngày 23-7-1897 đã chỉ đạo rất rõ bốn điều kiện cần thiết để xây dựng nơi nghỉ dưỡng này: “Độ cao tối thiểu 1.200m, nguồn nước dồi dào, đất đai trồng trọt được và xây dựng giao thông dễ dàng...”. Và không phải tự nhiên mà KTS Hoàng Đạo Kính cảm thán tại hội thảo: “Đà Lạt là một ốc đảo vĩ đại của độ mát, độ dịu, độ dễ chịu trên toàn cõi Việt Nam... Độ rộng của vùng đất mở rộng Đà Lạt mới phải tương xứng với cái lõi cũ, với Đà Lạt lừng danh thuở nào. Hễ ngược lại thì tương tự như đem cán bánh đúc thành cái bánh tráng”.

Một đô thị phi đô thị

Người yêu mến Đà Lạt thoạt đầu hơi bị sốc khi nghe ý kiến của GS.TS.KTS Bruno De Meulder thuộc nhóm nghiên cứu kiến trúc đô thị Vương quốc Bỉ. Ông bảo: “Từ đầu, Đà Lạt chỉ được tạo ra như một trạm nghỉ dưỡng trên núi cho các quan chức Pháp tại Đông Dương. Do đó đây là “thành phố” để thoát khỏi thành phố. Đà Lạt là một loại đô thị rất đặc biệt trong lịch sử đô thị, một loại hình phi đô thị, là một cực đối lập với thành phố, nhưng đồng thời cũng là một thành phố lý tưởng”.

Nghe đến đây ta mới vỡ lẽ tại sao trước giờ ta yêu Đà Lạt đến như vậy, vì đây là nơi ta muốn thoát chốn thị thành đô hội Sài Gòn để quay về lại với núi rừng miên man. Nhưng ta đâu có thể sống được trong rừng xanh nên cần có một đô thị nằm trong rừng và rừng thì len vào từng góc nhìn của cái đô thị ấy.

Đến Đà Lạt đi vào đầu đường Trần Hưng Đạo là bước vào một vạt rừng thông già của Dinh Hai, nhìn qua bên đường là một thung lũng mênh mang ôm lấy hồ Xuân Hương với đỉnh Lang Bian xa xa, đi thêm một tí là gặp cái dinh cổ kính ma quái của ông Nguyễn Hữu Hào tọa lạc trên đỉnh đồi rờn rợn như đỉnh Gió Hú, đang giữa phố ấy quẹo phải tiến vào đường Mimosa, ta bỗng lại lọt thỏm vào núi rừng hùng vĩ, lạnh mát và kiêu kỳ... Đô thị như thế thì đúng là... phi đô thị thật, đúng là dung hòa giữa các mặt đối lập, đúng là khác thường. Vị kiến trúc sư người Bỉ này đã lý giải hộ ta cái tâm tình ấy về mặt đô thị học và kiến trúc.

Cho nên, Đà Lạt sinh ra đã khác thường thì trưởng thành cũng phải khác thường. Đầu tiên sẽ phải giải quyết cặp nghịch lý mới: muốn quy hoạch thành phố này thì phải quy hoạch cái phi thành phố trước, đó là quy hoạch rừng và quy hoạch nông nghiệp.

Theo tiến sĩ Nguyễn Chí Thành, thành phố Đà Lạt sẽ phát triển trong một vùng rừng núi lớn vì đây là một trong bốn tỉnh (Lâm Đồng, Tuyên Quang, Quảng Bình, Kon Tum) có độ che phủ rừng cao nhất nước, đến 60%. Riêng huyện Lạc Dương có độ che phủ đến 80%. Tính chung, Đà Lạt tương lai có 70% diện tích là rừng núi, trong đó 60% là rừng tự nhiên... Như vậy, theo ông, chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn khi đô thị Đà Lạt mới dân số tăng, gây áp lực lớn lên việc mất rừng, mà mất rừng thì Đà Lạt sẽ mất ý nghĩa. Nên cần phải nghiên cứu giải pháp bảo vệ rừng.

Ông cho rằng trong nhóm tư vấn quy hoạch cần có các chuyên gia về cảnh quan rừng, các kiến trúc sư có kinh nghiệm về rừng và bảo tồn thiên nhiên. Ông cũng thêm, là một thành phố trong rừng, vậy loại kiến trúc nào phù hợp với thành phố như vậy, nên kiến nghị Bộ Xây dựng có quy định mang tính pháp lý về quy hoạch đô thị trong những vùng có diện tích rừng... Xem thế, để quy hoạch được đô thị này lại phải quy hoạch rừng - một yếu tố phi đô thị - trước.

Về phát triển nông nghiệp, KTS Thierry Huau nhấn mạnh: cần cẩn trọng với hiện trạng phát triển nông nghiệp trong đô thị hiện nay, các trang trại nhà kính phát triển mạnh xâm hại vào các quả đồi làm xói mòn đất, thay đổi dòng chảy. Canh tác nông nghiệp cũng xâm hại vào rừng rất mạnh. Do đó, phải tính toán quy hoạch lại nông nghiệp vốn đang phát triển theo hướng công nghiệp, chuyển thành một loại hình nông nghiệp đô thị. Lại một yếu tố phi đô thị cần quy hoạch trước để bảo vệ đô thị.

Một đô thị mang tập tính phi đô thị. Một thành phố nằm dưới những tán rừng và mời gọi rừng chen vào mình. Một phố thị có canh tác nông nghiệp xen kẽ. Một trung tâm trí thức nơi các nhà khoa học giải thích các sự kiện tự nhiên, bên cạnh các tu sĩ, tăng ni đang thiêng liêng hóa sự sống... Tất cả, các mảng đối lập này nếu được dung hòa vào nhau sẽ tạo ra được một môi trường sống thú vị, nâng cái giá trị vật thể là phố phường, đô thị thành cái giá trị phi vật thể là tâm tưởng nhớ mong, hoài vọng, yêu thích... Đó là một việc quá khó mà Đà Lạt cũ đã làm được.

Còn Đà Lạt mới thì sao?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận