Tuyến thượng thận mệt mỏi

BS CK1 NGUYỄN THANH HẢI 09/07/2016 20:07 GMT+7

Tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận


Đừng quên nghỉ ngơi

Tuyến thượng thận mệt mỏi (adrenal fatigue - AF) thường được kết hợp với sự căng thẳng hay stress quá mức, đặc trưng bởi các tuyến thượng thận không hoạt động thích hợp, dưới khả năng của nó. AF thường là hậu quả của sự căng thẳng quá mức và kéo dài.

Các triệu chứng của AF thường không đặc hiệu, bao gồm: thiếu năng lượng, mệt mỏi và cảm giác không khỏe. Thay đổi lối sống, chẳng hạn như một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này.

AF được xem là căn bệnh của thời đương đại vì lối sống bận rộn của chúng ta là không ngừng căng thẳng. Khoảng 80% dân số thế giới bị AF ở một thời điểm nào đó trong cuộc sống với các mức độ khác nhau.

Lắng nghe tiếng nói cơ thể

AF là một thuật ngữ chung cho một nhóm các triệu chứng gây ra bởi các tuyến thượng thận không làm việc với khả năng tối ưu của chúng, và kết quả là không thể sản xuất đủ một lượng các nội tiết tố cần thiết cho cơ thể.

Tuyến thượng thận là những tuyến có kích thước khoảng ngón tay cái, nằm ngay phía trên thận, chịu trách nhiệm sản xuất adrenalin, noradrenalin, cortisol, progesterone, DHEA, estrogen, testosterone... Ước tính có đến 50 nội tiết tố do thượng thận tiết ra, chúng chi phối hầu hết mọi hoạt động của cơ thể, kể cả chức năng sống còn.

Trong đó, nội tiết tố quan trọng nhất để giúp cơ thể đối phó với stress là cortisol. Sinh lý tiết cortisol của cơ thể xảy ra theo chu kỳ ngày đêm (xem hình) và chịu sự kiểm soát của trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận theo cơ chế kiểm soát có phản hồi.

chu kì hoạt động
chu kì hoạt động

 

Cortisol được tuyến thượng thận tiết ra ở mức cao trong giai đoạn stress. Trong suốt thời gian dài của stress, tuyến thượng thận phải làm việc quá sức và không thể đáp ứng kịp với nhu cầu. Kết quả là nồng độ cortisol trong máu giảm mạnh và cơ thể không thể ứng phó hiệu quả với các tình huống bị áp lực. AF thường liên quan với stress, nhưng nó cũng có thể phát sinh trong hoặc sau đợt nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính như bệnh cúm, lao phổi...

Trong khi tình trạng AF được xác nhận là rất phổ biến và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận, vẫn còn có sự miễn cưỡng của các thầy thuốc trong việc xác định sự tồn tại của tình trạng này, và thực tế nhiều người cho rằng nó không tồn tại.

Điều này có thể là do AF không có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng. Các triệu chứng không đặc hiệu có thể bao gồm: người bệnh cảm thấy không khỏe hay mệt mỏi vào buổi sáng mặc dù đã trải qua một giấc ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ.

Cảm thấy bị mất năng lượng, bị suy nhược về thể chất, tinh thần và tình dục. Sức cơ yếu đi, lo âu, trầm cảm. Thèm ăn đồ ngọt và cả thèm ăn mặn. Cảm thấy xuống sức, choáng ngợp và không thể đối phó.

Nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị ảnh hưởng bởi AF. Những người đặc biệt dễ bị AF: nếu cơ thể họ bị nhiễm trùng kéo dài như là viêm phế quản, viêm phổi...; từng phải chịu đựng sự căng thẳng tài chính hoặc các vấn đề cảm xúc như mất người thân; hoặc có một lối sống bất lợi cho sức khỏe như ít tập thể dục, chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất; ít ngủ hoặc lạm dụng chất gây nghiện.

Không có một xét nghiệm nào có thể giúp chẩn đoán AF. Tuy nhiên, ở trạng thái nặng hơn của AF là suy thượng thận mãn tính hay bệnh Addison thì có thể chẩn đoán được nhờ làm các nghiệm pháp đặc biệt để đánh giá sự tiết các hormone của tuyến thượng thận.■

Thay đổi lối sống

Tìm nguyên nhân gây ra căng thẳng và cố gắng loại bỏ ảnh hưởng của nó trong cuộc sống của bạn là bước đầu tiên để khắc phục AF. Thay đổi lối sống là bước quan trọng trong việc khắc phục AF, bao gồm một chế độ ăn uống lành mạnh và tránh các loại đường, bỏ hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên để làm giảm căng thẳng dồn nén, thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền định và kiểm soát hơi thở.

Cần có thời gian để tình trạng AF phục hồi: từ 6-9 tháng cho AF nhẹ; 12-18 tháng cho AF vừa phải; lên đến 24 tháng đối với AF nặng. Cách tiếp cận tốt nhất là thay đổi lối sống của bạn vững chắc để cho kết quả lâu dài.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận