Một danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam năm 2022 đang được Bộ NN&PTNT hỏi ý kiến các bộ ngành, hiệp hội và doanh nghiệp để ban hành vào cuối tháng 11 này. Nếu danh mục này được thông qua, hệ quả của nó với ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ không lường hết nổi.
Danh mục này có gần 1.700 hoạt chất thuộc nhiều nhóm đối tượng sử dụng khác nhau với trên 4.000 tên thương phẩm.
Trong đó, thuốc trừ sâu có 662 hoạt chất với 1.568 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh gồm 623 hoạt chất với 1.380 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ có 250 hoạt chất với 706 tên thương phẩm. Còn lại là các loại thuốc trừ chuột, điều hòa sinh trưởng, chất dẫn dụ côn trùng, thuốc trừ ốc, chất hỗ trợ (chất trải)... với 146 hoạt chất và 432 tên thương phẩm.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, với số lượng hoạt chất và tên thương phẩm được cấp phép nói trên, VN thuộc nhóm những quốc gia có danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đa dạng nhất thế giới.
Nhưng ngoài 4.000 tên thương phẩm được cấp phép kinh doanh, thực tế số tên các sản phẩm ngoài thị trường gấp 3 - 10 lần bởi hiện tượng làm giả, ăn theo, gian lận thông tin, nhãn mác tràn lan.
Năm 2017, Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo “Tổng quan về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam: Ngành trồng trọt” chỉ ra việc tiêu thụ thuốc trừ sâu tại VN, tương tự phân bón, đã tăng lên đáng kể trong những thập niên qua. Trong 10 năm (2000 - 2011), số lượng các loại thuốc trừ sâu đã được đăng ký và sử dụng tại VN tăng gấp 10 lần. Trước năm 2000, số lượng hoạt chất đăng ký là 77, tương ứng 96 sản phẩm thương mại. Năm 2000, tăng lên đến 197 hoạt chất, tương ứng 722 sản phẩm. Năm 2011, con số này tăng lên đến 1.202 hoạt chất, tương ứng 3.108 sản phẩm thương mại. Kể từ năm 2015 đến nay, lượng hoạt chất BVTV đăng ký dao động từ 1.500 - 1.800 hoạt chất với trên 4.000 tên thương mại. Nhiều nhất là ba nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh và trừ cỏ.
Theo số liệu hải quan, trong 9 tháng đầu năm nay, VN đã chi xấp xỉ 650 triệu USD để nhập khẩu các loại hóa chất BVTV và nguyên liệu, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, thuốc BVTV ở VN là một ngành siêu lợi nhuận, với khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV, 100 nhà máy chế biến, chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu, phối trộn và đóng gói. Cả nước có 30.000 đại lý chuyên phân phối sỉ và lẻ các sản phẩm thuốc BVTV. Và một mạng lưới rất đông người bán lẻ ở vùng sâu vùng xa.
Các chuyên gia nông nghiệp lo ngại rằng trong danh mục được Bộ NN&PTNT cấp phép có nhiều chất thuộc nhóm độc lực cao mà nhiều quốc gia đã cấm hoặc hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng. Song tại VN, việc quản lý các hóa chất BVTV lại khá thông thoáng sau khi đã được đưa vào danh mục.
Theo báo cáo “Tổng quan về thuốc bảo vệ thực vật độc hại ở Việt Nam” năm 2020 của Lê Anh Phong và Trần Anh Thông (ĐH An Giang và ĐH Kinh tế TP.HCM), trong danh sách các hoạt chất có độc tính cao do Mạng lưới hành động nhằm giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV châu Á - Thái Bình Dương bị cấm, vẫn có những chất đang được phép sử dụng tại VN.
Thông tin này đã phần nào được thể hiện trong những cảnh báo của EU về phát hiện các chất cấm hoặc dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép trong một số lô hàng thực phẩm của VN xuất khẩu vào thị trường EU những tháng qua. Cụ thể, các chất mà EU phát hiện và cảnh báo trong các lô hàng xuất xứ từ VN trong tháng 9 và 10 vừa qua là chất cấm propargite, fenobucarb, tricyclazole, chlorpyrifos ethyl, profenofos trong rau củ, gạo và thủy sản. Đáng chú ý là chất chlorpyrifos ethyl đã bị Bộ NN&PTNT cấm sử dụng từ tháng 2-2019 (cho phép tồn tại đến tháng 1-2021) nhưng đến tháng 9-2021 cơ quan y tế Hà Lan vẫn phát hiện chất này trong mướp đắng từ VN.
Còn trong danh sách các chất BVTV được phép sử dụng chuẩn bị được Bộ NN&PTNT ban hành, fenobucarb vẫn có tới 30 tên thương phẩm được cấp phép sản xuất và kinh doanh. Propargite và profenofos mỗi loại có 10 thương phẩm. Hoạt chất tricyclazole có trong ít nhất 70 tên thương phẩm được kinh doanh tại VN theo thông tư của Bộ NN&PTNT. Một trong những hoạt chất được phép lưu hành tại VN nhận được sự quan tâm của chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu là thuốc trừ cỏ diquat. Đây là một chất độc tương tự với paraquat (VN cấm từ 2019) và hoạt chất này cũng bị EU cấm sử dụng trong nông nghiệp từ năm 2019. Thế nhưng trong thông tư mới, Bộ NN&PTNT vẫn cấp phép cho 23 tên thương phẩm mới được sử dụng tại VN (năm 2020 chỉ có 1 chất gốc diquat được cấp phép).
Trước sự phát hiện dư lượng hóa chất vượt ngưỡng trong các lô hàng từ VN, các cơ quan hữu quan tại các cửa khẩu EU đều đã được thông báo và sẽ nâng cao biện pháp kiểm dịch đối với các dòng hàng hóa liên quan nhập khẩu từ VN.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản, chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Việt Nam (AFT), cho biết AFT rất lo ngại vì thấy trong danh mục thuốc BVTV mà Bộ NN&PTNT sắp ban hành có nhiều chất mà EU đã liên tục cảnh báo đối với các lô hàng nông sản nhập khẩu từ VN trong các tháng qua.
Trong danh mục dự kiến công bố, các chất này mang nhiều tên thương mại khác nhau như fenobucarb (có 30 tên thương mại đã được cấp phép), tricyclazole (có ít nhất 70 tên thương mại được cấp phép) và propargite (có 10 sản phẩm được cấp phép). Rất nguy hiểm là chất diquat sử dụng rất phổ biến ở VN đã bị EU cấm từ năm 2019, có độ độc tương đương paraquat (Bộ NN&PTNT đã cấm lưu hành), cần loại bỏ ra khỏi thị trường VN, nhưng trong danh mục sắp ban hành có tới 23 tên thương mại của diquat được phép kinh doanh.
Ngoài ra còn một số chất khác đã bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo trong lô hàng mướp đắng nhập khẩu, mặc dù Bộ NN&PTNT đã loại bỏ từ năm 2019 nhưng nay vẫn được đưa vào danh sách sắp công bố với hàng chục tên thương mại khác nhau như profenofos, chlorpyrifos ethyl.
AFT cho biết hiệp hội này rất ủng hộ chủ trương của Bộ NN&PTNT qua các phát biểu của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh. Trong một cuộc tọa đàm hồi cuối tháng 10, ông Hoan đã cảnh báo: “Đừng nghĩ xuất được một vài chuyến hàng nông sản là chiếm lĩnh được thị trường nước ngoài” và băn khoăn “chúng ta chưa đi con đường đàng hoàng mà còn rất rụt rè ở phân khúc gặp nhiều rủi ro hoặc là bán trong cộng đồng người Việt”.
“Để có một nền nông nghiệp phát triển theo hướng sinh thái, an toàn và thân thiện môi trường có rất nhiều việc phải làm. Nhưng trước hết là Bộ NN&PTNT cần loại ngay tất cả thuốc BVTV đã bị cấm sử dụng ở các nước nhập khẩu, dưới các tên thương mại khác nhau, khỏi danh mục thuốc BVTV sắp được công bố cho lưu hành”, bà Hồng Minh đề nghị.
“Không thể có nông sản an toàn mà vẫn cấp phép tràn lan cho sản xuất và kinh doanh hóa chất độc hại, không thể có nền nông nghiệp sinh thái chỉ dựa vào lời kêu gọi của lãnh đạo cấp cao ngành nông nghiệp. Cần phải mạnh tay với chất cấm, loại bỏ chất độc ra khỏi ruộng đồng VN thì mới có nông sản sạch, mới có thể tăng giá trị nông sản trong thời gian tới” - TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, trao đổi với TTCT.
Tôi không ngạc nhiên khi đọc thông tin về các thị trường thuộc EU liên tục cảnh báo các lô hàng nông sản thực phẩm của VN trong thời gian qua vì phát hiện dư lượng chất cấm và hóa chất vượt ngưỡng cho phép, vì các hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) ở VN quá nhiều, quá dễ tìm và quá tự do sử dụng. Doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTV kinh doanh dễ dàng, nông dân sử dụng không kiểm soát thì tồn dư của các loại hóa chất trong nông sản là điều tất yếu. Từ đó, các lô hàng xuất khẩu của VN đi các thị trường rất dễ “dính” khi bị kiểm tra. Các nước có hệ thống kiểm tra hiện đại, họ phát hiện thì trả về hoặc tiêu hủy, nhưng người tiêu dùng trong nước sẽ bị thiệt thòi và ảnh hưởng đến sức khỏe nếu ăn các thực phẩm có dư lượng hóa chất.
Theo ông, vì sao lại có tình trạng chất đã bị cấm trong thời gian dài nhưng vẫn thấy bán tràn lan?
Đó là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, cụ thể là của Cục Bảo vệ thực vật. Cơ quan này có nhiệm vụ cấp phép và rút phép các sản phẩm không được phép kinh doanh nữa, đó là các chất cấm. Luật pháp chúng ta đã có đủ chế tài để bắt giữ, xử lý các trường hợp kinh doanh chất cấm, nhưng Cục Bảo vệ thực vật thời gian qua quản lý còn nhiều bất cập, tình trạng buôn bán chất cấm vẫn tràn lan ngoài thị trường.
Chất độc vẫn tiếp tục đổ xuống ruộng đồng VN, vẫn thấm vào nông sản và thực phẩm mà người dân ăn hằng ngày và trong hàng hóa xuất khẩu. Bộ NN&PTNT không thể cấp phép buôn bán mà không có kế hoạch hay biện pháp quản lý chặt chẽ. Nếu không đủ sức quản lý thì hãy hạn chế cấp phép tràn lan như thời gian qua.
Bộ NN&PTNT chuẩn bị ban hành danh mục các thuốc BVTV được phép sử dụng với gần 1.700 hoạt chất và trên 4.000 tên thương mại. Theo ông, với chừng ấy hoạt chất và tên thương mại thì quản lý như thế nào?
Đó là một con số rất lớn để quản lý, vì Bộ NN&PTNT còn có rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng lo ngại hơn là sau khi được cấp phép rồi thì các chất được quản lý như nhau, chất độc lực cao cũng như độc lực thấp. BVTV là ngành siêu lợi nhuận nên doanh nghiệp dùng rất nhiều cách khác nhau để thuyết phục người tiêu dùng sử dụng. Hệ thống đại lý phân phối thuốc BVTV rộng khắp đến tận vùng sâu vùng xa. Mua chai thuốc trừ cỏ độc hại cũng dễ như mua một chai nước.
Kinh doanh thuốc BVTV là ngành đặc thù và không nên được khuyến khích. Vì vậy, thay vì cứ mở rộng danh mục cấp phép, Bộ NN&PTNT cần sớm giảm lượng hóa chất, loại bỏ các chất mà các thị trường nhập khẩu đã cấm. Cần sớm và quyết tâm bảo vệ uy tín của nông sản VN.
Ông đã nhiều lần cảnh báo về tác hại của hóa chất BVTV, trong đó có diquat. Nhưng theo danh sách mới thì chất diquat lại được mở rộng danh mục tên thương phẩm. Bộ NN&PTNT đang đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng và doanh nghiệp xuất khẩu?
Tôi từng đấu tranh rất nhiều trong việc loại bỏ các chất độc hại khỏi danh mục được phép kinh doanh tại VN. Tôi phát biểu nhiều và gay gắt nên cũng nhiều lần nhận được những ý kiến không đồng tình từ lãnh đạo ngành nông nghiệp. Nhưng trách nhiệm của tôi là phải lên tiếng. Nhiều nước đã cấm rồi, dựa trên các căn cứ khoa học, thực tiễn, đã có người ung thư vì các chất nói trên rồi mà VN vẫn cho dùng tự do sao được. Cứ nhìn xung quanh mà xem, người dân bị bệnh nhiều, ung thư nhiều lắm. Bệnh tật do đồ ăn, do thực phẩm bẩn, do dư lượng hóa chất mà ra. Cũng may VN đã loại bỏ được 2.4D, paraquat, glyphosate.
Chất diquat ngay từ khi lấy ý kiến năm 2018 tôi đã có ý kiến phản đối. Vì chất này độc hại ngang với paraquat, mình đã cấm paraquat mà lại cho diquat tồn tại thì thật vô lý. Năm 2019, khi EU cấm chất này thì tôi cũng có ý kiến rằng cần sớm hạn chế và loại bỏ chất này khỏi danh mục tại VN. Bởi một thị trường lớn như thế mà cấm mà mình lại không có điều chỉnh tương thích thì rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu là rất lớn. Đáng tiếc, thay vì hạn chế, Bộ NN&PTNT lại đang mở rộng danh sách sản phẩm từ diquat để cho doanh nghiệp mở rộng kinh doanh.
Cục Bảo vệ thực vật vẫn cho rằng số lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp tại VN còn ít và đang được quản lý tốt. Ông nghĩ gì về đánh giá này?
Tôi không hiểu dựa trên cơ sở nào mà Cục Bảo vệ thực vật cũng như Bộ NN&PTNT cho rằng họ đã cấp phép và quản lý các hóa chất hiệu quả và không có hiện tượng bán chất cấm, hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường. Chỉ tháng 10 và đầu tháng 11 vừa qua, hàng loạt vụ bắt các chất cấm, hàng giả được cơ quan chức năng các tỉnh Long An, Đồng Nai, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... tiến hành với số lượng rất lớn.
Trong đó có những chất cấm như 2.4D, paraquat, glyphosate. Những thông tin này được các cơ quan chức năng công khai trên báo chí. Cục Bảo vệ thực vật không thể đổ lỗi rằng hàng cấm nhập lậu thuộc về trách nhiệm của công an kinh tế, đơn vị chống hàng giả, chống nhập lậu. Hay hàng nhái, hàng giả là trách nhiệm của quản lý thị trường các địa phương. Bởi vì người xét duyệt và cấp phép cho các sản phẩm là Cục Bảo vệ thực vật. Không thể cứ vô tư cấp phép dẫn tới mất kiểm soát trong quản lý, hàng gian hàng nhái tràn lan rồi đổ trách nhiệm cho các đơn vị khác được.
Về vấn đề xuất khẩu, đúng là chúng ta khó và không thể cấm toàn bộ hóa chất mà các thị trường chính đã cấm được. Nhưng VN là quốc gia xuất khẩu nông sản cực kỳ lớn, nếu không có sự tương đồng và hài hòa với tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì hàng hóa sẽ bị ách tắc, giảm giá trị.
Vì vậy, với các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... cần phải nghiên cứu và tiến tới loại bỏ các chất mà các nước này cấm sử dụng. Nếu không, tác hại cho nông sản và doanh nghiệp VN trong tương lai là cực kỳ khó lường. Và trên hết, cần thay đổi tư duy phụ thuộc hóa chất trong nông nghiệp sang sử dụng các chế phẩm sinh học, làm nông nghiệp hữu cơ để giảm hóa chất, giảm tác động tới môi trường. Đây chính là xu hướng mà thế giới đang hướng tới.
Liệu chúng ta có thể đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu mà vẫn không sử dụng hóa chất trong nông nghiệp?
Chúng ta không loại bỏ những đóng góp của các hóa chất BVTV cho mục tiêu gia tăng năng suất, sản lượng lương thực. Nhưng mặt trái của nó ngày càng nguy hại cho môi trường, cho sức khỏe con người. VN không thể mãi chạy theo sản lượng nhưng có giá trị thấp trong khi thế giới đang chuyển dần sang nông sản chất lượng cao, giá trị cao, tức là chuyển dịch từ nông nghiệp số lượng sang nông nghiệp chất lượng. So với cách đây 10 - 20 năm, đã có rất nhiều sản phẩm trừ sâu, trừ bệnh, trừ cỏ ít độc hại hơn mà vẫn hiệu quả, rất nhiều hoạt chất gốc sinh học đã được phát minh và chứng minh hiệu quả thực tế. Việc thay thế hoàn toàn chất hóa học có thể chưa được ngay trong một vài năm nhưng là xu hướng cần làm và bắt buộc phải làm.
Tại VN, việc cấp phép các sản phẩm BVTV sinh học hoặc chiết xuất từ thảo mộc vẫn phải chịu đủ các khâu như với chất hóa học, trong khi doanh nghiệp phải mất công nghiên cứu, thử nghiệm và làm thị trường tốn kém thời gian và tiền bạc hơn việc chỉ mua hóa chất về pha chế, đóng gói. Do đó, cần có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp đầu tư vào làm các sản phẩm BVTV sinh học. Tôi khẩn thiết kêu gọi hãy ưu tiên cho hướng đi này
Chúng ta đang có, thậm chí là rất đa dạng, các phương pháp và loại thuốc bảo vệ thực vật tương đối “lành” đối với sức khỏe con người và môi trường. Nhưng tại sao thế giới vẫn chưa sử dụng chúng nhiều hơn?
Một chất hóa học có thể tự biến mất sau một thời gian ngắn, và không tích tụ trong cơ thể sinh vật lẫn môi trường. Một chất độc chỉ nhắm vào sâu bệnh và không gây hại cho những sinh vật còn lại. Hay thậm chí, một loại thuốc chẳng độc mà vẫn có thể trừ sâu, diệt cỏ. Những thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) làm được như thế sẽ góp phần giúp “cái ăn” không còn gắn với “cái bẩn” trong câu chuyện an ninh lương thực.
Các loại thuốc BVTV độc với sâu bọ nhưng không hại con người tận dụng những “vũ khí hóa học” có sẵn trong tự nhiên, đặc biệt là thế giới thực vật. Ví dụ như hạt của cây xoan Ấn Độ (một loài cây có tính kháng sâu hại cao) có thể được ép để làm dầu neem trừ sâu. Đôi khi, các nhà hóa học tiếp tục phân tách chúng để chọn lấy các hoạt chất quan trọng, như chất azadirachtin trong dầu neem hoặc chất limonene trong chiết xuất từ vỏ cam quýt.
Một số loài cây “ngon miệng” đối với chúng ta cũng có thể cung cấp “chất độc” lợi hại để diệt trừ sâu bệnh, như quế, sả, đinh hương, tỏi, bạc hà hay hương thảo... Tinh dầu từ các loài thực vật này trở thành thuốc trừ sâu, vì chúng có thể phá rối một chất dẫn truyền thần kinh chỉ có ở côn trùng.
Với nguồn gốc thực vật, các thuốc trừ sâu kể trên sẽ phân hủy nhanh chóng trong môi trường, vì vậy nguy cơ tồn dư trên nông sản khá thấp, và ít rủi ro cho côn trùng có lợi. Cũng chính ưu điểm này trở thành một thách thức cho người nông dân, bởi họ cần tính toán thời gian phun thuốc chuẩn xác và sử dụng nhiều lần để thuốc đạt hiệu quả cao.
Đó cũng là một yếu tố để phân biệt thuốc trừ sâu hữu cơ và thuốc trừ sâu thông thường (sau đây gọi là thuốc tổng hợp), nhất là khi cả hai đều liên quan đến những hợp chất có trong tự nhiên. Loài cúc Pyrethrum, chẳng hạn, đã được sử dụng để kiểm soát côn trùng từ 2.000 năm trước. Thuốc trừ sâu tự nhiên pyrethrum đơn giản là những bông hoa khô đã được nghiền thành bột. Nhưng để tạo ra thuốc trừ sâu tổng hợp pyrethroid, người ta đã thay đổi một vài cấu trúc hóa học để tối ưu hoạt chất ban đầu, kết quả là thuốc này “bền hơn” dưới ánh sáng mặt trời.
Ngoài ra, nhóm BVTV hữu cơ còn có thể bắt nguồn từ đất tảo cát (diatomaceous earth, một loại bột không độc hại chứa đựng vô số tảo cát đã hóa thạch) hoặc một số khoáng chất. Lưu huỳnh có lẽ là loại thuốc trừ sâu gốc khoáng lâu đời nhất vẫn còn được sử dụng, chủ yếu để kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng. Chất này không độc đối với động vật có vú, nhưng có thể gây kích ứng da và đặc biệt là mắt. Một ví dụ khác là axit boric (liên quan nguyên tố Bo), có khả năng quấy nhiễu dạ dày, nên khiến côn trùng phải chết vì đói.
Cần lưu ý rằng một sản phẩm được cho là hữu cơ, hay tự nhiên, không có nghĩa là nó không độc. Đa số chúng có độc tính từ thấp đến trung bình đối với động vật có vú, nhưng một số lại độc hơn cả các chất tổng hợp. Thuốc BVTV sinh học (biopesticide) nhắm tới những “kẻ thù” cụ thể, hầu như không để lại vấn đề về dư lượng, do đó an toàn hơn đối với con người và môi trường. Nhóm này bao gồm 2 hướng tiếp cận: sinh hóa (biochemical) và vi sinh (microbial).
Trong thế giới tí hon của côn trùng, pheromone là những chất hóa học tự nhiên giúp chúng xác định được vị trí của bạn tình. Loài người tinh khôn cũng tạo ra được pheromone, nhưng nhằm làm gián đoạn quá trình giao phối của côn trùng, bằng cách khiến chúng nhầm lẫn khi tìm kiếm bạn tình, hoặc dụ các con đực... tự nguyện rơi vào bẫy. Pheromone nhân tạo là một ví dụ cho thuốc trừ sâu sinh hóa: bắt chước những cơ chế ngoài tự nhiên, và chẳng cần phải đầu độc ai.
Còn thuốc trừ sâu vi sinh khai thác các loài vi khuẩn, nấm, tảo, động vật nguyên sinh và virus đang tồn tại trong tự nhiên, hoặc đã qua biến đổi gene. Chúng ngăn chặn một sinh vật có hại bằng cách gây bệnh hoặc sản sinh ra độc tố chỉ dành riêng cho “mục tiêu” đó. Độc lực này đối với động vật và con người là rất thấp. Một ví dụ điển hình là Bacillus thuringiensis, hay “Bt.”. Đây là một loại vi khuẩn tồn tại tự nhiên trong đất, gây độc cho sâu bướm nhưng vô hại đối với các sinh vật khác.
Như vậy, thuốc BVTV sinh học có thể khắc phục các vấn đề sâu kháng thuốc và duy trì quần thể côn trùng có ích. Tuy nhiên, nhóm BVTV sinh học thường phát huy tác dụng chậm, mà thời hạn sử dụng lại ngắn. Hơn nữa, chúng chỉ ngăn chặn, thay vì loại bỏ hoàn toàn một quần thể dịch hại, do đó nông dân cần được chuẩn bị kỹ tâm lý và kiến thức.
Các ưu điểm của thuốc BVTV sinh học dường như là lời giải cho những vấn đề ta đang gặp phải với các hóa chất trừ sâu, diệt cỏ độc hại. Thế nhưng, không phải ở đâu các sản phẩm BVTV này cũng được đón nhận nồng nhiệt.
Theo Báo cáo thường niên về bảo vệ cây trồng và sức khỏe thực vật sinh học của Meister Media Worldwide năm nay, hai khu vực chiếm phần lớn trong thị trường chế phẩm sinh học là Bắc Mỹ (35%) và Liên minh châu Âu (EU, khoảng 32%). “Các động lực chính cho thị trường ở Mỹ và châu Âu bao gồm nhu cầu và ý thức của người tiêu dùng... Họ lo lắng về dư lượng [thuốc BVTV] và sức khỏe của họ” - Nicolás Cock Duque, chủ tịch BioProtection Global, một hiệp hội quốc tế của ngành thuốc BVTV sinh học và kiểm soát sinh học, giải thích.
Dù Duque bổ sung rằng ở những nơi khác trên thế giới, sản phẩm sinh học cũng “được thúc đẩy bởi những người nông dân đang tìm kiếm giải pháp thay thế để quản lý các vấn đề kháng thuốc”, song ở các nước đang phát triển, có vẻ như động lực trên vẫn chưa đủ tạo ra thay đổi. Một nghiên cứu năm 2020 mang tựa đề “Tại sao nông dân sản xuất nhỏ ở Kenya không sử dụng nhiều thuốc BVTV sinh học hơn?” đã chỉ ra nhiều rào cản không của riêng quốc gia nào.
Gần một nửa số người được hỏi ở Kenya nói rằng họ có biết về thuốc BVTV sinh học, nhưng chỉ 10% đang sử dụng chúng. Các nguyên do chính bao gồm: họ nghi ngờ về hiệu quả của thuốc (phần nào vì tốc độ trừ diệt sâu bệnh chậm), sản phẩm có dễ dàng mua hay không, và khả năng chi trả của nông dân. Trong trường hợp thuốc trừ sâu hóa chất và thuốc trừ sâu sinh học tốn kém như nhau, họ sẽ bỏ tiền vào sản phẩm truyền thống cho... an tâm!
Còn tại Ấn Độ, sự gia tăng nhu cầu thuốc BVTV sinh học - nhờ các sáng kiến và nỗ lực của chính phủ - cuối cùng lại “kích thích việc tiếp thị thuốc BVTV sinh học giả”, theo báo cáo của ĐH Banaras Hindu. Trong khi đó, việc sản xuất chế phẩm sinh học chất lượng lại gặp nhiều hạn chế, như chi phí đăng ký thương hiệu, quy trình kiểm định kéo dài và gian nan, chưa kể là công tác tuyên truyền cho hơn 1 tỉ dân. Về mặt kỹ thuật, nhóm thuốc sinh học có thời hạn sử dụng ngắn, bởi nó chứa những vi sinh vật sống, vì vậy người dùng sẽ phải bận tâm đến các biến động về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng... Subhash Chandra Santra, giáo sư tại ĐH Kalyani (Ấn Độ), cho rằng sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu, đi vào cụ thể cho từng khu vực và từng giống cây, để tối ưu hóa các chế phẩm sinh học.
Quy mô thị trường thuốc BVTV sinh học toàn cầu vào khoảng 4,40 tỉ USD vào năm 2019, và dự kiến đạt 10,63 tỉ vào năm 2027, theo một báo cáo năm ngoái của Hãng nghiên cứu thị trường Fortune Business Insights. Dù vậy, “đây là một thị trường mới nổi; nó chỉ chiếm 5% hoặc ít hơn thị phần toàn cầu” - Duque nhận xét. Theo ông, việc EU cấm một số chất độc hại, với mục tiêu giảm 50% lượng thuốc BVTV vào năm 2030, sẽ giúp thúc đẩy thị trường, “vì nhiều nước đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu sang châu Âu”.
“Tôi rất lạc quan về tương lai nhờ có các tiến bộ công nghệ và công nghệ sinh học. Chúng ta vẫn còn nhiều thứ cần giải quyết trước khi [xu hướng ưu tiên BVTV sinh học] thật sự xảy ra” - vị này chia sẻ.
Nông nghiệp thuần hữu cơ chỉ là một ảo ảnh - tương lai thực sự của nông nghiệp bền vững vẫn là khả năng nhân rộng quy mô, nhưng đi đôi với công nghệ và các giải pháp xanh.
Sự lãng mạn của phong trào “từ nông trại tới thẳng bàn ăn” là mơ ước ngọt ngào dễ hiểu của giới thị dân trung và thượng lưu. Nhưng những thiếu thốn thực phẩm ngắn hạn trong thời kỳ phong tỏa vì dịch COVID-19 vừa rồi, được cảm thấy rõ nhất ở tầng lớp lao động vốn chiếm tuyệt đại đa số trong xã hội, cho thấy nông nghiệp bền vững của tương lai sẽ không phải là hữu cơ, địa phương, “tự nhiên”, mà phải là công nghiệp hóa, nhân rộng được quy mô, và phục vụ được nhiều người nhất có thể.
Khi dân số chưa đông đúc và đô thị hóa chưa cấp tập như hiện nay, gần như không có sự phân biệt giữa thị trường và nguồn sản xuất nông sản, thì chuyện “ăn địa phương” và “ăn hữu cơ” là đương nhiên. Nhưng ngày nay đất đai đô thị đắt đỏ, khan hiếm, thường là ô nhiễm, và khó thể canh tác được gì. Chưa kể, ngay cả rút ngắn chuỗi cung ứng hết mức có thể, nông sản là thứ rất dễ hư hỏng.
Một trái cà chua tươi vẫn là một tổ chức hữu cơ với cả một hệ sinh vật riêng của nó - nó sẽ hư hỏng rất nhanh. Tức là trong nông nghiệp, “tươi” không đồng nghĩa với “bền vững”. Nếu chuỗi cung ứng không được tổ chức tốt, lượng nông sản lãng phí sẽ là khổng lồ. Và lãng phí nông sản có nghĩa là lãng phí đất đai, nước, nhiên liệu, và đúng, cả các hóa chất sử dụng để làm ra những nông sản đó.
Nhờ nhiều thập niên nghiên cứu, ngày nay chúng ta đã hiểu được cơ chế sinh trưởng và hệ sinh vật của nhiều loại cây trồng. Chúng ta có những loại hóa chất, kỹ thuật lưu trữ, và vận tải để làm chậm, thậm chí dừng lại, tiến trình hư hỏng, loại trừ những sinh vật gây hại (thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật) - tất nhiên với cái giá không hề rẻ, mà tính toán kinh tế về thiệt hại do sự đầu độc đó gây ra chỉ có thể “kết sổ” trong một tương lai lâu dài.
Giữa tháng 8 vừa rồi ở Mỹ, một tòa án tại California đã giữ nguyên phán quyết yêu cầu bồi thường 86 triệu đôla với hãng hóa chất Bayer - nguyên đơn là một cặp vợ chồng bị ung thư sau khi sử dụng sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup có chất glyphosate của hãng này. Bayer, một công ty Đức, còn đang phải đối mặt hàng loạt vụ kiện khác liên quan tới glyphosate và đã phải chi ra gần 10 tỉ đôla để dàn xếp khoảng 75% vụ kiện trong năm 2020.
Vụ kiện ở California gây chú ý ở nhiều quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn, bao gồm Thái Lan. Bangkok Post 15-8-2021 cho biết việc sử dụng glyphosate để diệt cỏ của nông dân Thái trước khi thu hoạch “là đề tài gây tranh cãi từ năm 2015 khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hóa chất này có khả năng cao gây các bệnh ung thư ở người”. Tuyên bố của WHO đã dẫn tới việc một số nước ngay lập tức cấm chất này. Ở Việt Nam, thông tư 06/2020/TT-BNNPTNT quy định các thuốc bảo vệ thực vật chứa glyphosate không được sản xuất, nhập khẩu; nhưng kèm theo câu “chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 30-6-2021”, và thực tế của việc thực thi cũng như kiểm tra thực thi ngoài đồng ruộng còn xa vời nữa.
Phải thấy đó không phải là một cuộc tranh luận dễ dàng, khi thuốc bảo vệ thực vật khiến việc canh tác thuận tiện hơn rất nhiều trong ngắn hạn. Ở Thái Lan chẳng hạn, nỗ lực cấm các hóa chất nông nghiệp độc hại, nhất là bộ ba paraquat, chlorpyrifos và glyphosate, được khởi động từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa biết thắng thua. Một lệnh cấm của chính quyền gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ các công ty hóa chất và giới nông dân vì tổn thất doanh số cũng như khó khăn trong việc tìm các phương pháp thay thế.
Cũng giống ở Việt Nam, lệnh cấm ở Thái Lan có hiệu lực yếu: Nông dân vẫn tiếp tục sử dụng thông qua những nguồn nhập khẩu không chính thức. Hồi tháng 3-2021, báo chí Thái Lan ghi nhận 7 con voi bị bỏng lưỡi và miệng rất nặng sau khi ăn cỏ bị nhiễm thuốc diệt cỏ ở một ngôi làng giáp biên giới Myanmar thuộc huyện Omkoi, tỉnh Chiang Mai.
Theo quy định chính thức của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, việc mua bán glyphosate chỉ có thể thông qua các đại lý được cấp phép đặc biệt; paraquat thì phải để ở kệ riêng với cảnh báo rõ ràng; nông dân cũng phải nói rõ quy mô và loại nông sản họ canh tác trước khi mua; người phun xịt các loại hóa chất đó phải có giấy phép, mặc đồ bảo hộ chuyên dụng gồm PPE, ủng, khẩu trang, và găng tay. Glyphosate bị cấm sử dụng với các loại rau củ và rau thơm, cũng như không được xả vào nguồn nước công cộng như kênh rạch, hồ.
Nhưng dễ thấy là các quy định đó chỉ đẹp trên giấy, chứ rất khó đảm bảo trên thực tế. Báo chí Thái Lan cho biết việc sử dụng những hóa chất này vẫn lan tràn và glyphosate có thể dễ dàng mua được trên mạng. Với Thái Lan, cuộc chiến không chỉ dừng lại ở việc làm sạch ruộng đồng. “Chính quyền đã tuyên bố mục tiêu trở thành nhà bếp của thế giới, và một nước xuất khẩu nông sản lành mạnh và hữu cơ”, Bangkok Post viết. “Để làm được như vậy, chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha phải tìm được những giải pháp thay thế cho các hóa chất nông nghiệp độc hại cũng như có một lịch trình can đảm và tham vọng để loại trừ những hóa chất đó”.
Sự khác biệt giữa những mong muốn và kỳ vọng với nhu cầu thực tế của người nông dân không chỉ thấy ở Thái Lan. Người tiêu dùng thị dân sẽ luôn ưa thích nông nghiệp truyền thống, quy mô nhỏ, hữu cơ, địa phương. Nhưng sản xuất thực phẩm cho hiện tại và tương lai là một thực tế khác rất xa. Lòng tin rằng chỉ nông nghiệp quy mô nhỏ, không cơ giới hóa, không sử dụng hóa chất mới là tôn trọng đa dạng sinh học, như sự kháng cự của nông dân trước lệnh cấm các loại hóa chất cho thấy, chỉ là ảo tưởng.
Và nông nghiệp “hữu cơ” không phải không có những tác hại của nó với hệ sinh thái. Sản xuất quy mô nhỏ, không dùng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, hoặc chăn thả bán tự nhiên là những nguyên nhân lớn gây ra nạn phá rừng và thoái hóa đất, ví dụ như ở khu vực Amazon Nam Mỹ. Thực tế hiện tại, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam, là một số lượng nông dân ngày càng ít đi đang làm ra nông sản chủ yếu để phục vụ các thị dân đang sống ngày càng đông đúc và tập trung.
Liên Hiệp Quốc ước tính hiện có khoảng 570 triệu người làm nông nghiệp trên toàn thế giới, để nuôi sống hơn 7 tỉ người. Tuyệt đại đa số nông dân, 500 triệu người, là các nông hộ nhỏ, hầu hết (475 triệu) có dưới 2 ha đất. Ở Việt Nam, theo thống kê 2019, đất thuộc nhóm nông nghiệp vào khoảng 28 triệu ha cho 17,5 triệu lao động. Nếu tính trung bình một hộ gia đình có 2 lao động chính và bình quân có 4 người, thì diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn là hơn 0,8 ha/người. Giống xu hướng trên toàn thế giới, mỗi năm số lượng lao động nông nghiệp đó lại giảm và tuổi trung bình của họ lại tăng. Con cái họ đều đổ lên thành phố, tìm kiếm những công việc hứa hẹn hơn, hay thậm chí là chấp nhận những công việc không có tương lai, miễn là không phải làm nông dân.
Các thế hệ nông dân mới sẽ cần nhiều hỗ trợ hơn bao giờ hết để tăng năng suất, giảm bớt lao động cực nhọc và độc hại trên đồng ruộng, cũng như hạn chế tác động tiêu cực lên môi trường. Thách thức với nông nghiệp, nói một cách hình tượng, do đó không phải là sử dụng ít hóa chất hơn, mà phải là sử dụng hóa chất sao cho khôn ngoan. Sự thay đổi này phụ thuộc vào hoàn cảnh sinh thái và kinh tế cụ thể, nhưng mọi quyết sách với nông nghiệp lúc này phải tính tới thực tế rằng một lệnh cấm trắng thuốc bảo vệ thực vật hay đòi hỏi sản xuất nông nghiệp “hữu cơ hoàn toàn” đã từ lâu không còn khả thi.
Những gì Việt Nam đang trải qua, thế giới cũng từng trải qua, chẳng hạn thể hiện qua cuốn sách khá nổi tiếng Silent Spring (in lần đầu năm 1962, xuất bản ở Việt Nam năm 2018 với tựa đề Mùa xuân im lặng). Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa chất đã thay đổi nhiều trong nửa thế kỷ kể từ đó, vấn đề là chúng ta tiếp nhận những thay đổi đó như thế nào mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận