Trượt patin: Không chỉ trên đường phố

HUY ĐĂNG - HOÀNG TÙNG 08/07/2023 15:32 GMT+7

TTCT - Trượt patin, trò chơi một thời diễn ra tự phát của giới trẻ, ngày nay đã trở thành môn thể thao có cộng đồng đông đảo ở Việt Nam.

Gần 300 VĐV, gồm cả những cô cậu bé còn chưa vào tiểu học, đã tham dự Giải vô địch quốc gia và các nhóm tuổi "roller sports" 2023 diễn ra hồi cuối tháng 6 ở sân bóng Gia Định (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đó cũng là lần đầu tiên nhóm môn thể thao này được tổ chức cấp độ toàn quốc.

Các VĐV tranh tài ở Giải vô địch quốc gia roller sports.  Ảnh: HOÀNG TÙNG

Các VĐV tranh tài ở Giải vô địch quốc gia roller sports. Ảnh: HOÀNG TÙNG

Minh oan cho patin

Trong số các môn thể thao giải trí du nhập từ phương Tây về Việt Nam, trượt patin xứng đáng được nhắc tên đầu tiên. Những năm đầu thập niên 2000, hình ảnh các thanh thiếu niên đi lại lả lướt trên những đôi giày patin hay ván trượt bắt đầu trở nên quen thuộc với người dân ở công viên, hay tại các khu phố ở quận 1. 

Môn thể thao này dần dà được gắn mác "thể thao đường phố", và tên gọi roller sports dần trở nên phổ biến. Đây là cách gọi chung các môn thể thao mà người chơi di chuyển trên các ổ bánh xe, trong đó phổ biến nhất là trượt patin, trượt ván, trượt băng nghệ thuật và hockey trên băng.

Giới trẻ mê mẩn roller sports nhưng không ít người lại cảm thấy… phiền, vì người lớn cho rằng khá nguy hiểm. Năm 2015, UBND TP.HCM từng ra lệnh cấm trượt patin ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).

Nhưng không phải vì vậy mà phong trào trượt patin sụt giảm. Các CLB roller sports tại Việt Nam đã ra đời từ nhiều năm trước, và có phong trào tập luyện chuyên nghiệp chẳng kém gì những môn thể thao trong hệ thống Olympic.

"Địa điểm tập luyện của đội trong những năm đầu tiên thường là công viên. Sau này mọi người có ý thức tập luyện ở những nơi vắng vẻ, trống trải để không gây ảnh hưởng đến người khác" - ông Lê Quân, phó tổng thư ký Liên đoàn Roller sports Việt Nam hiện nay, cho biết. Ông Lê Quân là một trong những VĐV roller sports đời đầu, góp công lớn gầy dựng phong trào cho môn thể thao này tại Việt Nam.

Năm 2008, tuyển roller sports Việt Nam lần đầu tham gia đấu trường quốc tế khi tranh tài ở "World Freestyle Skating Championships" diễn ra tại Singapore. Cũng năm đó, đội được đi tập huấn nước ngoài. Rất nhiều thành viên của đội còn học để trở thành HLV chuyên nghiệp. Tất cả đều là công sức tự thân vận động của những người chơi phong trào giai đoạn đầu tiên như ông Lê Quân.

Sau hai thập niên phát triển không ngừng, roller sports ngày nay thu hút hàng ngàn người chơi và tập luyện hẳn hòi. Nhiều người trong số đó trở thành VĐV chuyên nghiệp. Ông Lê Quân cho biết nếu tính ở nội dung tốc độ, Việt Nam hiện có 100 VĐV chuyên nghiệp và nội dung biểu diễn (freestyle) có khoảng 30 người. Còn cộng đồng chơi roller sports phổ thông có thể lên đến hàng chục ngàn người.

Sẵn sàng cho con theo chuyên nghiệp

Trong hai ngày diễn ra Giải vô địch quốc gia, hình ảnh các VĐV nhí 5-6 tuổi tham gia thi đấu khiến nhiều người ngạc nhiên thú vị. Các em nhỏ thi đấu ở giải các nhóm tuổi. Nhưng đáng nói ở chỗ, rất nhiều phụ huynh cho biết sẵn sàng để các em trở thành VĐV roller sports chuyên nghiệp, chứ không chỉ tập cho vui.

Anh Hứa Vũ Bằng - phụ huynh bé Hứa Vỹ Thông, 6 tuổi, vô địch hai năm liền lứa tuổi 5-6 quốc gia - cho biết con anh đã tập từ năm 3 tuổi. "Con tôi thấy mấy bạn khác chơi nên thích, xong năn nỉ ba cho chơi. Giai đoạn đầu, tôi nghĩ cháu không có khả năng để theo môn này. Nhưng từ từ cháu thể hiện được đam mê và theo luôn. Kết quả là Thông vô địch hai năm liên tiếp ở lứa tuổi 5-6 quốc gia. Tôi cũng có hướng cho cháu đi chuyên nghiệp. Những môn thể thao vận động như này tốt cho sự phát triển của trẻ, còn rèn được cả ý chí", anh Bằng nói.

Còn anh Nguyễn Văn Thái, cha bé Nguyễn Bảo Anh (CLB Sài Gòn Roller), cho biết ngay khi thấy con mình thích thể loại roller tốc độ, anh đã cho con theo tập chuyên nghiệp với HLV Mai Hoàng Phương. Anh Phương hiện là HLV chủ nhiệm CLB Sài Gòn Roller. Ở Giải vô địch quốc gia, Hoàng Phương giành HCV nội dung 10.000m và là tuyển thủ đội roller Việt Nam nhiều năm qua.

Chơi roller sports chuyên nghiệp có nhiều cái khó, ở mức độ tốn kém cũng như khả năng sống được với nghề. Ông Lê Quân cho biết một bộ giày trượt patin dành cho dân chuyên nghiệp có giá từ vài triệu đến 30 triệu đồng. Thêm vào đó, dù cộng đồng chơi đông đảo nhưng đến nay ở TP.HCM lẫn cả nước vẫn còn khá hiếm những sân chơi đúng chuẩn dành cho người tập luyện roller sports, chủ yếu là trong các công viên hoặc đường chạy điền kinh của sân bóng đá.

Dù vậy, độ gần gũi của roller sports đã giúp cộng đồng chơi các môn này ngày càng phát triển mạnh về số lượng. Điểm đặc biệt của môn này là các em nhỏ đã tập luyện ngay từ khi 5-6 tuổi, nên khi đến tuổi thiếu niên, nhiều VĐV đã có trên dưới 10 năm kinh nghiệm. Sau hai thập niên, môn thể thao này đã thực sự bứt lên thành một bộ môn chuyên nghiệp, có liên đoàn và giải đấu quốc gia hẳn hòi.

Việc nước chủ nhà Trung Quốc đưa roller sports vào chương trình thi đấu của Asiad 19 (bị lùi một năm vì dịch bệnh, diễn ra cuối tháng 9 tới đây) càng khiến Liên đoàn Roller sports Việt Nam quyết tâm cử đội đi thi đấu. Giải vô địch quốc gia cùng các lứa tuổi vừa qua cũng là mang tính tuyển chọn cho tuyển roller sports Việt Nam.

HLV Mai Hoài Phương, cũng là tuyển thủ Việt Nam sẽ tham dự Asiad Hàng Châu sắp tới, cho biết: "Nói chung so với các nước khác, mình thua thiệt về sân tập chuẩn chất lượng. Sắp tới để chuẩn bị cho Asiad thì liên đoàn sẽ cho đội đi tập huấn nước ngoài làm quen các sân thi đấu chuẩn. Tôi cảm nhận Việt Nam có khả năng cạnh tranh huy chương. Các nước khác đi trước mình rất lâu rồi, có nhiều VĐV chuyên nghiệp nên cũng chưa biết nói thế nào. Nhưng bản thân VĐV Việt Nam không thua về kỹ thuật hay chiến thuật".

Ở bình diện quốc tế, roller sports cũng ngày càng được thừa nhận. Tại Olympic Tokyo, lướt ván - một môn roller - đã được đưa vào chương trình thi đấu. Với yêu cầu về kỹ thuật và khéo léo, roller sports hứa hẹn sẽ phù hợp với tố chất của người Việt.■

Từng dự thi cả Á vận hội mùa đông

Năm 2011, tuyển roller sports Việt Nam từng tham dự SEA Games ở Indonesia, một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển môn thể thao này. Điều thú vị hơn nữa là đến năm 2017, ông Lê Quân - trong vai trò HLV - đã dẫn dắt đội tham dự môn trượt tuyết tại Asiad mùa đông diễn ra ở Nhật Bản. Để tập luyện, đội đã dành ra nhiều tháng trời ở khu vực các đồi cát Phan Thiết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận