“Trung Quốc mộng” từ trên biển

HỮU NGHỊ 31/12/2015 18:12 GMT+7

TTCT - Trung Quốc đang tập trung sức người, sức của và cả mạng lưới tuyên truyền cho việc phát triển binh bị trên Biển Đông.

Tàu khu trục tiên tiến nhất trang bị tên lửa dẫn đường thuộc lớp 052D                               -chinesemilitaryreview
Tàu khu trục tiên tiến nhất trang bị tên lửa dẫn đường thuộc lớp 052D -chinesemilitaryreview


Hôm 17-12, báo chí thế giới loan tin khu trục hạm hiện đại nhất của Trung Quốc sẽ xuất hiện trên Biển Đông. Theo website quân sự của Trung Quốc China Military Online, hải quân nước này đã bổ sung cho hạm đội Nam Hải một tàu khu trục tiên tiến nhất trang bị tên lửa dẫn đường thuộc lớp 052D (còn được gọi là lớp 052D Luyang-III), trong một buổi lễ tại quân cảng Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam. Đây là chiếc thứ ba trong lớp này.

Quyết liệt dồn sức

Một thông tin tưởng chừng vô nghĩa song lại được giới phân tích hải quân quan tâm. Học viện Hải quân Mỹ (USNI) từ tháng 7 trước đó đã lượng giá lớp tàu khu trục này, nhân dịp Bắc Kinh đưa vào sử dụng chiếc thứ nhì thuộc lớp này, như sau:

Chiến hạm nặng 7.500 tấn này là một trong số 10 chiếc tàu khu trục dự kiến đóng mới, thể hiện các xu hướng thiết kế mới nhất của Mỹ và châu Âu về tàu chiến trang bị tên lửa điều khiển. Đặc điểm của lớp tàu này tập trung nơi loại rađa mảng quét điện tử chủ động được đặt tên là Long Nhãn, một hệ thống phóng thẳng đứng mới dùng để phóng các tên lửa chống tàu YJ-18 và một phiên bản cải tiến của tên lửa phòng không HHQ-9 cùng một phiên bản tên lửa đối đất trong tương lai.

Đặc biệt, rađa Long Nhãn sẽ mở rộng khả năng hoạt động xa hơn. Hạm trưởng chiếc Hợp Phì Zhao Yanquan hãnh diện nói với China Daily: So với lớp Vũ Hán 052B mà tôi từng là hạm phó, chiếc tàu mới này cực kỳ mạnh hơn nhiều trong việc phát hiện mục tiêu và năng lực phòng không”.

Còn Cơ quan Tình báo hải quân Mỹ (ONI) trong đánh giá vào tháng 4 đã ghi chú như sau về tính năng lớp tàu khu trục mới này của Trung Quốc:

Vào lúc các tàu khu trục cũ đang còn trong biên chế hải quân Trung Quốc ít hoặc không có khả năng phòng không, việc bổ sung lớp tàu mới này cho phép hải quân Trung Quốc hoạt động đầy tự tin khi ở bên ngoài tầm theo dõi của hệ thống phòng không trên bờ. Chỉ cần một hoặc hai tàu thuộc lớp mới này cũng đủ để cung cấp một lớp chắn phòng không cho cả một hải đội đang làm nhiệm vụ”.

Có thể hiểu thêm vai trò cái ô phòng không của lớp tàu khu trục mới này qua ví dụ hải quân Nga. Ngay sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24, hải quân Nga đã điều động ngay tuần dương hạm Moskva nhằm tăng cường lá chắn cho căn cứ không quân Hmeymim của Nga tại Syria:

chỉ cần một chiếc tuần dương hạm đó cũng đủ bảo vệ bầu trời toàn khu vực, buộc hải quân Mỹ điều tàu khu trục USS Carney và hải quân Thổ Nhĩ Kỳ phái hai tàu ngầm Dolunay và Burakreis theo dõi tuần dương hạm Moskva.

Tới đây, vẫn chỉ là một bước phát triển bình thường của hải quân Trung Quốc, theo xu hướng đóng tàu chuyên phụ trách phòng không để cả hạm đội có thể tự tin hoạt động xa bờ mà hải quân Mỹ và châu Âu đã đi trước, không thể nào “cấm cản” hay “chỉ trích” gì Trung Quốc. Lớp tàu mới này của Trung Quốc được xem tương tự lớp tàu khu trục Aegis của Mỹ và đồng minh, hay lớp tuần dương hạm Moskva của Nga trong chức năng lá chắn phòng không.

Thế nhưng vấn đề ở chỗ từ tháng 12 này trên Biển Đông, Trung Quốc đang tập trung cả ba chiếc tàu khu trục thuộc lớp mới 052D Luyang-III. Hai chiếc đầu tiên, chiếc Côn Minh (được xuất quân vào tháng 3-2014) và chiếc Trường Sa (được xuất quân vào tháng 8 năm nay), cũng như chiếc Hợp Phì này, đã được triển khai trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, hoạt động ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang áp đặt “đường lưỡi bò”.

Với ba chiếc tàu chuyên trách phòng không này trong tay, hạm đội Nam Hải từ nay ít có nguy cơ bị triệt hạ trên Biển Đông so với trước, từ đó sẽ ung dung hoạt động vươn xa. Điều này có nghĩa hạm đội Nam Hải của Trung Quốc nay sẽ, trên lý thuyết, tha hồ “ngang dọc” trên Biển Đông mà không sợ bị đánh từ trên trời! Tức là giọng điệu đe dọa: nếu muốn, “cú đấm” của hải quân Trung Quốc sẽ vươn rất xa.

Một hải đội tàu đổ bộ nhắm vào một mục tiêu nào đó trên Biển Đông, thậm chí có kéo xuống tận cuối Biển Đông đến tận vòng cung Indonesia, cũng chỉ cần một chiếc khu trục hạm lớp Luyang-III là đủ để được bảo vệ phòng không!

Phó đô đốc Wang Dengping, phó chính ủy hải quân Trung Quốc, trong lễ đặt tên cho con tàu thứ ba này nói: “Tàu khu trục Hợp Phì sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao hơn nữa khả năng chiến đấu có hệ thống của hải quân Trung Quốc, duy trì các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Tất nhiên, hải quân Trung Quốc không chỉ tăng cường sức mạnh của mình ở khâu phòng không mà còn ở các khâu khác.

Tờ báo Nga chuyên về thông tin đối ngoại Sputnik International hôm 18-12 tán tụng “Con rồng bay lên: Một cái nhìn vào hỏa lực của hải quân Trung Quốc” với một “lực lượng tàu ngầm Trung Quốc được tăng cường bởi khoảng một tá tàu Kilo do Nga sản xuất cùng các tàu ngầm lớp Yuan tự đóng.

Chưa hết, Trung Quốc còn đã xuất quân nhiều tàu ngầm hạt nhân lớp Shang/093. Không lực hải quân Trung Quốc cũng đang hiện đại hóa đáng kể. Cùng với việc bổ sung hơn 120 máy bay cường kích JH-7 Phi Báo, biên chế của lực lượng này còn được bổ sung bởi các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 và thứ 4,5 như J-10, J-11 và Su-30”.

Việc Trung Quốc tăng cường trang bị vũ khí không phải là điều gì bị cấm (nước nào cũng có quyền trang bị quân sự). Vấn đề đặt ra là làm gì với các vũ khí đó? Tỉ như việc dồn cả ba chiếc tàu lá chắn phòng không đầu tiên vào Biển Đông. Phải chăng Biển Đông là khu vực ưu tiên số 1 của hải quân Trung Quốc?

Phát biểu của phó đô đốc Wang Dengping có thể là câu trả lời: việc tập trung ba chiếc tàu này nhằm “duy trì các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”. Đến đây, vấn đề đặt ra là “duy trì” bằng cách nào nếu không phải bằng một sự ra tay ở đâu đó? Câu trả lời có thể được tìm thấy trên website Sputnik International (18-11) qua phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân: “Chính phủ Trung Quốc có quyền và khả năng thu hồi các đảo và dải đá bị các nước láng giềng chiếm đóng bất hợp pháp”.

Ráo riết huy động “loa mồm”

Biếm họa của Chappatte trên International New York Times, Paris về “lãnh thổ Trung Quốc” thông qua việc Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm căn cứ quân sự và khai thác
Biếm họa của Chappatte trên International New York Times, Paris về “lãnh thổ Trung Quốc” thông qua việc Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm căn cứ quân sự và khai thác

Cũng theo Sputnik International, Thứ trưởng Lưu Chấn Dân còn cho biết Trung Quốc đã “kiềm chế nên không làm” (tức “thu hồi các đảo và dải đá”). Nghe qua có vẻ như một nghĩa cử “ân huệ”. Thật ra, những “bắn tiếng” như thế nằm trong một nỗ lực tuyên truyền vấn đề Biển Đông theo góc nhìn của Bắc Kinh trên một số phương tiện truyền thông nhằm giành giật dư luận quốc tế.

Sputnik International của Nga ra đời từ ngày 11-11-2014 có cách đưa tin, diễn giải tình hình Biển Đông và thế giới khác hẳn với báo chí thế giới. Cùng sự việc, báo chí thế giới thuật lại là Mỹ đã thông báo với các nước Đông Nam Á sẽ sớm cử tàu chiến đến các vùng tranh chấp ở Nam Hải thì Sputnik International 19-10-2015 giật tựa là: “Nỗ lực khiêu khích: Hải quân Mỹ chuẩn bị tuần tiễu ở Nam Hải”.

Tin này kết thúc bằng câu “nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối chống lại các hành động của bất kỳ quốc gia nào, dưới chiêu bài bảo vệ tự do hàng hải và giao thông đường không, xâm phạm chủ quyền và an ninh của các nước khác”.

Thành ra, những tin tức có thể ở nước này hay nước kia trên Thái Bình Dương xem như là “tin xấu”, lại đầy rẫy với giọng điệu tán thưởng:

Sẵn sàng chiến đấu: Các cuộc diễn tập mới nhất của Trung Quốc cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của hải quân”, hay “Canh bạc của Washington: Mỹ gây hỗn loạn ở châu Á bằng cách cố gắng đối đầu Trung Quốc” (18-10-2015)(*) kèm theo trích dẫn bình luận lớn giọng răn đe: “Li Jie, một chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh, cho biết hải quân sẽ gửi tàu chiến đánh chặn các tàu của Mỹ nếu họ bỏ qua những lời cảnh báo”, cứ như Biển Đông đã là của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc bồi đắp, xây lấn ở Trường Sa được thuật lại như sau: “Ảnh chụp cho thấy Trung Quốc đang lao động cật lực cho tàu sân bay nội địa đầu tiên của mình... Đặc biệt, các tàu sân bay này có thể được sử dụng trong các vùng biển tranh chấp ở Nam Hải” (30-9-2015).

Hoặc tố cáo ngược các nước khác đang “quân sự hóa Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh còn quay quắt: “Một số quốc gia đã phô diễn sức mạnh quân sự ở Nam Hải nhiều lần thời gian gần đây. Đó là nguyên nhân lớn nhất của việc “quân sự hóa” ở Nam Hải” (15-10-2015).

Việc mở rộng phạm vi tuyên truyền đối ngoại như trên của Trung Quốc chính là một bước để “chuẩn bị dư luận” cho bất cứ một diễn biến quan trọng có thể có.■

(*): http://sputniknews.com/asia/20151009/1028291621/beijing-alert-US-incursion-south-china-sea.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận