Khu đất số 1 Trần Hưng Đạo (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang) rộng 7.388m2, có hai mặt tiền đường lớn ngay trung tâm TP chỉ cách bãi biển khoảng 100m, được ví là "đất vàng".
Khu đất số 1 Trần Hưng Đạo (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang)
Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng BT chỉ định Công ty CP Thanh Yến (Long An) xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa với mức đầu tư 149 tỉ đồng ở xã Phước Đồng (ngoại thành Nha Trang). Tỉnh hoàn vốn cho nhà đầu tư bằng khu "đất vàng" 7.388m2 nơi đặt trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa.
Tuy hiện trạng khu đất này là đất cơ sở giáo dục, được quy hoạch là đất thương mại - dịch vụ nhưng năm 2016, ông Đào Công Thiên - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký giao 4.440m2 đất khu này cho Công ty Thanh Yến làm đất ở, với giá thu tiền sử dụng đất gần 22,5 triệu đồng/m2; cho thuê gần 3.000m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp trong hơn 49 năm với giá hơn 7,8 triệu đồng/m2.
Như vậy UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất cho Thanh Yến sử dụng không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tỉnh không tổ chức đấu giá đất dẫn đến việc giá thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất thực tế thấp so với giá thị trường cùng thời điểm, gây thất thu lớn cho ngân sách.
Dù đã đổi trường cũ ở khu "đất vàng" trung tâm TP lấy trường mới ở ngoại ô nhưng Trường Chính trị Khánh Hòa vẫn không còn tiền để xây ký túc xá. Do đó, năm 2017 UBND tỉnh Khánh Hòa lại phải "chữa cháy" bằng cách điều chỉnh quyết định giao đất đã giao năm 2015 cho Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền làm dự án Trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia ở phường Vĩnh Hòa (Nha Trang).
Toàn bộ diện tích khu C của dự án này (hơn 18.000m2) được giao để hoàn vốn cho nhà đầu tư trên xây dựng ký túc xá Trường Chính trị Khánh Hòa, nghĩa là đất đã được giao trước khi ký hợp đồng BT đến 2 năm!
Ngày 30-3-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án "vi phạm trong quản lý đất đai" xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo.
Ngày 20-5-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 ông Đào Công Thiên - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và ông Võ Tấn Thái - nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Khánh Hòa.
Năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp chứng nhận cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang làm chủ đầu tư dự án Nha Trang Golden Gate ở số 28E Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) để làm khu phức hợp khách sạn, căn hộ cao cấp 5 sao, mức đầu tư 1.250 tỉ đồng mà không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Ngày 16-2-2016, ông Đào Công Thiên - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký quyết định giao đất, thuê đất cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang làm dự án đã nêu với tổng diện tích hơn 20.100m2.
Dự án Nha Trang Golden Gate ở số 28E Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang)
Dù khu đất này cũng được ví là "đất vàng" vì trải dài hàng trăm mét đường Trần Phú gần bờ biển Nha Trang nhưng tỉnh Khánh Hòa không tổ chức đấu giá theo quy định, mà cho thuê hơn 8.200m2 để chủ đầu tư xây dựng khu khách sạn, căn hộ du lịch, trung tâm thương mại; giao đất có thu tiền sử dụng đất gần 4.700m2 đất ở đô thị để xây dựng căn hộ cao cấp, thời hạn giao và cho thuê đất đến ngày 10-2-2064.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang thuê đất thương mại - dịch vụ chỉ với giá hơn 6,6 triệu đồng/m2, đất ở đô thị chỉ 5,3 triệu đồng/m2, trong khi các chuyên gia bất động sản cho biết giá thị trường thơi điểm 2016 tại khu vực này lên đến cả trăm triệu đồng/m2. Tỉnh còn tạo điều kiện cho công ty này trả bồi thường cho 2 doanh nghiệp nhà nước 28 tỉ đồng để sở hữu toàn khu "đất vàng" nêu trên.
Trong khi đó, theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, khu đất này chỉ là tổ hợp dịch vụ - thương mại, không có đất ở, nên việc UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất ở cho doanh nghiệp là có dấu hiệu làm trái quy hoạch sử dụng đất.
Việc tỉnh thu hồi đất nhưng để doanh nghiệp thỏa thuận bồi thường tài sản trên đất bằng hình thức chào giá cạnh tranh mà không thông qua đấu giá rộng rãi cũng được cho là trái quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Chưa kể 7.200m2 đất trong quyết định giao đất của tỉnh ban đầu là đất xây dựng công viên cây xanh và giao thông, không thu tiền. Nhưng sau đó, Sở Tài nguyên - môi trường đã tham mưu đề xuất và tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho chuyển mục đích thành đất công cộng có mục đích kinh doanh, cho thuê thu tiền hằng năm, biến đất công viên thành đất để xây dựng công trình của chủ đầu tư.
Ngày 10-5-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" trong quá trình giao và cho thuê khu đất này.
Dự án này do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư tại số 25-26 Nguyễn Đình Chiểu (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) trên khu đất có diện tích hơn 2.900m2, cao 40 tầng (không kể 3 tầng hầm), với 824 căn hộ (kể cả shop house).
Dự án Napoleon Castle 1 tại số 25-26 Nguyễn Đình Chiểu, TP Nha Trang
Khu đất này trước đây thuộc quản lý của Tổng công ty Khánh Việt (KHATOCO), doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa.
Ngày 18-12-2014, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định giao hơn 2.900m2 đất ở đô thị đã nêu để KHATOCO làm dự án chung cư, thu tiền sử dụng đất hơn 38,4 tỉ đồng mà không tổ chức đấu giá.
Tiếp đó, KHATOCO giao công ty con là Công ty TNHH một thành viên đầu tư và kinh doanh bất động sản KHATOCO (gọi tắt là Khareal) làm chủ đầu tư dự án chung cư nêu trên.
Ngày 5-2-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định thay thế quyết định giao đất trước đó cho KHATOCO, chuyển toàn bộ diện tích đất này giao lại cho Khareal. Khareal được kế thừa số tiền sử dụng đất mà KHATOCO đã nộp ngân sách.
Nhưng Khareal cũng không tự thực hiện dự án mà xin được hợp tác với doanh nghiệp ngoài nhà nước để làm. Tên dự án được đổi thành khu chung cư cao cấp Napoleon Castle 1 và quy mô lớn hơn so với dự án ban đầu. UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 14-11-2016 đã có quyết định đồng ý cho Khareal liên kết làm dự án nêu trên.
Pháp nhân mới thực hiện dự án này là Công ty TNHH hai thành viên Cat Tiger Khareal, trong đó Khareal chỉ góp 12 tỉ đồng (25% vốn điều lệ) là một phần giá trị của quyền sử dụng thửa đất 25-26 Nguyễn Đình Chiểu, còn Công ty TNHH Thương mại du lịch Cat Tiger (gọi tắt là Cat Tiger) góp 36 tỉ đồng (chiếm 75% vốn điều lệ). Phần giá trị còn lại của quyền sử dụng đất, Cat Tiger trả lại cho Khareal (theo hồ sơ là 33 tỉ đồng). Đến tháng 8-2017, Công ty TNHH hai thành viên Cat Tiger Khareal nâng vốn điều lệ từ 48 tỉ đồng lên 180 tỉ đồng. Trong đó, vốn góp của Cat Tiger tăng lên 168 tỉ đồng, chiếm 94%; còn vốn góp của Khareal vẫn chỉ 12 tỉ đồng, chiếm chỉ 6% trong vốn điều lệ. Công ty hai thành viên này đã được UBND tỉnh Khánh Hòa ngày 11-9-2017 cấp chủ trương đầu tư làm dự án Napoleon Castle 1 với tổng vốn đầu tư 695 tỉ đồng mà không cần phải đấu thầu dự án.
Đến ngày 30-12-2017, Khareal thoái hết 6% vốn điều lệ nên Công ty TNHH Cat Tiger Khareal từ hai thành viên chỉ còn một thành viên là Cat Tiger.
Thương vụ này đã biến hơn 2.900m2 đất có giá trị cao ở TP Nha Trang từ đất công do doanh nghiệp nhà nước quản lý đã trở thành đất của tư nhân với hàng loạt dấu hiệu sai phạm pháp luật trong quản lý đất đai, đấu thầu, đấu giá… được cho là gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Dự án này trước đây có tên là khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành - khu B, quy mô sử dụng đất khoảng 513ha trên núi Chín Khúc, phần lớn là diện tích đất trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng (478ha), diện tích phục vụ dịch vụ tâm linh khoảng 1% (3,52ha).
Sau 4 lần điều chỉnh, dự án có nhiều thay đổi so với ban đầu, trong đó diện tích phục vụ cho dịch vụ tâm linh tăng lên hơn 5ha.
Điều bất ngờ là trong quyết định chủ trương đầu tư do ông Nguyễn Chiến Thắng - chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký vào ngày 20-10-2015, có 7.500m2 đất ở lâu dài trên đỉnh núi Chín Khúc.
Dù chưa chuyển mục đích đất rừng sang đất ở nhưng trong quyết định giao đất của UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 23-10-2015 thì 7.500m2 này được ghi là đất ở nông thôn, tỉnh giao có thu tiền sử dụng đất, người mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu dài.
Dự án Cửu Long Sơn Tự nhìn từ trên cao
Đến ngày 18-9-2019, ông Đào Công Thiên - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ký quyết định điều chỉnh cho công ty trên thuê 7.500m2 đất đã giao trước đó theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm và loại đất được ghi là "đất trồng rừng sản xuất"!
Dù chưa đủ điều kiện để thi công dự án như chưa có quy hoạch 1/500 được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có thiết kế… nhưng Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đã san ủi tổng cộng 44ha trên núi Chín Khúc để làm dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự mà không bị các cơ quan chức năng Khánh Hòa xử lý.
Đây là dự án đổi tên và điều chỉnh từ dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành - khu A, được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp chủ trương đầu tư từ ngày 20-10-2015 với quy mô 131ha khu vực núi Chín Khúc. Mục tiêu dự án là đầu tư khu thương mại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái.
Dự án khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành nhìn từ trên cao
Thời điểm bị kiểm tra cuối năm 2019, dự án này chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500 mà chỉ có thỏa thuận phương án quy hoạch kiến trúc cảnh quan.
Dù chưa có quy hoạch chi tiết được duyệt, chưa thực hiện các thủ tục về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, chưa có thiết kế thẩm định được phê duyệt, nghĩa là chưa hoàn thiện trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đã thi công san nền khoảng 60ha, làm đường nội bộ, hồ chứa nước, hệ thống thoát nước mua, trồng cây xanh… là không phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật liên quan.
Là dự án được đổi tên từ dự án đầu tư trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái Vĩnh Trung.
Sau thời gian dài điều chỉnh (2011-2018), dự án này được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chủ trương đầu tư vào ngày 2-7-2018 với quy mô 19,65ha nhằm đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự mới để ở kết hợp với du lịch sinh thái, do Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Dự án biệt thự sống núi Vĩnh Trung nhìn từ trên cao
Dự án này được phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500. Tuy nhiên khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa hoàn thiện trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư và điều kiện khởi công xây dựng, chủ đầu tư đã cho thi công san nền, một phần ống thoát nước, ống dẫn cáp điện ngầm, hố ga thu nước… là không phù hợp quy định pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
Trong 6 dự án này, có 2 dự án đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố để điều tra do có sai phạm nghiêm trọng.
Sau các kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương (năm 2019) và Thanh tra Chính phủ (năm 2020), thời gian qua Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã điều tra 6 dự án được cho là có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng.
Ngày 8-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là các ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh và cựu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa Lê Mộng Điệp.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án liên quan đến 4 dự án: Nha Trang Gold Coast (khu đất Trường Chính trị Khánh Hòa cũ, số 1 Trần Hưng Đạo), Nha Trang Golden Gate (28E Trần Phú) và 2 dự án trên núi Chín Khúc là Cửu Long Sơn Tự và biệt thự sông núi Vĩnh Trung.
Dự án Golden Gate, một trong 6 dự án sai phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí - Ảnh: DUY THANH
Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đã san ủi tổng cộng 44ha trên núi Chín Khúc để làm dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự mà chưa được phê duyệt - Ảnh: DUY THANH
Ngày 20-5, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Đào Công Thiên - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, và ông Võ Tấn Thái - nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa - để điều tra tội "vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra trong quá trình giao "đất vàng" số 1 Trần Hưng Đạo (TP Nha Trang, nơi đặt trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa) cho doanh nghiệp.
Ngày 8-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa bắt tạm giam 3 bị can, gồm 2 cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh và cựu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Mộng Điệp do sai phạm về quản lý đất đai trong 2 dự án trên núi Chín Khúc. Riêng ông Thắng còn bị khởi tố bị can trong vụ sai phạm giao "đất vàng" Trường Chính trị Khánh Hòa.
Liên quan đến các sai phạm trong việc cho thực hiện các dự án đầu tư tại Khánh Hòa nhiều năm qua, trung ương đã kỷ luật cảnh cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020, cảnh cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa hai nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021.
Tổ chức Đảng và người có thẩm quyền cũng đã cách hết chức vụ trong Đảng, cách chức chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Chiến Thắng; cách hết chức vụ trong Đảng, cách chức chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Lê Đức Vinh; cách hết chức vụ trong Đảng và chức phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Đào Công Thiên; cảnh cáo đối với ông Trần Sơn Hải - nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa.
Đến nay, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã kỷ luật 10 lãnh đạo cấp sở, ngành thuộc diện Ban thường vụ Tỉnh ủy quản lý, có vi phạm liên quan đến các vụ việc trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận