Tình trầu

LÊ MINH NHỰT 09/01/2014 03:01 GMT+7

TTCT - 1. Mỗi khi đám giỗ, không ai nhớ rằng hồi còn sống bà thích ăn trầu, thường là những lá trầu già lốm đốm lỗ, hái từ những nọc trầu trồng gần vách hè. Những lá tươi nguyên bà để dành trên dây, chỉ hái xuống mỗi khi có khách là những bà già trầu trong xóm.

Phóng to

Mà những bà già cùng thế hệ với bà còn ăn trầu cũng nay yếu mai đau, lại thêm những cây cầu khỉ ở quê ngày ấy giữ chân nên cũng hiếm khi tới lui, thưởng thức của để dành. Vì vậy, những lá tươi nguyên cũng mau chóng trở thành những lá già.

Bà hay tắc lưỡi tiếc rẻ mỗi khi hái những lá ấy xuống. Rồi bà lần qua nọc trầu khác, sau hồi lui cui dọn mấy lá héo tủ xuống gốc, xới đất vun lên, bà lại vỗ trán: chút nữa quên, ngày mốt đám giỗ chị sui, mấy lá này tới đó chắc cũng vừa ăn, hái qua bển vài ốp để bàn thờ...

Có cây cau mọc ở mé ao, trước khi có cây cau này thì nhiều năm về trước có một cây cau khác gần đó nhưng đã bị sét đánh chết. Lạ một điều là năm nào trái cũng rụng đầy gốc nhưng chỉ có một trái lên mọng. Chẳng ai bận tâm dời nó đi nơi khác. Cứ thế cây cau con vô tư bám rễ, vô tư lớn lên và vô tư ra buồng kết trái. Đời người có khi lại kém đời cau ở sự vô tư ấy.

2. Ví dụ, có một buổi trưa như vầy:

Một thằng con nít trốn mẹ, len lỏi dưới những tán xơri trái chín đỏ trước nhà bỗng nghe tiếng tằng hắng, rồi tiếng gọi: Cu ơi, có bà ngoại ở nhà hôn con?

Không đợi câu trả lời, bà bác - chủ nhân của tiếng gọi kèm theo tiếng tằng hắng ấy - tự nhiên như không, bước vòng ra bên hè chỗ mấy nọc trầu... Lát sau, bà ngoại thằng nhỏ từ ngoài ao đi vào, trên tay là những trái cau tươi để tặng kèm. Bà bác này thường xuyên hết trầu đột xuất, nên chuyện qua “mượn đỡ” vài lá trầu thằng nhỏ cũng chẳng lạ gì.

Cũng có khi hết mùa cau vườn nhà, bà ngoại sai thằng nhỏ chạy qua bà bác mượn vài miếng cau khô queo, cứng còng. Về đến nhà, câu đầu tiên bà hỏi lại là: Bà bác có khỏe không con? Mà không phải: có mượn được miếng cau nào không?

Mượn vài lá trầu hay vài miếng cau khô cũng là cách mà những bà già trầu của xứ này dùng để bắn tin cho nhau rằng mình vẫn còn tồn tại!

3. Bây giờ kiếm một người ăn trầu đã khó, kiếm được một mảnh vườn còn trồng cả trầu lẫn cau còn khó hơn. Người già bán trầu cau dưới dạ cầu Mới cả quyết. Người già này ít khi bán được trầu cau cho những người già khác còn đang ăn trầu.

Trầu cau của người già ở dạ cầu Mới vẫn là trầu cau của những năm tháng cũ, nhưng không phải để ăn mà là để dùng làm lễ vật trong các đám cưới hỏi. Những buồng cau được xây tròn trịa ngay ngắn, dán thêm giấy đỏ; những ốp trầu tươi không cột bằng cọng dây chuối nhăn nheo mà thay vào đó là sợi ruybăng đỏ quấn quanh.

Những buồng cau, những ốp trầu này sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ngự trên bàn thờ nhà gái đôi ba ngày sẽ nhanh chóng úa đi và chỗ của chúng sẽ là lăn lóc ở một góc nào đó cho đến khi về lại với đất.

Bây giờ người ta mua trầu không phải để ăn. Người già ở dạ cầu Mới lại cả quyết. Chẳng phải bà ngoại, bà nội nào biểu anh trẻ kia đi mua trầu về cho mình ăn đâu. Năm rồi, anh nhờ người già xây một mâm trầu cau để đi cưới vợ, năm nay vừa tròn một năm, đôi ba ngày lại đến mua một ốp trầu. Tùy tiện nhặt một ốp trên sạp rồi tất tả chạy về.

Cách mua trầu cho người già ăn thì phải khác: lá trầu không mỏng không dày, không già không non, với những người ăn trầu kỹ tính thì phải lựa những ốp trầu mà tất cả các cuống và đuôi phải đều nhau. Tốt nhất là mua ở chỗ người già bán trầu quen tính thuộc nết của người già ở nhà.

Người già cả quyết thêm lần nữa rằng: vợ anh trẻ ấy vừa sinh con trai. Lá trầu hơ trên than hồng, lá vừa nóng tới, túm lấy dái cho săn lại hoặc nhai giập ra để nhổ lông cặm cho thằng cu khỏi vặn mình, ngủ ngon...

Đôi khi người già ăn trầu và người già bán trầu cũng có duyên may gặp gỡ. Nhìn cách họ nói chuyện với nhau, không ai nghĩ họ đang mua bán, cứ ngỡ là một cuộc viếng thăm của những người bạn già nhiều năm không gặp. Ốp trầu hay vài trái cau chính là “thuốc dẫn đường” cho họ về lại một miền khác.

Mươi bữa nửa tháng, người già ăn trầu không ghé qua, người già bán trầu lại bần thần, ngơ ngẩn suốt. Lá trầu từ khi tàn đến khi rụng khỏi cuống như chỉ trong chớp mắt.

Ai đó, có khi nào giật mình thảng thốt: những bà già trầu ở xứ mình đâu ta?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận