Ông chủ đất sạch

THU THẢO 02/10/2005 06:10 GMT+7

TTCN - Suýt phá sản vì kinh doanh nghề gỗ, ông chuyển qua nghiên cứu chế biến đất sạch (sau đó là đất sinh học) từ mùn dừa loại phế phẩm trong quá trình sản xuất chỉ sơ dừa. Lận đận dần qua đi và người trồng cây cảnh không chỉ ở TP.HCM đã biết đến ông Võ Thanh Liêm như một ông chủ của... đất sạch.

Phóng to
Ông Võ Thanh Liêm tại buổi báo cáo giới thiệu về đất sinh học tại "Ngày sáng tạo" của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
TTCN - Suýt phá sản vì kinh doanh nghề gỗ, ông chuyển qua nghiên cứu chế biến đất sạch (sau đó là đất sinh học) từ mùn dừa loại phế phẩm trong quá trình sản xuất chỉ sơ dừa. Lận đận dần qua đi và người trồng cây cảnh không chỉ ở TP.HCM đã biết đến ông Võ Thanh Liêm như một ông chủ của... đất sạch.

Lận đận khởi nghiệp

Cơ duyên làm đất sạch đến với ông Liêm bắt đầu từ việc suýt bị phá sản trong nghề kinh doanh gỗ. Năm 1990, ông vừa ký một hợp đồng xuất khẩu gỗ, ván ép khá lớn với Đài Loan thì bị mất nguồn nguyên liệu (chủ trương cấm sử dụng gỗ rừng).

Với vốn kiến thức về hóa có được từ thời đi học (tốt nghiệp đại học tổng hợp ngành hóa phân tích), ông mày mò nghiên cứu và tìm cách làm ván ép từ gỗ cao su. Tuy nhiên, sau hai lô hàng đầu tiên khá suôn sẻ, đến lô hàng thứ ba gỗ vênh bị khách hàng từ chối.

Một lần xuống Bến Tre, nhìn cảnh các nhà sản xuất chỉ sơ dừa thải ra hàng trăm tấn mụn dừa mỗi ngày xuống sông, ông chợt nghĩ sao không thử làm ván ép từ loại nguyên liệu này. Lại cặm cụi làm thí nghiệm, đọc sách, tìm hiểu tính cơ lý của mụn dừa để làm ván ép.

Năm 1995, những miếng ván ép từ mụn dừa đã xuất hiện. Ưu điểm của những tấm ván ép này là không bị nấm mốc, mối mọt. Tuy nhiên, do các chất xử lý lại khá đắt, ván ép được làm ra nhưng không tiêu thụ được vì giá thành cao hơn ván gỗ. Lần này ông thấy mình thật sự bó tay.

Tuy nhiên, ngay trong lúc bế tắc ông chợt nhớ mụn dừa cũng là một chất hữu cơ, có những yếu tố cơ lý có thể trồng cây được. Nhưng nêu đợi mụn dừa tự nhiên phân hủy thành đất trồng trọt phải mất từ hai năm trở lên.

Lại lao vào mày mò nghiên cứu và thử nghiệm gần ba năm, ông mới tìm ra được qui trình biến mụn dừa thành đất sạch: xả chát và các tạp chất trong mụn dừa, dùng phương pháp hóa học để tách chất chát (lignhin) trong dừa, đồng thời xử lý và cho ra một gốc hóa học khác ở dạng muối dễ tiêu. Sau đó mụn dừa đã xử lý sẽ được sấy khô đem xay và đóng gói vào bao.

Loại đất sạch này có đủ chất dinh dưỡng để nuôi cây trồng và có ưu điểm loại bỏ được các chất độc hại, không bị các loại nấm mốc, sâu bệnh tấn công. Đó là chưa kể một lợi thế khác mà đất tự nhiên không thể có là khi tiếp xúc trồng trọt cũng không bị dơ tay.

Mở rộng “thương hiệu”

Phóng to
Mụn dừa được ủ để xử lý bằng phương pháp vi sinh
Thành công với đất sạch, ông Liêm tiếp tục nghiên cứu để cho ra loại đất sinh học cũng từ mụn dừa. Thay vì xử lý bằng hóa học, ông dùng phương pháp vi sinh để phân giải chất chát trong mụn dừa thành dạng muối vi lượng, có tác dụng như một loại phân bón, khi trộn vào đất sẽ giúp đất trở nên tơi xốp hơn. Loại đất này sau khi đem đi kiểm nghiệm ở phòng thí nghiệm AVA (Singapore) đã cho kết quả về các chất dinh dưỡng và vi sinh đạt chuẩn quốc tế.

Vi sinh trong đất có khả năng phân giải xenlulo, hữu cơ đất, chuyển hóa đất bạc màu thành đất mùn. “Loại đất này làm ra chủ yếu dành cho nông dân, vì vậy mà giá thành cực thấp” - ông cười nói. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy khi trộn đất sinh học với các loại đất bạc màu, chỉ trong một thời gian ngắn sự chuyển đổi đất rất rõ rệt, đất tơi xốp và có nhiều mùn hơn.

Với hai sản phẩm này, ông Liêm đã xây dựng một xưởng chế biến đất sạch và đất sinh học. Hiện nhà xưởng của ông mỗi ngày sản xuất ra 50m3 đất sạch và đất sinh học từ mụn dừa. Nguyên liệu để làm đất sạch không cần phải tốn kém bất cứ khoản nào, nhờ vậy mà giá đất cũng rất rẻ, một bao đất sạch loại 5 lít (đủ dùng cho một chậu hoa loại vừa) có giá xuất xưởng chỉ 700 đồng. Đặc biệt, sản phẩm đất sạch của ông đã xuất khẩu ra nước ngoài 3.000 tấn/năm (thông qua một công ty Đài Loan) với giá thành mỗi tấn cũng chỉ khoảng 145 USD.

Trao đổi với chúng tôi, “ông chủ đất sạch” Võ Thanh Liêm cho biết dù là tác giả nhưng ông lại muốn chuyển giao công nghệ làm đất sạch, đất sinh học đến với nhiều người. Ông muốn cùng mọi người vừa có thể tận dụng phế phẩm để tạo ra nguồn đất sạch, cải thiện đất trồng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Địa chỉ Công ty Đất Sạch: 106 Nguyễn Ngọc Lộc, P.4, Q.10, TP.HCM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận