Thực phẩm chức năng nào hại gan, thận?

BS LÊ TUYẾT HOA 16/01/2014 03:01 GMT+7

TTCT - Thực phẩm chức năng (TPCN) hiện đang bao vây cuộc sống chúng ta. Không ngày nào chúng ta không nghe hay nhìn thấy những mẩu quảng cáo có cánh về TPCN.

Phóng to
Năng tập thể dục, thể thao là thuốc bổ tốt nhất - Ảnh: Tự Trung

Là bác sĩ, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi uống TPCN nào cho khỏe, cho cường tráng, thậm chí mong chờ loại TPCN nào bổ cho gan hoặc thận.

Chưa có thống kê chính thức và đầy đủ có bao nhiêu người mắc bệnh mãn tính hay giảm chức năng một cơ phận nào đó đã tự ý dùng TPCN, nhưng có vẻ không hề là con số nhỏ. Do bệnh mãn tính thường không chữa khỏi được bằng tân dược nên tâm lý chung người bệnh luôn tìm kiếm những điều trị hỗ trợ khác từ nguồn gốc thiên nhiên.

Trong danh sách bệnh lý thường hay dùng TPCN, người bệnh thận mãn tính giai đoạn sớm (không phải bệnh thận giai đoạn cuối) dùng chế phẩm từ thảo mộc thuộc tốp đầu. Rất may là tần suất uống những loại TPCN giảm theo giai đoạn nặng của suy thận. Trong danh sách này nhiều thứ đã được hiệp hội chuyên ngành cảnh báo là có hại cho người có bệnh thận mãn tính.

Giới chuyên môn cũng chưa rõ có bao nhiêu TPCN có hại cho thận, một phần vì nhóm hàng này thật sự chưa được quản lý chặt chẽ như dược phẩm. Danh sách các thảo mộc không có lợi đôi khi còn gây hại cho thận chắc chắn chưa ngừng lại.

Ngay tại Mỹ, quốc gia được xem là quản lý nhóm hàng TPCN chặt chẽ hơn cả, nhưng trong báo cáo khảo sát sức khỏe quốc gia cho thấy trong vòng 30 ngày trước khi tham gia phỏng vấn, 21.169 phụ nữ cho biết có đến 50% dùng TPCN, 15% dùng TPCN được xác định là có hại. Với tình hình bệnh quá tải như nước ta, người bệnh sống xa thành phố còn quen dùng thuốc dân gian hay TPCN, rất nhiều bệnh nhân chưa được tư vấn thích hợp.

Một thực tế nữa là nhiều bệnh nhân bị bệnh thận nhưng không biết mình có bệnh, không hiểu rõ độ nặng ra sao. Thầy thuốc đôi khi không cảnh giác hay không nhận thức rõ sự nguy hại của TPCN.

Do vậy người bệnh cần chủ động hỏi bác sĩ của mình về tình trạng bệnh tật, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng thêm một chế phẩm nào khác dù là thuốc tây hay không phải thuốc tây, bởi hầu hết chúng đều được chuyển hóa và thải trừ ra khỏi cơ thể qua thận và bởi chúng có thể tương tác với thuốc điều trị đang được kê toa.

Nếu nghĩ rằng sản phẩm từ cây cỏ an toàn hơn thuốc hoặc cứ dùng nhiều là tốt vì chúng từ thiên nhiên là sai lầm bởi chúng không hề tự nhiên với cơ thể con người. Bất kỳ thức gì khi vào cơ thể đều phải qua quá trình chuyển hóa, nếu sử dụng quá nhiều TPCN sẽ tạo gánh nặng cho gan, tích tụ chất dư thừa lâu ngày có thể khiến cơ thể phản ứng, thậm chí gây viêm gan do thuốc hay viêm mô kẽ thận.

Một số TPCN còn bị tạp nhiễm những thành phần khác như phấn hoa, dư lượng thuốc trừ sâu hoặc bị pha trộn thêm steroids hay estrogens, thạch tín, thủy ngân, chì... nhưng không hề được thể hiện đầy đủ trong nhãn hàng.

Không phải mọi lứa tuổi đều có thể dùng TPCN. Sẽ không an toàn nếu bạn không biết rõ sức khỏe tim mạch hoặc thận của mình, cũng như tăng nguy cơ nếu dùng cho người già. Không ít TPCN làm nặng thêm bệnh lý hoặc tương tác với thuốc trị bệnh đang dùng làm giảm hiệu quả của thuốc điều trị. Chẳng hạn glucosamine thường dùng cho thoái hóa khớp do có chứa Na (sodium) nên thận trọng dùng cho người suy tim, suy thận nặng.

Hạn chế người dân dùng TPCN nhìn chung là cần thiết. Để đạt được mục tiêu này cần phải kết hợp nhiều cách:

(1) Vì TPCN được đưa ra thị trường không buộc phải có bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả, luật quản lý nhóm hàng này cần cải tiến và giới quản lý nên đòi hỏi tính an toàn cao hơn trước. Ví dụ ghi rõ trên nhãn đầy đủ thành phần, không nên liệt kê qua loa, những tác dụng phụ có thể gặp, đối tượng nào nên tránh dùng.

(2) Nâng hiểu biết của người bán về nhóm TPCN mà họ đang bán. Thực tế là họ không được tập huấn về những vấn đề này mà đa số chạy theo lợi nhuận.

(3) Về phần người bệnh, hãy chủ động báo bác sĩ các thứ mình đang uống (thuốc không kê toa, đông dược và cả TPCN) để dễ theo dõi tác dụng phụ và tương tác thuốc.

(4) Thầy thuốc nên hỏi thêm để biết một khi nghi ngờ bệnh nhân của mình đang dùng thuốc nào khác và tìm hiểu thông tin để biết những thứ đang dùng có nguy hiểm cho người có bệnh gan hoặc thận.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận