Sau ngập lũ là nỗi lo ô nhiễm, dịch bệnh lan rộng 

TTCT - Sau bão lũ và ngập úng là nỗi lo khác: ô nhiễm môi trường nặng nề hơn, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp tràn lên len lỏi và tích ứ khắp nơi.

Một giếng nước ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam bị ngập trong nước lũ, nước đục ngầu nhưng người dân vẫn phải sử dụng để tắm giặt. -Ảnh: LÊ TRUNG
Một giếng nước ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam bị ngập trong nước lũ, nước đục ngầu nhưng người dân vẫn phải sử dụng để tắm giặt. -Ảnh: LÊ TRUNG

 Phát sinh nhiều bệnh 

Rác sinh hoạt và các chất thải rắn theo dòng nước trôi lềnh bềnh khắp nơi và làm bít, kẹt các hệ thống thoát nước.

Những bãi chứa rác, bãi chứa tro xỉ than, bãi chứa hạt nix... có thể sẽ phân tán xa hơn theo gió, theo dòng chảy hoặc thấm xuống làm ô nhiễm các tầng đất, tầng nước ngầm.

Nước lũ tràn qua các bãi giữ xe, các xưởng sửa chữa cơ khí mang dầu mỡ, xăng nhớt ra xa hơn và gây ô nhiễm nguồn nước rộng hơn. Nước lũ mạnh có thể bóc luôn các lớp đất canh tác, cuốn cả phân bón, thuốc trừ sâu... xuống sông rạch, giếng nước, ảnh hưởng đến việc lấy nước ăn uống cho cư dân.

Thú vật như heo gà chết sau vài ngày sẽ bị phân hủy xác, hàng triệu triệu vi khuẩn, virút được dịp phát tán mầm bệnh khắp nơi.

Các cống rãnh bị ngập kín nước khiến chuột bọ phải thoát thân bằng cách lẩn tránh vào nhà của dân, mang các mầm bệnh, bọ chét ký sinh và vô số vi sinh vật trên thân thể chúng, tạo nên những mầm bệnh cho trẻ con và người lớn.

Ô nhiễm môi trường cũng làm gia tăng đáng kể các dịch bệnh đường ruột do thức ăn nhiễm bẩn. Trong nước và không khí ẩm ướt chứa các vi khuẩn gây bệnh tả (vibrio cholera), vi khuẩn gây bệnh thương hàn (salmonella), vi khuẩn gây kiết lỵ (shigella) và một số vi khuẩn đường ruột khác.

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh trên một diện rộng. Công nhân và các bà nội trợ lo dọn dẹp rác rến và cống rãnh quanh nhà có thể dễ bị nhiễm các bệnh ngoài da, ghẻ lở, loét, các vi sinh vật có thể dễ dàng chui vào niêm mạc mắt, miệng gây nhiễm bệnh cho người tiếp xúc.

Việc khắc phục ô nhiễm sau bão lũ thường khó khăn và tốn kém, vì ô nhiễm tràn ra và phát tán trên một diện tích rộng. Dịch bệnh từ ô nhiễm bùng phát rất nhanh vì nhiều trở ngại do hạn chế huy động nhân lực, kinh phí, thuốc men, phương tiện, điều kiện tiếp cận trong một thời gian rất ngắn.

Do vậy, việc chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa trước, đang và sau thiên tai đều phải đủ khả năng cung ứng, ngoài việc cần phải liên tục công việc truyền thông nâng cao nhận thức, diễn tập đối phó.

Diễn tập cho phụ nữ, trẻ em

Một điều lưu ý là nạn nhân, cả trực tiếp và gián tiếp, của thiên tai và ô nhiễm sau thiên tai tập trung phần lớn là phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật. Những nhóm dễ bị tổn thương này đều là gánh nặng cho người phụ nữ trong gia đình.

Tuy nhiên, trong các ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, từ trung ương đến địa phương, rất ít có phụ nữ tham gia. Việc tham gia diễn tập cứu nạn, chạy nạn, cả việc tập huấn thiên tai, khắc phục hậu quả sau bão lũ cũng ít có sự hiện diện của nữ giới.

Dường như vẫn còn việc định kiến giới, cho rằng đây là công việc của người đàn ông nên thiếu yếu tố công bằng giới trong đối phó với thiên tai ở nước ta.

Đừng bao giờ chủ quan cho rằng thiên tai là việc xui rủi của trời đất, xảy ra năm thì mười họa, đặc biệt trong các năm gần đây cho thấy sự bất thường của thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng có những biểu hiện rõ ràng hơn và khó phỏng đoán hơn.

Công việc này phải là của cả xã hội chứ không chỉ riêng ngành khí tượng, ngành thủy lợi hay ngành y tế.

Nhiều địa phương ở nước ta đã có sáng kiến xây dựng những nhà cộng đồng, là nơi vừa trú tránh mưa bão vừa là nơi cấp phát nước sạch, thức ăn đóng gói, chăn mền, thuốc men và là cơ sở giáo dục môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu. Chi phí làm những nhà cộng đồng vững chắc khá cao nhưng cần thiết.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận