Săn mai đón tết

DƯƠNG THẾ HÙNG 19/12/2012 05:12 GMT+7

TTCT - Thời điểm này, người trồng mai đang tất bật tuyển lựa cây tốt, hoa đẹp cung cấp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn khiến các chủ vườn lẫn các tay săn mai cẩn trọng hơn.

Phóng to
Vườn mai nghệ thuật của anh Ẩn sau thời gian o tỉa - Ảnh: D.T.H.

Nhờ ông Nguyễn Thành Trung (ủy viên Hội Làm vườn huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) dẫn đường, có thêm tay săn mai lão luyện là anh Tô Văn Hưng, chúng tôi đi hơn hai chục cây số tuốt vô vườn sâu trong Hưng Lợi Đông (xã Long Hưng B). Lội bộ qua thêm cánh đồng hơn chục công đất mới tới địa điểm có “hàng”. Đó là một gốc mai khá bự, bề hoành cỡ chừng “hai tay” (hai bàn tay áp vô vừa với thân cây, khoảng 4, 5 tấc), cao khỏi nóc nhà (4m), tàn lá sum sê. Chủ nhà nói lý do bán cây mai là vì kẹt tiền, kêu năm hồi bảy lượt mà chẳng ai mua, giá 1,2 triệu đồng.

“Nhất đế, nhì thân”

Ông Nguyễn Thành Trung nhận định năm nay do kinh tế khó khăn nên sức mua mai tết có vẻ eo sèo, so với những năm trước giờ đã rộn rịp khách mua. Người chơi cũng cân nhắc hơn túi tiền của mình khi đứng trước một cặp mai đẹp, không còn hào phóng như trước. Cộng thêm thời tiết khắc nghiệt, một số vườn mai đã nở sớm, giờ đang xuống sắc làm cho chủ vườn hơi nản. Có nghệ nhân muốn “buông” để chuyển qua làm bông, lá hoặc cây kiểng khác có lời hơn. Tuy nhiên, do đặc thù cây mai gắn chặt với tập quán ngày tết nên hi vọng còn “đất dụng võ”. Nhiều chủ vườn vẫn chuẩn bị sẵn hàng để cung ứng khi sức mua thị trường có dấu hiệu tốt.

Đó là tiêu chuẩn đầu tiên chọn cây mai của anh Hưng, sau đó mới đến vóc dáng, cành lá. Anh đánh giá cây mai của lão nông này tuy lớn, tán xòe đẹp, nhưng gốc thô, trụi lũi không có “đế” (rễ chùm lồi lên trên). Anh trả giá 800.000 đồng. Hai bên kỳ kèo một hồi, chủ nhà quyết định bán. Gốc mai nằm khá sâu trong lòng đất, phải đào tới hơn 5 tấc mới tới bộ rễ. Khi moi hết lớp đất bên trên, anh Hưng giật mình nói nhỏ: “Ê, bộ rễ đã lắm. Coi ở trên hổng có gì nhưng xuống dưới đùm đề lắm. Bữa nay chắc trúng mánh”.

Khi đưa cây về tới nhà, anh vô chậu, tỉa tót cành lá, vuốt nhọn từ dưới lên trên giống hình cây thông, cây mai ra dáng “thành thị” liền. Anh tính: “Nuôi thêm hai tháng nữa, canh ngày lặt lá trổ bông ngay tết, chắc cú bán được 5 triệu đồng”. Anh Hưng cho biết nghề săn mai cũng kiếm được kha khá, nhưng phải tốn công sức “rình mò”, rà rê truy lùng dữ lắm. Có khi chấm được cây mai rồi, chủ nhà nhất quyết không chịu bán. Cây mai vừa mua, anh đã phải “rình” cả hai năm trời.

Vài bữa sau, tôi theo chân anh Nguyễn Ngọc Ẩn, một nghệ nhân ở khóm Tân An (phường An Hòa, TX Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đi qua tận Hòa Tân (vùng sâu giáp ranh tỉnh Vĩnh Long) để bứng mai đem về. Tại một căn biệt thự xung quanh là vườn nhãn um tùm, cây mai nằm ở sau hè, gốc bự cỡ 6 tấc hoành, cao 5m. Chủ nhà là một bà cụ tóc bạc phơ, dáng khỏe khoắn, vẻ sang trọng.

Bà nói: “Tui không kẹt tiền, giá 10 triệu không lớn, nhưng không hiểu sao tui lại muốn bán cho cậu, bảy năm trời còn gì!”. Anh Ẩn lí nhí cảm ơn bà rồi ra bứng cây mai. Anh nói nhỏ với tôi: “Bà ấy nói “bảy năm trời” là khoảng thời gian tui “đeo đuổi”, ra vô hỏi thăm riết. Chắc nay bà cảm động nên nhường lại”. Anh Ẩn kể rằng có khi may mắn, một cây mai đem về bán lời cả chục triệu đồng, ăn thua mình chịu lặn lội hay không. Có lúc anh đi tới tận Miệt Thứ (rừng U Minh Thượng, An Minh, Kiên Giang) để săn tìm.

Theo ông Trung, nguồn mai trong vườn lúc nào cũng phong phú. Do tập quán lâu đời, bà con các tỉnh ĐBSCL thường trồng quanh nhà, góc vườn, bờ ruộng, ranh đất hoặc khu mồ mả để tết có chưng. Trong khi đó, nhu cầu chơi mai đã giúp hình thành đội ngũ săn mai suốt ngày rong ruổi vô tận đồng sâu truy tìm những cây mai mua về bán lại kiếm lời.

Phóng to
Một cây mai có dáng cong hơi lạ, các thợ sửa sẽ “o” mai trở nên đẹp và nghệ thuật - Ảnh: D.T.H.

“Thợ sửa” ra tay

Từ nơi hoang dã, cây mai được đưa về nội ô, tiếp tục được cắt tỉa, tạo dáng, từ “gái quê” mộc mạc trở thành “quý cô” lộng lẫy, giá trị tăng lên gấp nhiều lần. Đó là nhờ công của những nghệ nhân, theo cách nói nông dân là “thợ sửa”.

Chỉ tôi coi một cây mai đã được cắt ngắn chỉ còn cái gốc bự, thân nhô lên vài ba tấc và lấy dây chì quấn quanh mấy nhánh nhỏ đang mọc gie ra, anh Hưng giải thích: “Cái gốc bè ra có dáng con thú bốn chân, mình sửa dáng hơi nghiêng giống như nó đang vươn vai mạnh mẽ. Mấy nhánh nhỏ sẽ ra lá rồi trổ bông, điểm tô thêm màu sắc rực rỡ, nhìn toàn thể cây mai sẽ đồng thanh đồng thủ, cân đối hài hòa”.

Các nghệ nhân chơi kiểng đưa ra các loại dáng khác nhau, tùy theo đặc điểm nguyên sơ cây mai mà chỉnh sửa thành dáng bay (cây nằm), dáng trực (đứng sững), dáng nghiêng, dáng thác (thân đổ xuống như thác). Cơ bản là phải giữ gốc thật to, bè và chắc như chân đế thì cây có giá trị.

Ông Trung cho biết trong hai năm qua, Hội Nông dân huyện Lấp Vò tổ chức những lớp tập huấn cây kiểng đào tạo những thợ sửa mai có chuyên môn khá tốt. Mỗi ngày họ đi chỉnh sửa cũng kiếm được 300.000 đồng tiền công. Có thợ mát tay, sửa là mai đẹp, người coi bắt mắt, chủ vườn bán đắt rất vui vẻ. Vào thời điểm này, các thợ sửa đang tích cực o bế, chăm bón các gốc mai đã thành hình, canh tới khoảng 12-14 tháng chạp (âm lịch) lặt lá để mai nở kịp tết là vừa.

Phóng to
Anh Hưng đánh giá cây mai này tuy gốc bự nhưng xấu, bị bọng nên không có giá trị - Ảnh: D.T.H.

Tại vườn mai của anh Ẩn có khoảng 50 gốc bự đã được vô chậu, sửa dáng rất nghệ thuật. Ngoài ra còn có hơn 20 gốc thô mới đem về. Đặc biệt, anh lưu giữ những gốc mai ghép độc đáo, bông nở tới 12 cánh, có loại tới 48 cánh. Về xuất xứ những loại mai này, anh Ẩn cho biết: “Thằng em ở Châu Đốc kiếm đâu được mấy nhánh mai đột biến, nó nhân giống ra cho tui ghép vô. Kỹ thuật ghép ngày nay khá phổ biến, nhờ đó cây mai trở nên đa dạng hơn về hình dáng và phong cách”.

Tôi đặc biệt chú ý cây mai bên hè, ngó muốn... hết hồn. Gốc mai thiệt bự, hơn 8 tấc hoành, cao hơn 6m, tán xòe ra gần 4m. Anh Ẩn rù rì: “Tết năm nào nó cũng nở bông rợp trời. Cũng nhờ có duyên tui mới mua được. Năm năm trước tui “rình” nó ở tuốt miệt Vị Tân (Hậu Giang). Năn nỉ riết chủ nhà không bán, nhưng lại bán cho người bạn tui ở Cần Thơ, giá 12 triệu. Năm sau, anh bạn để lại tui giá 25 triệu. Bây giờ có người trả 150 triệu mà tui không bán, để làm kỷ niệm”.

Từ chỗ đi săn tìm, o bế chỉnh sửa mai để kiếm tiền, anh Ẩn gắn bó với mai như người bạn nên lắm lúc không muốn bán. Giữ chúng lại như giữ cái tình, ngoài ra cũng còn để thưởng thức nghệ thuật cho mình nữa chứ. Dịp cận tết hằng năm, anh đều mang “thành phẩm” ra bán ở chợ hoa Sa Đéc. Còn mối lái đi thành phố thì vô tận vườn đặt hàng hà rầm. “Bây giờ chuẩn bị cũng là vừa” - anh cười hể hả.

Phóng to
Bông mai 42 cánh trong vườn nhà anh Ẩn - Ảnh: D.T.H.

Rủi ro nghề nghiệp

Nghề săn mai có người ăn nên làm ra, nhưng cũng không ít người gặp xui. Một ngày đầu tháng 12, tôi theo chân anh Ngô Văn Lanh ở xã Vị Bình (Hậu Giang) tìm mua mai vườn. Qua tuốt bên Giồng Riềng (Kiên Giang) gặp cây mai cao to, gốc cỡ bắp vế, chủ kêu 10 triệu đồng. Anh Lanh trả giá 7 triệu, kèo nài riết cuối cùng chủ chịu bán. Do trời tối nên chưa bứng kịp, chúng tôi gửi tiền cọc 300.000 đồng, hẹn mai qua.

Hôm sau, chúng tôi đi cùng một anh bạn tên Bình, vốn là tay sành chơi mai nghệ thuật. Tới nơi, Bình coi kỹ rồi phán: “Mấy ông “hố” rồi. Cây mai tuy gốc bự nhưng thân suôn đuột giống như cây đèn cầy, chẳng dáng dấp gì hết. Giá chừng 1 triệu là cùng”. Hoảng hồn, chúng tôi “hồi” lại không mua, bỏ cọc chạy lấy người.

Dù vậy, “thương vụ” này thiệt hại chỉ là cái lẻ. Một lần anh Ẩn lội qua tận Bình Minh tìm mua được sáu cây mai với giá chỉ có 2,5 triệu đồng, cây nào cũng bự, thân trên 3 tấc hoành. Ai dè lúc đào, gốc nó sâu tới 8 tấc, mà càng xuống gốc càng nhỏ, giống cái thằng “đầu bự đít teo”. Anh bàn với chủ thôi không mua không bứng gì hết, thà mất 2,5 triệu. Nào dè ông chủ vườn một hai bắt phải bứng hết, không chừa cây nào.

Theo anh Hưng, trong nghề săn mai tỉ lệ rủi ro do cây chết 20% là bình thường. Có lần anh mua được hai cây ở Chợ Mới (An Giang) giá 8 triệu đồng. Cây tuy hơi nhỏ nhưng dáng đẹp, bộ đế dày. Anh dự tính sửa theo dáng nghiêng, nuôi chừng 3 tháng tính ra có thể bán được 20 triệu đồng. Ai dè mới có hai tháng tự dưng nó héo lá, ngã ngang, hai cây đi đứt một lượt.

Nhưng như vậy vẫn chưa đau bằng chuyện mua lầm. Những ngày lặn lội đi tìm mai, chúng tôi gặp một cây mai cao lớn, gốc bự, tán lá xùm xòe, dáng uy nghi sừng sững trước căn biệt thự sang trọng ở xã Long Hưng B.

Chủ cây mai nói rằng nó được mua tận Campuchia, giá 200 triệu đồng. Ngoài ra còn có một cây bự hơn, đang trồng bên trong, giá 300 triệu.

Nhưng dưới con mắt nhà nghề của anh Hưng, mỗi cây chỉ đáng giá từ 20-25 triệu đồng. Nó chỉ được cái mã bề thế chứ không có chút dáng dấp nghệ thuật nào ẩn chứa bên trong. Giới nghệ nhân đánh giá: một là ông chủ mua lầm, hai là ông... “nổ”!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận