Richardson: Vượt khó kiểu Mỹ

HUY ĐĂNG 18/09/2023 11:20 GMT+7

TTCT - Sha'Carri Richardson vừa trở thành nhà vô địch điền kinh thế giới ở tuổi 23, nhưng câu chuyện của cô không chỉ là đường chạy điền kinh.

Suốt nhiều thập niên qua, người hâm mộ điền kinh đóng khung suy nghĩ người Jamaica chạy nhanh nhất thế giới, còn người Ethiopia chạy bền bỉ nhất thế giới…

Nhưng Giải vô địch điền kinh thế giới 2023 có thể sẽ đánh dấu sự thay đổi trong tương lai, khi "giang sơn quy về một mối" trong tay người Mỹ.

Điền kinh Mỹ lên ngôi

Dù người Mỹ thống trị điền kinh suốt nhiều thập niên về thành tích chung, họ vẫn không thực sự được xem là ông vua của môn thể thao cơ bản nhất này. Suốt một thời gian, Jamaica là cường quốc ở nội dung đỉnh nhất điền kinh: các cự ly tốc độ.

Sha'Carri Richardson. Ảnh: Getty Images

Sha'Carri Richardson. Ảnh: Getty Images

Với 8 HCV Olympic, 11 HCV Giải vô địch thế giới và kỷ lục 9,59 giây - Usain Bolt là huyền thoại bất diệt của làng chạy nước rút. Cô gái đồng hương của Bolt, Shelly-Ann Fraser-Pryce là "tia chớp nữ" khi sở hữu 3 HCV Olympic, 10 HCV Giải vô địch thế giới cũng ở các cự ly tốc độ.

Nhưng Giải vô địch điền kinh thế giới 2023 đang định hình lại làng điền kinh. Hai VĐV người Mỹ Noah Lyles (nam) và Sha'Carri Richardson khiến người hâm mộ phải trầm trồ vì những cú bứt phá ngoạn mục.

Sau khi góp công giúp tuyển Mỹ thắng nội dung chạy tiếp sức 4x100m, Lyles giơ cao ba ngón tay đầy hãnh diện trước ống kính truyền thông. Sáu năm kể từ ngày Bolt giải nghệ, làng điền kinh cuối cùng cũng xuất hiện một gương mặt xứng đáng kế tục danh hiệu "người chạy nhanh nhất hành tinh". 

Chân chạy 26 tuổi người Mỹ đã giành chiến thắng ở cả ba nội dung 100m, 200m và tiếp sức 4x100m ở Giải vô địch thế giới năm nay. Cú "hat-trick HCV" đó trước nay chỉ mình Bolt làm được (và làm được những ba lần).

Người Mỹ có quyền tiếc nuối một chút với Richardson - cô gái 23 tuổi phải vượt qua hành trình đầy tranh cãi để trở lại làng điền kinh đỉnh cao. Cô xuất sắc chiến thắng nội dung 100m và tiếp sức 4x100m. 

Nếu nhanh hơn nửa giây trong chung kết nội dung 200m, cô gái sinh ở Texas cũng đã hoàn tất cú hat-trick vàng như đồng hương Lyles. Nhưng không vấn đề gì, Richardson mới 23 tuổi, việc cô đánh bại hai tượng đài Jamaica Fraser-Pryce và Shericka Jackson đã là một bất ngờ cực lớn của giải.

"Tôi luôn ở trong thế giới của riêng mình"

Những chiến thắng của Lyles và Richardson đã thổi luồng cảm hứng mạnh mẽ vào làng điền kinh, đặc biệt là với Richardson. Mới hai năm trước, sự nghiệp của cô gái trẻ người Mỹ còn đứng trước nguy cơ sụp đổ vì sử dụng cần sa - câu chuyện không chỉ là của giới thể thao Mỹ.

Richardson có quá khứ khiến nhiều người phải động lòng. Cô bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, được bà ngoại nuôi lớn. Dù vậy khi trưởng thành, Richardson vẫn giữ quan hệ với mẹ ruột. Trước thềm Olympic Tokyo 2020 (bị lùi lại đến 2021 vì dịch bệnh), mẹ cô qua đời. Cũng khoảng thời gian này, Richardson sử dụng cần sa để vượt qua những khó khăn về tinh thần và các mẫu thử doping của cô dương tính.

Khi câu chuyện của Richardson được đăng tải, đông đảo người Mỹ đồng cảm với cô gái trẻ, khi nhiều nơi ở Mỹ cũng đang dần hợp pháp hóa cần sa. Trường hợp của Richardson đánh động đến cả thượng tầng quốc gia. 

Donald Trump Jr, con trai cựu tổng thống Donald Trump, kêu gọi Cơ quan Phòng chống doping Mỹ (USADA) tha bổng VĐV điền kinh này. Phe Dân chủ cũng nêu quan điểm tương tự, và Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ cảm thông với Richardson trong một bài phát biểu liên quan đến các quy định phòng chống doping.

Tuy nhiên USADA giữ quan điểm cứng rắn, chỉ giảm án phạt 3 tháng xuống còn 1 tháng vì khoảng thời gian Richardson sử dụng cần sa nằm ngoài giải đấu. Nhưng án phạt này vẫn vừa vặn loại cô khỏi kỳ Olympic đầu tiên trong sự nghiệp. Kết quả là cô gái trẻ trượt dài một thời gian do bỏ lỡ cả Olympic lẫn Giải vô địch thế giới 2022. Richardson chỉ thực sự trở lại khoảng một năm qua.

Chiến tích của cô mang đầy đủ sắc thái một câu chuyện phiêu lưu kiểu Mỹ. Cô gái Texas có vẻ ngoài gai góc và nổi loạn, với mái tóc "mỗi dải một màu" và hình xăm rồng chằng chịt khắp người. Cô trải qua tuổi thơ bất hạnh đầy nghịch cảnh, từng có lúc suy sụp và rồi trở lại đầy ngoạn mục.

Màn trình diễn của Richardson ở giải thế giới chính là tấm gương phản chiếu hành trình đấy. Cô vượt qua bán kết nội dung 100m với thành tích 10,84 giây, đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng tổng. Nhưng không may, cả hai người chạy nhanh hơn Richardson đều chung nhóm với cô (Jackson và Ta Lou). 

Theo luật, chỉ hai người dẫn đầu mỗi đợt chạy (vòng bán kết có tổng cộng ba đợt) là mặc định giành vé vào chung kết, đồng thời được xếp nhóm "hạt giống". Richardson rớt xuống nhóm bất lợi - bị đẩy ra tận đường chạy số 9, nằm ngoài cùng ở cuộc đua chung kết.

Người hâm mộ Mỹ, vì đa phần không hiểu luật, tranh cãi dữ dội về chuyện này. Không ít người còn tưởng Richardson bị xử ép. Nhưng cô gái 23 tuổi phớt lờ. "Tôi luôn ở trong thế giới riêng của mình, cuộc đời tôi luôn như vậy. Chạy ở làn số 9 giúp tôi tập trung tốt hơn, điều đó hoàn hảo với tôi", Richardson nói. Nói là làm, chân chạy người Mỹ tạo nên cú bứt phá ngoạn mục để về đích với thành tích 10,65 giây, phá luôn kỷ lục giải đấu. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận