
Ngày Báo chí Việt Nam 21-6 năm nay khác biệt so với những năm khác có lẽ bởi chúng ta đã và vẫn đang trải qua những ngày chống dịch COVID-19. Việt Nam đã cơ bản khống chế được Covid, nhưng ngoài kia - ở nhiều nước trên thế giới, dịch bệnh vẫn đang diễn tiến khó lường.
Nhân dịp 21-6, Tuổi Trẻ giới thiệu 6 câu chuyện của 6 phóng viên Tuổi Trẻ đã từng có mặt ở những điểm nóng dich những tháng qua. Các phóng viên đã chứng kiến những bác sĩ, nhân viên y tế đã nỗ lực đêm ngày để chống dịch. Cùng làm việc, cùng sống và chia sẻ với các bác sĩ, nhân viên y tế, các phóng viên Tuổi Trẻ đã tác nghiệp, mang đến cho độc giả những bản tin, những bài báo, những tấm ảnh xúc động mà qua đó bạn đọc được chứng kiến, được cảm phục với những gương mặt, những câu chuyện hi sinh thầm lặng của những người ở tuyến đầu.
Người làm báo đã có mặt ở tâm dịch, làm người đưa đò giữa các bác sĩ, nhân viên y tế và bạn đọc. Lấp lánh trong những câu chuyện được kể sau đây là sự tự hào được làm nghề báo, một nghề luôn đặt sự trung thực, lương tâm và trách nhiệm lên hàng đầu.

Báo chí bắt đầu "nóng" với dịch COVID-19 từ 2 ngày trước Tết Nguyên đán Canh Tý, khi có một vài du học sinh từ Vũ Hán về nước và nghi nhiễm COVID-19, được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tất cả những người nghi nhiễm sau đó đều âm tính, nhưng chỉ 1 ngày sau Việt Nam ghi nhận 2 bệnh nhân đầu tiên- cha con ông Li Ding, bệnh nhân người Trung Quốc.
Đó là thời điểm bắt đầu một chiến dịch thông tin rất dài mà khi đó ít ai tưởng tượng mức độ tàn phá của COVID-19. Chiều tối 23-1 tức 29 tết ghi nhận 2 bệnh nhân đầu tiên, sáng 30 tết tức 24-1 là phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đầu tiên của vụ dịch mà báo chí tham gia, sau đó ngày mồng 2 tết lại có một phiên họp kế tiếp…
Không ai được nghỉ, kể cả Tết. Bắt đầu từ đó, nhà báo cũng như thầy thuốc, cùng đi đến những nơi có ca nghi nhiễm, đến bệnh viện nơi đang điều trị bệnh nhân, vào khu cách ly, đến các khu vực đang bị phong tỏa…
Có một lần chúng tôi đến tác nghiệp tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, đó là giữa tháng 3-2020, khi trở về chúng tôi không thể gọi xe vì không có xe nào "dám" chở khách từ bệnh viện này. Cuối cùng chúng tôi đã phải đi thật xa cổng bệnh viện và gọi xe ôm để quay về thành phố.

Nguy cơ lây nhiễm bệnh là có, và thực tế đã có một nhà báo mắc COVID-19, nhưng máu nghề nghiệp đã khiến cánh báo chí hình như bớt sợ. Nhiều lần người bảo vệ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương yêu cầu các nhà báo đứng ra xa trong những buổi công bố khỏi bệnh, bởi bệnh nhân sau đó vẫn còn cách ly thêm 14 ngày vì nguy cơ vẫn còn.
Nhưng chỉ sau vài phút thì cự ly lại gần lại vì chúng tôi muốn lắng nghe. Tôi cũng vậy, cũng xáp lại gần để lắng nghe. Nỗi sợ đã lui để nhường chỗ cho máu nghề nghiệp…
Thời điểm nào tôi sợ nhất trong mùa dịch? Đó là khi tôi đến nhà gia đình bệnh nhân N.T.D ở Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, bệnh nhân được coi là "siêu lây nhiễm" đầu tiên. Hay là khi chúng tôi đến huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc- "ổ dịch" COVID-19, Và là lần đầu tiên đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương khi dịch vào cao điểm, bệnh nhân nhập viện liên tục.
Nhưng không có nỗi lo lắng nào lớn bằng những thời điểm dịch lan rộng ra cộng đồng trong tháng 3 và tháng 4. Những ngày ấy mỗi nhà báo y tế đều sẵn sàng từng phút đưa thông tin mới, đúng, chính xác, vì người đọc đang cần.
Chúng tôi đã học được cách chống dịch chủ động từ thầy thuốc, nỗi lo mình bị lây nhiễm trong quá trình làm việc ít đi, mà nỗi lo lớn hơn là lo dịch lây lan, khi đó hệ thống y tế sẽ khó chống đỡ, sẽ khó khăn. Thật may, giờ tất cả chúng ta đã an toàn…



Tôi có lẽ là một trong những nhà báo hiếm hoi của Việt Nam đã tham gia đầy đủ quá trình diễn biến của dịch COVID-19 từ nước ngoài đến trại cách ly ở Việt Nam. Không ai mong muốn phải trải qua việc này nhưng hành trình đó là kỷ niệm không thể nào quên và cũng vô cùng quý giá trong cuộc đời tôi.
Đầu năm 2020, thu xếp việc gia đình, đựơc sự đồng ý của cơ quan, tôi sang Philippines học nâng cao tiếng Anh trong 4-6 tháng. Nơi tôi học là trường Anh ngữ Cella có trụ sở tại đảo Cebu (cách thủ đô Manila khoảng 1h bay).
Khi tôi lên đường, ở Việt Nam chỉ có 16 ca nhiễm COVID-16 và gần 1 tháng không có thêm ca mới. Tại Philippines lúc đó cũng chỉ có chưa đến 10 ca nhiễm bệnh. Mọi hoạt động kinh tế, giao thông vẫn diễn ra bình thường, ai cũng hy vọng dịch COVID-19 sẽ sớm được dập tắt.
Thế nhưng mới học được 2 tuần thì chính phủ Philippines có lệnh đóng cửa trường học trên toàn quốc. Tổng thống Duterte cũng đã ra lệnh phong tỏa thủ đô Manila, không cho các chuyến bay nội địa, chuyến tàu- phà được di chuyển đến vùng Manila. Sau khi trường học đóng cửa, chính phủ Philippines khuyến cáo công dân nước ngoài về nước càng sớm càng tốt.
Ngay khi có thông báo nghỉ học, tôi tìm mọi cách đặt vé máy bay về Việt Nam. Vì đường bay từ Cebu - Manila đóng cửa nên tôi buộc phải đặt hành trình quốc tế từ Cebu về Hà Nội, quá cảnh ở Bangkok, Kuala Lumpur, Singapore, Hongkong… Vé rất khó đặt nhưng đặt xong các hãng hàng không cũng lần lượt email hủy chuyến vì các quốc gia trên lần lượt cấm các chuyến bay quá cảnh.
Ngày đầu tiên tôi và các học viên Việt Nam còn cười nói rôm rả nhưng những ngày chờ đợi sau đó chỉ còn sự căng thẳng, lo sợ. Chúng tôi bị "nhốt" trong trường học, không thể đi ra- vào.
Thật kỳ diệu ngày 25-3, chuyến bay "giải cứu" của Vietnam Airlines đã được Chính phủ Việt Nam đồng ý cho phép bay hành trình Cần Thơ - Cebu - Cần Thơ để đưa 170 công dân Việt Nam về nước. Cho đến khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Cần Thơ, tôi vẫn không tin mình có thể về nước sau nhiều ngày chờ đợi trong sợ hãi.
Khi chúng tôi về, những học viên người Thái Lan là những người cuối cùng còn ở lại trường bởi họ không thể về nước do chính phủ Thái Lan yêu cầu công dân Thái cũng phải có bảo hiểm y tế thanh toán 100.000 USD, có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 mới được nhập cảnh.
Chúng tôi - những công dân Việt Nam thấy mình thật may mắn khi được Chính phủ Việt Nuam tạo điều kiện để về nước tránh dịch, dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn.

Trung tâm Huấn luyện dự bị động viên tỉnh Hậu Giang là nơi tôi và 80 công dân Việt Nam từ Philippines về nước được cách ly trong 2 tuần từ ngày 26-3 đến ngày 8-4. Lần đầu tiên trong đời được ở trong doanh trại quân đội là điều lạ lẫm với hầu hết mọi người.
3h sáng khi chúng tôi đến nơi, cảm giác đói, mệt mỏi trong suốt hành trình tan biến khi đến địa điểm cách ly cả đoàn được các chú bộ đội tiếp tế mỗi người 1 bát mì tôm thịt. Mỗi phòng có 6 giường, mỗi giường được trang bị đầy đủ chăn, màn, chiếu, kem đánh răng, bàn trải, xà phòng tắm, dầu gội đầu, khăn mặt… Nhìn bát mì tôm và túi nhu yếu phẩm đượt phát, tôi xúc động chảy nước mắt.
14 ngày trong khu cách ly là biết bao kỷ niệm vui - buồn, xúc động đến với chúng tôi. Những trải nghiệm đó tôi chưa bao giờ có trong cuộc đời dù đã có 13 năm làm báo, tham gia tác nghiệp ở nhiều địa bàn từ trong đến ngoài nước. Không thể quên tiếng loa phát thanh 6h sáng mỗi ngày đánh thức chúng tôi trong trại cách ly. Hàng ngày được các bác sĩ quân y đến khám sức khỏe, được chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ.
Ngày có kết quả xét nghiệm COVID-19 lần 2, tất cả công dân tại Trung tâm huấn luyện dự bị động viên Hậu Giang âm tính, chúng tôi được nhận giấy chứng nhận đã hoàn thành 2 tuần cách ly.
Ngày rời trung tâm trở về nhà, bước chân reo vui bỗng trĩu nặng khi biết các chiến sĩ tại đây không được về nhà như mình. Họ còn phải ở lại thêm vài ngày đế xét nghiệm COVID-19, nếu âm tính mới có thể rời trung tâm. Họ cũng có thể tiếp tục phải ở lại để phục vụ những đoàn công dân mới từ nước ngoài về được đưa đến đó cách ly.
May mắn không bị COVID-19, được Chính phủ đưa về nước, đưa đi cách ly miễn phí, tôi và hàng ngàn công dân Việt Nam từ nước ngoài về hiểu rõ đã góp phần làm gánh nặng cho nhà nước và quân đội khi đất nước còn nhiều khó khăn. Tôi tự nhủ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải sống, làm việc thật tốt để xứng đáng với những may mắn được nhận.



Những ngày cuối tháng 4, tôi nhận lệnh của tòa soạn vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để truyền tải hình ảnh, cuộc sống của các y bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Không ngần ngại trước nguy cơ bị lây nhiễm và phải cách ly 14 ngày khi rời bệnh viện, tôi chuẩn bị quần áo, máy móc, tư trang cá nhân bỏ vào vali lên đường.
Từng tác nghiệp, tiếp xúc với người dân tại ‘ổ dịch’ COVID-19 như ở Trúc Bạch, Hạ Lôi (Hà Nội), Sơn Lôi (Vĩnh Phúc),… nhưng vào nơi điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19 như ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tôi có cảm giác hơi lo lắng, nhưng câu nói của một người sếp từng nói với tôi "làm báo không gì trưởng thành nhanh bằng vào tâm bão, rốn lũ, tâm dịch và điểm nóng" khiến tôi luôn khao khát được trải nghiệm, khám phá và quan trọng nhất là truyền tải những hình ảnh, câu chuyện đến bạn đọc vì chưa ai biết trong đó, chuyện gì đang diễn ra?
Ngày đầu tiên tới bệnh viện (24-4), chị Nguyễn Thị Nguyệt Quyên (Ban Công tác xã hội) dẫn tôi đi các khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 để giới thiệu làm quen và viết bài. Chị Quyên nói: "Vào đây viết bài có sợ không, phải cẩn thận không là nguy cơ bị lây nhiễm rất cao, về là phải cách ly 14 ngày đấy!"
Tôi trả lời: "Công việc của em vào đây để truyền tải những hình ảnh, cuộc sống của các y, bác sĩ chống dịch, em không vào thì không có những hình ảnh, câu chuyện thực tế để mang đến độc giả. Cũng hơi lo lắng chút chị ạ, nhưng vào đây em tuân thủ quy định của bệnh viện, nhờ các y, bác sĩ chỉ dẫn và bản thân tự đề phòng thì mình nghĩ chắc cũng an toàn thôi!"
9h ngày 24-4, tôi ghé qua khoa Viêm gan, nữ điều dưỡng Kiều Thị Hồng Hạnh nói phóng viên vào nhiều nhưng ở lại đây không nhiều đâu, như bạn là ‘liều’ đấy. Tôi nói: "Biết nguy hiểm nhưng công việc thì không thể bỏ, em cũng không nói cho mọi người biết là em vào nơi điều trị bệnh nhân COVID-19, ngay cả mẹ em ở quê thường xuyên gọi điện hỏi thăm nhưng em cũng ‘giấu’ là em đi làm bình thường để mẹ đỡ lo lắng".

Chiều 25-4, tôi xuống khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 ở khoa Hồi sức tích cực. Từ ngoài nhìn vào, bốn ‘siêu nhân xanh’ đang túc trực chăm sóc cho hai ca bệnh nặng (BN 19 và BN 161) đang điều trị. Để tiếp cận các y bác sĩ đang điều trị, không còn cách nào khác tôi xin một bộ đồ bảo hộ để vào bên trong. Bác sĩ nói, hai bệnh nhân này đều thở ECMO nên virus có thể bay lơ lửng cần giữ khoảng cách an toàn 2 mét, hạn chế động chạm vào các đồ vật trong phòng và thường xuyên phải rửa cồn.
Thấy tôi đeo một lớp găng tay, một bác sĩ nói tôi cần đeo thêm một lớp nữa vào để đảm bảo an toàn. Trong điều kiện tác nghiệp một mình, khó khăn hơn khi phải mặc bộ đồ bảo hộ, tôi cố gắng xoay sở chụp, ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về các y bác sĩ.
Cứ như vậy, trong khoảng gần 1 tuần, tôi ‘quét’ qua các khoa ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Tôi được chứng kiến, nghe, chia sẻ những câu chuyện của các y, bác sĩ, điều dưỡng kể về những thời khắc khó khăn nhất của họ trong suốt 3 tháng ở tuyến đầu chống dịch.
Cầm trên tay tờ phiếu xét nghiệm âm tính COVID-19, chị Quyên bảo tôi ký cam kết cách ly 14 ngày tại nhà thì mới được rời bệnh viện. Tôi vui vẻ đáp, chị yên tâm em đã có sẵn phòng riêng để cách ly rồi. Trước khi rời bệnh viện, tôi không quên nhờ chụp một tấm hình duy nhất để checkin kỷ niệm tôi đã đến - tuyến đầu!



Dẫu biết rằng với vị trí "sát nách" tâm dịch, cộng với sự giao thương qua lại nhộn nhịp sớm muộn dịch COVID-19 cũng sẽ tràn vào Việt Nam. Nhưng khi những dòng thông tin về hai ca bệnh đầu tiên được phát hiện, cách ly điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, không ai dám tin đó là sự thật. Kể cả tôi, người viết bản tin ấy. 20h08 phút ngày 23-1 (tức 29 tết) bản tin đầu tiên tôi xử lý đăng tải trên Tuổi Trẻ Online có tựa đề: "Hai ca nhiễm virus corona đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Chợ Rẫy là người Trung Quốc". Và kể từ đó, coi như mất tết, "cuộc chiến" với COVID-19 chính thức bắt đầu.
Là phóng viên mảng y tế được giao nhiệm vụ theo sát diễn biến dịch bệnh COVID-19 tôi gần như "cắm mặt" vào điện thoại trong nhiều tháng qua.
Ngoài các cuộc phỏng vấn với các lãnh đạo bệnh viện, điều tôi phải làm mỗi sáng mai thức dậy là cập nhật tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị; kết nối chuyên gia chia sẻ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm sao cho hiệu quả; câu chuyện về sự hi sinh thầm lặng của nhân viên y tế. Và có một việc, tôi tin chắc không một phóng viên nào mong muốn được làm là phải cập nhật các con số về ca nhiễm mới từng giờ, từng giờ...
Trong suốt hành trình gian nan ấy, tôi đặc biệt ấn tượng với 3 bệnh nhân đó là phi công người Anh (bệnh nhân 91) và hai cha con người Trung Quốc. Diễn biến sức khỏe của họ được cộng đồng chú ý đặc biệt bởi trong số họ có người đầu tiên nhiễm COVID-19 và có người bị bệnh nặng nhất đang được điều trị cho đến thời điểm này.
Là người theo sát thông tin sức khỏe của họ, không ít lần tôi cùng với các đồng nghiệp của mình phải thót tim khi nhận thông báo họ rơi vào nguy kịch, để rồi vỡ òa trong niềm vui sướng với các "kỳ tích" được chính họ lập nên, bên cạnh nỗ lực cứu chữa đến cùng của cả ngành y tế.
Suốt hành trình ấy, tôi may mắn được tiếp cận với rất nhiều bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp duy trì sự sống cho các bệnh nhân và rất ấn tượng với hai câu nói. "Mọi người tìm cách tránh càng xa càng tốt, còn chúng tôi phải lao vào thật gần để chăm sóc cứu sống người bệnh"; "Nhiều khi cả cuộc đời người làm nghề chỉ gặp một lần. Với dịch COVID-19, không còn là chuyện riêng của bác sĩ nào, của bệnh viện nào mà đó là câu chuyện đồng lòng, mối lo chung của cả ngành y tế".

Hai câu nói ấy dù được nói ra từ chính các bác sĩ trong cuộc nhưng ngẫm lại tôi thấy hình ảnh của mình và rất nhiều đồng nghiệp phụ trách mảng y tế trong đó. Dù tính chất công việc có đôi phần khác biệt, nhưng cũng giống như người bác sĩ - người làm báo như tôi đã sống cùng nhịp đập ấy suốt 6 tháng qua.
Trong phạm vi được cho phép, chúng tôi luôn cố gắng tiếp cận thật gần phòng bệnh, người bệnh để chuyển tải thông tin, hình ảnh chân thật nhất tới bạn đọc. Và có lẽ được sống, tác nghiệp trong một đợt dịch lịch sử như COVID-19 sẽ là ký ức đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời làm nghề không chỉ của bác sĩ, mà của cả mỗi người làm báo như tôi…
Biết rằng "cuộc chiến" với COVID-19 còn nhiều gian nan phía trước, nhưng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng Bệnh viện Chợ Rẫy từng là nơi tiếp nhận điều trị thành công hai ca bệnh nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam, và tới đây cũng chính là nơi cuối cùng điều trị thành công cho phi công người Anh để kết thúc "cuộc chiến" chống COVID-19 đã kéo dài dai dẳng.
Nếu điều đó xảy ra, không phải là sẽ rất vui mừng hay sao!



Đó là ý kiến của một lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi tôi đề xuất được tác nghiệp tại khu vực cách ly đặc biệt của bệnh viện, nơi đang điều trị hàng trăm bệnh nhân COVID-19. Không mảy may suy nghĩ, tôi chỉ đáp rằng: "Vâng , em hiểu".
Hôm đó là chiều 24-3, bên ngoài trời nắng to, nhưng bên trong những khu vực cách ly là một cảm giác khá lạnh lẽo. Căn phòng đầu tiên chúng tôi bước vào khá nhỏ khiến việc tác nghiệp khó có thể đứng giãn cách theo đúng quy định.
Trong khoảnh khắc đó, việc tôi nghĩ đến đầu tiên không phải là sự lây lan mà là mình phải chụp thật nhanh và phải ghi lại tất cả những gì đang diễn ra phía trong.
Bởi, tôi là phóng viên đầu tiên được có mặt tại đây và rất nhiều độc giả đang tò mò vì những gì đang diễn ra ở nơi nhiều người cho rằng: "nguy hiểm nhất". Tiếp đó, đến căn phòng "cách ly đặc biệt" đập vào mắt tôi là một bệnh nhân người nước ngoài đang thở máy. Tôi nhìn ông ấy và ông ấy nhìn lại tôi với một ánh mắt yếu ớt.
30 phút tác nghiệp ngắn ngủi kết thúc. Tôi gần như tắm trong cồn sát khuẩn, cả người và cả máy ảnh. Ngay sau khi rời khỏi bệnh viện, tôi nhắn tin cho toà soạn đề nghị được tự cách ly 14 ngày để đề phòng lây lan cho các đồng nghiệp.
Trên đường từ bệnh viện về nhà, tôi bắt đầu lo lắng, liệu mình có bị nhiễm COVID-19 không? Nếu tôi dương tính thì những người xung quanh tôi sẽ như thế nào? Những câu hỏi chưa lời giải bủa vây quanh tôi.
Một tháng sau, tôi quay lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lần này tôi đến đây để chụp chân dung của các bác sĩ - những người anh hùng trong Đại dịch COVID-19. Tôi muốn họ đặt xuống những chiếc khẩu trang y tế, để người dân cả nước được nhìn thấy họ và tri ân.
Vượt qua nhiều khó khăn, rồi bộ ảnh cũng được hoàn thành cùng những bức ảnh khác từ các đồng nghiệp chụp tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.
Sáng 30-4, những bức ảnh chân dung bác sĩ tuyến đầu của cả hai miền Nam - Bắc cùng xuất hiện trang trọng trên trang bìa báo Tuổi Trẻ trong một ngày đặc biệt. Cầm trang báo trên tay, tôi xúc động, vì mình đã làm được điều mà mình đã ấp ủ bấy lâu và tất nhiên đó là công sức của cả một tập thể lớn.
Nghề báo là vậy, niềm hạnh phúc nhất là bạn được sống trong không gian đậm đặc của sự kiện, dù nó có nhiều hiểm nguy.



Tôi, một phóng viên còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề nhưng lại có cơ hội tác nghiệp ở hầu hết các điểm nóng trong đợt dịch vừa qua. Mỗi bệnh viện, mỗi khu vực cách ly, mỗi bác sĩ và cả những bệnh nhân tôi gặp thật sự là trải nghiệm khó quên.
Đây không phải chiến tranh, nhưng nó cũng có thể gây chết người. Phóng viên cũng là con người cũng sợ lây nhiễm, sợ cái chết và cũng đã trải qua những thời khắc lo lắng tột cùng.
Là phóng viên ảnh, muốn có hình ảnh, thước phim thì tôi bắt buộc phải đến trực tiếp hiện trường, tiếp xúc rất gần với các nguồn bệnh. Nhưng một điều may mắn là chúng tôi được trang bị kiến thức kỹ lưỡng, chỉ tác nghiệp ở khu vực cho phép, đảm bảo các quy định an toàn y tế, luôn làm theo hướng dẫn của các y bác sĩ.
Trong thời gian gần 4 tháng tác nghiệp ở hầu hết các sự kiện liên quan đến dịch bệnh, có lẽ lần tác nghiệp khiến tôi nhớ nhất là bên trong khu cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Để có thể ghi nhận được những hình ảnh bên trong khu cách ly nơi điều trị hai bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên Việt Nam, tôi phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ nặng gần 2kg, khẩu trang N95, găng tay, nón, bao giày, kính che mặt, liên tục sát khuẩn tay cùng với lời dặn dò kỹ lưỡng từ các y bác sĩ và những người phụ trách khu vực này để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trước khi bước vào phòng cách ly, anh điều dưỡng dặn tôi "nếu khó thở em phải nói liền vì nó sẽ không hề dễ chịu chút nào", đúng thật như thế sau hơn 1 tiếng khoác đồ bảo hộ lên người, tác nghiệp trong phòng không máy lạnh, mồ hôi bắt đầu toát ra khiến toàn thân ướt đầm đìa. Tôi bắt đầu khó thở, tay chân run lên.
Với người cận thị như tôi thì ngoài kính bảo hộ tôi phải đeo thêm kính cận bên trong, cứ mỗi lần thở ra hai lớp kính lại mờ đi, trắng xóa.
Toàn bộ dụng cụ như máy ảnh, máy quay khi vào cách ly đều phải bọc trong nilon và tiến hành phun khử trùng. Tôi phải luôn cố gắng nín thở để không làm mờ kính, lúc đó mới canh được góc và nhìn thấy chủ thể để chụp.

Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận