Nuôi rắn làm luận án

TUẤN PHÙNG 25/06/2011 21:06 GMT+7

TTCT - Tốt nghiệp khoa sinh Trường ĐH Vinh, anh Ông Vĩnh An (sinh năm 1969) về làm giáo viên Trường THPT thị xã Cửa Lò ngay từ ngày lập trường. Anh bắt đầu nuôi rắn từ năm 2002 khi con trai đầu lòng mới được 4 tuổi, và vừa bảo vệ thành công luận án nghiên cứu rắn ráo trâu trong điều kiện nuôi.


Bắt lại rắn khi thử nghiệm thả ra ngoài tự nhiên, rắn đã tìm bắt gà con nhà hàng xóm. Ảnh: V. Hiếu

Chồng dạy sinh học, vợ dạy ngoại ngữ cùng trường, cuộc sống gia đình anh An không lấy gì dư dả vì còn phải nuôi con nhỏ. Anh An cho biết sở dĩ chọn nuôi rắn vì đây là loài bò sát được sử dụng làm thuốc từ trước Công nguyên. 

Với rắn ráo trâu, các triều đại phong kiến cổ ở phương Bắc đã sử dụng để làm thuốc, có tác dụng bồi bổ và làm ấm cơ thể.

Hai năm mày mò ấp trứng rắn

Những đóng góp chính của luận án gồm: phát hiện được sự sai khác về hình thái và thời gian động dục của rắn đực và rắn cái; xác định được mùa giao phối, đẻ trứng và thời gian ấp trứng, ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm môi trường; xác định được 13 loại thức ăn của rắn, độ ưa thích, nhu cầu và hiệu suất thức ăn theo mùa, tuổi và tập tính ăn mồi của rắn ráo trâu; xác định được tốc độ tăng trưởng của rắn ở các giai đoạn sinh trưởng và giới tính khác nhau theo các mùa trong năm, đánh giá được ảnh hưởng của lượng thức ăn đến sinh trưởng của rắn; có tư liệu mới về hoạt động mùa và hiện tượng ngủ đông của rắn, một số tập tính hoạt động cơ bản của rắn; phát hiện được 11 loài ký sinh trùng, 6 loại bệnh ở rắn… 

Tham khảo nhiều hộ nuôi rắn, anh theo dân bắt rắn, tìm nơi rắn ở để thả cảm biến vào hang đo nhiệt độ, độ ẩm nhằm làm chuồng phù hợp. 

Nhưng phải đến sáu lần đập đi xây lại, anh mới làm được chuồng gần hội đủ yếu tố thuận lợi cho việc nghiên cứu.

Anh An cho biết lúc đầu được các thầy (GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh và PGS.TS Hoàng Xuân Quang) định hướng nuôi rắn sọc dưa và rắn ráo trâu, nhưng qua nuôi thử thấy rắn sọc dưa chủ yếu ăn chuột còn sống, khó nuôi quy mô lớn nên anh chuyển sang rắn ráo trâu. 

“Tuy nhiên, những hiểu biết về sinh học, sinh thái của loài này vẫn còn rất hạn chế. Tôi nuôi để nghiên cứu, nếu thành công sẽ góp phần cho việc bảo tồn và cũng có thể phục vụ việc chăn nuôi với đối tượng vốn không phải là vật nuôi này” - anh nói.

Mua lại rắn từ những người bắt rắn để nuôi, sau một thời gian những con rắn đầu tiên đã đẻ trứng. 

Nhưng để trứng nở lại là vấn đề nan giải, tỉ lệ trứng hỏng vẫn nhiều. 

Để khống chế được độ ẩm, nhiệt độ khi ấp trứng, anh phải xây phòng riêng, lắp máy điều hòa nhiệt độ. 

Mày mò thử nghiệm nhiều cách, cuối cùng anh cho ra đời một lồng ấp trứng xây bằng gạch, mái bêtông rỗng có lớp cách nhiệt, ốp gạch men trắng, lắp đèn khử trùng và bộ điều hòa nhiệt - ẩm cùng thiết bị cung cấp oxy sạch. 

Tỉ lệ trứng nở đạt trên 80%. 

“Hai năm thử hết cách này đến cách khác, nhiều khi cứ thừ người nghĩ ngợi, cuối cùng cũng đạt tỉ lệ ấp nở như mong muốn. 

Có hôm con trai ngủ dậy reo lên “bố ơi rắn nở cả búi rồi”, thấy lòng vui không thể tả” - anh nhớ lại.

Từ thành công của luận văn thạc sĩ nghiên cứu rắn ráo trâu trưởng thành, anh An được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, trở thành giảng viên khoa sinh học Trường ĐH Vinh. 

Công trình nuôi rắn của anh nhờ đó được nhiều người biết hơn. 

Lồng ấp trứng rắn hình thành sau hai năm thử nghiệm cho tỉ lệ trứng nở trên 80%. Ảnh: T. Phùng

Mất “hai cái ôtô” để nuôi rắn  

Có lần một chuyên gia nước ngoài đến xem nhìn thấy hệ thống nghiên cứu (camera thường và hồng ngoại, nhiệt - ẩm kế điện tử, kết nối và tự động hiển thị hình ảnh, nhiệt độ môi trường, nền đất từ nơi rắn sinh sống lên màn hình máy tính) đã thắc mắc về kinh phí công trình này. 

Anh An đùa: “Trước khi nuôi rắn tôi đã có một cái ôtô xịn, nhưng giờ thì đi xe máy cũ”. Nghe xong, ông này thích thú giơ ngón tay cái lên ý bảo “chuyên nghiệp”. 

Nhưng vị chuyên gia đó đâu biết để có tiền nuôi rắn, sau giờ dạy ở trường anh An chạy xe máy lên TP Vinh cách nhà 20km dạy luyện thi đại học. 

Từng đêm mưa to anh lại mang vợt, đội đèn đi soi ếch, nhái làm thức ăn cho rắn. Để có thiết bị nghiên cứu, anh phải nhờ đến lòng tốt của bạn bè, anh em gia đình và cả tiền vay mượn. 

“Lúc đất giá 40 triệu đồng/100m2, thầy mày đi vay 50 triệu đồng để mua camera về quay rắn” - vợ anh vẫn nhắc vui mỗi khi học trò hỏi “cô cho thầy bao tiền nuôi rắn?”. 

Ngày anh An bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (Nghiên cứu sinh học, sinh thái cá thể của rắn ráo trâu (Ptyas mucosa) trong điều kiện nuôi tại Nghệ An), khi những học trò cũ đến chúc mừng hỏi “tại sao thầy khóc?”, anh cười: “Vợ bảo tính sơ sơ từ khi nuôi rắn anh tiêu hết gần hai cái ôtô, nhưng con thì chưa có chỗ ngồi học cho ra hồn”. 

Các học trò của anh đang công tác ở Hà Nội vẫn không quên nhắc lại chuyện cũ: lúc mới nuôi rắn, thầy xin được cái máy ảnh hiệu Praktica cổ lỗ sĩ bị rơi xuống biển gỉ hết linh kiện rồi nhờ trò mang ra Hà Nội sửa để chụp rắn. 

Ông thợ sửa máy ảnh có tiếng Hà thành lỡ nhận lời nên mất ba ngày mới sửa xong, đã gói lại toàn bộ linh kiện gỉ như xích xe đạp phơi mưa bảo trò “đưa về cho thầy mày biết”... 


Rắn nở chui ra khỏi trứng. Ảnh: Ông Vĩnh An

Rắn cũng lắm bệnh khó chữa

Một nội dung trong luận án của anh được các thành viên hội đồng bảo vệ luận án đánh giá cao là đã xác định được 11 loài ký sinh trên rắn ráo trâu như sán dây, sán lá, giun... cũng như cách phòng trị. 

“Thấy rắn không lớn, da nổi mụn rồi chết, mổ thấy cả búi sán dây. Thấy rắn ho khọt khẹt rồi chết, mổ ra thấy phổi tụ huyết, phát hiện nhiễm giun phổi..." 

"Muốn chữa phải cầu cứu chuyên gia ký sinh trùng học (TS Đặng Tất Thế, NCS Nguyễn Văn Hà) để xác định các loại ký sinh và cách chữa” - anh An kể lại những ngày kinh hoàng khi thấy rắn con chết hàng loạt. 

Rắn ráo trâu (tên khoa học là Ptyas mucosa) phân bố rộng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. 

Đây là loài rắn lớn (có thể nặng gần 4kg/con) được ghi trong Sách đỏ Việt Nam thuộc nhóm nguy cấp cần bảo vệ. 

Nghị định 32/2006/NĐ-CP quy định rắn ráo trâu thuộc nhóm hạn chế khai thác sử dụng thương mại. 

Đây không phải là loại rắn độc, nguy hiểm mà có giá trị về kinh tế và dược phẩm cao nên bị săn bắt nhiều ngoài tự nhiên và sụt giảm số lượng nghiêm trọng.

Thế nhưng chữa bệnh cho rắn không dễ vì thuốc đặc trị cho bò sát hầu như không có. Anh kể: “Biết là động vật máu lạnh cần lượng thuốc gấp ba lần động vật máu nóng, nhưng con bò nặng cả tạ, còn rắn con bé như ngón tay thì phải pha chế liều lượng thế nào?" 

"Mới đầu pha thuốc không chuẩn, tiêm xong rắn chết cả loạt. Đến lúc cải tạo kim tiêm đặc dụng cho người bị tiểu đường và cân đối được liều lượng thì chỉ cần chấm một phát là xong”. 

Chính cái liều này đã dẫn đến việc phòng và chữa được các bệnh sưng miệng, viêm phổi, nhiễm sán dây… của rắn.

Tham gia phản biện luận án được tổ chức tại Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật ngày 3-6 vừa qua, GS.TS Lê Vũ Khôi (ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) đánh giá cao phát hiện mới của luận án là hoạt động ngày của rắn ráo trâu thay đổi theo các tháng, phụ thuộc vào nhiệt độ từng tháng và rắn non hoạt động nhiều ở nhiệt độ thấp hơn so với rắn trưởng thành. 

PGS.TS Ngô Đắc Chứng (ĐH Sư phạm Huế) cho rằng việc nghiên cứu rắn ráo trâu từ trước tới nay hầu hết tập trung vào các đặc điểm sinh thái của chúng ngoài tự nhiên, chưa thấy một công bố nào đầy đủ và hệ thống về các đặc điểm sinh sản, dinh dưỡng, tập tính, bệnh học của rắn ráo trâu trong điều kiện nuôi. 

Vì vậy có thể nói công trình của Ông Vĩnh An không có sự trùng lặp với các đề tài khác đã được công bố. 

Các thành viên hội đồng bảo vệ luận án có chung nhận định: không chỉ đóng góp về lý luận cho các nghiên cứu bò sát ở Việt Nam, luận án còn có giá trị trong việc nhân nuôi bò sát nhằm mục đích bảo tồn và phát triển kinh tế khi quy trình nuôi được hoàn thiện, nhân rộng trong thực tế.


Rắn ráo trâu được thuần phục ăn mồi chết. Ảnh: V. Hiếu


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận