Nghị trường: nói và lặng im

NGUYỄN ĐỨC LAM 30/10/2017 22:10 GMT+7

TTCT - Những người làm việc lâu năm ở Quốc hội (QH) kể lại trước đây, đại biểu QH mỗi lần phát biểu đều phải viết ra giấy và được phê duyệt mới đọc bài phát biểu kể lể tình hình, đề đạt nguyện vọng của địa phương, chứ hầu như không bàn luận gì về các vấn đề chính sách, pháp luật quốc gia.

Từ đó đến nay, dù đã được cải tiến nhưng trên các diễn đàn khác nhau, nhiều người có chung nhận định: QH Việt Nam chưa có tranh luận, mới dừng ở thảo luận, nhiều khi vẫn là lần lượt đọc tham luận.

Đang nói như thế nào?

Cứ mỗi kỳ họp QH, cử tri cả nước lại có dịp theo dõi, bàn luận về những gì xảy ra tại nghị trường. Họ cũng muốn biết trên thực tế một năm qua, các đại biểu QH đã làm được những gì cho cử tri, cho đất nước, đối chiếu với những lời hứa trước cử tri trong khi vận động bầu cử.

Và đây là một thống kê qua ba kỳ họp (đến giữa năm 2017), với những đại biểu QH được biết là phát biểu nhiều:

ông Lưu Bình Nhưỡng lên tiếng 25 lần ở hội trường, bà Trần Thị Quốc Khánh phát biểu 24 lần;

các đại biểu Nguyễn Sỹ Cương và Trương Trọng Nghĩa phát biểu 22 lần; Nguyễn Hữu Cầu 19 lần; Nguyễn Thị Quyết Tâm 16 lần; Nguyễn Lâm Thành 15 lần; Bùi Sỹ Lợi 15 lần;

Nguyễn Văn Cảnh 15 lần; Nguyễn Văn Chiến 14 lần; Ngọ Duy Hiểu 14 lần; Ngô Thị Minh 13 lần; Trần Hoàng Ngân 12 lần; Nguyễn Tiến Sinh 12 lần.

Trong đó, các đại biểu chủ yếu thảo luận về các dự luật, còn lại là chất vấn, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, về chương trình hoạt động của QH và vài lần tranh luận lại với người phát biểu trước.

Dù những con số này không thể hiện hết thực tế thảo luận ở QH nhưng cũng cho thấy nhiều điều về thực tế đó. Thảo luận và tranh luận là tiêu chí tối thiểu để đánh giá hoạt động của đại biểu QH vì vào QH chính là để lên tiếng. Những con số cũng cho thấy nhóm đại biểu nào phát biểu nhiều hơn, nhóm nào ít phát biểu, nhóm nào hầu như không phát biểu.

Còn nếu xem xét kỹ hơn nội dung, chất lượng, bên cạnh những lời phát biểu nêu đúng các vấn đề hệ trọng của quốc gia, được cử tri quan tâm, cũng thấy nhiều phát biểu vô vị hoặc gây cười, thậm chí làm ảnh hưởng đến lợi ích của cử tri, của quốc gia.

Còn có những phát biểu, chất vấn nêu những chuyện thuần túy địa phương ở QH, nơi bàn những vấn đề quốc gia. Chẳng thế mà có bộ trưởng đã trả lời đại biểu QH “hãy về hỏi UBND tỉnh về một chuyện xảy ra ở tỉnh, chỉ ảnh hưởng đến tỉnh”.

Hoặc như một cựu đại biểu QH nhận xét về đồng nghiệp là không ít đại biểu gần hết thời lượng bảy phút vẫn chưa đi vào nội dung chính, khi nhận ra gần hết giờ đã hối hả đọc mà vẫn không kịp. Cũng không thiếu những phát biểu “trật lất” so với các vấn đề nóng mà QH đang thảo luận.

Đặc biệt, sự “ngại ngùng” trong lời ăn tiếng nói ở nghị trường không phải là hiếm. Trên nguyên tắc, đại biểu QH bình đẳng như nhau khi thảo luận, phát biểu.

Nhưng cơ chế kiêm nhiệm, trung ương - địa phương, vị trí công tác đã làm nhiều phát biểu trở nên tròn vo, ca ngợi một chiều, hoặc kín đáo bảo vệ lợi ích của một nhóm nhỏ.

Nói sao cho “đúng” ở QH là một việc rất khó khăn vì đó là diễn đàn lớn, cả nước theo dõi, lại bị hạn chế thời gian, với áp lực có thật về tâm lý khi biết mình đang được truyền hình trực tiếp. Nhưng áp lực lớn nhất là làm đúng trách nhiệm của người đại diện cho cử tri.

Làm gì để nói được ở nghị trường?

Khi thảo luận về nội quy kỳ họp QH vào cuối nhiệm kỳ QH khóa XIII, một đại biểu QH đề nghị cần thiết kế thêm nút bấm yêu cầu được tranh luận lại với người phát biểu trước.

Đại biểu khác phản đối, cho rằng như vậy là không phù hợp bối cảnh Việt Nam, làm cho cử tri nghĩ rằng các đại biểu QH vào đây chỉ để “cãi nhau”.

Đại biểu QH đưa ra đề nghị kể ông định trao đổi một cách nhẹ nhàng: “Khi phản đối tôi, đại biểu vừa phát biểu đã tranh luận một cách lịch sự, ôn hòa chứ có gì đáng lo ngại đâu”, nhưng hết giờ ông không có điều kiện nói lại.

Từ kỳ họp thứ 2 QH khóa XIV, phiên thảo luận toàn thể có thêm một thủ tục nhỏ, tương tự đề nghị nói trên. Theo đó, đại biểu QH có thể giơ biển đề nghị tranh luận với người phát biểu trước.

Khá nhiều đại biểu đã sử dụng quyền này, làm không khí thảo luận ở nghị trường thêm sôi động, phần nào khắc phục được tình trạng mà nhiều đại biểu QH các khóa trước thường nhắc đến một cách “tiếc rẻ”: Giá như, nếu như được nói lại, nói thêm, QH sẽ có cơ hội thảo luận sâu hơn.

Tất nhiên, phía dưới những thủ tục này là ba điều quan trọng: kiến thức, kỹ năng, thái độ. Kiến thức là những gì có để nói ở QH, HĐND; kỹ năng là cách thức nói ra điều mình có; và thái độ có quyết nói ra điều đó hay không. Để có kiến thức, ngoài chuyên môn, đại biểu còn phải tự nghiên cứu, tham vấn chuyên gia, bởi đại biểu phải tham gia thảo luận, biểu quyết về mọi lĩnh vực.

Để có kỹ năng, có thể dẫn lại câu nói của ông Nguyễn Văn An, nguyên chủ tịch QH, mà nhiều đại biểu QH hay nhắc đến: “Các đại biểu QH hãy đội Hiến pháp lên đầu trong hoạt động của mình”.

Một đại biểu QH nhiều khóa thì dẫn lời của GS Trần Văn Giàu: “Trên đời này có hai loại người tài: tài thật và tài liệu” để nhắc nhở tầm quan trọng của thông tin, tài liệu, nguyên liệu để đại biểu QH sử dụng, chế biến thành bài phát biểu, tranh luận tại nghị trường.

Sau cùng, thực tiễn cuộc sống chính là kho thông tin vô tận và thiết yếu cho mọi phát biểu, tranh luận hay thảo luận ở QH.

Từ một cuộc khảo sát các trang trại chăn nuôi, phát hiện tình trạng 14 loại phí trên một quả trứng gà, một đại biểu QH đã nêu thành chuyện lớn quốc gia để QH bàn và quyết.

Và nhiều đại biểu QH khác, giờ đây nhìn nhận tầm quan trọng của việc quan tâm đến công luận, đến thông điệp mà các nhóm cử tri muốn gửi gắm qua các kênh khác nhau, kể cả qua những tút, còm “cực đoan” trên mạng xã hội, tất nhiên, với sự tỉnh táo, chắt lọc thông tin.

Mỗi kỳ họp là một dịp mà các vấn đề của cuộc sống đặt lên bàn nghị sự, buộc đại biểu QH lên tiếng. Nghị trường vì thế luôn là nơi để “nói vì cử tri, nói cho lợi ích của cử tri”, nơi để tranh luận và làm sáng tỏ mọi điều để từ đó có những quyết sách đúng đắn chứ không phải nơi đến rồi về trong im lặng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận