Nền dân chủ Thái Lan đang ở chặng nào?

DANH ĐỨC 03/06/2014 09:06 GMT+7

TTCT - Một lần nữa, quân đội Thái ra khỏi doanh trại. Nghe qua có vẻ nền dân chủ đang đi thụt lùi. Thế nhưng nhìn kỹ vẫn chỉ là một bước vùng vẫy ra khỏi vũng lầy, trên đường đi đến đích còn rất xa.

Quân đội khống chế một người biểu tình quá khích phản đối đảo chính - Ảnh: Việt Phương

Hôm 23-5-2014, cây bút xã luận Pornpimol Kanchanalak của tờ Nation (Thái Lan) van nài: “Thế giới ơi, vui lòng đừng trở thành một phần của vấn đề nội bộ Thái Lan”.

Tác giả than rằng các tờ báo lớn phương Tây đầy rẫy những ý kiến về Thái Lan, đề cập đến chuyện lý tưởng to tát như “không được vi phạm quyền tự do cá nhân”, “không được gian lận dân chủ”, song lại lờ đi những sự kiện khách quan như việc lạm dụng quyền lực từ phía chính phủ, nạn tham nhũng với những tầm cỡ “huyền thoại”, máu và nước mắt của người nông dân nghèo chết điếng nhìn tiền bán lúa của mình còn bị nợ chảy vào tài khoản ngân hàng của các chính trị gia và bè phái của họ.

Pornpimol Kanchanalak kết luận báo chí phương Tây đã không đề cập đến tính không khoan nhượng và ngạo mạn của chính phủ đặt không đúng chỗ dẫn đến việc hàng triệu công dân chất phác nộp thuế phải xuống đường, không thể chịu đựng được nữa việc “cướp kho bạc nhà nước” giữa ban ngày bằng những gian dối trong việc mua gạo giá cao cho nông dân.

Phiền trách có xác đáng?

Phải chăng Pornpimol Kanchanalak hay tờ Nation có “vấn đề” với chính quyền bà thủ tướng Yingluck Shinawatra bị lật đổ mà bào chữa cho cuộc đảo chính? Sáng thứ ba 27-5, tờ Sydney Morning Herald của Úc vẫn còn chạy tít: “Cuộc chơi đã kết thúc cho nền dân chủ ở Thái Lan!”.

Thế nhưng, có mấy báo loan tin hay nhắc lại rằng chính quyền dân túy Yingluck chỉ thanh toán được 100 tỉ baht, còn 90 tỉ baht thì nợ cho tới bây giờ, khiến nay tướng đảo chính Prayuth Chan-Ocha phải ra lệnh cho Ngân hàng Nông nghiệp BAAC thu xếp 55 tỉ baht (1,6 tỉ USD) để trả nợ cho nông dân ngay từ thứ hai 26-5?

Có mấy báo vạch ra rằng việc chính quyền Yingluck còn nợ nông dân gần phân nửa tổng số tiền mua lúa, có nghĩa là trong thực tế nông dân chỉ bán được và lãnh tiền có phân nửa giá mà nhà nước rao mua, và rằng trong hơn tám tháng qua do bị nhà nước nợ nên hơn 90% nông dân Thái phải đi “vay nóng” để sống qua ngày?

Có mấy báo phân tích khách quan như tờ The Economist (10-4-2013) đưa tin việc Đảng Pheu Thai của bà Yingluck trước đó đã thắng cử nhờ lời hứa tăng 100% giá gạo mua trực tiếp từ nông dân, để rồi năm đầu ngân sách tốn 12,5 tỉ USD, năm sau tốn 15 tỉ USD, và rằng các băng đảng và quan chức đã câu kết nhau “độn” thêm gạo xấu mua từ Campuchia và Myanmar vào gạo Thái đem bán cho nhà nước đặng làm giàu?

Màn xiếc “của nhà nước, phước ta” mua giá cao hơn thị trường này của bà Yingluck ngay từ lúc được công bố đã bị báo chí kinh tế “la làng” rồi, như Bloomberg 6-10-2011, song báo phổ thông thì ít đề cập đến.

Tìm cách xác định bản sắc

Mỗi nước có một quá trình và phương cách hình thành các định chế đáp ứng bản sắc riêng của mình. Từ đó càng thấy rằng vấn đề của Thái Lan hiện nay, theo tiến sĩ Arnaud Leveau - nguyên giám đốc IRASEC (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á), trong một thư trao đổi với người viết hôm chủ nhật 25-5 vừa qua, là làm sao “tái xác định Thái Lan và bản sắc Thái Lan là gì, tìm kiếm một thỏa hiệp có thể được chấp thuận bởi các lực lượng then chốt, và cả về vai trò của quân đội trong xã hội”.

Cuộc đảo chính tuần qua là kết cuộc không thể tránh khỏi của sáu tháng tranh giành quyền lực không khoan nhượng giữa phe Thaksin ủy quyền và phe chống Thaksin, sau khi hạ viện trong tay Đảng Pheu Thai của bà Yingluck ngày 1-11-2013 thông qua đạo luật ân xá “tập thể”, trong đó có cả ông Thaksin. Mười ngày sau, thượng viện bác bỏ đạo luật ân xá này.

Chính phủ Yingluck, tự tin sẽ giành đa số phiếu như ở hạ viện, đề xuất sửa đổi hiến pháp: tổ chức bầu cử thượng viện thay vì chỉ định, thôi không cấm thân nhân các dân biểu hạ viện được ra tranh cử thượng viện. Ngày 20-11-2013, tòa án hiến pháp bác bỏ khoản sửa đổi hiến pháp này nhằm phòng ngừa việc một đảng thao túng cả hai viện quốc hội.

Nghe qua có thể thấy việc thượng viện được chỉ định thay vì phổ thông đầu phiếu là “chơi ép” cánh Thaksin, nhằm đối trọng với hạ viện cầm chắc trong tay cánh của ông Thaksin. Thế nhưng, nếu nhìn lại tiến trình dân chủ hóa ở các nước đi trước như Mỹ, Pháp... sẽ thấy rằng ở mỗi nơi là cả một quá trình lâu dài bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 và trải qua vô số bạo động, thậm chí nội chiến đẫm máu.

Ở Mỹ, lá phiếu của cả trăm triệu cử tri dân thường cũng không sánh được với lá phiếu của một nhóm hơn 500 đại cử tri, như đã thấy trong cuộc bầu cử năm 2000 khi ông Al Gore với 50.999.897 phiếu, hơn ông Bush đến nửa triệu phiếu (với chỉ 50.456.002 phiếu), song lại thua đối thủ chỉ năm phiếu đại cử tri (266 so với 271 phiếu).

Nếu theo luật bầu cử của Pháp hay một số nước khác, ông Gore đã đắc cử chứ không phải ông Bush, song “luật chơi” và văn hóa chính trị ở Mỹ là như thế nên cử tri thường dân chẳng bức xúc!

Ở Pháp cũng phải trải qua năm bản hiến pháp và năm nền cộng hòa cùng bao vụ lật đổ nhau bằng vũ lực hay thủ thuật nghị trường, nhất là trong đệ tam và đệ tứ cộng hòa, vậy mà đến năm 1968 dân chúng vẫn còn phải hét lên “De Gaulle, 10 năm là đủ rồi, 11 năm là quá lắm!”, và đến năm 2002 phải giảm nhiệm kỳ tổng thống bảy năm có từ năm 1873 xuống còn năm năm cho dân đỡ ngán!

Ở Nga, hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Putin đã được nhiệm kỳ tổng thống của ông Medvedev “xóa bài làm lại” để cho ông Putin ra ứng cử mới tinh như chưa hề là tổng thống!

Cũng thế, đất nước Thái Lan đã và sẽ vẫn còn là con tin của hai nhóm lợi ích đang một mất một còn từ năm 2001: nhóm “cũ” từ mấy chục năm qua gồm các đảng phái cũ cùng các tướng lĩnh, và nhóm “mới nổi lên” từ đầu thế kỷ 21 này là cánh của ông Thaksin. Khi còn tranh chấp nhau một thượng viện phổ thông đầu phiếu hay chỉ định, khi còn mua phiếu và “canh chừng” xảo thuật mua phiếu thì không một bộ luật bầu cử nào có thể thỏa mãn mọi phe.

Thể thức “mỗi người một lá phiếu” là phổ thông và chính đáng ở nhiều nơi, song lại là trò hề ở nơi này, nơi nọ. Chuyện tướng Sisi ở Ai Cập tháng 7 năm ngoái lật đổ mà “không phải là đảo chính” tổng thống Hồi giáo Morsi được bầu lên một năm trước đó, tuần này đắc cử tổng thống sau khi đã loại bỏ hoàn toàn tổ chức Anh em Hồi giáo là một thí dụ.

Bằng cách xem Anh em Hồi giáo là một tổ chức khủng bố, tuyên án tử hình 683 thành viên tổ chức này hôm 28-4 vừa qua sau khi đã tuyên tử hình 529 người trước đó hôm 24-3... vẫn được xem như là một “bước tiến dân chủ”, tất nhiên theo “bản sắc Ai Cập”!

Con đường dân chủ đếm bằng đơn vị thế kỷ. Nền dân chủ Thái mới 82 năm thôi, còn quá “trẻ”! Khi mới chỉ loay hoay tìm cách gạt bỏ một cánh này hay cánh kia mà chưa bịt được những khe hở trục lợi của mọi phe, khi nền giáo dục quốc gia chưa hun đúc được những thế hệ công dân trưởng thành, thì sẽ còn sa lầy trong những “trò chơi dân chủ”, dân đen vẫn còn bị mua phiếu hoặc huy động xuống đường và đổ máu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận