Mỹ thuật ứng dụng nhìn từ làng nghề: “Uốn” theo thị trường

ĐỨC TRIẾT 05/12/2014 13:12 GMT+7

TTCT - Lách cách. Chan chát. Xoèn xoẹt... Những âm thanh ấy vang lên đều đặn ở những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trên đất Bắc, bất kể lúc sáng sớm hay chiều muộn.

Thợ vẽ làng gốm Bát Tràng làm việc không ngừng tay - Ảnh:  Đức Triết

Chúng tôi về làng đúc đồng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh đúng vào ngày cả làng chuẩn bị giỗ tổ nghề. Đường làng tấp nập trai đinh, cả những người đàn ông con cháu của Đại Bái dù “ăn đâu làm đâu” cũng trở về để đứng ra lo việc làng. 

Rộn ràng những làng nghề trăm tuổi

Ngồi trong đình Diên Lộc trực đón khách với ấm nước vối nóng hổi và khay trầu têm sẵn, anh Nguyễn Viết Hương nói: “Đây là tục lệ hàng trăm năm nay của làng. Chúng tôi lấy làm vinh hạnh lắm!”.

Đi sâu vào các ngõ nhỏ uốn cong với nhà nhà san sát, nghe tiếng chạm đồng hơi chói tai. Cả năm chỉ có một lần, mỗi gia đình đều cố gắng hoàn tất một sản phẩm thật ưng ý như bức tranh phú quý, một bộ lộc bình... để đến chính giỗ (ngày 29-9 âm lịch) sẽ đem ra đình báo công với ông tổ nghề.

Không còn nhớ rõ đức ông Nguyễn Công Truyền đã đem nghề đúc, gò đồng dạy cho dân làng từ khi nào, người làng Đại Bái ước tính nghề đã được 900 năm. T

rong ký ức của nhiều người, ngày trước cha ông hay đúc, gò chiêng, lệnh, bộ gõ hoặc mâm, chậu, nồi, siêu, âu dầu, lọ hoa... bằng sự kết hợp khéo léo giữa kỹ thuật đúc với kỹ thuật gò rất riêng mà đến nay chưa người thợ đúc đồng nào của các làng nghề khác đạt được.

“Muốn tìm thợ Đại Bái, chỉ cần thi gò đồng là thấy ngay” - ông Nguyễn Xuân Hường, trưởng ban di tích đình Diên Lộc, hãnh diện nói. 

Thanh niên làng Đại Bái không bỏ làng ra phố mà ở lại giữ gìn nghề đúc đồng của cha ông - Ảnh: Đức Triết

Chỉ là một thôn của xã Đại Bái nhưng làng có đến năm trưởng thôn. Trừ một bộ phận học hành tiến đạt hoặc tay nghề không cao mà xoay sang nghề khác, phần đông con cháu của làng đều gắn bó với nghề và quần tụ trên mảnh đất cha ông để lại đông đúc gấp ba, gấp năm ngày trước.

“Ngày công của em là 300.000 đồng vì thực hiện được những kỹ thuật cao như chạm ngũ sắc. Còn mức bình quân thì khoảng 200.000 đồng/thợ” - tay thợ trẻ Nguyễn Xuân Bình cho biết.

Cũng có tuổi đời hàng trăm năm và cùng hội tụ trên đất ngàn năm Thăng Long - Hà Nội là làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), làng gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức), làng điêu khắc Nhân Hiền (Thường Tín).

Vào sâu trong làng Bát Tràng mới thấy ai ai cũng vội vã, tất bật với công việc sản xuất. Còn ở làng nghề Sơn Đồng hay Nhân Hiền, chẳng người thợ nào muốn ngừng tay trong câu chuyện với khách. Người làng Sơn Đồng vừa đục, gõ lách cách để tạo hình sản phẩm vừa kể chuyện về làng nghề, về cuộc sống của mình...

Người làng Nhân Hiền thì tỉ mẩn chạm, khắc từ những bức tượng Phật khổng lồ cho đến những đồ lưu niệm nhỏ. Những tài hoa, khéo léo của người thợ đều gửi gắm vào đây, như thể nhịp chuyển động của các làng nghề không bị ảnh hưởng từ cơn bão kinh tế suy thoái mấy năm qua.

Phong phú về sản phẩm ở làng gốm Bát Tràng -  Ảnh: Đức Triết

Xoay theo vòng quay thị trường 

Cũng với nghề ấy, cách làm ấy, các làng nghề Đại Bái, Sơn Đồng, Bát Tràng hay Nhân Hiền đã tồn tại và phát triển được bằng cách đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày một đa dạng và nhanh chóng thay đổi theo thị hiếu. 80% sản phẩm dành cho thị trường trong nước, khoảng 20% phục vụ xuất khẩu (vài ba năm trở lại đây thì rất ít đơn hàng xuất khẩu). 

Nghệ nhân Nguyễn Trí Quảng, một trong những người đầu tiên khôi phục làng nghề gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, nói:

“Cái gốc của chúng tôi vẫn là truyền thống. Cha ông chúng tôi truyền lại nghề đục, đẽo, biến những tấm gỗ dổi, mít... vô tri vô giác kia thành những pho tượng, linh vật, hoành phi câu đối, cửa võng, đồ thờ... hay những câu chuyện được kể trên gỗ như long ly quy phượng, tùng cúc trúc mai, Phật Thích Ca sơ sinh, câu đối quả bầu, câu đối lá chuối...

Chúng tôi cứ theo đó mà làm. Cái phát triển có chăng chỉ là tỉa tót thêm cho những nét chạm, khắc mềm mại hơn, tinh tế hơn. Tất nhiên, trong đó có cả việc ứng dụng máy móc để giảm sức lực con người cũng như ứng dụng công nghệ của sơn để đạt đến độ bền và đẹp của màu”. 

Ở các làng nghề truyền thống phía Bắc, không có họa sĩ chuyên tạo mẫu hoa văn mà chỉ có thợ vẽ. Thợ vẽ thực hiện việc chép lại hoa văn truyền từ đời này sang đời khác theo yêu cầu của khách hàng, sao chép loại hoa văn đang gây “sốt” trên thị trường hoặc truy cập Internet để chép mẫu. 

Sản phẩm mỹ nghệ làm ra đáp ứng nhu cầu thưởng thức cái đẹp của xã hội, hay nói như ông Quảng là “xã hội đặt hàng thế nào, chúng tôi làm thế đó”. Những nghệ nhân trẻ “bàn tay vàng” Nguyễn Văn Trung (Đại Bái), Nguyễn Minh Phú (Nhân Hiền) đang kinh doanh thành công cũng dốc bầu tâm sự khi nói về chuyện này.

“Đã sản xuất thì phải bán được hàng, mà để bán được hàng thì phải theo nhu cầu của khách. Tôi thấy nhu cầu của khách rất phong phú và tùy từng giai đoạn. Cũng có lúc nhu cầu ấy bị lai căng văn hóa nước ngoài - không riêng gì văn hóa Trung Quốc mà cả văn hóa phương Tây.

Nhưng đến một thời điểm nào đó lại trở về với những nét chấm phá đơn giản của văn hóa Việt. Tất nhiên là người làm nghề, chúng tôi có thể tư vấn cho khách hàng chọn hình ảnh nào, câu chuyện nào, thậm chí nét vẽ nào là đẹp nhất, sang trọng nhất để họ là người lựa chọn cuối cùng” - anh Nguyễn Văn Trung chia sẻ. 

Những người thợ mộc Sơn Đồng suốt ngày cầu kỳ với từng khuôn gỗ để tạo hình ô sa và tứ linh hóa - Ảnh: : Đức Triết

Xoay xoay trong tay tác phẩm điêu khắc bằng đá mang tên Đài sen, sản phẩm đoạt giải đặc biệt dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Minh Phú kể: “Nhân Hiền vốn là làng nghề điêu khắc gỗ. Nhưng từ năm 1990 trở lại đây, làng bắt đầu chuyển sang điêu khắc đá. Vì đã quen nghề, nay chỉ chuyển sang chất liệu mới nên người Nhân Hiền không quá bỡ ngỡ và đã có được thành công trên thương trường”.

Để làng nghề tồn tại, các nghệ nhân thời nay phải năng động để thích ứng với thị trường dựa trên vốn cổ của cha ông. Mà vốn cổ của cha ông có từ hàng trăm năm nay đã được tiếp biến từ rất nhiều nền văn hóa khác nhau.

Thế nên, các điển tích, các câu chuyện, các hoa văn được “kể” trên sản phẩm của các làng nghề Đại Bái, Bát Tràng, Sơn Đồng, Nhân Hiền phần nhiều đều giống nhau và rất quen thuộc trong đời sống người Việt hàng ngàn năm qua.

Đấy là những điển tích như vinh quy bái tổ, đám cưới chuột, thất nghê quần cầu, đồng cô, đồng cậu, tam mẫu..., những điển tích nhà Phật như Bát tiên quá hải, Phật Thích Ca thời thơ ấu, tượng Di Lặc, tứ linh hóa, các vị la hán... hay trong Tam quốc diễn nghĩa của Trung Quốc như Tam anh chiến Lã Bố, Lã Bố hí Điêu Thuyền, Quan Công phò nhị tẩu, Bát mã... 

“Đừng quá rạch ròi về văn hóa vì văn hóa là sự giao thoa. Các cụ ngày xưa đã tiến bộ giao thương về văn hóa như thế thì sao ngày nay lại bế quan tỏa cảng? Hơn nữa, các hình tượng, nhân vật, điển tích hay, đẹp ở mỗi nước luôn vượt qua biên giới của nước mình để trở thành nhân vật, hình tượng của nhân loại.

Những Quan Công, Gia Cát Lượng của Trung Quốc không phải chỉ người Việt yêu thích hay phong thánh mà các ông ấy hiện diện khắp nơi trên thế giới. Tương tự, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân nhiều nơi trên thế giới ngưỡng mộ” - ông Hà Văn Lâm, phó ban đại diện làng nghề gốm Bát Tràng, nói.

Tất nhiên trong sự rộ lên về việc xuất hiện các linh vật lạ ở cửa đình, cửa chùa, sản phẩm các làng nghề cũng có những thay đổi nhất định khi các tranh đồng, tranh gỗ thể hiện các phong cảnh, điển tích Việt Nam xuất hiện nhiều hơn. Và sự dịch chuyển này thể hiện rõ nhất với các bức tượng vua Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Thánh Gióng, Yết Kiêu, Dã Tượng... 

“Là do thị hiếu thị trường chuyển dịch thì làng nghề chuyển dịch theo. Nhưng bằng cách ăn chắc mặc bền, bản tính xưa nay của người Bắc, nên hầu hết sản phẩm của làng nghề được làm theo đơn đặt hàng là chính chứ ít sản xuất hàng loạt. Vì thế, sau những quy định mới đây của Nhà nước, công việc, đời sống của các làng nghề không bị ảnh hưởng” - nghệ nhân Nguyễn Minh Phú cho biết. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận