Một tấm bia lạ

NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC 22/03/2012 03:03 GMT+7

TTCT - Có nhiều cách để một đơn vị, một địa phương tưởng nhớ, vinh danh một cầu thủ khi họ ngã xuống vì màu cờ sắc áo. Nhưng cách làm của người Hội An gần 70 năm trước quả là ít thấy: dựng bia vinh danh bên mộ người đã khuất.

Phóng to
Bia vinh danh ghi bằng hai thứ tiếng Pháp - Việt ở mộ ông Trần Văn Tứ, “một danh tướng của nền túc cầu mà số mệnh đã tàn cướp giữa tình thương yêu tha thiết của thân bằng quyến thuộc...” (trích nội dung bia) - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Cầu thủ được dựng bia và tôn xưng là “một danh tướng của nền túc cầu” chính là trung vệ của đội bóng đá Hội An, Trần Văn Tứ, chết vì chấn thương trong trận gặp đội Đà Nẵng tại sân vận động Hội An, hồi tháng 2 năm Giáp Thân (1944).

Ông Hồ Cường (94 tuổi, cựu vô địch Giải chạy bộ Đông Dương năm 1943, hiện ở phường Tân An, TP Hội An, Quảng Nam) kể về người bạn thân cùng xóm, cùng tuổi: “Trận đó, sau khi Hội An mình ăn một quả, trong lúc tranh bóng anh Tứ bị anh Thuyền của đội Đà Nẵng đạp một cú vô hông. Cú đạp quá mạnh khiến ảnh ngã xuống nằm bất tỉnh, ai cũng nghĩ ảnh sẽ lâu mới gượng dậy để ra khỏi sân. Vậy mà ảnh chỉ nằm một chặp là đứng dậy, đấu trở lại. Nhờ có ảnh đá tiếp mà trận đó Hội An ăn được hai quả, thắng đội Đà Nẵng”.

“Tôi được đi nhiều nơi, thấy nhiều điều hay chuyện lạ, nhưng một tấm bia bày tỏ lòng thương tiếc của bằng hữu đặt ở mộ một cầu thủ đã bỏ mình trên sân cỏ quê mình như ở mộ cựu cầu thủ Trần Văn Tứ thì tôi chưa từng thấy. Có thể nói đây là một tấm bia hiếm có, văn phong, lời lẽ trên bia rất hay, ngắn gọn mà tôn vinh được người đã khuất, thể hiện được tình cảm sâu đậm của người còn”.

Nhưng niềm vui của người Hội An sau thắng lợi vẻ vang này bị khỏa lấp nhanh bởi tin buồn: Trần Văn Tứ không qua được chấn thương vì một sự cố thật xót xa. Ông Cường nói tiếp: “Vừa xong trận đấu là đốctơ Du Pain, trưởng Nhà thương Hội An và cũng là người đỡ đầu đội bóng Hội An, liền khám lại thương tích cho anh Tứ, đưa ngay vô nhà thương điều trị. Ông Du Pain rất quý đội bóng, nhất là rất ái mộ anh Tứ, bởi vậy ổng quay về nhà riêng lấy thuốc ra chữa cho anh Tứ...

Chấn thương hồi phục khá dần, ông Du Pain căn dặn mọi người không được phép cho anh Tứ ăn gì. Vậy mà... chỉ vì thương chồng đòi ăn, chị vợ đã cho anh Tứ ăn lưng chén cháo. Ăn xong là ảnh lên cơn ngất vì đau tức dữ dội, chẳng bao lâu tắt thở. Thấy vậy, đốctơ Du Pain sinh nghi, hỏi có ai cho anh Tứ ăn gì không, ai cũng chối. Đúng là anh Tứ chết vì thức ăn đưa vô làm thủng bụng”.

Thương tiếc người cầu thủ tài năng đã hết lòng vì danh dự của đội bóng quê nhà, trong ngày đưa tang ông Trần Văn Tứ, “phố xá Hội An bữa đó giống như ngày đình công, chợ cũng lèo tèo, ai cũng nghỉ làm, nghỉ đi chợ để đến đưa đám, chào vĩnh biệt anh Tứ”. Và để làm sống mãi hình ảnh người cầu thủ can trường, đồng đội, bạn bè đã chọn một phiến cương thạch lớn màu trắng (cao 1,1m, rộng 0,6m) làm bia với những dòng tôn vinh, trân trọng bên mộ ông Tứ bằng hai thứ tiếng Pháp - Việt.

Qua bao biến cố của thời cuộc, tấm bia này vẫn còn nguyên vẹn. Mộ ông Tứ ngày trước nằm ở gò đất rộng, xa xóm làng, nay trong tiến trình đô thị hóa của địa phương, ngôi mộ trở nên sát bên đường Hải Thượng Lãn Ông, ngay giữa lô đất hẹp duy nhất được chính quyền cho chừa lại để duy trì ngôi mộ, giữa hai bên nhà cửa của cư dân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận