Chuyện một gánh hát rong: Tướng bán kẹo kéo, thừa tướng bán vé số

BINH NGUYÊN 20/01/2014 04:01 GMT+7

TTCT - Tiếng trống “tưng...tưng...tưng...” báo hiệu giờ diễn sắp bắt đầu, khán giả miền quê đã kéo đến chật cứng không gian ngôi đình cổ.

Vị tướng soái với sắc mặt vằn vện vừa “ứ...ứ...” mấy câu, bà con đang chăm chú theo dõi, bỗng một thằng bé hét to: “Ông này mà là tướng gì, ổng bán kẹo kéo trước cổng đình nè!”. Khán giả cười ồ lên, người nghệ sĩ cười ra nước mắt.

Chân dung thật của đời nghệ sĩ hát bội có hào hoa qua gương soi - Ảnh: Binh Nguyên


Nghệ sĩ hát bội luôn tin rằng tổ nghề đã chọn họ với sứ mạng duy trì nghề truyền thống này
Sự uy nghi lộng lẫy của những nghệ sĩ hát bội trên sàn diễn

Có một thời hát bội được xem là môn nghệ thuật hưng thịnh nhất miền Nam. Theo làn sóng mở cõi phương Nam, nghệ thuật hát bội khởi nguồn từ thời Tiền Lê đã là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Từ vua chúa, quan lại cho đến giới bình dân, ai cũng mê hát bội.

Từ thế kỷ 17, 18, Mỹ Tho không chỉ là trung tâm kinh tế của miền Tây Nam bộ mà còn là cái nôi của nghệ thuật hát bội với hàng chục gánh hát vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh. Thế nhưng, đó chỉ còn là quá vãng.

Ăn quán ngủ đình

Tôi theo Đoàn hát bội Kim Loan - Tiền Giang đi lưu diễn dài ngày ở các tỉnh miền Đông Nam bộ. Thời buổi “ngôi sao” nhạc nhẹ cátsê đã lên đến chục triệu đồng một bài, nhưng những nghệ sĩ hát bội của ông bầu Bảo Ân đi lưu diễn ở ngôi đình cổ Phước Lễ, Bà Rịa cho thấy khoảng cách xa vời vợi của những “ngôi sao”. Nhưng đã vào nghề là khó bỏ, mà người nghệ sĩ cho rằng “tổ đãi”.

Nghệ sĩ Bảo Ân kể: “Hát bội kỳ lạ lắm, hồi xưa cha tôi dạy tôi bằng cách chui vô mùng, cha tôi lấy ngực làm mặt trống, lấy ba sườn làm tang trống, cứ thế hai cha con “lắc cắc...tưng tưng...” suốt cả đêm. Dạy vậy mà nhớ dai, nhớ hoài”.

“Tổ đãi”. Nghệ sĩ hát bội vẫn tin như vậy. Hát bội vốn có một thời gian dài cực thịnh. Ngày trước ở miền Tây, tổng nào, vùng nào cũng có ít nhất 1-2 gánh hát bội, đi bằng ghe bầu rong ruổi khắp Nam kỳ lục tỉnh, thu hút từ giới quan lại cho đến chị hàng xén, anh nông phu. Nói như nghệ sĩ Bảo Ân: “Tôi chưa sinh ra đã biết hát bội”, bởi cha mẹ ông đều là những tên tuổi lớn của nghệ thuật hát bội miền Tây thuở nào.

Mà cũng lạ, một nền nghệ thuật có đến ngàn năm tuổi, nhưng khi du nhập vào miền Nam lại không hề có một giáo trình đào tạo nghệ sĩ, chủ yếu học theo lối cha truyền con nối, người đi trước truyền cho người đi sau, từ bộ diễn xuất, vũ đạo, hát, nói... Do vậy, gánh hát của ông bầu Bảo Ân luôn có những gia đình hai, ba đời cùng theo nghiệp hát bội.

Tuổi đã 70, có 54 năm trong nghề hát bội, hôm nay lão nghệ sĩ Bảo Ân kéo quân tướng đi diễn cúng đình xa nhà. Ông tâm sự: “Không như cải lương hay kịch nghệ chỉ diễn mỗi suất 1-2 giờ hay ca nhạc nhẹ mỗi bài chỉ năm ba phút, hát bội là những tuồng tích cổ, nhiều chập, nhiều màn nên mỗi suất diễn thường kéo dài 4-6 giờ. Người biết thưởng thức hát bội còn có mấy ai, vậy mà bà con khắt khe lắm, phải diễn thật hay, thật đúng bà con mới thưởng”.

Trời đã nửa đêm về sáng, tiếng trống chầu vẫn chập chập vang lên, những vua quan, tướng soái, hoàng hậu, công chúa... vẫn thay phiên nhau bước ra sân khấu vào vai quyền quý cao sang. Nhưng có ai biết nồi cháo khuya ngoài góc sân đình đã nguội lạnh từ lúc nào và để khi kết thúc màn diễn cuối vào lúc 2g sáng của tuồng Quách Hòe xử án kéo dài gần sáu tiếng đồng hồ, kép chính, đào chính sẽ được nhận thù lao 350.000 đồng/người, còn công hầu, khanh tướng thì chỉ 200.000-250.000 đồng.

Vợ chồng nghệ sĩ Linh Kiều thay nhau ẵm ru đứa con 14 tháng tuổi vừa húp cháo khuya. Chị tâm sự: “Vợ chồng đang đi làm ngoài Phú Quốc, nghe đi diễn là bỏ hết chạy về, tiền tàu, tiền xe, tiền trang phục thuê mướn hết 4 triệu đồng, mà chưa chắc chuyến lưu diễn này được cátsê 3 triệu. Nhưng không bỏ được anh ạ, mê nghề từ trong xương trong máu rồi...”.

Nghệ sĩ Trúc Phương cay đắng cho biết thêm: “Chuyến này mấy bác quản đình thương cho thêm bữa cơm trưa mỗi ngày, chứ trước đi diễn không đủ sở hụi, ai cũng phải làm thêm cái gì đó kiếm sống, tui mang kẹo kéo theo bán trước giờ diễn. Tới khi nhập vai Triệu Tử đang ngon trớn, một thằng bé ngồi dưới nói lớn: “Ông này mà là tướng cái nỗi gì, ổng bán kẹo kéo trước cổng đình nè!”.

Bà con cười rần khoái trá, còn mình cười ra nước mắt... Đêm nay tiền “quăng quạt” bà con quăng lên “boa” cho diễn viên không nhiều, chia ra mỗi người chỉ được 5.000, 10.000 đồng. Thôi cũng là có phần ngày mai lót dạ ổ bánh mì, tô cháo để chuẩn bị cho đêm diễn tới”.

Ông này mà là tướng cái nỗi gì, ổng bán kẹo kéo trước cổng đình nè!”. Bà con cười rần khoái trá, còn mình cười ra nước mắt...” (Nghệ sĩ Trúc Phương)


Bữa ăn dã chiến của gánh hát rong
Nghệ sĩ Minh Vàng với nghề vá xe lề đường nuôi dưỡng ước mơ sân khấu
Những đứa trẻ luôn theo cha mẹ đi diễn khắp nơi - Ảnh: Binh Nguyên

Thừa tướng... vé số dạo

Hôm về Mỹ Tho hỏi thăm nhà nghệ sĩ Minh Vàng, bà con trong xóm lắc đầu: “Ổng có ở nhà đâu, vá xe ngoài đầu ngõ đó!”. Người đàn ông có hơn 30 năm vào tròn vai kép chính trong Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu và Trảm Trịnh Ân giờ đang lọm khọm cạy vá vỏ xe bên đường. Nghiệp cầm ca không nuôi nổi gia đình, nghệ sĩ Minh Vàng phải bươn chải bằng nhiều nghề và trụ được với nghề vá xe vỉa hè.

Ông tâm sự: “Đã nhiều lần tính rửa tay gác kiếm rồi chứ, nhưng chạnh nghĩ mình bỏ nghề thì còn ai nối nghiệp cha ông, giữ lại sân khấu hát bội. Thôi, cứ kiếm sống và đi diễn tuồng tích cho bà con coi cũng vui lòng”.

Theo lời giới thiệu của nghệ sĩ Bảo Ân, tôi đi thăm các vị “vua quan, hoàng hậu, công chúa” của Đoàn hát bội Kim Loan. Sau khi cởi lớp áo lấp lánh cao sang trên sàn diễn, họ là anh thổi kèn đám ma, là chị bán hàng rong, là anh vá xe ven đường, là người bán vé số dạo, anh bốc vác bến sông... những nghề mà họ đắp đổi qua ngày để chờ ngày tỏa sáng trên sân khấu hát bội.

Gần như ai cũng nói một câu: Tổ chọn mình nên không thể bỏ nghề được. Và ai cũng có gia cảnh theo nghề như nhau: 3-4 đời theo nghiệp cầm ca.

Phải hơn nửa ngày đi tìm khắp hang cùng ngõ hẻm ở Mỹ Tho mới gặp được nghệ sĩ Thanh Bình vào cuối buổi chiều. Người nghệ sĩ có hơn 50 năm theo nghiệp hát xướng, nổi tiếng với vai thừa tướng, vậy mà ngày ngày lang thang khắp phố đi bán vé số dạo. Thần tài đã gõ cửa nhiều nhà từ tờ vé số ông bán, nhưng chưa một lần may mắn đến với thân phận “thừa tướng vé số” này.

Mấy hôm nay ông Bình phải chịu khó đi bán xa hơn vì đứa con đang nằm bệnh viện chờ mổ sau tai nạn. Hôm nay ông Bình vui vì bà con thương mua hết vé số giúp ông từ trưa, ông phải chạy chia thêm trăm tờ bán tiếp vì bà con Mỹ Tho ai lại không biết “Bình thừa tướng” này. Ông nói: “Khổ riết rồi cũng quen, ráng chờ đến cuối năm người ta cúng đình lại mời mình đi diễn cũng có đồng ra đồng vào”.

Hồi trước Tiền Giang cũng có rạp cho các đoàn hát bội biểu diễn, nhưng làm sao cạnh tranh lại các sân khấu ca nhạc tân thời, ánh đèn sân khấu hắt hiu riết rồi tắt luôn. Nghệ sĩ hát bội chỉ còn bám víu vào mấy gánh hát rong như đoàn Kim Loan. Ông bầu Bảo Ân đau tim kinh niên vậy mà phải chạy tìm sô cho anh em ở các đình làng tận ngoài Bình Thuận, Vũng Tàu...

Mỗi chuyến lưu diễn phải hợp đồng ba bốn điểm mới mong đủ sở hụi. Vậy mà chưa bao giờ gánh Kim Loan thiếu vắng tài danh. Chỉ cần một cú điện thoại là anh vá xe, vé số, bốc vác, xe ôm, chị hàng rong, cà phê cóc... í ới nhau hội tụ về tập tuồng, sẵn sàng cho chuyến lưu diễn dài ngày.

Tối nay nhà ông Bảo Ân chong đèn cho nghệ sĩ tập tuồng chuẩn bị lên diễn ở Sài Gòn. Sân trước nhà chật cứng người. Mấy cô mấy dì đang ráo riết tập cho em Phượng Loan ra bộ cho tuồng Thần nữ dâng ngũ linh kỳ. Loan 18 tuổi, theo nghề từ năm 12 tuổi nhưng chỉ được làm cung nữ, nô tì... Lần này em được nâng lên vai nữ tướng nên ra điều tập rất nghiêm túc.

Bà ngoại em, nghệ sĩ Huyền Nga năm nay đã hơn 60 tuổi, cũng tham gia tập dượt tới khuya. Bà Huyền Nga cho biết: “Mười tuổi tui đã theo cha mẹ chống ghe vào bưng diễn và rồi thành nghệ sĩ lúc nào không biết. Tính tới con Loan cháu ngoại là bốn đời theo nghề hát bội. Hi vọng nó sẽ thay tui và cô bác lớn tuổi giữ cái nghề này”.

Ngày hôm sau gánh hát lại gồng gánh nhau lên Sài Gòn diễn cúng đình. Mùa mưu sinh của các gánh hát bội đã bắt đầu. Buổi tập dượt của nhiều thế hệ hát bội vẫn diễn ra tới nửa đêm nhưng không ai cảm thấy mệt mỏi, ai cũng nhập tâm, tập ra bộ, tập ánh mắt, hình thể, cử chỉ thật nghiêm túc như khi đang diễn trên sân khấu.

Không ai nói với ai lòng yêu nghề, vì tổ nghề đã dạy điều đó từ khi họ mới chập chững bước vào nghề hát bội cha truyền con nối.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận