Mẹ ơi, cho con chép lần cuối!

MINH ANH 11/07/2018 22:07 GMT+7

TTCT - ​Khi được hỏi điều gì khiến bản thân hài lòng nhất khi được học ở ngôi trường quốc tế đó, cô bé trả lời: “Con được chia sẻ mọi kiến thức với bạn”.

minh họa

1. Cô giáo chủ nhiệm lớp 5 của con tôi là người rất chỉn chu. Cô muốn mọi bài văn đều tròn trịa - theo quan điểm của cô. Cô muốn kết quả học tập của cả lớp đều mỹ mãn - cũng theo quan điểm của cô. Vậy là mọi bài văn đều phải làm theo đúng “dàn ý” cô dày công soạn và in sẵn, phát cho từng học sinh - những dàn ý chi tiết đến có cả từ nối.

Nhưng chẳng hiểu cô có phải là trường hợp cá biệt hay không, khi cô tỏ ra vô cùng khó chịu, thậm chí tự ái nếu có học trò dám cả gan không làm theo văn mẫu. Đứa thuộc chưa kỹ bài văn mẫu của cô bị la ít, riêng đứa cố tình sửa văn mẫu hoặc thêm ý của chúng vào thì... ôi thôi rồi!

Con tôi là một trong những đứa từng làm thế, không phải vì nó chê những câu văn khuôn mẫu mà người lớn đọc phát ngấy, chỉ vì nó quen với việc được chấp nhận sự sáng tạo, thay đổi của năm học lớp 4, dẫu cô giáo cũ cũng có sẵn văn mẫu.

Bước vào năm lớp 5, cô đọc to bài văn của nó trước lớp, từng câu văn “vượt rào” đều bị mỉa mai kèm theo một lời bình luận: “Đã không biết mà còn làm ra vẻ!”. Cả lớp cười ồ, con bé òa khóc. Về nhà, nó trách tại mẹ cứ bắt con tự làm văn mà con “nhục với bạn bè”. Vậy là tôi đầu hàng.

Tôi không đủ sức dạy con đủ bản lĩnh chống lại sự vô lý của cô giáo chủ nhiệm dẫu tôi hiểu rõ rằng văn quan trọng đến nhường nào, rằng cuộc đời con sẽ khó khăn ra sao khi nó không viết nổi cái thư xin việc cho tử tế, khi không thể diễn tả cảm xúc của mình, không có khả năng thuyết phục người khác... Từ một đứa rất thích thú khi làm văn, đầy sự sáng tạo và bay bổng, con bé nay mỗi khi viết một câu “vượt rào” đều lo lắng ngước nhìn mẹ dò hỏi. Nó không còn một tí tự tin, một tí niềm vui nào với môn văn yêu quý một thời của nó nữa!

Tới khi chuẩn bị thi cuối học kỳ 2, như mọi lần, cả lớp hầu như biết trước đề văn (cô “tóm gọn” lại chỉ còn 2 đề, thi sẽ chọn 1) và ra sức học thuộc bài văn mẫu. Tôi lại “ngứa ngáy” bảo con phải tự thêm vài ý vào bài văn, mở rộng “dàn bài” của cô. Nó ngước nhìn tôi bằng đôi mắt khẩn khoản: “Mẹ ơi, con sắp hết học với cô rồi, mẹ cho con chép văn mẫu lần cuối!”. Tôi cắn răng. Ước gì đó là lần cuối thật!

2. Đang háo hức sắp được vào cấp II, gương mặt con tôi bỗng ỉu xìu khi nghe thông báo: từ lớp 6 con sẽ không được học Anh văn ở trường với người nước ngoài nữa. Nó thốt lên: “Giờ học Anh văn giao tiếp (với người bản xứ) là niềm vui học tập duy nhất ở trường của con, giờ bị cắt mất thì đi học có còn gì vui đâu!”. Quan sát cách dạy học của các giáo viên phương Tây, tôi rút ra một số lý do khiến giờ học của họ hấp dẫn trẻ con.

Đầu tiên, tiêu chí vui luôn được giáo viên phương Tây đặt lên hàng đầu, bởi điều đó thu hút sự tập trung, sự tham gia của con trẻ. Giáo viên phương Tây vắt óc tìm cách biến mọi bài học thành đủ trò chơi khác nhau để học sinh cười thật đã. Mà khi đã vui, học sinh mới ham học và nhờ thế mới nhớ bài.

Cách yêu cầu học bài của giáo viên nước ngoài cũng khác hẳn. Chẳng hạn với từ mới, họ không chuộng cách buộc các em viết từ 10 lần, 20 lần như “truyền thống” trong trường học của chúng ta, mà cố gắng soạn bài bằng đủ các hoạt động, trò chơi sử dụng từ mới đó để học sinh nhớ từ. Hẳn đó là cách vất vả cho giáo viên nhưng nhẹ nhàng và hiệu quả cho học sinh.

Làm việc đội nhóm là “chuyện thường ngày ở huyện” trong giờ học với giáo viên phương Tây. Mà một khi tương tác, trao đổi với nhau, giờ học không nhàm chán, đơn độc, trái lại vui nhộn và sinh động.

Có rất nhiều con đường dẫn đến La Mã. Giáo viên phương Tây thường không phán xét, không chê bai học sinh, chấp nhận những phương cách, những ý tưởng khác nhau, dẫu là kỳ quái nhất. Điều đó khuyến khích học sinh phát biểu, tham gia các hoạt động.

3. Chị bạn tôi có một đứa con cực kỳ tài giỏi. Nó dễ dàng đậu vào một trường chuyên phổ thông cơ sở số 1 của thành phố. Con bé học nhất nhì trong lớp, là hình mẫu của bạn bè, của cả phụ huynh. Năm nó học lớp 8, một trường quốc tế vào tận ngôi trường danh tiếng đó để tuyển học bổng. Lại dễ như không, con bé “ẵm” suất học bổng.

Giờ thì nó vừa tốt nghiệp cấp III, được chọn là học sinh tiêu biểu của trường, không phải vì điểm số nó cao nhất trường mà vì được ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của nó so với chính nó trong những ngày đầu vào trường.

Khi được hỏi điều gì khiến bản thân hài lòng nhất khi được học ở ngôi trường quốc tế đó, cô bé trả lời: “Con được chia sẻ mọi kiến thức với bạn”. Trong sự ngạc nhiên của tôi, con bé kể đến bây giờ, đã nhiều năm sau khi rời khỏi ngôi trường chuyên, nó vẫn còn thấy ác mộng.

“Ở đó các bạn đều ganh đua điểm từng ly từng tí nên ai học thêm chỗ nào hiệu quả, ai đọc được quyển sách hay, ai phát hiện điều gì thú vị cũng phải tìm mọi cách giấu bặt, rất sợ bạn biết, điểm bạn sẽ hơn mình. Không khí ganh đua lúc nào cũng hầm hập.

Còn ở đây tụi con suốt ngày làm việc theo nhóm, được chấm điểm nhóm và điểm không phải là thước đo quan trọng nhất hay duy nhất cho sự thành đạt nên tất cả học sinh đều thoải mái chia sẻ kiến thức với nhau, cùng giúp nhau tiến bộ.

Tụi con cũng không bị so sánh giữa người này với người kia, tiến bộ so với chính mình là điều quan trọng nhất. Con thấy đi học ở đây rất vui, trong khi học ở trường chuyên rất căng thẳng”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận