Mấy khi bật tivi xem bóng đá nữ...

HUY ĐĂNG 22/07/2023 09:22 GMT+7

TTCT - Một tuần trước khi đá trận đầu tiên ở World Cup 2023, tuyển nữ Việt Nam thua 0-9 trước Tây Ban Nha trong trận đấu tập kín.

Một tuần trước khi đá trận đầu tiên ở World Cup 2023, tuyển nữ Việt Nam thua 0-9 trước Tây Ban Nha trong trận đấu tập kín. Kết quả này cho thấy hy vọng về cơ hội làm nên bất ngờ của thầy trò ông Mai Đức Chung ở ngày hội bóng đá thế giới không nhiều.

Mỹ và Hà Lan, cặp đấu chung kết của World Cup 2019 giờ đây là đối thủ của Việt Nam.  Ảnh: REUTERS

Mỹ và Hà Lan, cặp đấu chung kết của World Cup 2019 giờ đây là đối thủ của Việt Nam. Ảnh: REUTERS

Đây là kết quả đã được dự báo từ trước, khi nhìn vào những trận đấu Thái Lan đã trải qua trong hai kỳ World Cup trước.

Đừng sốc với kết quả

Năm 2015, Thái Lan dự World Cup với tư cách đại diện Đông Nam Á đầu tiên trong lịch sử góp mặt ở ngày hội bóng đá nữ thế giới. Màn ra mắt của họ không tệ chút nào, khi chỉ thua tổng cộng 8 trái trước Đức và Na Uy (mỗi trận thua 0-4), và thậm chí còn giành về 3 điểm khi thắng Bờ Biển Ngà. Dẫu vậy, kỳ tích này vẫn dựa trên ít nhiều may mắn.

Đầu tiên là việc Thái Lan bốc được lá thăm mang tên Bờ Biển Ngà - đội bóng có lẽ là yếu nhất trong số 24 đội dự World Cup năm đó. Na Uy, đội từng vô địch năm 1995, cũng đã sa sút đáng kể. Còn trong trận gặp Đức ở lượt cuối vòng bảng, đối thủ của Thái Lan đã gần như cầm chắc ngôi đầu nhờ lợi thế về điểm và hiệu số.

Bốn năm sau, Thái Lan lại dự World Cup nhưng lần này họ rơi vào bảng có hai ứng viên vô địch là Mỹ và Thụy Điển, cùng đội thuộc nhóm hạt giống số 4 nhưng thực ra mạnh hơn họ là Chile. Kết quả, Thái Lan thua Mỹ... 0-13, thua Thụy Điển 1-5, và thua Chile 0-2. Họ rời giải với tổng cộng 19 bàn thua và vỏn vẹn 1 bàn ghi được.

Tình thế của thầy trò ông Mai Đức Chung ở kỳ World Cup lần này khá giống Thái Lan năm 2019. 

Tuyển nữ Việt Nam cũng nằm trong bảng có Mỹ - luôn là đội mạnh nhất giải, Hà Lan - ứng viên vô địch trong nhóm 2 ngay sau nhóm đại gia của Mỹ, Đức, Anh, Pháp... và Bồ Đào Nha - tuy mới dự World Cup lần đầu nhưng thực lực chẳng kém là bao so với các đội hàng đầu. 

Trong loạt trận giao hữu chuẩn bị cho World Cup, Bồ Đào Nha đã chứng tỏ sức mạnh khi đè bẹp New Zealand 5-0 và cầm hòa Anh.

Nhánh đấu ở giai đoạn loại trực tiếp cũng buộc các đại gia phải dốc sức từ vòng bảng, khi đối thủ của bảng E là bảng G, nơi có ứng viên vô địch Thụy Điển (hạng 3 trên bảng xếp hạng của FIFA). Mỹ chắc chắn không muốn phải chạm trán Thụy Điển quá sớm, nên cả họ lẫn Hà Lan sẽ bước vào trận gặp Việt Nam với tâm thế phải thắng càng đậm càng tốt.

Trận giao hữu với Tây Ban Nha cho thấy khoảng cách khó thể san lấp ngày một ngày hai của bóng đá nữ Việt Nam nói riêng và nền bóng đá nói chung. World Cup là giấc mơ vừa thành hiện thực, nhưng để thực sự "chơi được" ở sân chơi đẳng cấp thế giới là chuyện hoàn toàn khác. Không loại trừ khả năng Việt Nam sẽ chia tay World Cup 2023 tương tự như cách của Thái Lan năm 2019.

World Cup vẫn tuyệt vời

Nhưng riêng tấm vé dự World Cup thôi đã là rất quý giá rồi, nhất là nếu nhìn vào những đầu tư và kế hoạch mà FIFA dành cho bóng đá nữ. 12 năm trước, quy mô của World Cup mới là 16 đội. Đến năm 2015, FIFA tăng lên 24 và giờ là 32 đội.

Ở bóng đá nam, nhiều người dè bỉu rằng FIFA và UEFA đang ngày càng cố gắng làm tiền người hâm mộ bằng cách tăng số đội bóng ở mọi giải đấu. 

Nhưng sự thật không thể phủ nhận là chính sách "đưa bóng đá đến mọi nơi" của FIFA giúp các nền bóng đá nhỏ ngày càng có cơ hội tiếp cận trình độ thế giới. Với bóng đá nữ, chính sách này càng đặc biệt phát huy hiệu quả, khi bóng đá nữ vẫn còn nhạt nhòa ở nhiều quốc gia vốn rất mạnh về bóng đá nam.

FIFA không chỉ nói suông. Họ đang thực sự bơm tiền ngày càng nhiều vào các chương trình bóng đá nữ. Tiêu biểu nhất là ngân sách cho World Cup. Ở Canada 2015, FIFA chi tổng cộng 82 triệu USD cho công tác tổ chức, bao gồm các chi phí vận hành và tiền thưởng, tiền hỗ trợ các liên đoàn. 

Đến Pháp 2019, con số này tăng gấp đôi lên 157 triệu USD, và theo ước tính, sẽ lại tăng hơn gấp đôi lên đến 395 triệu USD cho Úc - New Zealand 2023. Trong số này, có đến 110 triệu USD là dành cho các khoản thưởng. Với bóng đá nam thì số tiền đó không nhiều, nhưng với hầu hết các tuyển thủ nữ, ngay cả ở những nước giàu, đó là cả một gia tài lớn.

FIFA cũng cam kết dùng toàn bộ doanh thu từ World Cup nữ để phát triển bóng đá. Những nền bóng đá trực tiếp giành vé đến World Cup hiển nhiên hưởng lợi hơn cả. Hà Lan, đội bóng hùng mạnh nằm chung bảng với Việt Nam là ví dụ điển hình. 

Họ chưa từng giành vé dự World Cup cho đến tận năm 2015 - khi FIFA tăng số đội từ 16 lên 24 (Hà Lan cũng chỉ giành vé qua đường play-off). Trong lần đầu tiên dự giải, họ bất ngờ lọt vào vòng 16 đội, để rồi từ đó làm bàn đạp phát triển mạnh mẽ.

Một khi đội tuyển đã có thành tích ở đấu trường quốc tế, người hâm mộ bắt đầu quan tâm hơn đến bóng đá nữ. Thống kê cho thấy trước khi Hà Lan ra mắt tại World Cup, lượng khán giả đến xem các trận đấu ở Eredivisie nữ chỉ khoảng 400 người/trận. Con số này sau đó tăng gấp đôi. 

Còn bản thân tuyển Hà Lan thì ngày càng hùng mạnh khi giải vô địch quốc gia của họ chuyên nghiệp hóa dần. Năm 2017, họ bất ngờ vô địch Euro, và hai năm sau gây sốc khi lọt vào trận chung kết World Cup 2019. Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Colombia... là những ví dụ khác cho thấy sự tiến bộ vượt bậc sau khi được ra mắt World Cup nhờ FIFA mở rộng số đội tham dự.

Ở Đông Nam Á, ngoài Thái Lan và Việt Nam, việc Philippines giành vé đến World Cup 2023 hứa hẹn đưa nền bóng đá nước này tiến xa hơn nữa trong tương lai. Những cuộc đối đầu ở khu vực nhờ thế cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều, thay vì chỉ là so kè Việt Nam - Thái Lan như nhiều năm qua.

World Cup 2023 có thể chỉ là cuộc chơi ngắn ngủi với các cô gái Việt, nhưng đó vẫn sẽ là giải đấu lịch sử của bóng đá Việt Nam. Có mấy khi, người hâm mộ mở tivi chờ đợi xem một trận bóng đá nữ?■

Nhà cái xếp Việt Nam và Philippines bét bảng

Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam rơi vào bảng đấu quá mạnh ngay trong lần đầu tiên dự giải và bị giới nhà cái xếp chót về khả năng vô địch (tỉ lệ 1.000/1, tức đặt 1 ăn 1.000). Còn Philippines dù nằm trong bảng đấu nhẹ hơn, với New Zealand, Na Uy và Thụy Sĩ, cũng bị đánh giá thấp ngang ngửa Việt Nam. Những đội dẫn đầu trong danh sách của nhà cái là Mỹ (2/1), Anh (4/1), Tây Ban Nha (5/1) và Đức (8/1).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận