Lộ diện ý đồ "trường phái Trung Quốc" trong quan hệ quốc tế

TTCT - Trở về từ hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm phát triển của học phái nước Anh (Anh - Mỹ) và sự hình thành học phái Trung Quốc” (*), TS Nguyễn Ngọc Thơ đã chuyển TTCT bài ghi nhận về cuộc vận động nhằm hình thành một “trường phái Trung Quốc” trong quan hệ quốc tế. TTCT trích giới thiệu.



Các đại biểu tại hội thảo ngày 31-10-2012 - Ảnh: T.N.T.

Từ những chiếc đầu nóng...

Cùng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc mong muốn nhanh chóng khẳng định vị trí của mình trên bản đồ quan hệ quốc tế. Để làm được điều này, họ cần một khung lý luận như thế giới Anh - Mỹ đã làm suốt hai thế kỷ qua. 

Hội thảo lần này tại Đại học Cát Lâm như là một bước thăm dò dư luận trong giới học giả thế giới, và là một thể hiện manh nha của sự hình thành cái gọi là “trường phái Trung Quốc” trong quan hệ quốc tế.

Mở đầu hội thảo là giáo sư Barry Buzan, Trường Kinh tế và khoa học chính trị London, trình bày tỉ mỉ về xu thế thời cuộc, những mặt ưu khuyết của học phái nước Anh, đồng thời vạch ra những khoảng trống mà người phương Tây chưa làm được và là lợi thế của Trung Quốc. 

Ông cũng dự đoán “trường phái Trung Quốc, nếu có, sẽ phải được xây dựng từ nền tảng thâm sâu của văn hóa - văn minh Trung Quốc”.

Diễn đàn bắt đầu nóng lên với bài “Xây dựng trường phái Trung Quốc trong quan hệ quốc tế” của giáo sư Tần Á Thanh - phó hiệu trưởng Học viện Ngoại giao Trung Quốc. 

Theo tác giả này, người Trung Quốc hiện đại nên học hỏi tổ tiên của họ từ thời Đông Chu. Theo đó, quan điểm “thiên hạ” (All-under-heaven) của Khổng Tử thời ấy chính là xuất phát điểm của mọi cơ sở lý luận.

Ông này nhấn mạnh với tư tưởng “thiên hạ”, một nước Chu nhỏ bé đã có thể chiến thắng những nước lớn hơn, điều đó có nghĩa thuyết “thiên hạ” của nhà Chu là sáng giá trong tình hình hiện đại khi Trung Quốc cần khẳng định mình trước các cường quốc trên thế giới.

Giáo sư này nói: “Người xưa cách chúng ta mấy ngàn năm đã có góc nhìn thiên hạ thì nay người Trung Quốc cũng nên chủ trương thiên hạ”. “Chế độ gia tộc xưa trong lịch sử là một mô hình lý tưởng, ở đó vừa có tình cảm vừa có tôn ti. Vậy thế giới hôm nay cũng nên xem là một gia đình mở rộng (enlarged family)”.

Trong xây dựng cái gọi là “trường phái Trung Quốc” trong quan hệ quốc tế, vị giáo sư này vạch ra ba đặc trưng lớn gồm (1) Coi trọng vai trò quan trọng của văn hóa truyền thống trong hệ thống lý luận, 

(2) Tận dụng nguồn tri thức Trung Quốc trong văn hóa và lịch sử, 

(3) Sự tương thích với thế giới. Trong thái độ ứng xử với quốc tế, giáo sư này khẳng định Trung Quốc theo đuổi đường lối “trung dung”.

Theo Tần Á Thanh, lịch sử thế giới từng tồn tại các kiểu chủ nghĩa vương quyền, chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa cường quyền. Ông này đề xuất trường phái Trung Quốc sẽ chọn chủ nghĩa bá quyền (hegemony), theo đó thế giới phân làm bốn hạng gồm:

(1) các nước bá quyền,

 (2) các thế lực chủ chốt 

(3), các nước quy mô vừa 

và (4) các nước quy mô nhỏ. Hệ thống triều cống (tribute system) trong lịch sử Á Đông từng chứng minh sự tồn tại của “trật tự Trung Quốc” bất cân xứng nhưng ổn định trong các mối quan hệ quốc tế trong vùng.

Ở phần kết luận, giáo sư này cho biết trong khi phương Tây theo đuổi khung lý tính thì Trung Quốc xây dựng trên nền tảng các quan hệ lịch sử, lý thuyết thiên hạ là cốt lõi và mang tính cách mạng, trong khi việc tái cấu trúc nội hàm của nó và sự tương thích với thế giới đương đại chỉ mang tính bổ sung.

GS James DeShaw Rae, ĐH California, cho rằng “trường phái Trung Quốc” hiện chỉ cần thiết với người Trung Quốc - Ảnh: T.N.T.

...đến những cảnh tỉnh lạnh

Ngay sau bài của giáo sư Tần Á Thanh, giáo sư Trương Duệ Tráng (Zhang Ruizhuang), Đại học Nam Khai, là người phản đối Tần Á Thanh mạnh mẽ nhất. 

Giáo sư Trương là người ôn hòa, cởi mở và thức thời, cho rằng thời điểm hiện nay là chưa chín muồi để bàn về điều này, và rằng một học phái quan hệ quốc tế phải hình thành từ sự vận động của thế giới khách quan, phù hợp với quy luật phát triển chung của thế giới và phải mất hàng trăm năm mới hình thành, phải trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của lịch sử thế giới mới tồn tại chứ không phải ngày một ngày hai mà có.

“Một số người Trung Quốc làm giàu quá nhanh, chỉ sau một đêm họ đã thay đổi cuộc sống của chính họ nên họ lầm tưởng rằng chỉ cần một đêm là thay đổi cả thế giới. Người Âu - Mỹ đã mất hàng thế kỷ với biết bao lý luận từ biết bao lĩnh vực hợp thành, người Trung Quốc phải biết điều đó” - ông nói.

Còn theo giáo sư Vương Lê (Đại học Nam Khai), “thiên hạ bây giờ khác lúc đó (thời Chiến Quốc). Thời ấy thiên hạ đều nằm dưới tay nhà Chu, đánh tới đâu thì tuyên bố thiên hạ rộng tới đó. Còn bây giờ thế giới là đa cực, đa phương hóa, làm sao Trung Quốc có thể phát triển cái gọi là “trường phái Trung Quốc” mà lý luận của nó bắt đầu từ quan điểm thiên hạ có từ thời Xuân Thu - Chiến Quốc? Với khái niệm thiên hạ thời ấy, người Trung Quốc sẽ gặp phải sự lắc đầu ngao ngán của ngay những quốc gia láng giềng ở Đông Á, đừng nói chi bước ra thế giới. Còn Nga, Ấn Độ, Nhật Bản... đang ở đâu trong thế giới này? Chẳng lẽ họ lên sao Hỏa hết rồi sao?”.

Giáo sư James DeShaw Rae, người Mỹ, thì thận trọng hơn, cho rằng việc xây dựng “trường phái Trung Quốc” có lẽ là cần thiết đối với người Trung Quốc, tuy nhiên việc nó có thể tồn tại và được thế giới thừa nhận hay không hoàn toàn tùy thuộc vào nội hàm và đặc trưng chính trị của nó”.

 “Một số người Trung Quốc làm giàu quá nhanh, chỉ sau một đêm họ đã thay đổi cuộc sống của chính họ nên họ lầm tưởng rằng chỉ cần một đêm là thay đổi cả thế giới. Người Âu - Mỹ đã mất hàng thế kỷ với biết bao lý luận từ biết bao lĩnh vực hợp thành, người Trung Quốc phải biết điều đó”. 

GS TRƯƠNG DUỆ TRÁNG (Zhang Ruizhuang), Đại học Nam Khai

Cùng quan điểm ấy, trong bài “Con đường Nho giáo Việt Nam: bài học cho sự hình thành và phát triển của trường phái Trung Quốc”, chúng tôi - đại diện từ Việt Nam - đi từ nghiên cứu trường hợp Nho giáo Trung Quốc đến Việt Nam bằng cả hai phương thức “truyền bá cưỡng bức” và “tiếp nhận tự nguyện” suốt 2.000 năm qua đã phải bị khúc xạ mạnh mẽ đến dường nào trên nền tảng của văn hóa Việt Nam.

Theo giáo sư Phan Ngọc (Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Văn Hóa - Thông Tin, 1998), người Việt Nam tuy có quan hệ lịch sử với Trung Quốc song cũng đã quyết liệt nhìn nhận Nho giáo dưới bốn lăng kính (lăng kính Tổ quốc, lăng kính văn hóa Đông Nam Á, lăng kính thân phận lịch sử và lăng kính làng xã), đã làm biến dạng hệ thống triết học Nho giáo tưởng chừng như bất di bất dịch.

Đối với phần còn lại của Đông Nam Á với bối cảnh tự nhiên và lịch sử xã hội khác biệt hẳn Trung Quốc, sự gặp gỡ sẽ càng khó bội phần, huống chi là một thế giới phương Tây vốn đã hoàn thiện cả lý luận và thực tiễn. 

Trên cơ sở của con đường Nho giáo Việt Nam, chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất nếu có một trường phái nào đó mang tên “Trung Quốc”, chắc hẳn nó mang âm hưởng của Nho giáo, người Trung Quốc cần phải xây dựng trên tinh thần nhân văn mang tính toàn cầu, triệt để loại bỏ chủ nghĩa dân tộc trung tâm, duy trì độ mở cần thiết để được thế giới tiếp nhận và không ngừng tiếp thu tinh hoa nhân loại.

Chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng người Triều Tiên, người Việt Nam đã nếm đầy đủ mùi vị của cái gọi là “thiên hạ” của Trung Quốc cổ trung đại, liệu “trường phái Trung Quốc” có đủ những đặc điểm cần có của một học phái mà cả thế giới chấp nhận ở thời toàn cầu hóa này? 

Hơn nữa, cái gọi là mô hình “gia đình mở rộng (enlarged family)” sẽ dẫn đến nhiều xung đột và chiến tranh, bởi vì trong gia đình sẽ có cha mẹ và con cái, mà người Trung Quốc vốn dĩ đã quen “phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu!”.

Một cuộc vận động

Hội thảo kết thúc nhưng không đạt đến sự thống nhất cao trong giới học thuật. Sự thành công của nó, nếu có, là sự lên tiếng với thế giới về một khuynh hướng vận động cho sự hình thành của trường phái Trung Quốc trong quan hệ quốc tế. 

Brandly Womack, giáo sư người Mỹ, trong một bài viết gần nhất “Thiên hạ Đông và Tây” (in trong cuốn Trung Quốc và thế giới, Nhà xuất bản KHXH Trung Quốc, 2012) đã đúc kết quy luật thái độ của Trung Quốc trong mối quan hệ lịch sử - chính trị trong khu vực.

Theo đó, Trung Quốc thường phân hai nhóm phương Bắc (Đông Bắc Á) và phương Nam (Đông Nam Á). Đối với họ, phương Bắc luôn tiềm ẩn những nguy cơ (Hung Nô, Liêu, Kim...), phương Nam dù xa xôi nhưng có bầu không khí êm đềm. Một khi ở phương Bắc dậy sóng thì họ tìm cách để ôn hòa phương Nam và chỉnh đốn phương Bắc, và khi phương Bắc đã yên ổn, họ thường có ý khuếch trương quyền lực ở phương Nam.

Dù vậy, Brandly Womack nhấn mạnh thường Trung Quốc không đạt được những gì họ muốn. “Sự thất bại của quân Minh năm 1427 trước Lê Lợi sẽ là một bài học muôn thuở mà người Trung Quốc không bao giờ quên khi muốn phô trương thanh thế với phương Nam”, đồng thời khuyên rằng “người phương Nam cũng cần biết suy nghĩ ấy”.

____________

(*): Diễn ra ngày 31-10-2012 tại Đại học Cát Lâm, Trung Quốc, quy tụ khoảng 30 tác giả từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines, Pakistan, Nigeria và Trung Quốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận