Làng dệt vắng tiếng thoi đưa

TTCT - Thông tin về sự đổ vỡ, phá sản của doanh nghiệp tràn ngập trên báo chí trong khi những cơ sở sản xuất nhỏ, các làng nghề cũng đang lâm vào cảnh thoi thóp không kém phần nghiêm trọng nhưng chưa được mấy lưu tâm.

Không cầm cự nổi, ông Hồ Viết Thắng - chủ một cơ sở dệt ở làng dệt Bảy Hiền (TP.HCM) - đã cho công nhân nghỉ, mình ông vừa làm chủ vừa làm công nhân - Ảnh: Đình Dân

Ở làng dệt Bảy Hiền, TP.HCM hay làng dệt the La Khê, Hà Nội ngày nay hết rồi cảnh rộn ràng tiếng máy, thay vào đó là máy móc bị trùm mền, nhà xưởng đóng im ỉm...

Làng dệt ngoi ngóp

Theo UBND quận Tân Bình, hiện trên địa bàn quận có 130 cơ sở dệt cá thể và doanh nghiệp, riêng làng dệt Bảy Hiền chỉ còn 60-65 cơ sở còn hoạt động, giảm 50% so với năm 2008. Nguyên nhân sự sụt giảm trên là do các cơ sở dệt gặp khó khăn phải giải thể chuyển đổi ngành nghề, một số cơ sở chuyển về hoạt động ở Quảng Nam để giảm chi phí. Các cơ sở dệt ở làng dệt Bảy Hiền đang hoạt động cầm chừng và tiếp tục gặp khó khăn do hàng tồn kho tăng cao.

Tìm về làng dệt Bảy Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) những ngày này tiếng máy dệt thưa dần. Những con hẻm vắng lặng, khác hẳn với tiếng giật ầm ầm nhức óc trước kia.

Nhiều người già ở làng dệt Bảy Hiền kể trước đây khi hàng loạt nhà máy dệt hiện đại mọc lên ở các khu công nghiệp đã khiến làng nghề lao đao nhưng vẫn sống được. Hai năm trở lại đây cơn bão suy thoái kinh tế đang cuốn làng dệt nổi tiếng một thời này dần vào dĩ vãng...

Cơ sở dệt ở số 109 Võ Thành Trang, P.11, Q.Tân Bình cửa đóng im ỉm, bên trong là những chiếc máy dệt bám đầy bụi bặm và mạng nhện. Ông Đức, chủ cơ sở dệt, buồn rầu: “Nhà tôi có truyền thống làm nghề dệt hơn 50 năm. 

Trước đây vải dệt ra tiêu thụ nhanh nhưng mấy năm nay làm ăn ế ẩm dần, hàng làm ra không tiêu thụ được. Cơ sở dệt của tôi chỉ cầm cự được một thời gian và đành đóng cửa cách đây hai tháng”.

Đi sâu vào làng dệt, những xưởng dệt nổi danh như xưởng ông Thập, Tư Hòa, ông Mạnh, ông Hiển... cũng trong tình cảnh tương tự. Một số cơ sở hoạt động 20-30% công suất để cố cầm cự, trong khi nhiều nơi khác đóng cửa cho công nhân về quê. 

Thế hệ con cháu của ông Cửu Diễn - ông tổ làng dệt Bảy Hiền, người đã đưa nghề dệt này từ Quảng Nam vào - cũng phải rời nghề dệt để kiếm việc khác.

Tại con hẻm 113 Năm Châu, P.11, Q.Tân Bình, dấu vết các xưởng dệt vừa biến mất vẫn còn vương vấn. 

Ông Hồ Viết Thắng, chủ một trong những cơ sở dệt cuối cùng ở đây, kể khi những loại máy dệt của Trung Quốc, Đài Loan với kỹ thuật hiện đại và năng suất cao hơn tràn vào, ông Thắng đã bán đi những chiếc máy dệt gỗ truyền thống, thế chấp nhà vay ngân hàng để đầu tư bốn chiếc máy kiếm, giá mỗi chiếc 5.000 USD. 

Thế nhưng đến nay vẫn chưa thể trả tiền vay ngân hàng. Hàng hóa ế ẩm nên ông Thắng cho công nhân nghỉ, cả xưởng chỉ còn mình ông vừa làm chủ vừa làm công nhân.

Vào các hẻm ở làng dệt Bảy Hiền có thể thấy thiết bị vứt lăn lóc vì chủ nhân của chúng muốn bán tháo cũng khó - Ảnh: Đình Dân

“Suy thoái kinh tế đã làm làng nghề này rơi vào kiệt quệ và nguy cơ tiêu vong”

Cách xa hàng ngàn kilômet, làng dệt the La Khê (Hà Đông, Hà Nội) - từng là một trong những làng nghề nổi tiếng của Hà Tây cũ, chẳng kém làng dệt lụa Vạn Phúc - cũng lâm cảnh “trùm mền đắp chiếu” máy dệt. 

“Còn hơn chục chiếc áo, mấy trăm mét the và lụa là sản phẩm của hợp tác xã (HTX) cũng phải bán nốt để lấy vốn dù giá cả được giảm đến tối đa rồi” - bà Bạch Hồng Ân, phó chủ nhiệm HTX dệt the La Khê, vừa đẩy tấm cửa kính vào căn phòng giới thiệu sản phẩm của HTX vừa nói.

Chỉ tay sang tòa nhà rộng rãi phía sau, bà Ân nói: “Trước đây đều là xưởng dệt, nhưng hơn một năm nay HTX không sản xuất nữa, người ta cho thuê thành nơi nấu ăn. Toàn bộ máy dệt phải xếp lại nhường xưởng rộng làm nơi nấu nướng cho nhà hàng.

Từng là làng nghề nổi tiếng, chúng tôi cũng rất hào hứng khi thành lập HTX rồi mua máy dệt với số tiền lên tới vài trăm triệu đồng, cũng đã manh nha nhìn thấy cơ hội vừa giữ nghề vừa kiếm tiền nhưng bây giờ thì thôi hẳn rồi”.

Xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội là một trong những xã có lượng lao động lên tới vài ngàn người làm gia công cho các doanh nghiệp dệt len La Phù. Cùng với Tân Hòa, xã Cộng Hòa có hàng ngàn máy dệt mải miết suốt ngày đêm.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người lao động trong xã mà còn tạo việc cho hàng ngàn nhân công từ các tỉnh, huyện lân cận. Tuy nhiên, những ngày này về Cộng Hòa không khí tĩnh lặng bao trùm cả xã. “Bây giờ mọi người không dệt nữa thì đi làm thuê” - một người dân cho biết.

Một trong những nơi còn phát ra tiếng máy dệt bán tự động là một xưởng dệt nằm chon von trên lưng đồi. Chủ xưởng dệt này là ông Nguyễn Thủy (39 tuổi) cho biết tám chiếc máy dệt nhưng chỉ sáu máy đang hoạt động cùng ba công nhân điều khiển: “Suốt một năm không có đơn hàng nào. 

Sản phẩm mà chúng tôi đang gia công là hàng của các hộ cá nhân thuê làm để bán trong dịp mùa đông. Trước đây, mỗi chiếc áo được thuê dệt với giá 10.000 đồng, giờ chỉ còn 8.000 đồng”.

Không như nhà ông Thủy, nhà bà Đàm Thị Tần (49 tuổi) ở cụm 2, xã Cộng Hòa đã ngừng hẳn việc dệt len. “Hơn chục chiếc máy dệt với số tiền đầu tư cả nhà xưởng và máy móc lên tới vài trăm triệu đồng nhưng giờ không có việc nên gia đình tôi tạm thời xây bể lọc làm miến dong” - bà Tần chua xót. Bể lọc bột làm miến dong là công việc sẽ dành cho bà và con dâu, còn “ông nhà tôi và con trai đi xây và chở vật liệu thuê ngoài Hà Nội”.

Bà Công Thị Khuyên (xã Cộng Hòa, Hoài Đức, Hà Nội) giới thiệu những chiếc máy “trùm mền” trong xưởng dệt của mình - Ảnh: Hoàng Điệp

“Đều phải đi vay ngoài”

Hiện nay xã Cộng Hòa có 1.700 hộ thì đến 80% số hộ đầu tư máy móc làm dệt len gia công cho làng nghề và các doanh nghiệp ở La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Số lượng lao động tham gia làm nghề không chỉ có những người trong độ tuổi lao động mà cả người già và trẻ em. Ngoài ra xã cũng thu hút hàng trăm lao động khác từ các địa phương lân cận đến làm thuê, ăn ở tại chỗ. Theo số liệu thống kê của xã, cả xã có khoảng 1.200 chiếc máy dệt với số tiền đầu tư từ 8-20 triệu đồng/máy, ngoài ra còn một số hộ đầu tư máy may, máy là... Từ năm 2011 đến nay không có việc làm nên có đến 60% số máy móc phải dừng làm việc.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng, vay tiền lãi suất quá cao là nguyên nhân chính khiến những cơ sở dệt nhỏ này không chịu nổi và đi vào con đường đóng cửa. Giá tơ tăng, giá điện tăng, giá xăng tăng khiến giá thành sản phẩm đội lên quá cao, không thể bán được. Đóng cửa hai xưởng dệt với 20 máy dệt là giải pháp được HTX dệt the La Khê lựa chọn.

Giải thích lý do những chiếc máy dệt ngừng chạy, bà Ân cho biết: “Giá tơ bóng của Trung Quốc rẻ, dệt cũng dễ, giá thành sản phẩm chỉ bằng 1/3 giá the được dệt từ La Khê. 

Với giá tơ mua như hiện nay thì với một chiếc áo dài the, chỉ tiền vải đã hơn 1 triệu đồng, không ai muốn mua cả, mà đơn hàng xuất khẩu không có nên gần 20 chiếc máy dệt của chúng tôi phải xếp vào kho là đương nhiên!”.

Còn theo ông Thủy, nhiều cơ sở ở xã Cộng Hòa không chịu nổi tiền điện nên đã đóng xưởng. Sở dĩ nhà ông còn làm túc tắc (nhờ thuê hai cô hàng xóm) vì muốn giữ mối, hi vọng sau khi sang thu thì hàng nhiều hơn.

Bà Công Thị Khuyên (cụm 6, xã Cộng Hòa, huyện Hoài Đức, Hà Nội) kể từ giữa năm ngoái công việc túc tắc cũng còn vài công nhân nhưng năm nay chán lắm. 

Cả hai xưởng sản xuất với mấy chục công nhân ăn ở tại chỗ nhà bà Khuyên đều đóng cửa. Những chiếc máy dệt vừa đầu tư chưa lâu được phủ bằng những tấm bạt dứa.

Lật từng tấm bạt lên để lau cho máy đỡ khô dầu, bà Khuyên nói: “Bằng giờ này trước đây hai năm đường làng ngõ xóm lúc nào cũng nườm nượp, khoảng sân này là nơi để đóng container hàng hóa xuất đi chứ chẳng đìu hiu như thế này”. Bây giờ thì anh Vượng, con bà Khuyên - chủ cơ sở này, đang đi lái xe chở khách.

Cũng giống như hàng trăm hộ dân ở Cộng Hòa, toàn bộ tiền đầu tư nhà xưởng, máy móc nhà anh Vượng đều phải đi vay bên ngoài với lãi suất cao: “Chúng tôi không được ngân hàng hỗ trợ vốn nên chỉ vay ngoài thôi. 

Với lãi suất 2%/tháng, hộ gia đình nào muốn đầu tư vào sản xuất và kinh doanh đều phải chấp nhận. Làm to thì vay nhiều, làm nhỏ thì vay ít”. Anh Vượng cho biết đến nay anh vẫn chưa trả xong nợ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận