Kiến tạo phát triển

NGUYỄN ĐỨC LAM 01/01/2016 21:01 GMT+7

TTCT - Muốn phát triển, trước hết cần an dân, dân an. Những câu chuyện như nữ sinh tự tử, trẻ em bỏ học đi biểu tình cùng cha mẹ, xử án lưu động, thức cả đêm chờ tiêm văcxin cho con... đều có chung một điểm: nỗi sợ hãi và thiếu niềm tin.

Việt Nam đã khác xa so với quá khứ đói nghèo, nhưng nỗi lo sợ tụt hậu đang hiển hiện (Hữu Khoa)

Báo Tuổi Trẻ ngày gần cuối năm đưa tin nữ sinh học lớp 11 nhảy xuống hồ tự tử, để lại thư tuyệt mệnh: “Con luôn suy nghĩ rằng phải đậu trường công an hay y cho bố mẹ vui lòng, nhưng con thực sự rất mệt, con mệt lắm, con buông xuôi tất cả...”.

Mẩu tin nhỏ chìm nghỉm trong hàng trăm tin khác của báo chí, nhưng gợi ra nhiều vấn đề lớn đối với tất cả: cha mẹ, gia đình, xã hội, nhà trường, ngành giáo dục, và cao nhất là Nhà nước. Phải, câu chuyện đau lòng này nhắc Nhà nước nhớ đến vai trò của mình, để làm sao các em học sinh không cảm thấy bế tắc từ khi chưa bước chân vào đường đời.

Không chỉ có thế, đọc bất cứ một tin nào trên mặt báo, chúng ta cũng có thể đặt câu hỏi cật vấn Nhà nước làm gì trong những tình huống đó, để mỗi công dân, cả xã hội an tâm sinh sống, làm ăn, đất nước phát triển, thịnh vượng.

Tạo lập, giữ gìn niềm tin

Muốn phát triển, trước hết cần an dân, dân an. Những câu chuyện như nữ sinh tự tử, trẻ em bỏ học đi biểu tình cùng cha mẹ, xử án lưu động, thức cả đêm chờ tiêm văcxin cho con... đều có chung một điểm: nỗi sợ hãi và thiếu niềm tin.

Cô nữ sinh bế tắc, sợ hãi trước đường đời, không còn tin ai đó sẽ giúp em; người dân Ninh Hiệp sợ mất nguồn sinh nhai duy nhất, không tin chính quyền giải quyết thỏa đáng; các bậc cha mẹ lo sợ cho tính mạng con mình, không còn tin vào lời giải thích của bất kỳ ai.

Tất nhiên, những chuyện đó không chỉ có Nhà nước phải can dự vào, nhưng Nhà nước là chủ thể có nhiều nguồn lực nhất, có trách nhiệm lớn nhất phải can dự, tạo lòng tin, cuộc sống an lành cho dân. Trong câu chuyện của nữ sinh tự tử, qua các chính sách giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp, lao động, việc làm, Nhà nước tạo đường hướng, các lựa chọn khác nhau cho hàng triệu học sinh, sinh viên.

Trong câu chuyện tiêm chủng, đó là trách nhiệm của Nhà nước đáp ứng nhu cầu được hưởng dịch vụ tiêm chủng xứng đáng với sinh mạng một con người, các tiêu chuẩn y tế bảo vệ sinh mạng con người; là thông tin rõ ràng, minh bạch, trung thực, khách quan nhất về văcxin.

Trong câu chuyện Ninh Hiệp, người dân cần Nhà nước có phương án thay thế thỏa đáng nếu bãi đỗ xe, nguồn thu nhập của hàng ngàn người, bị thu hồi để xây trung tâm thương mại.

Thật ra, nhiều giao dịch diễn ra trong xã hội đâu cần nhiều đến sự hiện diện của Nhà nước, của pháp luật, mà chủ yếu do người ta tin nhau.

Tuy nhiên, Nhà nước, pháp luật cần phải luôn luôn sẵn sàng thò bàn tay của mình ra khi có sự thất tín, bội ước, ví dụ như xù nợ chẳng hạn, tóm lấy kẻ thất tín, bội ước, bắt hắn ta giữ lời và trả thêm một khoản bù vào những thiệt hại do sự bội tín của hắn gây ra.

Chính vì nhờ có bàn tay vô hình của pháp luật, tin vào sự ra tay rắn chắc của pháp luật mà người ta lại càng có cơ sở để tin nhau hơn. Dựa trên lòng tin này mà giao dịch sẽ diễn ra nhộn nhịp, của cải, tài sản sẽ sinh sôi, dân sẽ giàu, nước sẽ mạnh.

Chúng ta chăm lo chưa đủ cho thế hệ tương lai (LNM)

 

Tạo lập môi trường phát triển

Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam đã chứng minh cải cách thể chế thuận lợi có thể mang lại những lợi ích tính ra được bằng con số. Ví dụ, người ta đã tính ra tăng một điểm nào đó trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sẽ giúp tăng bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp, vốn đầu tư bình quân đầu người, lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Nhà nước còn là tác nhân tạo dựng môi trường cho phát triển, xây dựng các thể chế căn bản cần cho phát triển như: một hệ thống pháp luật ghi nhận và bảo hộ tự do sở hữu, tự do cam kết, thỏa thuận (còn gọi là tự do hợp đồng), tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh; một chính quyền minh bạch, đáng tin cậy, mọi hành vi can thiệp vào nền kinh tế có tính tiên liệu và có khả năng lường trước được.

Chẳng hạn, tự do kinh doanh được ghi nhận trong Hiến pháp, cụ thể hóa trong Luật doanh nghiệp 1999, 2005 và 2015, từ đó hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân ra đời, tạo hàng triệu việc làm, của cải, tài sản cho cá nhân và xã hội.

Hoặc là, một quốc gia chỉ có thể phát triển khi quyền sở hữu về tài sản của công dân được bảo hộ, để công dân yên tâm với tài sản hợp pháp mình có được; khi có tự do hợp đồng, tức là các bên tự do xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự, tự do lựa chọn đối tác, tự do thể hiện cam kết và thỏa thuận theo hình thức mong muốn và khi đã được xác lập hợp pháp, cam kết, thỏa thuận có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng; khi có tự do cạnh tranh, các chủ thể kinh tế, dù là tư nhân hay Nhà nước, cạnh tranh lành mạnh bình đẳng với nhau, không bị phân biệt đối xử.

Đồng thời, một quốc gia được coi là trên đường phát triển thịnh vượng không chỉ bởi những thành tựu về kinh tế, mà quan trọng hơn làm sao để những thành quả của phát triển, các nguồn lực của quốc gia, của xã hội được phân phối một cách công bằng. Nhà nước có trách nhiệm điều tiết dịch vụ công nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các vùng miền, các nhóm dân cư..., đem lại cho người dân môi trường và điều kiện sống tốt hơn.

Khơi dòng chảy cho các nguồn lực

Một đất nước có tài nguyên thiên nhiên, có nguồn vốn nhân lực dồi dào, không có lẽ cứ nghèo mãi sao? Sử dụng tài nguyên, tài sản sẵn có, những nguồn vốn đang nằm im như thế nào? Trả lời câu hỏi này, nhiều chuyên gia khuyến cáo pháp luật trước hết phải khơi dậy những nguồn lực, nguồn vốn đang nằm im đó như đất đai, tiền trong dân.

Hoặc là bịt những lỗ đen lãng phí của cải - đấy chính là một cách để phát triển. Những công cụ để “bịt” đã có: ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xem xét và phê chuẩn ngân sách, kiểm toán, chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm... Chỉ có điều sử dụng chúng như thế nào mà thôi.

Một thứ tài sản khác mà nền quản trị quốc gia có thể bảo hộ, tạo điều kiện sản sinh là tài sản trí tuệ. Khác với tài sản vật chất, chủ sở hữu của một sáng chế, tiểu thuyết, bản nhạc... có thể dễ dàng bị đánh mất quyền sở hữu. Anh ta không thể dựng hàng rào ngăn cản mọi người sử dụng những tài sản trí tuệ đó.

Anh ta buộc phải trông cậy rất nhiều vào sự bảo hộ của pháp luật, nhà nước. Ở Việt Nam, có vẻ như pháp luật về sở hữu trí tuệ ở ta không khuyến khích được sự sinh sôi của tài sản trí tuệ. Mỗi năm lèo tèo dăm ba cái phát minh sáng chế được đăng ký là một ví dụ. Pháp luật ở ta cũng không thiết lập được lẽ công bằng cho những người tạo ra tài sản trí tuệ.

Vì thế, người ta không tin rằng pháp luật sẽ ra tay được khi có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người ta không dám bỏ tiền vào việc sản sinh ra tài sản. Có người từng ví tài sản vô hình (trong đó có tài sản trí tuệ) như niêu cơm Thạch Sanh, xới mãi vẫn đầy. Nếu vậy thì có thể nói về tài sản trí tuệ ở nước ta rằng niêu cơm đó vẫn ít ai muốn nấu, vì nấu xong chưa kịp đưa lên miệng thì đã bị hớt trên tay, lại không được xu tiền công nào cả.

Cuối cùng, nguồn lực lớn nhất, dồi dào nhất, đáng giá nhất của Việt Nam là con người với lòng nhiệt huyết, khát vọng làm giàu, tri thức, năng lực của mình. Kể từ khi Luật doanh nghiệp ra đời, nguồn vốn này đã được khơi thông nhiều hơn để sinh lợi cho từng cá nhân, cả xã hội và đất nước.

Nhưng vẫn còn đó nhiều “vật thể” không được mong muốn khiến dòng chảy của nguồn vốn con người bị tắc, khó đổ vào nền kinh tế. Sứ mệnh của nền quản trị quốc gia và quản trị địa phương là vừa tạo dòng chảy cho nguồn vốn bằng cách khuyến khích tinh thần sáng tạo, kinh doanh, vừa dọn những “vật thể” đó mà khơi thông dòng chảy.

Người dân TP.HCM phải xếp hàng cả vào ban đêm để đặt chỗ chích ngừa cho con em mình  -Quang Định
Người dân TP.HCM phải xếp hàng cả vào ban đêm để đặt chỗ chích ngừa cho con em mình -Quang Định

 

Ghi nhận và bảo vệ quyền con người

Chỉ khi mọi thành viên nhận thức được rằng trong sự phát triển của toàn xã hội có lợi ích của mình, hướng đến lợi ích của xã hội tức là làm lợi cho mình, lúc đó mới thật sự có sự phát triển

Một nền quản trị quốc gia sáng suốt, nhân văn đặt quyền con người lên trên hết khi cân nhắc ban hành chính sách, pháp luật, coi đó là mục tiêu của phát triển. Trong đó, có lẽ điều cốt lõi trước tiên là người dân có quyền được bảo vệ và dùng pháp luật, các thiết chế pháp lý để tự bảo vệ mình, bảo vệ các quyền khác.

Các quyền tự do của con người không chỉ quan trọng ở chỗ tạo nền tảng cho sự phát triển chung của một quốc gia, xã hội, mà còn thúc đẩy, tạo điều kiện cho con người, hạt nhân của xã hội, phát triển.

Quá trình phát triển của một quốc gia không thể thiếu các công dân. Việc thu hút sự tham gia của người dân vào chu trình chính sách vừa nhằm thực thi dân chủ, tạo sự đồng thuận, vừa để đảm bảo các nguồn lực trong xã hội, của quốc gia mang lại phúc lợi cho số đông.

Một quốc gia muốn trở nên thịnh vượng thì phải đảm bảo quyền tự do của người dân được tiệm cận hoặc giám sát các nguồn lực trong xã hội. Sự giải trình, thu hút sự tham gia của công chúng chính là góp phần quan trọng chống lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Hài hòa lợi ích riêng - chung

Những câu chuyện như Ninh Hiệp xảy ra không ít trên đất nước này, khi mà các lợi ích chưa tìm được điểm trùng hợp. Động lực của phát triển nằm ở lợi ích, hay nói đúng hơn là hài hòa lợi ích.

Việc xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước cần được tiến hành theo chiến lược xuất phát từ những lợi ích lâu dài chứ không phải dựa trên những ý muốn chủ quan của người soạn thảo; hòa hợp những quyền lợi mâu thuẫn với nhau giữa các cá nhân, tầng lớp và toàn xã hội.

Điểm mấu chốt ở đây là cân bằng lợi ích, tìm được một điểm mà ở đó lợi ích chung và quyền lợi riêng tiến dần đến với nhau, có thể trùng hợp nhau, bởi lập pháp là sự thương lượng giữa các lợi ích khác nhau trong xã hội.

Chỉ khi mọi thành viên nhận thức được rằng trong sự phát triển của toàn xã hội có lợi ích của mình, hướng đến lợi ích của xã hội tức là làm lợi cho mình, lúc đó mới thật sự có sự phát triển. Ngược lại, quan tâm đến lợi ích tư của từng cá nhân, coi lợi ích tư là động lực thúc đẩy - đấy chính là chìa khóa để phát triển lợi ích chung, lợi ích của toàn xã hội. Hoạt động của Nhà nước chính là nơi đầu tiên hài hòa và cân bằng hai dạng lợi ích này trong xã hội.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận