Hương thơm Kashgar

NGUYỄN CHÍ LINH 11/07/2019 17:07 GMT+7

TTCT - Có lẽ, những gì hoàng đế Quý Sương (Kushan) ghi nhận Kashgar - Khách Thập - là thị thành dành cho khách mười phương tìm đến giao thương là đúng nhất: hơn 2.000 năm về trước, ốc đảo rộng 162.000km2 trong lòng chảo Tarim dành riêng cho các bộ lạc du mục đến giao thương.

Từ nhân vật có thật là quận chúa Y Mạt Nhĩ Hãn, Hàm Hương trong phóng tác của ông Kim Dung luôn tỏa ngát hương thơm kỳ lạ để bướm lượn dập dìu từng đàn theo dáng ngọc...

Người Kashgar (Tân Cương, Trung Quốc) ăn sáng khá giống người Pakistan nhưng có chút khác biệt: chiếc bánh tiêu tròn hoặc thon dài nổi phềnh trong chảo dầu cải được dùng cùng ly sữa bò nóng thay cho tách trà đen. Một phần ăn cho các cữ trong ngày bao giờ cũng quá nhiều với tôi bởi người Hồi Ngột (Ngô Duy Nhĩ) có hình thể khá cao to.

Lăng mộ của đại gia đình Hoắc Tập Chiêm, trong đó có mộ phần Hàm Hương công chúa.
Lăng mộ của đại gia đình Hoắc Tập Chiêm, trong đó có mộ phần Hàm Hương công chúa.

Ngõ hẹp kể chuyện

Khu phố tôi trọ ba đêm đã hơn 200 năm tuổi nhưng mọi tòa nhà vẫn có vẻ khang trang bởi được trùng tu vào thời nhà Thanh. Những gì cổ xưa hơn nằm đối diện bên đại lộ lớn cũng là con đường tơ lụa vào thế kỷ 17 được tiểu vương Khwaja Hidayat Allah (Hoắc Tập Chiêm) xây dựng. Tôi thích lướt qua nghe 200 ngõ hẹp kể lại câu chuyện hay về người du mục dù bước chân rã rời giữa nắng hè sa mạc.

Ngôi giáo đường Kitô trong thế kỷ 13 từng được nhà du hành Macro Polo người Ý ghi nhận khi đến Khách Thập vẫn còn đong đưa tiếng chuông ngân ở góc đường cong. Con đường tơ lụa trong nội thành được xác định ranh giới bằng quảng trường Id Kah và chợ Lớn Kashgar.

Thánh đường Id Kah và quảng trường là nơi đoàn lạc đà dừng chân trên con đường tơ lụa.
Thánh đường Id Kah và quảng trường là nơi đoàn lạc đà dừng chân trên con đường tơ lụa.

Phía sau chợ Đại là những con đường nhỏ chuyên biệt với các mặt hàng giày da, mâm bình trà đồng, dệt lụa, thảm, dụng cụ âm nhạc, mài đá quý, cưa gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ... để trao đổi với thương gia khi đoàn người dừng vó lạc đà ở quảng trường. 

Trên những con đường xưa ấy, vẫn còn nhiều người thợ trẻ yêu nghề cọc cạch xẻ gỗ, ông lão già nua may tay và nhiều thầy lang ở phố đông y cần mẫn với các loại gia vị.

Phụ nữ Kashgar vẫn còn sử dụng gia vị để chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.
Phụ nữ Kashgar sử dụng gia vị để chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp.

Người Khách Thập hiếu khách, sống nhẹ nhàng tinh thần. Giao thương trong quá khứ đã giúp người Kashgar bận đẹp, nữ giới mặc váy dài, vấn khăn lụa trên đầu, nam giới ra đường với chiếc mũ Topar truyền thống.

Một vài người giải thích chiếc mũ Topar do vương triều Timur mang đến được dùng cho cả nam lẫn nữ. Đừng hỏi bất cứ ai đến từ quận nào, bao nhiêu tuổi, giới tính, sở thích, thói quen bởi hoa văn, màu sắc, đá quý hay ngọc trai đính trên mũ có hình dáng kim tự tháp, vuông vành sẽ là câu trả lời xác đáng.

Gần đây, người Hồi Ngột tự hào lòng chảo Tây Vực cũng là quê hương của hoa tulip dại trên con đường tơ lụa nên phụ nữ chuyển qua vấn khăn có hình dáng hoa tulip đang nở.

Tôi như lạc vào sa mạc Ba Tư khi tất cả những ngôi nhà đều làm từ đất bùn non láng mịn, bên trong phủ thảm kín sàn nhà. Những chậu hoa, cây kiểng nhỏ xanh rì đặt dọc lối đi làm không gian nhỏ hẹp vừa lôi cuốn nét buồn cổ kính vừa đượm vẻ tĩnh mịch làng quê.

Một góc phố cổ Kashgar được trùng tu dưới thời nhà Thanh.
Một góc phố cổ Kashgar được trùng tu dưới thời nhà Thanh.

Những cánh cửa gỗ phai màu thời gian thể hiện linh hồn gia chủ, khi cửa mở, hai cánh với hai vải màn thưa được vén sang hai bên, đồng nghĩa gia chủ đang ở nhà và tôi có thể ghé chơi. Nếu một cánh mở và một màn được vén thì khi ấy chủ nhà chỉ có một mình. Khi hai màn được vén ngược lên đầu ô cửa báo hiệu chủ nhà đang có khách.

Không chỉ những câu chuyện văn hóa được kể bởi các con ngõ hẹp mà lững thững trong lòng phố cổ Kashgar, tôi như níu kéo thời gian trôi chậm lại. Cũng không chỉ là âm thanh tình tang của dây đàn Batbat xuyên qua những bức tường đất loãng đi nhịp điệu, một vòng xe đạp nhẹ tênh qua phố, chuyện trò thân mật nhỏ to, mà còn là hương thơm từ thanh kẹo đậu Mantang của người Hồi Ngột, bánh bao Kawa manti của người Turkic, bánh quai vạc Somsa của người Ả Rập.

Hoa văn đặc trưng của người Hồi Ngột
Hoa văn đặc trưng của người Hồi Ngột

Chợ hơn 2.000 tuổi

Tôi khá may mắn khi ngày đầu tiên ở Kashgar rơi vào chủ nhật nên phiên chợ gia súc nhộn nhịp nhất trong tuần với hơn 100.000 con được đưa đến. Tôi đón xe buýt địa phương đến thăm ngôi chợ có tuổi đời hơn 2.000 năm, cách trung tâm 10km.

Những bức tường thành cao ráo hay những chiếc xe tải hiện đại chở bầy gia súc nối đuôi nhau vào bãi cát rộng vẫn không che khuất được ký ức những ngày còn hoang vu với dãy lều lụp xụp. Những người bán ngồi chồm hổm nối hàng dài, âm thanh hốt hoảng gọi bầy đàn, từng nhóm người tụm năm tụm bảy giới thiệu đặc tính ưu việt của đàn gia súc, những gương mặt đăm chiêu để quyết định đúng giá.

Dù phải bịt khẩu trang, cẩn thận bước chân để tránh mùi hay giẫm lên chất thải và đổ nhiều mồ hôi trong ánh nắng sớm nhưng tôi luôn háo hức như một đứa trẻ được mẹ dẫn đến phiên chợ cuối tuần, với ánh mắt ngây thơ thèm thuồng khi nhìn thấy các loại cây trái ngọt lịm, dệt mơ ước có chiếc áo, đôi dép mới và cả món ăn ngon chưa từng thử qua nếu mẹ bán được một vài vật nuôi quanh nhà.

Hơn 2.000 năm trước, những bộ lạc du mục từ Kyrgyzstan, Tajikistan đến Kashgar trao đổi sản phẩm cây nhà lá vườn với người Hồi Ngột. Số tiền có được sẽ giúp người du mục có được món hàng ưng ý trong túi gồ ghề của đoàn thương gia Afghanistan, Pakistan vừa băng qua dãy núi Pamir rong ruổi đến Uzbekistan.

Với người du mục, bầy gia súc lang thang qua cánh đồng cỏ xanh là đặc ân của Thượng đế, phiên chợ xưa ưu tiên thứ năm và chủ nhật là ngày giao thương gia súc. Hầu hết đoàn người lững thững trên lưng lừa hay lạc đà để lùa đàn gia súc đến chợ và chỉ những ai thật sự giàu mới sở hữu đàn ngựa.

Thuở ấy, thịt bò và cừu đắt giá nhất, cừu được xem là đặc sản với những món xúp hầm và mỡ dùng nấu món cơm truyền thống Pilaf. Thịt lạc đà rẻ nhất trong bầy gia súc, phụ nữ có thai không dùng thịt lạc đà nhưng sữa lạc đà lại giúp ngừa các chứng bệnh lao. Người du mục không dùng thịt lừa, nhưng người Hán, Tùy và Đường cho rằng hương vị khá ngon.

Phiên chợ Kashgar bắt đầu nhộn nhịp dưới thời Thành Cát Tư Hãn và trong thế kỷ 14, dưới sự quản lý của đại đế Timur - Uzbekistan, chợ phiên chỉ trao đổi bầy gia súc khi các mặt hàng khác được di dời vào lòng phố cổ Kashgar, đồng thời dê trở thành đặc sản thay cho cừu.

Chợ gia súc cuối tuần ở Kashgar có tuổi đời hơn 2.000 năm.
Chợ gia súc cuối tuần ở Kashgar có tuổi đời hơn 2.000 năm.

Chợ bắt đầu bằng những ô hình chữ nhật dành cho các thương gia giàu có bán sỉ đàn gia súc theo từng chủng loại, rồi giảm dần số lượng đàn cho đến dãy cuối cùng là những người bán lẻ ôm trên tay những chú cừu, dê. 

Nhìn đàn gia súc rúc đầu vào nhau buồn rầu, tôi như cảm được nỗi buồn của chúng khi phải rời xa những đồng cỏ quen lối mòn, quên đi chú chó dữ tợn hay gí bắt nạt khi mải miết rong chơi, những đôi tay chủ nhân ấm áp vỗ về khi xén mớ lông tơ hay những khi chúng được lùa đến nguồn nước ngọt thỏa thích...

Chuộng vị ngọt thiên nhiên từ lớp khoáng sa mạc ngấm sâu trong các loại rau củ, tôi ghé quán dã chiến gọi đĩa rau xào thập cẩm Suoman gush siz thưởng thức. Tôi bật cười khi nghe lỏm anh hướng dẫn địa phương giới thiệu với đoàn khách Tây: “Quý khách có thể thử qua hương vị các loại sữa gia súc trong phiên chợ, ngoại trừ sữa gà!”. ■Người Khách Thập đến chợ phiên gia súc truyền thống với nhiều thành phần và mục đích khác nhau. Mang về nhà những cân thịt tươi vừa mới giết mổ để bữa ăn gia đình thật ngon, thưởng thức bằng việc xì xà xì xụp bát xúp đầu cừu, dê nóng hổi trong lều quán đơn sơ, mua một vài con vật nuôi từ người bán dạo để bổ sung bầy đàn hay dành vỗ béo để giết thịt theo cách riêng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận