Giãn cách kéo dài khiến hàng loạt nhà máy đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng với khoảng 30 - 50% lao động. Tại TP.HCM, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng chục ngàn lao động đã về quê và hơn 10.000 người khác đang nhiễm COVID-19 sẽ khiến các nhà máy gặp khó khăn khi quay lại sản xuất sau dịch.
“Thường thì sau các dịp nghỉ tết, tình trạng thiếu hụt lao động ở mức 20 - 30%. Nhưng với tình hình đứt đoạn sản xuất trong thời gian dài như hiện nay do phong tỏa, hàng chục ngàn công nhân đã về quê tránh dịch, một số không nhỏ người lao động mắc COVID-19 đang tiếp tục cách ly, điều trị, chắc chắn sẽ thiếu hụt lao động ở mức độ nặng nề hơn, có thể là 30 - 40%” - ông Trần Đoàn Trung, phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, nhận định. Theo ông Trung, tình hình này có thể xảy ra ngắn hạn nhưng sẽ gây áp lực lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, sau một thời gian dài hầu hết doanh nghiệp đã bị tổn thất nặng nề, kể cả với các doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ”.
Ông Đ.Q.C., giám đốc một công ty tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), cho biết công ty đang sử dụng khoảng 45% lao động sản xuất “3 tại chỗ”, số còn lại tạm nghỉ không lương. “Chúng tôi đang gồng gánh rất nhiều chi phí. Sản xuất “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nhưng chi phí cao gấp đôi, không chỉ trả lương cao hơn để khuyến khích người lao động mà còn tốn hàng loạt chi phí: thuê khách sạn, bữa ăn hằng ngày, đồ dùng sinh hoạt, chi phí xét nghiệm định kỳ, cách ly trước khi đưa người lao động vào guồng sản xuất khép kín” - ông cho hay.
Công ty trên bắt đầu sản xuất “3 tại chỗ” từ ngày 19-7. Để người lao động yên tâm ở lại chờ nhà máy mở cửa hoàn toàn, công ty trả 50% lương cho số lao động tạm ngừng việc. Đến nay đã sang tháng thứ 3, các khoản phí đang tạo ra “gánh nặng khủng khiếp cho doanh nghiệp”. Trước đó, doanh nghiệp này có hàng trăm người lao động trong khu phong tỏa, người lao động là F1 phải cách ly và công ty phải trả lương từ 50 - 70%. “Hiện nhiều công ty không còn khả năng trợ cấp thu nhập cho người lao động nữa. Với công ty tôi, may mắn là công ty mẹ có tiềm lực nên có thể gồng gánh đến giờ. Nhưng nếu tình hình tiếp tục kéo dài thì doanh nghiệp sẽ không còn khả năng để chi trả cho người lao động, buộc phải tạm nghỉ việc không hưởng lương. Lúc đó thì việc người lao động có quay trở lại làm việc hay không không thể nói trước được” - vị giám đốc nói.
Đang duy trì sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến” với khoảng 2.000 lao động, hiện Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) vẫn thiếu lao động. Ông Lưu Kim Hồng, chủ tịch công đoàn công ty, cho biết gần 4.000 công nhân của nhà máy tạm nghỉ việc từ ngày 15-7 sau khi thành phố yêu cầu phải áp dụng “3 tại chỗ”. “Hiện công ty chưa thể thống kê đầy đủ số công nhân đang tạm nghỉ việc. Nhưng chỉ tính riêng Đồng Nai, Bình Dương, công ty có khoảng 500 công nhân không thể đi lại được. Ông cho biết đối với công nhân đồng ý tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, công ty lo toàn bộ chi phí xét nghiệm COVID-19, ăn ở tại khách sạn. Trong thời gian nghỉ chờ việc, công ty trả 70% lương, ngoài ra mỗi ngày được trợ cấp 140.000 đồng... “Tuy nhiên nhiều công nhân chưa muốn quay lại nhà máy do lo ngại dịch bệnh hoặc bỏ về quê tránh dịch. Để có đủ lao động khôi phục sản xuất như trước dịch là một khó khăn rất lớn mà công ty phải đối mặt” - ông Hồng nói.
Những doanh nghiệp đã ngưng hoạt động trong nhiều tháng qua đang muốn được quay lại sản xuất nhưng lại lo không có công nhân. “Giữa tháng 7, khi thành phố yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” chúng tôi không thể đáp ứng tất cả yêu cầu và quyết định tạm đóng cửa nhà máy sau gần 20 năm hoạt động. Dự tính sau 2 tuần hoặc 1 tháng sẽ hoạt động lại nhưng kéo dài đến nay” - ông Nguyễn Mạnh Dũng, tổng giám đốc Công ty CP thiết bị nhà bếp Vina (Namilux), cho biết.
Khoảng 800 lao động của nhà máy đã tạm nghỉ việc. Trước khi tạm đóng cửa, công ty ông đã trải qua 14 ngày vừa cách ly vừa sản xuất do xuất hiện ca F0. “Chúng tôi trả lương cho người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng trong suốt 2 tháng qua. Đó là sự chia sẻ khó khăn lúc dịch bệnh và giữ chân người lao động để có thể quay trở lại sản xuất ngay khi thành phố hoạt động lại” - ông Mạnh Dũng cho hay.
Nhà máy của Công ty TNHH Nipro Pharma VN tại Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức) cũng cho hơn 500 công nhân tạm ngừng việc và trả lương 70% trong 3 tháng qua. “Ban đầu công ty cũng lập phương án “3 tại chỗ” nhưng chỉ có 20 người đăng ký, buộc phải tạm đóng cửa. Đến giờ công nhân cũng tản mạn nhiều nơi, trong đó có Bình Dương, Đồng Nai, một số khác về các tỉnh, nếu quay trở lại sản xuất cũng sẽ thiếu hụt lao động” - đại diện công đoàn Nipro Pharma VN chia sẻ.
Với các công ty tạm đóng cửa nhưng không thể hỗ trợ lương cho người lao động thì nguy cơ thiếu lao động còn lớn hơn nhiều. Tính đến nay, 1.900 lao động của Công ty TNHH T.H (quận Bình Tân) đã tạm nghỉ việc không lương. “Công ty hỗ trợ một phần chi phí ngoài lương cho người lao động và hoàn thiện thủ tục để công nhân hưởng hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ. Hiện công ty vẫn chưa nắm được bao nhiêu công nhân đã về quê, bao nhiêu đang ở lại. Nếu được sản xuất bình thường lại, công ty cần tuyển dụng khoảng 500 - 600 lao động nhưng tình hình này sẽ rất khó tuyển” - đại diện Công ty T.H cho biết.
Công ty cổ phần Yamaguchi Việt Nam có nhà máy ở Khu công nghiệp Lai Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng bị ảnh hưởng nặng. Do giãn cách nên một số lao động có con nhỏ không thể làm “3 tại chỗ” được, một số lao động có hoàn cảnh khó khăn, gia đình ở xa không đi làm được nên xin nghỉ khiến công ty thiếu lao động. Muốn bổ sung số lao động thiếu hụt này là hết sức khó khăn trong thời điểm giãn cách. Theo chị Lan Hương - nhân viên phụ trách nhân sự của công ty, việc sắp xếp và bổ sung nguồn lao động cho công ty lúc này là một thử thách.
Không chỉ lo thiếu lao động, nhiều doanh nghiệp còn phải đối phó tình trạng chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dẫn đến vật liệu linh kiện không lưu thông, xuất nhập khẩu bị chậm hoặc bế tắc.
“Chúng tôi đã “hứa lèo” với đối tác nhiều lần. Họ không thể đợi chờ mình mãi được. Việc giữ chân người lao động mà chuỗi liên kết đã đứt gãy khiến doanh nghiệp rất khó khăn mới khôi phục và quay trở lại đà sản xuất. Thành phố cần đưa ra một thời điểm cụ thể, có thể chậm trễ 1 tuần, 2 tuần để doanh nghiệp lên phương án, có cơ sở để liên hệ với đối tác...” - ông Nguyễn Mạnh Dũng nêu ý kiến.
Công ty TNHH Maxcore thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội chuyên về may mặc, có 430 lao động. Do công ty may nên phần lớn là lao động nữ, có con nhỏ nên không thể làm “3 tại chỗ”, chỉ có 80 lao động có thể đi làm được trong thời gian giãn cách. Nhưng ngay cả số đi làm được, các thủ tục “vùng xanh”, “vùng đỏ” khiến họ tới được công ty rất khó khăn, chị Cao Thùy Dung - phụ trách nhân sự của công ty - cho biết.
Bức tranh việc làm của công nhân thời dịch là những mảng màu phức tạp: một số về quê tránh dịch chưa thể quay lại công ty, thu nhập bị đứt quãng. Một số khác mắc kẹt tại vùng dịch phải nhận hỗ trợ từ gia đình, và rất nhiều lao động đang cầm cự bằng tiền tiết kiệm ít ỏi.
Trong dòng người lao động ùn ùn hồi hương từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung, các vùng quê nghèo ở Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa là những nơi có đông các gia đình dắt díu nhau về né dịch nhất. Về rồi, suốt nhiều tháng qua, họ sống ra sao? “Qua con số cách ly tập trung và cách ly tại gia đình, chúng tôi thống kê khoảng 500 người đi lao động ở TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương... buộc phải về quê tránh dịch đợt này. Từ khi về đến nay, nhiều người chẳng biết làm gì ngoài các việc vặt trong nhà, chăn nuôi, làm ruộng với quy mô nhỏ” - ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND xã miền núi vùng cao Kỳ Sơn (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) cho biết.
Anh Nguyễn Công Hưng, xóm Đội Cung 2, xã Kỳ Sơn, cho biết anh cùng nhóm 10 công nhân xây dựng cùng quê ra Hà Nội làm từ nhiều năm nay. Cuối tháng 7, cả nhóm buộc phải đón xe về quê vì Hà Nội có dịch. Từ đó tới nay anh và nhiều người quanh quẩn với mảnh vườn nhỏ, đám ruộng, không biết làm gì thêm. “Giờ chỉ mong sao Hà Nội sớm hết dịch để quay lại làm việc kiếm thu nhập” - Hưng nói.
Anh Đỗ Xuân Lân, xóm Đội Cung 1, cho biết lâu nay anh làm việc ở một doanh nghiệp dạy lái xe tại TP.HCM. Chị Huyền, vợ anh, làm cho một công ty điện tử. Hai vợ chồng thuê trọ, gửi con cho ông bà để đi làm kiếm tiền về quê mua đất xây nhà. Dịch bùng phát, họ lại phải quay về quê. Anh Lân cho biết họ và phía doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn giữ liên lạc, chỉ cần khống chế được dịch là cả hai sẽ vào lại thành phố.
Cuối tháng 7, trong dòng người kéo nhau từ phía Nam về miền Trung tránh dịch, chúng tôi gặp nhiều người ở các huyện miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn, Anh Sơn (Nghệ An), Hoằng Hóa, Như Thanh (Thanh Hóa), Quảng Ninh (Quảng Bình)... Ngày 12-9, khi liên lạc với những lao động này, chúng tôi nhận được câu trả lời chung: tất cả đang sống dựa vào gia đình ở quê, chờ đợi dịch hết để quay trở lại làm việc.
Nhưng Bùi Thu Hương - một công nhân lâu năm ở Khu công nghiệp (KCN) Vsip, Bắc Ninh - đợt dịch lần này đã nghỉ hẳn. Dù làm ở vị trí trợ lý của một dây chuyền sản xuất nhưng việc làm đợt nhiều đợt ít, chị về quê cả tháng nay chỉ ở nhà trông con chưa có việc gì để làm. Chồng chị làm nhân viên điện nước ở Hà Nội cũng đang nghỉ, hai vợ chồng đang sống cùng ông bà nội. Ở quê (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) chỉ có đồi núi, ruộng ít, chủ yếu trồng sắn, rau màu. Hương muốn làm vườn cũng phải đợi hết vụ người thuê mới trả đất, hoặc phải khai khẩn lại ruộng vườn bỏ hoang lâu ngày.
Phải nghỉ việc khi dịch bùng phát dữ dội ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, vợ chồng Giàng A Phùa trở về quê nghèo và tới giờ vẫn chưa có nguồn thu nhập nào. Ngày trở lại công ty vẫn còn rất xa... Đều là công nhân thời vụ, dịch bùng phát khiến cả hai vợ chồng Phùa phải nghỉ việc không lương và cách ly tại phòng trọ. Vợ của Phùa lại đúng kỳ sinh con thứ 2 nên khó khăn càng nhân lên, đến mức ngày đưa vợ vào viện hạ sinh, họ chỉ còn 2kg gạo và vài trăm ngàn đồng. Chủ phòng trọ cho Phùa 500.000 đồng để đưa vợ đi sanh, sau được nhà hảo tâm hỗ trợ đồ dùng trong thời gian cách ly. Hết cách ly, Phùa đưa vợ con về quê tránh dịch. “Về quê còn có rau cỏ, ở lại thì tôi không còn đồng tiền nào, vợ đói ăn sẽ không có sữa cho con bú” - Phùa nói.
Nhưng về quê rồi, họ vẫn gian nan. Tới nay đã hơn 2 tháng về quê Sìn Hồ, Phong Thổ, Lai Châu, vợ chồng Phùa ăn chưa đủ bữa. Bữa cơm đủ chất cho vợ ở cữ, Phùa cũng không thể lo được đầy đủ. “Lúa đến cuối tháng mới được gặt, tôi có trồng được một ít thảo dược nhưng chưa bán được. Từ hôm về vẫn chưa làm gì ra tiền” - anh buồn rầu. Ông bà nội ngoại đều khó khăn và ở xa. Con gái đi học mẫu giáo hết hơn 200.000 đồng học phí, Phùa cũng phải vay tiền. Nay tình hình dịch Bắc Giang, Bắc Ninh đã ổn, Phùa chỉ muốn đi làm nhưng xe khách chưa có chuyến nào chạy. “Không biết khi nào mới có xe, tôi mong đi làm quá” - Phùa thở dài.
Anh Nguyễn Văn Tâm, ở Giồng Trôm, Bến Tre, là lao động chính trong nhà. “Trước đây tôi làm công nhân bao bì ở Bình Dương, lương mỗi tháng cộng thêm phụ cấp được gần 10 triệu đồng. Giữa tháng 7-2021, khi dịch bùng phát, công ty cho nghỉ việc nên tôi về quê và bị kẹt đến nay” - anh Tâm nói. Nhà anh có hơn 3 công (hơn 3.000m2 ) vườn dừa nhưng dịch bệnh nên dừa không bán được. Mọi nguồn thu nhập đều bị mất đột ngột, cuộc sống của cả gia đình lâm vào khốn khó. Hiện anh sống bằng nghề cắt tóc dạo, giá 20.000 đồng/lần nhưng ngày có khách ngày không.
Bùi Thị Dền và chồng làm công nhân may tại một nhà máy ở KCN Vsip (Bắc Ninh). Hơn 15 ngày nay, họ nghỉ làm, ở phòng trọ thực hiện giãn cách xã hội vì công ty may của họ đang tạm dừng hoạt động vì dịch. Cả hai không thể về quê Thái Nguyên vì không có chuyến xe khách nào được chạy giữa hai tỉnh. “Vợ chồng tôi phải nghỉ mấy đợt vì dịch rồi” - chị nói. Cả hai còn may mắn vì có lương cơ bản, hơn 4 triệu đồng/người, điều mà nhiều công nhân khác do làm thời vụ nên không có.
Cũng mắc kẹt tại phòng trọ, Bùi Thị Thi, quê ở Hòa Bình, đã làm lâu năm tại KCN Vsip và vẫn đang chờ công ty thông báo xem chị có được hưởng tiền lương cơ bản hay không. Chị lo lắng, nếu không có lương mà vẫn kẹt lại phòng trọ thì khó trụ được lâu. Ở quê chị còn hai con đang học cấp II, chị không về được quê mà tiền cũng chưa có để gửi về.
Sau khi mắc kẹt ở phòng trọ hơn 1 tháng, Nguyễn Thị Thu, công nhân thời vụ tại KCN Bắc Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã phải về quê vì không thể cầm cự cho đến khi có việc làm. Vì là công nhân thời vụ nên việc làm vốn đã bấp bênh, mùa dịch càng khó khăn hơn. “Nếu dịch không bùng phát chắc tôi đã được ký hợp đồng dài hạn rồi. Một số công ty có ca F0 nên họ không tuyển nữa” - Thu buồn rầu. Mới nghỉ việc, Thu ở lại phòng trọ với hy vọng sẽ có việc làm thời vụ, nhưng việc làm không có lại gặp đợt giãn cách ở yên một chỗ. Hết đợt giãn cách tại khu dân cư ở trọ, Thu chỉ còn cách tìm đường về quê Yên Bái. Nếu ở lại sẽ không đủ tiền cầm cự vì giá cả sinh hoạt đều tăng.
Chị Bùi Thị Hà (quê Tiền Giang) làm công nhân tại một KCN ở TP.HCM. Vừa làm được một thời gian thì công ty có người mắc COVID-19. Ban đầu công ty hoạt động “3 tại chỗ”, chị đăng ký ở lại làm nhưng khi dịch bùng phát, công ty đóng cửa, chị phải ở yên trong nhà trọ hơn 2 tháng nay. “Cũng may lâu lâu có đoàn cứu trợ, xin được bó rau, ký gạo cầm cự qua ngày nên cũng đỡ. Tôi đang nhờ người nhà dưới quê vay mượn gửi lên đây vài triệu để sinh sống” - chị nói.
Đầu tháng 9, những chuyến xe đưa người dân từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây, miền Trung tiếp nối nhau. Tại Bến xe Miền Tây sáng 11-9, một hãng xe tổ chức gần 40 chuyến xe đưa hơn 700 người dân các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Đồng Tháp về quê tránh dịch. Trong đó phần đông là công nhân, lao động tại các nhà máy, xí nghiệp. Họ không thể tiếp tục trụ lại thành phố sau nhiều tháng nhà máy đóng cửa. Dù đã bắt đầu có thông tin thành phố sẽ mở cửa lại một phần, họ vẫn quyết định về quê.
“Vợ chồng tôi tính về quê rồi ở lại tìm việc chứ không quay lại thành phố nữa. Giờ chỉ muốn làm gần nhà cho con cái đi học, có ông bà giữ giùm để vợ chồng đi làm” - chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên (25 tuổi, quê Bạc Liêu) vừa bồng con lên xe vừa kể. Lần về quê này cả nhà chị có 5 người: 2 vợ chồng chị, 2 đứa con và bà nội. “Vợ chồng tôi đều là công nhân may, lên thành phố mấy năm rồi. Hơn hai tháng qua thất nghiệp, không còn tiền bạc nữa. Ở quê cũng có nhà máy, lương không bằng ở đây nhưng gần cha mẹ. Bà nội không phải lên đây ở nhà trọ chật chội giữ cháu nữa” - chị Tiên chia sẻ. Đã quyết về quê luôn nên có bao nhiêu đồ đạc, họ gói ghém đem theo cả, từ mùng mền đến cái quạt điện, bình nước nóng...
Vợ chồng chị Tiên chỉ là 2 trong số nhiều công nhân trên những chuyến xe về quê này. Nhiều người khác cũng quyết định “về quê rồi ở lại”. Xách chiếc quạt điện và hai cái vali nặng, anh Nguyễn Thái Dương (28 tuổi, quê Bạc Liêu) cho biết vợ chồng anh và hai đứa con sẽ về quê và ở lại tìm việc làm. “Hai vợ chồng làm công nhân may ở đây 2 năm rồi. Công ty cũng chưa biết khi nào gọi đi làm nên có muốn chờ cũng không chờ được nữa. Vợ tôi mới sanh bé thứ 2 được 6 ngày. Nhưng chúng tôi chờ có xe về quê lâu rồi mà nay mới có nên vẫn quyết định về luôn” - anh Dương kể.
Mang thai ở những tuần cuối cùng của thai kỳ, chị Võ Thị Diễm Hương (29 tuổi, quê Bạc Liêu) cũng quyết định về quê sanh em bé và tìm việc làm ở quê. “Vợ chồng em lên thành phố làm công nhân cũng 4 - 5 năm rồi. Mấy tháng qua cũng ráng chờ đi làm lại để có tiền sanh em bé mà dịch lây lất hết tháng này qua tháng khác. Về quê sanh có cha mẹ đỡ đần. Giờ thành phố cũng không biết khi nào mới hết dịch nên vợ chồng em cũng chưa tính đường trở lên” - chị Hương tâm sự.
Chị Trần Thị Kim Thanh, quê Giồng Trôm, Bến Tre, là nhân viên trực điện thoại cho một công ty ở quận 7, TP.HCM, lương 7 triệu đồng/tháng. Trong một lần về quê giải quyết công việc gia đình thì dịch COVID-19 bùng phát. “Ban đầu tôi cũng lưỡng lự có nên quay lại TP.HCM hay ở lại quê nhưng cuối cùng tôi chọn ở quê. Hằng ngày tôi và chồng tôi đi lấy cá biển, rau củ về bán, vừa bán tại chỗ vừa rao hàng online” - chị Thanh nói.
Tất cả những nỗ lực xoay xở của các doanh nghiệp khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư càn quét qua nhiều tỉnh thành, từ mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, tuân thủ quy định “luồng xanh”, test COVID-19... đều làm chi phí sản xuất tăng cao. Và khi đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả đầu vào và giá cả vận chuyển cũng tăng cao. Hầu hết các DN đã giảm quy mô sản xuất, giảm sản lượng đầu ra và tạm dừng sản xuất. Theo Bộ KH&ĐT, số DN rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm 2021 là 85,5 nghìn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn, chiếm 50,5% tổng số DN rút lui khỏi thị trường, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Trên 90% các DN thuộc Hiệp hội Dệt may, da giày, điện tử phải dừng sản xuất.
Bức tranh về thị trường việc làm cũng thật ảm đạm. Theo Tổng cục Thống kê, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2-2021 là 49,9 triệu người, giảm 65.000 người so với quý 1. Đến ngày 1-8-2021, số lao động đang làm việc trong các DN công nghiệp giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng 7 và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm 2020. Đại dịch gây ra những khó khăn gay gắt về việc làm, sinh kế và đời sống của nhiều lao động, đặc biệt là lao động di cư, mặc dù Chính phủ, chính quyền sở tại, cộng đồng... đã tận tình giúp đỡ. Ước tính có đến hàng trăm nghìn lao động rời TP.HCM, Bình Dương và các trung tâm công nghiệp về quê trong những tháng vừa qua.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 2-2021 cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi đại dịch, gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Cuộc khảo sát tác động của đại dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm của DN do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 7-2021 đã cho thấy nguy cơ lớn nhất của DN là thiếu hụt lao động. Đã thấy rất rõ lựa chọn của nhiều lao động nghỉ việc về quê tránh dịch: họ có khả năng không quay lại do lo ngại dịch bệnh và vì những khó khăn mà họ đã trải qua.
Trong khi đó, theo báo cáo của các hiệp hội DN như dệt may, da giày, điện tử..., nhiều DN đã ký kết các đơn hàng đến hết năm 2021, thậm chí đến hết quý 1-2022, cần gấp rút ổn định tổ chức sản xuất để hoàn thành kế hoạch.
Theo một báo cáo của trang Manpower, tháng 7-2021 có 26,5% số DN ngành sản xuất và chế biến chế tạo dự kiến các hoạt động tuyển dụng sẽ trở lại tình trạng trước COVID-19 sau 3 - 6 tháng nữa. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy 32,6% số DN ngành chế biến chế tạo có kế hoạch tăng lao động trong thời gian tới. Có thể thấy nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN khi đại dịch lắng xuống là rất lớn. Tuy nhiên, với diễn biến của dịch bệnh và tình hình áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội như hiện nay, các DN sẽ phải đối mặt 2 thách thức lớn về tuyển dụng nhân sự:
Thứ nhất: Thiếu lao động, do nhiều người đã ra khỏi lực lượng lao động. Tại quê nhà, nhiều người có thể đã tìm được công việc mới hoặc sinh kế khác và không sẵn sàng trở lại thành phố, các khu công nghiệp.
Thứ hai: Thiếu hụt kỹ năng. Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động, nhiều DN đã có chiến lược đầu tư đổi mới công nghệ và sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng. Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và UNESCO cuối năm 2020, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật bậc trung và bậc cao của ngành dệt may sẽ tăng lên 50% sau đại dịch.
Dịch bệnh đang làm gián đoạn quá trình đào tạo này của DN và người lao động. Một số nghiên cứu gần đây ước tính những điều chỉnh chương trình và phương pháp đào tạo trong thời gian đại dịch COVID-19 sẽ có tác động tiêu cực đến chất lượng nhân lực và thu nhập của người lao động trong tương lai. Tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng trên thị trường lao động vốn đã xuất hiện từ trước đại dịch, nay càng trở nên trầm trọng hơn.
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển về hỗ trợ DN và người lao động vượt qua đại dịch COVID-19 là các chính sách giúp người lao động sớm vượt qua những khó khăn trước mắt, quan trọng hơn là củng cố cho họ niềm tin vào tương lai, tự học để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng. Để ổn định cầu lao động và duy trì hoạt động kinh doanh, các nước đang phát triển ưu tiên hỗ trợ thanh khoản cho các DN và thực hiện điều chỉnh các quy định về lao động.
Chính sách thanh khoản phổ biến nhất là miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng và phương tiện thanh toán các khoản vay. Về quy định lao động, các nước cho phép làm việc từ xa, luân chuyển công việc, rút ngắn thời gian làm việc hoặc sắp xếp công việc linh hoạt khác. Các nước cũng thực hiện các thay đổi về chính sách đãi ngộ đối với người lao động. Các biện pháp mới hỗ trợ doanh nhân và DN là biện pháp phổ biến thứ ba, sau hỗ trợ thanh khoản và điều chỉnh quy định lao động.
Rõ ràng là với những khó khăn như hiện nay thì một mình DN sẽ không thể giải quyết được. Chính phủ đã triển khai hàng loạt các giải pháp chính sách, gói hỗ trợ DN và người lao động. Các địa phương, cộng đồng, các nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, khó khăn đang vượt quá những gì mà DN và người lao động đang cố gắng vượt qua. Họ cần được hỗ trợ một cách nhanh nhất, sớm nhất và dài nhất có thể.
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc đang có nguy cơ thiếu hụt lao động trong thời gian sau đại dịch, nhất là lao động phổ thông trong lĩnh vực sản xuất.
Thời gian gần đây, người dân Trung Quốc không khó bắt gặp cảnh công ty môi giới việc làm ngồi đầy các bến xe khách hay trước cổng nhà máy với bảng thông báo tuyển dụng.
Chị Liên, nhân viên một công ty môi giới lao động ở Thâm Quyến, 5h30 sáng đã vội đến tầng 3 một bến xe khách ở Thâm Quyến để dành chỗ dựng bảng thông báo tuyển dụng. Dưới tầng 1 bến xe đó là cả một dãy văn phòng san sát của hàng loạt công ty môi giới lao động, ngoài cửa thì chi chít thông tin tuyển dụng và các nhân viên môi giới sẵn sàng tư vấn cho bất kỳ lao động có nhu cầu nào đi ngang.
Trần Uy, quê Tứ Xuyên, đến Thâm Quyến lập nghiệp hơn 10 năm trong lĩnh vực này, kể với tờ Đệ Nhất Tài Kinh: “Trước đây người ở quê đều đến nhờ tôi giới thiệu vô nhà máy làm việc, giờ thì ngược lại, tôi phải đi nài nỉ họ vô làm ở nhà máy”.
App “Tôi muốn ứng tuyển” của Tập đoàn FOXCONN đăng tải tuyển dụng cho 4 dây chuyền sản xuất cần 2.800 lao động, nhưng sắp đến ngày hết hạn vẫn thiếu 50%. Mặc dù đây là tập đoàn lớn, lương cao, giới thiệu một lao động được 1.800 tệ (khoảng 6,3 triệu đồng) hoa hồng; còn ứng viên trúng tuyển sẽ được thưởng 4.200 tệ khi làm đủ 4 tháng. Mức hoa hồng và thưởng hấp dẫn như vậy nhưng cũng không dễ tìm được người thích hợp.
Tập đoàn Thánh Tuyền ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông là một doanh nghiệp xuất khẩu đang rất cần lao động. Người phụ trách nhân sự của tập đoàn này cho biết sau tết tập đoàn thiếu 1.500 lao động nhưng mỗi tháng chỉ tuyển được 150 người. Còn ở thành phố Đông Quản, Quảng Đông, những năm gần đây lực lượng lao động lĩnh vực sản xuất đứng ở mức 5 triệu, dù dân số vẫng tăng đều. Nhiều nhà máy tăng cường tự động hóa nhưng vẫn rơi vào tình trạng khó khăn trong tuyển dụng, nhất là công nhân kỹ thuật cao.
Không chỉ sản xuất công nghiệp, các công trường xây dựng ở Trung Quốc cũng thiếu nhân lực. Khi lớp lao động nhập cư của thời còn đói kém lần lượt về hưu, những người trẻ từ nông thôn giờ không muốn làm công việc nặng nhọc không có tương lai đó nữa.
Hồ Xuân Thành người Sơn Tây khi vừa đặt chân đến Thượng Hải từng làm việc ở nhà máy. Vào làm xong anh phát hiện phải tăng ca liên tục mới đạt mức thu nhập mà công ty hứa hẹn, nhiều hôm làm việc 12 tiếng. Công việc thì khô khan, không được tự do. Anh đã bỏ việc và nay đang làm shipper, một nghề mà anh cho là vẫn tốt hơn làm công nhân. “Dù sao tôi muốn làm thì làm không làm thì thôi, không có nhiều quy định. Chỉ bận rộn vào giờ cơm trưa và tối, tiền cũng dễ kiếm” - anh chia sẻ với tờ Lao Động.
Ông Chu Thuận Khánh - quản lý Công ty dịch vụ lao động Thông Đáp Thượng Hải, có kinh nghiệm 20 năm trong nghề - cho rằng giới trẻ Trung Quốc giờ không thích làm công nhân. Hồi xưa, người trẻ vào làm công nhân muốn học nghề làm thợ chính; còn người trẻ ngày nay vào nhà máy để lấy tiền thưởng rồi nghỉ. (Ở Thượng Hải, mức thưởng cho lao động mới làm đủ 3 - 4 tháng từ 500 - 1.000 tệ). Họ cũng đòi hỏi hơn về lương bổng, ăn ở, điều kiện làm việc chứ không mấy quan tâm tới nội dung công việc, yêu cầu trình độ, kỹ năng. Công ty ông giờ tuyển công nhân càng ngày càng xa và càng khó, phải đến tận các vùng Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang hay Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Quảng Tây.
Quan niệm việc làm của giới trẻ Trung Quốc thay đổi, các dự luật bảo vệ người lao động ngày một chặt chẽ, người lao động ý thức hơn về quyền lợi của mình, khiến nhiều doanh nghiệp vừa không tuyển được người vừa không dám sa thải công nhân. Luật lao động hiện quy định đuổi người trước hạn phải đền bù có khi cả trăm ngàn tệ. Gần như mọi doanh nghiệp trong lúc phải hồi phục sau dịch này đều không muốn dính vào những tranh chấp lao động.
Thực tế, Trung Quốc lâu nay vẫn tồn tại tình trạng thiếu lao động theo mùa nhưng sau đại dịch sự thiếu hụt lao động trầm trọng hơn, tờ Tham Khảo Kinh Tế của Tân Hoa xã nhận định.
Đài CCTV trích dẫn số liệu của Cục Thống kê nước này cho thấy cuối năm 2019, dân số trong độ tuổi lao động (16 - 59 tuổi) là 896 triệu người, giảm 890.000 so với năm 2018, tiếp tục xu hướng cả chục năm qua. Dân số trong độ tuổi lao động Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2011. Những năm gần đây, lợi thế của thời kỳ dân số vàng đã mất, lao động giá rẻ không còn.
Trong một báo cáo, Công ty TNHH thị trường nhân lực Thâm Quyến nhấn mạnh sự lệch pha cung cầu của thị trường hiện giờ. Ví dụ, yêu cầu tuyển dụng lao động của các ngành như may mặc, dịch vụ ăn uống đa phần là nữ, 18 - 25 tuổi, trong khi công nhân trực tiếp sản xuất ở các nhà máy sử dụng nhiều lao động đa phần là lao động nhập cư hay lao động nông thôn dư dôi, tuổi đời cao, trình độ thấp, thiếu kỹ năng.
Tờ Đệ Nhất Tài Kinh cho rằng hiện giới trẻ Trung Quốc có quá nhiều việc làm để lựa chọn nên lĩnh vực thù lao thấp, công việc nặng nhọc khó lòng thu hút họ. Với lao động giản đơn, hiện lĩnh vực đang có sức hút lớn là dịch vụ giao nhận hàng hóa, chuyển phát nhanh.
Báo cáo điều tra của ứng dụng gọi món “Đói chưa” của Tập đoàn Alibaba cho thấy trong năm 2020, ứng dụng này có đến 3 triệu shipper, trong đó thế hệ 9X chiếm 50%, thế hệ 10X đăng ký mới tăng 2 lần, có 50% nói sẵn sàng giới thiệu công việc cho người cùng trang lứa.
Các số liệu đáng chú ý khác là 80% shipper đến từ vùng nông thôn ở An Huy, Hà Nam hay Tứ Xuyên; lương bình quân của họ khoảng 5.800 tệ/ tháng (20,4 triệu đồng), cao hơn thu nhập bình quân trên cả nước với khu vực thị trấn năm 2019. Trong 300 shipper của ứng dụng "Đói chưa", có đến 15% xuất thân là công nhân; còn ứng dụng Meituan có 27,2% xuất thân từ công nhân.
Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề. Tháng 6 vừa rồi, Quốc hội Trung Quốc đã sửa đổi Luật dạy nghề, lần đầu tiên khẳng định giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề là có tầm quan trọng như nhau. Nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục dạy nghề cũng được ban hành.
Để giải quyết nhu cầu trước mắt, một số doanh nghiệp chọn giải pháp hạ tiêu chuẩn tuyển dụng. Nếu độ tuổi tuyển dụng trước đây là dưới 30, hai năm gần đây đã nâng lên thành dưới 45. Năm nay, do nhu cầu sản xuất sau dịch tăng, độ tuổi tuyển dụng đã là dưới 55 tuổi. Một số doanh nghiệp khác chọn giải pháp tăng lương. So với năm 2020, lương công nhân may ở Quảng Đông đã tăng trung bình 500 tệ/tháng, những vị trí khan hiếm lao động như khâu ủi, may có lương tháng lên đến 6.000 - 10.000 tệ (21,1 - 35,2 triệu đồng).
Không chỉ tăng lương, có doanh nghiệp còn quan tâm chăm lo đời sống công nhân, cung cấp chỗ ở, bếp ăn 3 bữa/ngày chỉ với giá 8 tệ/người (28.000 đồng), được thanh toán tiền vé về quê hằng năm, nhân viên cũ hướng dẫn nhân viên mới vào nghề trong 3 tháng được thưởng 1.200 tệ... Các hội chợ việc làm, sự kiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp cũng được chính quyền đứng ra tổ chức.
Ngoài ra có cả những mô hình mới mang tính thử nghiệm như “chia sẻ nhân lực” ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Trong mô hình này, các nhà máy có cùng công năng và yêu cầu kỹ thuật có thể “san sẻ” nhân lực với nhau trong những thời điểm thiếu hụt lao động qua sự điều phối của các khu công nghiệp. Trước đó, mô hình này từng được áp dụng trong lĩnh vực dịch lưu trú để giúp các doanh nghiệp du lịch khôi phục hoạt động sau dịch.
Nhưng về lâu dài, giới chuyên gia cho rằng cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi công nghệ, bớt phụ thuộc vào các ngành thâm dụng lao động, xây dựng cơ chế đào tạo chuyên nghiệp và mở rộng hợp tác hai miền đông tây, hỗ trợ vùng nông thôn phát triển.
Những thay đổi trong hoạt động kinh doanh do đại dịch COVID-19 gây ra có thể thúc đẩy thị trường lao động tăng trưởng và cải tiến nhanh hơn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những lao động giản đơn, dễ bị tổn thương khi cơn khủng hoảng được kiểm soát.
“Một khi một công việc được tự động hóa, rất khó để mọi thứ trở lại như xưa” - Casey Warman, nhà kinh tế học tại Đại học Dalhousie (Canada) đã nghiên cứu về tự động hóa trong đại dịch, chia sẻ với The New York Times.
Đó cũng là mối lo của nhiều kinh tế gia, rằng làn sóng tự động hóa mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh vì COVID-19 về lâu dài có thể xóa sổ nhiều công việc và khiến người lao động mất đi vị thế thương lượng với nhà tuyển dụng, đặc biệt là những người vốn có mức lương thấp.
Theo nghiên cứu “Điều gì xảy ra tiếp theo đối với người tiêu dùng, người lao động và các công ty trong quá trình khôi phục sau COVID-19” công bố hồi tháng 5 của Hãng tư vấn McKinsey, những thay đổi trong cách sống và làm việc của con người do COVID-19 sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài đối với thị trường lao động sau khi đại dịch lắng xuống.
Qua khảo sát các xu hướng thay đổi của 8 nền kinh tế (Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật, Tây Ban Nha, Mỹ và Anh - chiếm 45% dân số và hơn 60% GDP toàn cầu), McKinsey nhận định: COVID-19 đã buộc con người chuyển mọi hoạt động có thể sang môi trường trực tuyến, từ đó thúc đẩy quá trình ứng dụng kỹ thuật số hàng loạt vốn diễn ra với tốc độ chậm chạp hơn rất nhiều trước đại dịch.
Các công ty yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà, hủy mọi lịch trình công tác, họp hành đều được đưa lên không gian mạng. Người tiêu dùng truy cập trực tuyến để từ mua hàng tạp hóa, học tập đến tập thể dục và khám bệnh.
Các doanh nghiệp cũng chuyển sang sử dụng nhiều công cụ kỹ thuật số theo những cách mới để đảm bảo các yêu cầu về giãn cách và hạn chế tiếp xúc. Chẳng hạn, các đại lý bán ôtô thông qua email, tin nhắn, phần mềm Zoom và ứng dụng Facetime mà không cần thực hiện bất kỳ liên hệ vật lý nào với khách hàng.
Các công ty giảm mật độ nhân viên tại nơi làm việc bằng cách chuyển sang tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Các chuyên gia kỹ thuật có thể xử lý vấn đề xảy ra ở nhà máy cách họ hàng nghìn cây số thông qua công nghệ thực tế ảo mà không cần phải bay đến tận nơi.
Những thay đổi này không những mang lại nhiều sự tiện lợi mà còn góp phần giúp công việc đạt hiệu quả và năng suất cao hơn. Nhưng sự tăng trưởng đó sẽ diễn ra không đồng đều giữa các đối tượng lao động khác nhau. Sự chênh lệch này sẽ còn tiếp diễn trong giai đoạn hậu COVID-19, khi cơ hội việc làm giữa các nhóm ngành nghề cũng sẽ khác nhau.
Cụ thể, theo báo cáo của McKinsey, tăng trưởng việc làm có thể sẽ chỉ xảy ra ở những ngành nghề có mức lương cao như chăm sóc sức khỏe và các ngành nghề khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học; việc làm trong lĩnh vực vận tải cũng có thể sẽ tăng lên nhờ sự phát triển của nền kinh tế giao hàng tận nơi, mặc dù trước dịch, cơ hội trong mảng này được dự báo là sẽ suy giảm.
Trong khi đó, tình trạng giảm nhu cầu có thể kéo dài đến năm 2030 đối với nhiều nghề khác như dịch vụ khách hàng, bán hàng, dịch vụ ăn uống và các vai trò hỗ trợ văn phòng, chẳng hạn trợ lý hành chính và kế toán. Sự gián đoạn nhu cầu này có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn nhất đến các công việc có mức lương thấp, vốn từng là lựa chọn an toàn cho người lao động bị mất việc do công ty phá sản hay đóng cửa.
Viễn cảnh kém lạc quan của McKinsey có vẻ hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra ở phương Tây khoảng đầu năm nay, khi nền kinh tế dần mở cửa lại. Theo The New York Times, các nước như Mỹ chứng kiến sự gia tăng nhu cầu đối với bồi bàn, người giúp việc khách sạn, nhân viên bán lẻ và những người làm các ngành dịch vụ đã cắt giảm nhân sự trong thời kỳ giãn cách xã hội. Đồng thời, các phúc lợi trong thời COVID-19 của chính phủ cho phép người lao động trở nên kén chọn hơn trong việc lựa chọn việc làm.
Kết hợp với nhau, các yếu tố đó đã mang lại cho những người lao động lương thấp một cơ hội hiếm hoi để san bằng vị thế thương lượng với nhà tuyển dụng, dẫn đến việc được trả lương cao hơn, hưởng lợi ích hào phóng hơn bên cạnh các đặc quyền khác. Tuy nhiên, những lợi ích kể trên của người lao động lương thấp chỉ tồn tại một cách ngắn ngủi khi các thành quả của tự động hóa nhanh chóng đẩy lợi thế về phía người sử dụng lao động.
Theo khảo sát trên gần 300 công ty toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm ngoái, 43% doanh nghiệp cho biết họ dự định sẽ cắt giảm lực lượng lao động thông qua việc sử dụng công nghệ mới. Marc Perrone - chủ tịch Liên hiệp Công nhân thương mại và thực phẩm Mỹ, một công đoàn đại diện cho công nhân ngành hàng tiêu dùng - chia sẻ: “Mọi người từng gọi họ [những lao động trong ngành hàng tiêu dùng] là những anh hùng. Giờ đây người ta chỉ tìm cách để loại bỏ họ”.
Tại nhiều doanh nghiệp Bắc Mỹ, tự động hóa đã ảnh hưởng đến số lượng và loại hình công việc sẵn có. Nhà hàng dùng lò nướng không cần sự giám sát của nhân viên, siêu thị lắp đặt làn cho khách hàng tự thanh toán, cửa hàng sử dụng robot để phát hiện những chỗ thức ăn bị rơi vãi và kiểm tra hàng tồn kho, các chuỗi bán lẻ dùng robot để đóng gói đơn hàng và thậm chí sử dụng thiết bị không người lái để giao hàng.
McKinsey dự báo hơn 100 triệu công nhân tại 8 quốc gia trong nghiên cứu có thể sẽ cần phải thay đổi nghề nghiệp vào năm 2030. Con số này cao hơn 12% so với ước tính của hãng tư vấn này trước đại dịch. Nhưng để có được công việc trong các ngành nghề được dự báo sẽ tăng cầu, người lao động sẽ phải trang bị những kỹ năng hoàn toàn khác biệt so với nhiều công việc có mức lương thấp và trung bình và có khả năng bị thay thế bởi tự động hóa.
Theo The New York Times, ở một góc nhìn khác, một số nhà kinh tế coi việc gia tăng đầu tư vào công nghệ là một điều đáng khích lệ. Tờ này dẫn lời Katy George, chuyên gia cao cấp của McKinsey, cho biết tự động hóa có thể gây hại cho những đối tượng lao động nhất định, nhưng nếu nó làm cho nền kinh tế trở nên năng suất hơn, điều đó có thể tốt cho cả người lao động.
Với cùng quan điểm, Rob Carpenter, giám đốc điều hành của Valyant AI - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Colorado chuyên tạo ra hệ thống nhận dạng giọng nói cho các nhà hàng - cho biết tại hầu hết các nhà hàng, việc nhận đơn đặt hàng chỉ là một phần trong công việc hằng ngày của nhân viên. Tự động hóa nhiệm vụ đó không loại bỏ hoàn toàn nghề của họ, mà chỉ làm cho công việc dễ quản lý hơn.
Theo kênh NBCnews, một số nhà kinh tế cho rằng việc ứng dụng máy móc tuy làm mất đi một số công việc nhưng cũng tạo ra những công việc mới. Họ lý giải: máy móc giúp giá thành thấp hơn, doanh số bán hàng tăng lên và cần nhiều nhân công để làm ra hàng hóa hơn. Nhân công có thể tham gia những khâu mới, phức tạp hơn mà máy móc không thể thay thế được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận