Hai luật sư - tác giả: Theo đuổi nhiều việc để thấy thực tiễn xanh tươi

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 23/10/2023 14:49 GMT+7

TTCT - Tuổi Trẻ Cuối Tuần trò chuyện cùng luật sư, tác giả Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa.

Họ là thầy và cô giáo của nhiều kiểu lớp học, nhiều lứa sinh viên. Họ là luật sư của nhiều vụ án đình đám. Họ cũng là những cây bút báo chí quen thuộc, tác giả của nhiều bộ sách về lịch sử, pháp luật, báo chí.

Gần đây nhất là cuốn Nhân quyền của người Việt - Từ bộ luật Hồng Đức đến bộ luật Gia Long (NXB Tổng Hợp TP.HCM) đang được chú ý.

Luật sư Phan Đăng Thanh

Luật sư Phan Đăng Thanh

Bộ Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam là thể loại sách nghiên cứu, có nhiều chân dung quý về các nhà báo, các tờ báo gợi nhớ nhiều thời kỳ lịch sử. Ông bà làm thế nào để kết hợp được sử liệu với không khí thời đã qua?

LS Phan Đăng Thanh: Chúng tôi tập trung giới thiệu những văn bản pháp luật về báo chí Việt Nam từ ban đầu đến Cách mạng Tháng Tám và từ đó đến nay, tập trung lấy văn bản pháp luật để làm cột mốc phân kỳ lịch sử báo chí và sử dụng nhiều sự kiện, con người để minh họa.

Chúng tôi muốn đánh giá nền báo chí bằng cách xem nền tảng pháp lý đã gây dựng nên các thời kỳ báo chí cả về định chế, tổ chức và con người như thế nào, minh họa bằng chân dung, tư tưởng, cống hiến của các tờ báo và người làm báo.

Nghiên cứu cũng giúp chúng ta hiểu thêm nhiều góc cạnh. Thực dân xâm lược từ phương Tây đem tới nhiều thảm họa, dân tộc ta phải kháng chiến giành độc lập, nhưng cũng có hai nghề - luật sư và báo chí - do văn minh phương Tây đem lại, có tính trí thức, đều là những người có thể đấu tranh vì công bằng công lý và xã hội tiến bộ.

Luật sư Trương Thị Hòa

Luật sư Trương Thị Hòa

LS Trương Thị Hòa: Nhiều người đã nghiên cứu từ góc độ lịch sử và các kỹ thuật của báo chí, tức là nghiên cứu sản phẩm báo chí. Chúng tôi muốn tìm cái gốc cơ bản từ những quy định pháp luật, chẳng hạn ý nhà nước muốn báo chí như thế nào, các nhà nước hướng tới chế độ báo chí tiến bộ ra sao…

Chúng tôi làm nghề nào cũng muốn viết và nghiên cứu nghề đó. Làm báo thì viết lịch sử báo chí, làm luật sư thì viết lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam, truyền thống luật sư Việt Nam.

Khi đi giảng dạy, tôi cũng tập trung các môn như lịch sử Nhà nước và pháp luật, luật xuất bản - báo chí. Vừa trực tiếp làm nghề vừa nghiên cứu, vừa làm luật sư vừa là nhà báo mang lại niềm vui thích vì tôi luôn được gắn bó với thực tế đời sống xã hội, với suối nguồn thực tiễn xanh tươi. Cả hai nghề đều để phục vụ tinh thần bảo vệ sự thật, công lý, chống áp bức bất công, đấu tranh vì tiến bộ xã hội.

"Tôi học tranh thủ trong bộn bề công việc. Tôi dạy học từ khi còn chế độ cũ. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi ở trong nhóm do Thủ tướng Võ Văn Kiệt tin cậy giao làm báo Tin Sáng rồi sau qua làm báo Pháp Luật TP.HCM. Đó là thời gian vừa theo sát thực tế, vừa viết và nghiên cứu, học trong công việc. Tôi phải cố gắng nhiều".

LS PHAN ĐĂNG THANH

Nhiều người đọc bồi hồi thấy lại những tờ báo ban đầu khi Pháp vừa chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, cả quyết định giao cho Petrus Ký làm chánh tổng tài (chủ bút) tờ Gia Định báo và những nhà báo tiên phong, được thấy nhiều hình ảnh hiếm của những tờ báo đầu tiên thời kỳ Nam Bộ kháng chiến như Kèn gọi lính, Giết giặc… Có phải vì vậy ông bà từng nói rằng "làm sách nghiên cứu mà nhiều lúc bồi hồi không cầm được nước mắt"?

LS Phan Đăng Thanh: Chúng tôi tìm lại được những tờ báo kháng chiến giấy sần sùi cũ kỹ, có khi dính cả vết máu, có thể là của những người ôm nó chạy càn, lội ruộng ở hầm… gìn giữ cho ta thấy ngày nay. Tôi thấy đúng là "làm lịch sử là… sống với người chết".

Nhiều nhà nghiên cứu ở Pháp nói nhiều khi họ cũng phải sang Việt Nam tìm tư liệu. Các bảo tàng gìn giữ tư liệu nghiên cứu dạng này kỹ lắm, năn nỉ lắm họ mới cho coi và chụp hình. 

Chúng tôi mong người đọc trân trọng lịch sử của bao người đi qua, những cống hiến của họ, những thông tin mà báo chí ghi lại, qua nhiều thế hệ nhà báo, đem đến cho chúng ta tri thức và sự thấu hiểu.

Sách của hai tác giả tại NXB Tổng Hợp TP.HCM:

Chuyện xưa chuyện nay (2010)

Cải cách Hồ Quý Ly (2011)

Các chế độ Hôn nhân gia đình Việt Nam xưa và nay (2012)

Lược sử lập hiến Việt Nam (2013)

Lược sử lập hiến các quốc gia Đông Nam Á (2014)

Lịch sử lập hiến Cách mạng Việt Nam (2014)

Truyền thống Luật sư Việt Nam (2014)

Lịch sử nghề luật sư Việt Nam (2015)

Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (2 tập). Đoạt Giải sách quốc gia 2020.

Tư tưởng lập hiến VN nửa đầu thế kỷ XX

Nhân quyền của người Việt - Từ bộ luật Hồng Đức đến bộ luật Gia Long (2023).

Cả ông và bà đều là luật sư, nhà báo, giảng dạy đại học, lại cùng nghiên cứu. "Bốn nhà" ấy đều ngoài tuổi 70 rồi, ông bà cùng nhau làm việc như thế nào?

LS Phan Đăng Thanh: Khó nhất với chúng tôi là khâu tài liệu, sau đến tài viết, có người bảo phải có "tài chính", tài đến mấy không có tài chính là nguy. Tôi nghỉ hưu, không làm gì ra tiền, phải nhờ… bà này (cười, chỉ vợ). Bà ấy sống, nghiên cứu, xoay giữa bao nhiêu việc, lúc đi tòa án, lúc tốc hành xuống miền Tây, có ngày làm cỡ mười mấy hai chục tiếng đồng hồ, rồi dạy học, làm việc online…

Tiền từ sách thì chúng ta biết rồi, như cuốn mới đây về nhân quyền Việt Nam chúng tôi viết trong 10 năm, nhuận bút rất thấp, chia sẻ với khó khăn chung của ngành xuất bản bây giờ. Niềm vui và tình yêu đối với công việc hữu ích thúc đẩy chúng tôi tiếp tục.

Cuốn Lịch sử lập hiến Việt Nam được một giáo sư ở Tokyo xin dịch ra tiếng Nhật năm 2011, chúng tôi không lấy nhuận bút, vì hạnh phúc là được thấy có nhiều người đọc, dùng trong nghiên cứu học tập. Bạn đọc ở Mỹ, Úc cũng hỏi tìm để mua sách, đó là món quà tinh thần vô giá.

Hai ông bà vừa cho ra mắt cuốn sách đang làm nóng thời sự "Nhân quyền của người Việt - Từ bộ luật Hồng Đức đến bộ luật Gia Long". Ông có nói đây mới chỉ là lần "diễn tập" cho một mục đích lớn hơn. Đó là gì vậy ạ?

LS Phan Đăng Thanh: Cuốn sách này là cuộc diễn tập để chứng minh tư tưởng nhân quyền của người Việt đã có từ xưa. Sách vừa ra, Nhà nước đã đặt hàng thêm 2.000 cuốn. GS Trần Văn Giàu từng nghiên cứu và chứng minh truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc ta.

Tôi sẽ nghiên cứu và chứng minh về một truyền thống nhân quyền, từ ba hướng còn ít thấy ai tổng hợp: truyền thống độc lập - dân chủ và nhân quyền của người Việt.

Đây là một lĩnh vực còn nhiều tranh cãi, nhưng quan điểm của chúng tôi sau khi đã nghiên cứu nhiều sách vở và tài liệu báo chí khác, là tư tưởng nhân quyền ở hai bộ luật Hồng Đức và Gia Long là sự liên tục lịch sử, là truyền thống vẻ vang, là văn hiến của người Việt Nam.

Ông bà đã phát hiện được những điều mới và lý thú gì khi nghiên cứu về nhân quyền Việt Nam?

LS Phan Đăng Thanh: Trước giờ nói đến nhân quyền thì ý kiến phổ biến thường cho đó là khái niệm mới ở phương Tây. Khi đi giảng dạy, làm báo, nghiên cứu, tôi thấy Việt Nam không nói khái niệm này nhưng thực tế đã làm rất nhiều trong lịch sử.

Vài thí dụ: năm 1009 khi lên ngôi, Lý Thái Tổ ra sắc chiếu đầu tiên rằng nếu có kiện cáo không giải quyết được thì đem lên cho vua. Vua Lý làm đại hồng chung cho dân đến đánh trống kêu oan. Suốt các thời Lý, Trần, Hồ nổi tiếng về giành quyền dân tộc tự quyết, các triều đại Việt Nam đều kiên trì bảo vệ độc lập dân tộc - chính là quyền mà hiến chương Liên Hiệp Quốc đưa lên hàng đầu, đó là nhân quyền trọng đại nhất.

Trong nhiều sách nghiên cứu và giảng dạy xưa nay, và ngay cả chính tôi đi giảng dạy đã từng phải tuân thủ nói theo các nhận định như về lịch sử nhân quyền là phải dùng trích dẫn từ các văn bản của phương Tây, đánh giá thấp bộ luật Gia Long, cho rằng bộ luật Gia Long sao chép của nhà Thanh bên Trung Quốc, xóa bỏ sự tiến bộ của bộ luật Hồng Đức… Nhưng tôi luôn nói với các sinh viên suy nghĩ cá nhân mình về những nhầm lẫn lớn đó.

Xin cảm ơn ông bà.■

XÃ HỘI CÀNG PHÁT TRIỂN CÀNG PHẢI CÓ ĐẠO ĐỨC

"Tôi không nhớ mình đã đi nói chuyện với dân bao nhiêu cuộc về pháp luật, vì tôi làm việc đó từ ngày đất nước thống nhất năm 1975 đến nay. Người nghe đủ các đối tượng, người dân các tổ dân phố, công nhân, nông dân, tiểu thương, doanh nghiệp, trí thức, thanh niên phụ nữ, có cả những người đang nỗ lực cai nghiện ma túy…

Tùy theo yêu cầu và đặc điểm tình hình địa phương mà tôi chọn chủ đề trò chuyện pháp luật, nơi có nhiều vụ ly hôn thì nói Luật Hôn nhân gia đình, với tiểu thương thì tôi nói về đạo đức kinh doanh, chấp hành pháp luật…

Hình thức mà người dân thích nhất là trao đổi tình huống cụ thể, những vướng mắc gặp phải, họ sẽ không nhớ nhiều nếu chỉ đứng diễn thuyết luật lệ và khái niệm. Họ thích tôi giúp họ hiểu biết cụ thể hơn qua các phân tích những góc cạnh bất ngờ về đạo lý trong các ứng xử pháp lý từ chuyện thừa kế cho đến ứng xử tranh cấp. Họ hiểu được cái nhìn rộng lớn hơn khía cạnh luật pháp chính là luật hóa của vòng tròn lớn đạo đức. Xã hội càng phát triển càng phải có đạo đức.

Tôi thấy trong dân có rất nhiều người tốt, có đạo đức và uy tín, sẵn sàng giúp đỡ những người dân khác. Nếu biết cách vận động và tổ chức tốt, sẽ tạo sức mạnh chung giữa Nhà nước và dân, để cùng trợ giúp những người dân khó khăn khác. Có pháp luật tốt là một chuyện, nhưng trong khó khăn vẫn ăn thua ở tấm lòng.

(Luật sư Trương Thị Hòa)


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận