Đột quỵ được ví như "sát thủ giấu mặt", là nguyên nhân tử vong đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch nhưng đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật. Nếu trước đây đột quỵ thường gặp ở người lớn tuổi thì nay bệnh nhân của căn bệnh này dần dần trẻ hóa.
Theo TS Trần Viết Lực, giảng viên khoa thần kinh Trường ĐH Y dược Hà Nội, tỉ lệ tái phát đột quỵ là 15 - 40% trong số bệnh nhân còn sống sót.
Để giảm nguy cơ tái phát đột quỵ cần phải xác định và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ mà hàng đầu là tăng huyết áp - dẫn đến đột quỵ ở cả hai thể gồm nhồi máu não và chảy máu não.
Di chứng của căn bệnh này đang trở thành một vấn đề lớn cho cả gia đình lẫn xã hội. Nhiều người đang là trụ cột của gia đình, bỗng thành người tàn phế, sống hoàn toàn phụ thuộc vào người thân.
Chị nằm gần như bất động, đầu cạo trọc, lỗ mũi gắn đủ thứ dây nhợ, chỉ còn đôi mắt thỉnh thoảng chớp chớp như muốn nói điều gì. Chỉ mới đây thôi người phụ nữ này vẫn khỏe mạnh, một tay chèo chống nuôi hai đứa con cùng mẹ già suốt bao năm qua.
Thực tại đầy éo le này là của chị Huỳnh Thị Nguyệt, 44 tuổi, quê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Đang sống bình an với việc bán phở mỗi ngày ở quê, thu nhập chừng 200 ngàn/ngày, chị bất ngờ gặp tai họa vào rạng sáng 17-12. "Khoảng 1h sáng bà ấy thức dậy đi chợ mua đồ về nấu phở, đột nhiên té nhào đập đầu xuống nền gạch. Bà ấy cố hết sức lết vào nhà đập cửa kêu cứu hai đứa con rồi nhờ người đưa đi cấp cứu trong tình trạng méo miệng, ú ớ, tay và chân liệt một bên", anh Nguyễn Văn Lý (43 tuổi), người thân của bệnh nhân, kể.
Gia đình tức tốc chuyển chị lên bệnh viện huyện và chỉ ít phút kiểm tra, bác sĩ quyết định chuyển thẳng lên Bệnh viện Nhân dân 115 ngay trong đêm với hi vọng kịp thời gian vàng. Chị nhanh chóng được chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật lấy huyết khối thông tắc mạch máu trong não.
Được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần, nhưng di chứng để lại cho chị khá nặng nề. Hôm chúng tôi gặp (5 ngày sau phẫu thuật), chị nằm gần như bất động, chưa nói được gì dù đôi môi mấp máy. "Bây giờ mọi sinh hoạt, ăn uống tôi đều phải phụ giúp chị" - anh Lý nói - "Từ ngày bà ấy nhập viện, mọi việc trong gia đình bị đảo lộn hết". Phía sau chị Nguyệt, hai đứa con và người mẹ già yếu chưa biết trông cậy vào đâu.
Cuộc đời của ông Mai Văn Sang (53 tuổi, ngụ huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) thay đổi hoàn toàn sau một giấc ngủ. Chỉ sau một cơn "ú ớ" giữa đêm khuya, giờ đây ông Sang phải nằm trên giường bệnh, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào người vợ, vốn là người sống phụ thuộc lâu nay.
Với một mẫu khoai mì bình thường chỉ đủ trang trải chi tiêu hằng ngày và lo cho con gái út học đại học, từ khi ông Sang nhập viện, gia đình rơi vào cảnh bí bách, các con gom góp chút đỉnh, cộng với tiền vay mượn để trang trải viện phí. "Tui bị tiểu đường lâu. Ở nhà ổng là vai chính, đến chén dĩa tui còn không rửa được. Giờ ổng đổ bệnh, tui cũng yếu lắm, có đỡ nổi ổng đâu" - bà Nguyễn Thị Hồng Diệu (vợ ông Sang) than thở. Người phụ nữ này chỉ biết nhắc đi nhắc lại lời bác sĩ dặn dò, rằng "Sau ca mổ, di chứng của ổng nặng nề lắm, có thể sẽ nằm liệt một chỗ, gia đình từ nay cố gắng chăm sóc".
Hiếm gia đình nào lại mang nỗi ám ảnh về đột quỵ như gia đình chị Nguyễn Thị Kim Long ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Có đến 5 người thân của chị bị đột quỵ, trong đó 3 người đã qua đời.
Gác lại công việc dạy học để vào bệnh viện chăm sóc anh trai đột quỵ, chị Long nói: "Nếu anh tôi không thể phục hồi, tôi là người duy nhất có thể gánh vác công việc gia đình. Nhưng tôi còn chồng con và phải lo cho cha mẹ già nữa". Chị cố gắng gạt đi những ý nghĩa về ngày mù mịt có thể sẽ xảy ra đó.
Người anh trai này của chị Long (anh Nguyễn Minh Trãi, 40 tuổi) là người thứ 5 trong gia đình chị bị đột quỵ. Hôn nhân không trọn vẹn, anh Trãi sống với cha mẹ già và là trụ cột của gia đình ba người. Trước đây, anh chạy xe ôm, sau đó chạy taxi. Một năm nay dịch bệnh bùng phát, taxi ế ẩm, anh chuyển qua chạy thời vụ cho các nhà xe du lịch đi khắp Tây Nguyên, miền Tây. Ngày 22-12 vừa qua trở thành ngày định mệnh khi đột nhiên anh gây tai nạn do va quẹt một chiếc xe gắn máy lúc đang cầm lái trên đường.
"Tai nạn không nghiêm trọng. Nhưng người đi đường thấy anh trong trạng thái lơ mơ nên tìm cách liên lạc đưa về nhà. Từng chứng kiến nhiều người trong gia đình đột quỵ, tôi đoán được triệu chứng và chuyển ngay vào bệnh viện cấp cứu", chị Long kể.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bệnh nhân được tiêm hai mũi thuốc tiêu sợi huyết nhưng không có tác dụng. Anh được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu. Sau khi được can thiệp làm tan cục huyết khối, anh thoát khỏi nguy cơ tử vong nhưng nửa người bên phải yếu, và chưa thể nói chuyện. Chuyện phục hồi của anh, như bác sĩ nói, còn "tùy vào khả năng, cơ địa của mỗi người".
Chị Long nói rằng chị bị ám ảnh, không biết lúc nào sẽ đến lượt mình. "Ngoài anh trai đang bị đột quỵ, cách đây một năm người chị cả của tôi cũng bị đột quỵ qua đời tại bệnh viện. Trước đó cha tôi chỉ trong vòng 6 năm đã từng trải qua 3 lần bị đột quỵ và may mắn đều qua khỏi, đó là chưa kể em trai của mẹ và em gái của ba đều qua đời do đột quỵ ở tuổi đời còn rất trẻ", chị Long kể trong lúc thay tã cho người anh đang nằm bất động trên giường bệnh.
Trong 1 tháng đầu tiên thành lập (tính từ ngày 9-11-2020), Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận 1.000 bệnh nhân cấp cứu, 10% trong số này dưới 44 tuổi - lứa tuổi được cho là trẻ với bệnh đột quỵ.
Bác sĩ Mai Duy Tôn, giám đốc trung tâm, cho biết xu hướng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ: "Chúng tôi đã gặp bệnh nhân đột quỵ mới 14 tuổi. Giữa tháng 12-2020 có gần 10 bệnh nhân trẻ điều trị tại trung tâm".
Khoảng đầu tháng 12-2020, Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một thiếu niên 14 tuổi. Em tới bệnh viện với biểu hiện đau đầu nhiều. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy có dị dạng mạch não, nhưng rất may là chưa có rối loạn về vận động. Bệnh nhân còn trẻ nên các bác sĩ đã tìm cách can thiệp bằng phẫu thuật để điều trị triệt căn.
Theo bác sĩ Tôn, hầu hết bệnh nhân đột quỵ ở lứa tuổi trẻ có liên quan đến các yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, các bệnh lý tim mạch, lối sống không lành mạnh như lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ít vận động thể lực... Ngoài ra, có một tỉ lệ nhất định có liên quan đến bất thường bẩm sinh, các dị dạng mạch máu từ khi còn nhỏ và khi bất thường này đủ lớn, mạch máu sẽ vỡ, hoặc một số người có yếu tố tăng đông (khuynh hướng dễ sinh huyết khối), dễ làm tắc nghẽn mạch máu.
Phần lớn bệnh nhân đột quỵ sẽ gặp các di chứng như liệt vận động, ảnh hưởng vùng chức năng về nhận thức, ngôn ngữ, như hôn mê kéo dài, nói ngọng... Nhưng có một số bệnh nhân tử vong trong thời gian ngắn ngay sau khi có tình trạng bệnh, như ca bệnh của diễn viên Chí Tài gần đây.
Từng có một số ca tử vong do dị dạng mạch máu, bệnh nhân mới dưới 40 tuổi, mạch máu vỡ gây chảy máu ồ ạt, chèn ép các chức năng về hô hấp, tuần hoàn, lụt não, bệnh diễn biến cấp tính với lượng máu chảy rất nhiều trong một thời gian ngắn dẫn đến tử vong, bệnh nhân hoàn toàn không có dấu hiệu để dự báo bệnh trước đó.
"Theo Hội Đột quỵ của Mỹ, cứ trong 100 bệnh nhân bị đột quỵ thì có đến 70 người không thể quay trở lại công việc trước đó. Tử vong do đột quỵ thật đáng sợ nhưng theo tôi, cái ghê gớm hơn là sự tàn phế, đặc biệt với những người còn trẻ tuổi", PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, trưởng khoa bệnh lý mạch máu não Bệnh viện nhân dân 115 TP.HCM, nói.
* Nhắc đến đột quỵ, nhiều người vẫn rất mơ hồ, thậm chí có người còn nghĩ do trúng gió…
- Đột quỵ có hai loại, do tim và não, đều xuất phát từ thuyên tắc mạch máu nuôi tim hoặc não. Đột quỵ tim thường gây tử vong rất nhanh (sau vài giờ), trong khi với đột quỵ não, thời gian dẫn đến tử vong có thể kéo dài vài ngày. Thường bệnh lý đột quỵ chủ yếu liên quan đến tuổi tác, nhưng trước đây tuổi thường gặp là 60, nay có xu hướng trẻ hóa, có lúc đột quỵ xảy ra với những người trẻ dưới 14 tuổi.
Dấu hiệu của một người bị đột quỵ khá dễ nhận biết, người bình thường cũng có thể chẩn đoán được: đột nhiên bị yếu nửa người, tay, chân cùng một bên; méo miệng; nói đớ, ú ớ hoặc hỏi câu này người bệnh trả lời câu khác…
* Vậy đâu là sự giống nhau và khác nhau giữa đột quỵ ở người lớn tuổi và người trẻ (trẻ em), thưa bác sĩ?
- Có sự khác biệt về nguyên nhân. Với người cao tuổi, đột quỵ thường liên quan đến các bệnh lý tuổi tác: cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa mạch máu, rối loạn chuyển hóa lipid… Trải qua một thời gian mắc bệnh, nếu không được kiểm soát tốt, họ có nguy cơ bị đột quỵ.
Còn đột quỵ ở người trẻ (trẻ em) chủ yếu do bẩm sinh như tim bẩm sinh hoặc dị dạng các mạch máu trong não. Ở lứa tuổi này, các dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, rất dễ nhầm lẫn với những bệnh lý co giật, viêm màng não, yếu liệt tay chân... Mặt khác, trẻ em châu Á thường bị đe dọa bởi bệnh moyamoya (rối loạn mạch máu tiến triển hiếm gặp trong não), gây chít hẹp mạch máu, cũng là một nguyên nhân đột quỵ.
Về mặt quy trình điều trị đột quỵ cấp của thế giới, ở trẻ em và người lớn đều giống nhau là cùng sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch, hoặc lấy huyết khối thông tắc mạch máu lớn. Tuy vậy, đột quỵ ở người trưởng thành thường dễ dàng điều chỉnh, ở trẻ em lại rất khó bởi do bẩm sinh. Nếu được phát hiện điều trị trong "thời gian vàng", trẻ em lại có lợi thế hơn về khả năng phục hồi các chức năng vận động; chức năng thần kinh, vì thế các tai biến thường thấp hơn.
* Bác sĩ vừa nhắc đến "thời gian vàng" cứu người bệnh. Thời gian vàng ở đây được hiểu như thế nào?
Thời gian vàng là thời gian mà nếu bệnh nhân đột quỵ được đưa đến đúng thời điểm đó có thể được điều trị cứu sống. Chúng ta có 3 giờ vàng gồm 3 giờ, 4,5 giờ và 6 giờ. Nếu 100 bệnh nhân đến trong vòng 3 giờ sẽ có 90% người đủ điều kiện điều trị tái thông tan cục huyết khối; đưa đến trong vòng 4,5 giờ chỉ còn 50-60%, và trong vòng 6 giờ chỉ còn 30-40%.
Ngoài 3 giờ vàng này, một số trung tâm đột quỵ hiện nay được trang bị thêm công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo RAPID. Ứng dụng này cho phép mở rộng cửa sổ điều trị lên đến 24 giờ so với 6 giờ trước đây, nghĩa là có thêm 18 giờ cho những người bệnh không may phát hiện muộn bị đột quỵ. Tuy nhiên chỉ tối đa 20% bệnh nhân đủ điều kiện xử lý theo quy trình này do nhiều trường hợp phát hiện muộn hoặc khâu chẩn đoán ban đầu không xác định được nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
* Như vậy, thời gian là chìa khóa quan trọng nhất để cứu sống người bệnh đột quỵ?
- Đúng thế. Đối với đột quỵ, yếu tố giúp bác sĩ điều trị thành công là thời gian. Nếu tiết kiệm được thời gian, sẽ tiết kiệm được nhu mô não. Nghiên cứu thấy rằng với một bệnh nhân bị tắc mạch máu não lớn, cứ mỗi phút trôi qua có khoảng 2 triệu tế bào não sẽ mất đi không thể phục hồi. Khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ, cách tốt nhất là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất và có khả năng điều trị đột quỵ. Nếu chúng ta đưa bệnh nhân đến cơ sở gần nhất nhưng không có khả năng điều trị đột quỵ, rồi lại chuyển đến một bệnh viện khác, thì điều này đôi khi làm mất thời gian vàng.
Tuyệt đối tránh thực hiện các biện pháp gây hại cho bệnh nhân như hạ áp, nhể kim đầu ngón tay, uống thuốc không rõ loại. Để giải quyết các vấn đề này, dự kiến đầu năm 2021, Hội Đột quỵ TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng một app hỗ trợ bệnh nhân. Đó là dù bất cứ ở đâu, nếu có triệu chứng bị đột quỵ, app này sẽ hỗ trợ tìm bệnh viện có khả năng điều trị đột quỵ gần nhất.
* Chuyên gia hàng đầu của ngành đột quỵ, giáo sư thần kinh học Luis Caplan (Mỹ) nói: "Để điều trị, phòng ngừa một cách tối ưu, chúng ta hãy tìm hiểu cơ chế của đột quỵ". Ở nhiều hội nghị, các bác sĩ thường nhắc đến câu nói này.
- Đó là câu mà chúng tôi luôn nằm lòng. Bởi đột quỵ có nhiều nguyên nhân, nếu hiểu được nguyên nhân gốc rễ trước khi điều trị thì việc phòng ngừa mới đạt được hiệu quả tối ưu. Như một bệnh nhân đột quỵ do bất thường nhịp tim, cụ thể là rung nhĩ, nếu bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân rung nhĩ mà vội vã cho các loại thuốc khác thì chắc chắn sớm muộn bệnh nhân đó sẽ bị đột quỵ trở lại. Ngược lại, khi xác định được thủ phạm gây ra đột quỵ, ắt sẽ có phác đồ, chiến lược điều trị phù hợp.
* Đâu là rào cản lớn nhất trong điều trị bệnh nhân đột quỵ ở Việt Nam hiện nay, thưa bác sĩ?
- Điều trị đột quỵ không chỉ phụ thuộc vào bác sĩ đột quỵ. Muốn cứu sống người bệnh trong giờ vàng, đòi hỏi một sự quan tâm, phối hợp tốt, từ lãnh đạo bệnh viện đến giữa các êkip ở các bộ phận, khoa phòng. Một số nơi vẫn chưa có sự liên thông giữa lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ cấp cứu - hình ảnh học - đột quỵ - ngoại thần kinh - hồi sức… khiến giờ vàng cứu người bệnh vuột mất.
Ở các nước đang phát triển đang có sự khác biệt với phương Tây trong phòng ngừa thứ phát. Điều này có thể đến từ sự sai sót của các bác sĩ tuyến sau hoặc từ ý thức tuân thủ điều trị của người bệnh quá kém. Nhiều bệnh nhân sau đột quỵ may mắn phục hồi nghĩ rằng "mình đã bình thường và không cần uống thuốc nữa". Điều này rất nguy hiểm, bởi việc phòng ngừa phải lâu dài, thậm chí suốt đời. Một số bệnh nhân chuyển qua sử dụng thực phẩm chức năng vốn chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể thay thế được các loại thuốc bác sĩ kê toa.
* Đã có khá nhiều bệnh viện được trao chứng nhận đạt "Tiêu chuẩn vàng điều trị đột quỵ" của Hội Đột quỵ thế giới. Chứng nhận này sẽ mang lại lợi ích gì cho người bệnh?
- Ở Việt Nam thậm chí có bệnh viện còn đạt tiêu chuẩn kim cương. Tiêu chuẩn này có thể hiểu là chuẩn mực chung, bao gồm các khuyến cáo tiến bộ, bắt buộc bác sĩ phải làm cho bệnh nhân. Tiêu chuẩn này giúp xác định bệnh nhân có được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết; lấy huyết khối; phòng ngừa thứ phát, kê toa các loại thuốc thiết yếu; chẩn đoán bằng các phương tiện hình ảnh học hiện đại. Điều này có nghĩa người bệnh đột quỵ ngày càng có lợi hơn.
* Bác sĩ có thể đưa ra các dự báo về xu hướng đột quỵ thời gian tới?
- Dựa trên các nghiên cứu gần đây, có một dự báo rất không hay cho các nước đang phát triển, khu vực Đông Nam Á, kể cả Trung Quốc, trong đó có Việt Nam: tỉ lệ đột quỵ tăng theo cấp số cộng. Trong khi ở các nước phương Tây, Âu Mỹ, tỉ lệ đột quỵ mỗi năm giảm rõ rệt… Lý do là lối sống ở các nước đang phát triển đang có xu hướng thiếu lành mạnh, khả năng gìn giữ sức khỏe khá thấp, điển hình tỉ lệ hút thuốc lá quá nhiều, đặc biệt nam giới (70% bệnh nhân đột quỵ nam giới đều hút thuốc lá).
Phục hồi chức năng là giải pháp quan trọng để người bị đột quỵ giảm phụ thuộc vào người thân. Nhưng hiện nhiều bệnh viện rất thiếu cơ sở dành riêng cho chức năng này.
Báo cáo tại khóa tập huấn phục hồi chức năng sau đột quỵ do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức cuối năm 2020, PGS.TS Lương Tuấn Khanh, giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết nhờ mạng lưới các đơn vị đột quỵ được phủ sóng khá rộng và việc can thiệp điều trị bệnh nhân đột quỵ được áp dụng ở những giờ đầu nên tỉ lệ tử vong do đột quỵ não ở nước ta ngày càng thấp. Tuy vậy, thách thức lớn là số lượng bệnh nhân tàn tật do đột quỵ có xu hướng tăng mạnh.
Các khiếm khuyết của đột quỵ não có thể kể đến như yếu hoặc liệt tay, chân, liệt nửa người, co cứng cơ; liệt mặt; rối loạn lời nói (nói khó, không diễn đạt được bằng lời nói hoặc không hiểu lời nói), các rối loạn về cảm giác, cảm xúc, tâm lý, trầm cảm. Nặng nề hơn là các rối loạn về nhận thức (mất khả năng định hướng, sự chú ý, trí nhớ và tư duy...). Đột quỵ não còn có rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác như rối loạn nuốt, gây nguy cơ sặc; viêm phổi do hít phải thức ăn, đồ uống; loét da; viêm tắc mạch máu; đại tiểu tiện không tự chủ; teo cơ; nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu…
Theo BS Khanh, thống kê cho thấy chỉ có 25 - 30% người bệnh có thể tự đi lại phục vụ bản thân; 20 - 25% đi lại khó khăn cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hằng ngày và 15 - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Do vậy việc phục hồi chức năng sau đột quỵ để giảm thiểu các khiếm khuyết, biến chứng là hết sức quan trọng, giúp người đột quỵ nâng cao khả năng độc lập, nâng cao chất lượng sống và hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, hiện nay hầu hết các trung tâm đột quỵ của Việt Nam quan tâm đến mảng điều trị cấp (tái thông mạch máu). Mà thực tế mảng này chỉ dành cho rất ít bệnh nhân (khoảng 10%), phần lớn còn lại đều cần đến phục hồi chức năng sau đột quỵ. Một người đột quỵ dù có phục hồi tốt vẫn gặp một số khiếm khuyết, họ chỉ phục hồi một cách tối ưu nếu được tập phục hồi chức năng đúng mức. Phục hồi chức năng không chỉ tập vận động, mà còn phục hồi tư duy, ngôn ngữ.
Để làm được điều này, cần tới một đội ngũ phục hồi chức năng được đào tạo chuyên biệt về đột quỵ. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, đội ngũ này còn rất thiếu và yếu; cơ sở dành riêng cho bệnh nhân phục hồi chức năng đột quỵ rất thiếu. Ví dụ, Bệnh viện Nhân dân 115 có thể điều trị cho 20.000 ca/năm nhưng cơ sở để phục hồi chức năng chỉ chứa 10 - 20 bệnh nhân/lần.
GS Lê Văn Thính, trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), kiêm chủ tịch Hội Thần kinh Hà Nội, cảnh báo về những hạn chế trước đây trong quan niệm về chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ (đột quỵ não, nhồi máu não).
"Các thầy thuốc, thậm chí những người trực tiếp khám và điều trị bệnh nhân đột quỵ vẫn cho rằng các tế bào thần kinh (neuron) một khi bị tổn thương không thể phục hồi và không có tế bào nào khác có thể thay thế được. Đây chính là hạn chế của mọi phương pháp điều trị thiếu máu não cục bộ, tức nhồi máu não" - ông phân tích.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, con người đã hiểu rõ hơn về cơ chế sinh bệnh học của tổn thương não do đột quỵ. Đặc biệt là khả năng tái cấu trúc hệ thần kinh bằng cách tái sinh cả đơn vị thần kinh - mạch máu trong não, bao gồm sự tái sinh các tế bào thần kinh; tân sinh mạch máu nuôi tế bào thần kinh và tăng sinh tế bào thần kinh đệm để sửa chữa các sợi thần kinh đã bị tổn thương. Chính phát hiện này, theo GS Thính, đã mở ra cơ hội điều trị đột quỵ nhồi máu não giúp người bệnh chữa khỏi bệnh.
Một chương trình "phục hồi chức năng thần kinh cho bệnh nhân sau đột quỵ" mà Việt Nam và Áo hợp tác đang có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ, thần kinh và phục hồi chức năng tham gia đào tạo. Chương trình này nhằm nâng cao năng lực phục hồi chức năng sau đột quỵ cho bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và người chăm sóc bệnh nhân.
Trong 3 năm qua (2017 - 2020), đã có 63 lớp dành cho cán bộ y tế của 650 bệnh viện thuộc 59 tỉnh thành cả nước. Gần 4.500 bác sĩ, kỹ thuật viên hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Tổ chức Đột quỵ thế giới, Hội Phục hồi chức năng Việt Nam triển khai.
Ngoài ra, có 4.000 người nhà bệnh nhân được huấn luyện cách phục hồi chức năng cho người bệnh, phòng tránh đột quỵ tái phát. Dự kiến đến năm 2022, chương trình này sẽ mở rộng mạng lưới đào tạo phục hồi chức năng sau đột quỵ ở tất cả các bệnh viện và người nhà của bệnh nhân cả nước.
Rủi ro về bệnh đột quỵ đúng là tăng theo tuổi tác, nhưng đột quỵ có thể xảy ra với người trẻ, thậm chí trẻ em và thiếu niên.
Chris Mahood, 37 tuổi, sống ở Annalong, Bắc Ireland, bị đột quỵ năm anh mới 24 tuổi và con trai vừa chào đời được một tuần. "Tôi không thể nói hay cử động nửa người bên trái. Tôi ngồi trên xe lăn 3 tháng liền cho tới khi tập đi bộ trở lại. Tôi không thể quay lại công việc cũ vì cơ thể không đáp ứng nổi những đòi hỏi về thể chất của nghề thiết kế sân vườn. Nhưng dần dần tôi nhận ra mình còn có một đứa con trai và tôi cố gắng vì lợi ích của thằng bé".
Theo một nghiên cứu đăng tháng 2-2020 trên tạp chí quốc tế về đột quỵ, khoảng 10 - 15% số ca đột quỵ xảy ra ở những người độ tuổi từ 18 - 50. Đa số các chuyên gia đồng ý rằng độ tuổi được xem là trẻ khi người bị đột quỵ dưới 45 tuổi.
Tại Mỹ, đột quỵ có xu hướng giảm chung nhưng lại tăng ở người trẻ và trung niên. Trong một nghiên cứu đăng tháng 9-2020 trên tạp chí Tim Mạch Dự Phòng Mỹ, số ca đột quỵ ở người Mỹ trong nhóm 20 - 44 tuổi tăng từ 17 ca/100.000 người trưởng thành năm 1993 lên 28 ca/100.000 người trưởng thành năm 2015.
Tại châu Âu, những ca đột quỵ ở người dưới 55 tuổi đã tăng từ 10,7 ca/100.000 người trưởng thành trong giai đoạn 1994 - 2002 lên 18,1 ca/100.000 người trưởng thành trong giai đoạn 2003 - 2011.
Số liệu ở châu Á khá hiếm nhưng ở Ấn Độ, một nghiên cứu dựa trên dân số ước tính trong giai đoạn 2003 - 2005, tỉ lệ đột quỵ trung bình hằng năm chỉ là 4/100.000 bệnh nhân dưới 40 tuổi và đặc biệt cao hơn là 41/100.000 ở nhóm từ 40 - 44 tuổi.
Nhiều nghiên cứu đã xem xét sự phân bố của yếu tố chủng tộc, dân tộc, giới tính trong các ca đột quỵ ở mọi nhóm tuổi và thấy rằng: đột quỵ phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới nhưng phụ nữ lại có tỉ lệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng cao hơn và tỉ lệ tử vong cao hơn nam. Một nghiên cứu ở Hà Lan cho thấy rủi ro đột quỵ tăng ở phụ nữ tuổi từ 18 - 44 cao hơn nam giới. Phụ nữ có những yếu tố nguy cơ đặc biệt liên quan đến giới tính như tình trạng huyết áp cao (do nhiều người trong độ tuổi sinh đẻ uống thuốc tránh thai có chứa estrogen, đặc biệt nếu họ hút thuốc lá).
Theo trang everydayhealth.com, đột quỵ ở người trẻ thường khác với những gì bác sĩ quan sát được ở bệnh nhân lớn tuổi. Trước đây, đột quỵ ở người trẻ không phổ biến và do các đặc điểm như bệnh huyết học, viêm mạch, u ác tính, sử dụng ma túy, do mang thai, có gene làm tăng đông máu hoặc có lỗ thông bầu dục ở hai tâm nhĩ trong tim bẩm sinh, hoặc do họ (nữ giới) sử dụng thuốc tránh thai. Nhưng gần đây đã có sự thay đổi trong danh mục các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ của người trẻ theo hướng tăng các yếu tố nguy cơ truyền thống như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, hút thuốc lá và các yếu tố khác.
Một nghiên cứu ở Đức thực hiện với 2.125 bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi từ18 - 55 (do nguyên nhân thiếu máu cục bộ và xuất huyết), các nguyên nhân gây bệnh hàng đầu được ghi nhận là: lười vận động (59,7%), tăng huyết áp (27,1%), lạm dụng bia rượu (17,5%), và hút thuốc lá (12,8%). Ngoài ra, béo phì và đái tháo đường cũng là những nguy cơ đáng kể.
Một nghiên cứu ở Trung Quốc với các bệnh nhân đột quỵ cũng theo hai dạng là thiếu máu cục bộ và xuất huyết cho thấy những nguyên nhân gây đột quỵ hàng đầu theo thứ tự từ cao đến giảm dần: tăng huyết áp, hút thuốc lá, uống bia rượu, có tiền sử bị đột quỵ, bệnh tim, đái tháo đường và tăng lipid máu.
Sự xuất hiện đột quỵ ở người trẻ đặc biệt đáng lo ngại vì sau đột quỵ, những bệnh nhân này thường bị khuyết tật về thể chất, trầm cảm, suy giảm chức năng nhận thức và mất năng suất lao động… Tất cả những điều này có những tác động lớn đến cá nhân, xã hội và nền kinh tế. Họ có thể cần một quá trình phục hồi suốt đời và bệnh nhân bị bỏ lỡ nhiều năm làm việc. Một nghiên cứu nhỏ ở Anh, công bố tháng 9-2019 trên tạp chí Đột Quỵ ước tính, 44% người dưới 65 tuổi bị đột quỵ không thể trở lại làm việc, phổ biến nhất là do tình trạng khó đi lại vĩnh viễn.
Trang stroke.org.uk chia sẻ câu chuyện của Amber, 19 tuổi, nữ sinh viên đại học năm nhất: sau khi bị đột quỵ, cô không thể nói, đi do não bị chèn ép vì xuất huyết. Để cứu sống Amber, các bác sĩ đã phải gỡ một phần hộp sọ để giảm chèn ép cho não. Họ nhận định Amber nhiều khả năng sẽ phải ngồi xe lăn suốt phần đời còn lại.
Đa số các trường hợp có thể ngăn ngừa được nếu ta kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình và thực hiện lối sống lành mạnh để giúp giữ lượng cholesterol trong cơ thể ở mức hợp lý. Nếu bạn không hút thuốc, đừng nên thử. Lối sống lành mạnh đồng hành với thói quen ăn uống tốt như ít muối, giàu chất xơ… và thường xuyên vận động giúp chúng ta kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, giúp tim và các mạch máu khỏe.
Không thể không nói đến béo phì nếu muốn tránh đột quỵ. Tỉ lệ người béo phì, đặc biệt là trẻ em đã tăng lên ở nhiều nước. Theo bác sĩ Andrew Russman, Trung tâm mạch máu, Bệnh viện Cleveland Clinic (Mỹ): "Đột quỵ có xu hướng tăng lên ở người dưới 45 tuổi thì có thể nguyên nhân lớn là do béo phì". Béo phì trẻ em và thanh thiếu niên tăng lên đáng báo động trên thế giới, vì béo phì làm tăng các rủi ro về cao huyết áp, cholesterol cao và đái tháo đường, những yếu tố rủi ro với đột quỵ cho mọi lứa tuổi.
Một trong những sự khác biệt giữa đột quỵ ở người lớn tuổi và người trẻ tuổi là khả năng hồi phục. Người 30 tuổi có tốc độ phục hồi tốt hơn người 80 tuổi vì não bộ dẻo dai hơn. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), có nhiều yếu tố quyết định mức độ hồi phục của một người sau đột quỵ, như mức độ bị ảnh hưởng của não, sự hỗ trợ của người chăm sóc, chất lượng sức khỏe trước khi người đó bị đột quỵ, chất lượng hỗ trợ của quá trình phục hồi chức năng, và động lực của bệnh nhân. AHA cũng chỉ ra, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến khoảng một nửa người bị đột quỵ trong vài tháng đầu tiên. Vì vậy hãy xác định tư tưởng, theo dõi sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất của mình.
Amber không chấp nhận phải ngồi xe lăn suốt đời, cô tin rằng mình có thể chiến thắng căn bệnh. Hiện cô đã có thể nói và đi trở lại. Từ cô nói đầu tiên là "xin chào" và sau đó, cô đã có thể hát trở lại.
Với những ai đã bị đột quỵ, việc tham gia nhóm hỗ trợ người bị đột quỵ có thể có rất nhiều lợi ích vì họ được tiếp thêm động lực và sức mạnh từ những người cùng hoàn cảnh. Đột quỵ có thể quật ngã chúng ta một lần, nhưng nếu sống sót, chúng ta không thể để căn bệnh khiến chúng ta gục ngã lần thứ hai và buộc chúng ta ngừng làm những điều mình thích. Các bệnh nhân như Chris hay Amber trong bài đều tham gia các nhóm hỗ trợ và bệnh tình cũng như chất lượng cuộc sống của họ đều tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận