Điện Biên Phủ, nhìn từ bên ngoài

) 04/04/2004 03:04 GMT+7

TTCN - Điện Biên Phủ là trận chiến vang dội nhất trong lịch sử chiến tranh chống thực dân đế quốc trong thế giới đương đại nhưng đồng thời cũng là đề tài gây tranh luận ở phương Tây suốt nửa thế kỷ qua. Việc lý giải sự thất bại của đạo quân viễn chinh hùng mạnh của Pháp hoặc thắng lợi của Việt Minh vốn lớn lên từ đạo quân du kích cho đến nay vẫn còn chưa kết thúc..


«Không một ai có thể tin được rằng những con người bé nhỏ của đồng ruộng, dung dị, siêng năng, được huấn luyện chính trị và quân sự này có thể là một đạo quân cuồng nhiệt, quyền biến, dẻo dai, giỏi xoay xở, có khả năng chẳng những ở cấp chiến sĩ mà cả ở cấp chỉ huy nữa»

Từ biện hộ của những người trong cuộc

Sau nỗi bàng hoàng thất trận Điện Biên Phủ, vào năm 1956 người sớm nhất lên tiếng chính là cha đẻ của kế hoạch xây dựng căn cứ Điện Biên Phủ: đại tướng Henri Navarre, nguyên tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. 

Cuốn sách mang tên Đông Dương hấp hối (1953 - 1954) do ông ta viết thật sự chỉ là những lời biện hộ quá đơn giản, chẳng những không thuyết phục được ai mà còn khơi dậy cả một cuộc tranh luận sôi nổi kéo dài suốt mấy thập kỷ sau.

 Sự kiện đó buộc Navarre phải viết cuốn thứ hai, vào năm 1979 nhân kỷ kiệm 25 năm Điện Biên Phủ: Thời điểm của những sự thật. Trong đó, ông ta tiết lộ những yếu kém và sai lầm của chính quyền Pháp đã bó tay bó chân khiến ông thất bại. 

Một loạt hồi ký của tướng lĩnh liên quan như Catroux, Ely, Salan, Langlais, Bigeard... thật ra cũng không soi sáng được gì thêm về Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, Salan và Bigeard cũng đã bắt đầu nhìn ra một sự thật. 

Trong cuốn sách của mình Cho một mảnh vinh quang (NXB Plon, Paris, 1997), tướng Marcel Bigeard đã viết: Nay tôi đang là tù binh của những người Việt bé nhỏ này, cũng là những con người mà trong quân đội ta (Pháp) thường vẫn cho rằng chỉ làm được y tá hoặc lái xe. 

Vậy mà những con người với tinh thần khác thường đó, không có gì khác ngoài một lòng quyết tâm đánh đuổi được người Pháp, trong vòng có chín năm rõ ràng đã đánh bại được đội quân viễn chinh của chúng ta... Phải chăng đó là những bài học chúng ta cần rút tỉa...


«Trận đánh Điện Biên Phủ là một cuộc giao tranh quân sự hiện đại và là chiến thắng của một đạo quân mà chỉ mấy năm trước còn là một đạo quân du kích. Không phải lực lượng viễn chinh Pháp đã suy yếu vào năm 1954, mà do phía VN đã có được một đạo quân thành công tiến hành một trận chiến hiện đại, sử dụng cả chiến thuật biển người lẫn phối hợp pháo binh hiện đại và súng phòng không. Chính sức mạnh này đã góp phần đưa đất nước VN lên bản đồ thế giới».

(Christopher E. Goschar: Xây dựng lực lượng: nguồn gốc châu Á của khoa học quân sự thế kỷ 20 tại VN (1905 - 1954

Vào những năm 1960 đã xuất hiện các cuốn sách đồ sộ về Điện Biên Phủ như: Trận đánh Điện Biên Phủ (1963) của nhà văn Pháp Jules Roy; Địa ngục trong một vùng đất nhỏ: cuộc vây hãm Điện Biên Phủ (1966) của nhà sử học Mỹ Bernard Fall.

 Hai cuốn sách này được thực hiện qua tham quan thực địa, tiếp xúc trực tiếp với những người của cả hai phía đối nghịch và mô tả tỉ mỉ diễn tiến các trận đánh. 

Tuy vậy, nội dung sách còn hạn chế, chưa làm bật lên được những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thành bại của trận chiến, chưa nêu lên được cái cốt lõi sức mạnh chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. 

Một cuốn sách khiêm tốn, ít được ai để ý nhưng thú vị là cuốn Tại sao Điện Biên Phủ? của Pierre Rocolle (1968), với nhiều dữ liệu so sánh cụ thể về quân số, vũ khí và cả các báo cáo, nhận định bên trong của tướng lĩnh, các bản đánh giá tình hình của giới tình báo cao cấp Pháp giúp ta hiểu rõ hơn về thất bại của phía Pháp trong một cuộc chiến hiện đại. 

Ví như Rocolle chứng minh rằng vào thời điểm đó quân Pháp không hề ở thế yếu như nhiều người lầm tưởng vì họ có số quân đông hơn hẳn đối phương và nhất là đang nhận viện trợ quân sự ồ ạt của Mỹ, nào đại pháo, máy bay đủ loại (từ Dakota, Bearcat đến B26, C47...). 

Rocolle trích dẫn một đánh giá khá chính xác về tác động lớn của Điện Biên Phủ của một sĩ quan tình báo cao cấp Pháp ngay sau trận đánh, vào ngày 15-6-1954 : “Đối với Việt Minh, Điện Biên Phủ đã đạt được đỉnh cao không tưởng tượng nổi. Đối với đạo quân này, trận đánh kiểu hiện đại vừa qua xác định sự trưởng thành ...

Về mặt tâm lý, chiến thắng đó tác động không chỉ dư luận trong nước (Việt Nam) mà cả nước Pháp và quốc tế. Nhìn từ khía cạnh chính trị, Điện Biên Phủ là một hiện tượng chủ yếu, xảy ra đúng vào thời điểm Việt Minh lần đầu tiên quan hệ với quốc tế tại Genève, với mục tiêu được công nhận chính thức và trên tất cả là xác lập các quyền (dân tộc) của mình”. 

... Đến các nhà nghiên cứu thế hệ mới

Cuộc chiến tranh can thiệp của Mỹ ở Việt Nam vào những năm 1960 lại khơi dậy cả một phong trào nghiên cứu lại cuộc kháng chiến chống Pháp của người Việt và Điện Biên Phủ ở phương Tây. Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ mới, đặc biệt ở Pháp, Anh, Ý, Mỹ và cả các học giả người Mỹ gốc Hoa ở Hoa Kỳ, cũng đề cập nhiều đến Điện Biên Phủ. 

Rất sớm vào thời còn nóng bỏng chiến tranh Việt-Mỹ, ở Ý đã có nhà nghiên cứu Pino Tagliazucchi với cuốn Điện Biên Phủ, 3.000 ngày (1969) viết về trận đánh này với quan điểm tiến bộ và nguồn tư liệu và quan điểm Việt Nam, rất khác những cuốn lâu nay chỉ nhìn rất phiến diện từ quan điểm và nguồn tư liệu phương Tây.

Ông đã chứng minh rằng các tướng lĩnh Pháp sở dĩ thua trận do chỉ biết áp dụng chiến thuật cổ điển quen thuộc phương Tây và không am hiểu gì về chiến tranh cách mạng ở các nước thế giới thứ ba. 

Cũng một nhà nghiên cứu Ý khác là Mayda Giuseppe với cuốn Giáp (1975) đã mở màn cho hàng loạt sách báo mới ở phương Tây viết về đề tài Điện Biên Phủ thông qua nhân vật đại tướng Võ Nguyên Giáp, người trực tiếp chỉ huy trận đánh. 

Tác giả Anh Peter MacDonald với Người chiến thắng tại Việt Nam: Giáp, (1988), nhà nghiên cứu Mỹ Cecil Currey với Chiến thắng với bất cứ giá nào: thiên tài Việt Nam - tướng Võ Nguyên Giáp (1997). 

Vào các năm gần đây đã xuất hiện những cách tiếp cận mới về chiến tranh Việt Nam và Điện Biên Phủ, như tìm hiểu sâu vê chiến tranh cách mạng, ý thức hệ, so sánh đối chiếu giữa các phe đối nghịch, soi rọi cuộc chiến qua lăng kính khoa học quân sự hiện đại...

Ở Pháp đã xuất hiện nhiều nhà nghiên cứu hiểu biết sâu sắc về Việt Nam như nhà báo nổi tiếng Alain Ruscio với Công cuộc giải thực bi thảm 1945-1954, (1987), nhà sử học Hughes Tertrais (giáo sư sử học châu Á Đại học Paris), Pierre Journoud (nhà nghiên cứu khoa học quốc phòng) gần đây đã có các bài viết, tham luận, hội thảo khá sâu sắc về chiến tranh Việt Nam và Điện Biên Phủ. 

Và độc đáo nhất trong số họ phải kể đến Christopher E. Goscha, một nhà nghiên cứu thế hệ mới về lịch sử châu Á, gốc Mỹ nhưng tốt nghiệp và giảng dạy ở Pháp, khá rành tiếng Việt. 

Trong mấy cuốn sách và bài viết mới đây, anh đã chứng minh được rằng thắng lợi của Việt Minh ở Điện Biên Phủ là đỉnh cao thành công trong việc tiếp thu nền khoa học quân sự hiện đại, chủ yếu từ nguồn gốc châu Á (Nhật Bản và Trung Quốc), nhất là trong việc gầy dựng được một đạo quân hiện đại từ một đạo quân du kích chỉ trong vòng có mấy năm. 

Một sự kiện mới là gần đây ở Hoa Kỳ đã xuất hiện hai học giả nghiên cứu về thời kỳ chiến tranh Pháp - Mỹ ở Việt Nam là người Mỹ gốc Hoa, cũng tiếp cận đề tài Điện Biên Phủ một cách khoa học nhưng dĩ nhiên là nặng về dữ liệu và cả quan điểm của Trung Quốc.

Đó là Qiang Zhai với Trung Quốc và chiến tranh Việt Nam 1950-1975 (2000) và Chen Jian với Trung Quốc thời Mao và cuộc chiến tranh lạnh (2001).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận