"Địa chấn" chính trị ở Ấn Độ

DANH ĐỨC 25/05/2014 09:05 GMT+7

TTCT - Làm thế nào Đảng Quốc đại Ấn Độ cầm quyền, vốn xuất thân từ lãnh tụ Gandhi và làm chủ chính trường Ấn hầu như suốt từ năm 1946, lại bị đại đa số cử tri tẩy chay khi chỉ dành cho có 44 ghế?

Chủ tịch Đảng Quốc đại Sonia Gandhi (phải) và con trai là phó chủ tịch Rahul Gandhi chịu trách nhiệm chính trong thất bại của đảng này tại cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ vừa qua - Ảnh: Reuters

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ đã nghiêng phần thắng về Liên minh Dân chủ quốc gia do Đảng Dân tộc chủ nghĩa Bharatiya Janata (BJP) cầm đầu với 336/543 ghế, trong đó riêng BJP được 282 ghế.

Tờ The Times of India ngày 17-5 nhận xét đây là chiến thắng lớn nhất kể từ năm 1984​​ của bất kỳ đảng nào sau chiến thắng vang dội của Đảng Quốc đại (INC) nhờ vào làn sóng cảm thông sau vụ ám sát bà Indira Gandhi năm đó (lần đó INC giành đến 411/542 ghế và ông Rajiv Gandhi lên kế vị mẹ).

Tờ báo này cũng nhấn mạnh BJP đã giành đủ số phiếu để cầm quyền mà không cần đến sự hậu thuẫn của các đảng khác trong liên minh.

Đảng cầm quyền mất phiếu

"Mỗi người chúng tôi phải tôn trọng phán quyết mà toàn thể công dân đã đưa ra. Các cuộc bầu cử vừa kết thúc đã làm sâu sắc thêm nền tảng chính thể dân chủ của chúng ta"

Thủ tướng Manmohan Singh

Ngược lại, Đảng INC cầm quyền do cựu thủ tướng Manmohan Singh lãnh đạo chỉ giành được vỏn vẹn 44 ghế, cả Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) trong đó có đảng này chỉ được 59 ghế. Tờ The Times of India giải thích: “Đây là cuộc bỏ phiếu chống lại đảng cầm quyền lớn nhất trong lịch sử của Ấn Độ. Mong muốn thay đổi được thúc đẩy bởi sự giận dữ vì nạn tham nhũng và nền kinh tế trì trệ, và đặt cược trên niềm hi vọng mà đảng của ông Narendra Modi đang là đại diện”.

Ajay Jha của tờ Gulf News bình luận: “Lãnh đạo trung ương của INC cho biết họ đã rút ra bài học và sẽ có biện pháp khắc phục, nhưng họ vẫn chọn rằng tốt hơn là nên quên đi cho dù như thế sẽ là nguy hiểm cho họ. INC đã kết thúc với thành tích tồi tệ nhất kể từ cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức vào năm 1952, đến nỗi quốc hội mới có lẽ sẽ không có lãnh đạo đại diện cho phe đối lập, do lẽ có quy định rằng các đảng đối lập chính phải có ít nhất 10% tổng số ghế của 543 ghế, tức 55 ghế (INC chỉ được 44 ghế và chưa chắc các đảng nhỏ trong liên minh sẽ tiếp tục liên minh - NV).

Trong trường hợp này, cả hai kế hoạch A và B của INC đều cùng hỏng: kế hoạch A là mong phó chủ tịch Rahul Gandhi 43 tuổi sẽ trở thành tân thủ tướng, kế hoạch B là Rahul Gandhi ít nhất cũng lãnh đạo phe đối lập để học tập kinh nghiệm và sẵn sàng trở thành ứng viên thủ tướng vào năm 2019.

Nhiều người cảm thấy rằng chính ước mơ của bà Sonia Gandhi nhìn thấy con trai Rahul của mình trở thành thủ tướng thứ tư thuộc gia tộc Gandhi đã khiến đảng này diệt vong, cùng với thất bại của chính phủ trong việc kiểm soát giá cả tăng vọt và thoát ra khỏi tiếng tăm đây là một chế độ tham nhũng hơn bao giờ hết”.

Bản thân ông Manmohan Singh, trong diễn văn cuối cùng trong vai trò thủ tướng hôm 17-5, đã nhìn nhận ý nguyện này của dân chúng: “Mười năm trước khi tôi được giao phó trách nhiệm này, tôi đã nhận nó với công cụ là tính cần mẫn của tôi, với sự thật như là ngọn hải đăng của tôi và lời khấn nguyện rằng mình có thể luôn luôn làm điều đúng.

Hôm nay đây khi tôi chuẩn bị đóng cửa văn phòng, tôi nhận thức được rằng ngay trước phán xét cuối cùng mà tất cả chúng ta đang chờ đợi từ đấng toàn năng, đã có phán quyết của tòa án công luận mà mọi viên chức dân cử và mọi chính phủ đều phải cúi mình. Thưa toàn thể công dân, mỗi người chúng tôi phải tôn trọng phán quyết mà toàn thể công dân đã đưa ra. Các cuộc bầu cử vừa kết thúc đã làm sâu sắc thêm nền tảng chính thể dân chủ của chúng ta”.

Di sản nặng nề

Như theo định luật bình thông nhau, cử tri trước nay vẫn bỏ phiếu chọn INC lần này dồn phiếu cho BJP với hi vọng đảng này sẽ sớm giải quyết những vấn đề mà INC cùng chính phủ Singh để lại, nổi bật nhất là kinh tế. Trong một quốc gia đông đến 1,2 tỉ dân, giá cả càng leo thang, càng nhanh mất phiếu.

Ngay từ tháng 8 năm ngoái, nhật báo kinh tế - tài chính Bloomberg đã bình luận: “Nền kinh tế Ấn Độ cần một cuộc bầu cử sớm. Một đồng rupee rơi tự do, thâm hụt tài khoản vãng lai rộng khủng khiếp. Các biện pháp nửa vời nhằm ngăn chặn sụt giảm của đồng rupee - chẳng hạn như thuế 36% mới đánh trên tivi màn hình phẳng nhập khẩu - không phải là câu trả lời cho đồng rupee”. Trăm dâu đổ lên đầu Thủ tướng Singh.

Vậy mà cách đây 20 năm hơn, năm 1991, Bộ trưởng tài chính Singh trong nội các của Thủ tướng Narasimha Rao đã là “ngôi sao sáng” giúp giải cứu nền kinh tế Ấn Độ với một loạt cải cách tự do hóa, thiết lập các giai đoạn cho hai thập kỷ tăng trưởng.

Kinh tế gia kỳ cựu, tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ (Cambridge và Oxford) từ cuối thập niên 1950, đã làm việc cho UNCTAD (Cơ quan Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển) cho đến năm 1969, ông Singh từng được trông chờ là cứu tinh vào lúc dự trữ ngoại hối của Ấn Độ hầu như không lên tới 1 tỉ USD, đủ để trả tiền cho một vài tuần nhập khẩu, so với 283 tỉ USD dự trữ vào năm 2009 (Financial Express 1-1-2010).

Giáo sư kinh tế học Singh đã làm hồi sinh nền kinh tế Ấn Độ bằng cả một chính sách mới mở ra với kinh tế thị trường, chủ yếu là thanh toán cái hệ thống cấp giấy phép vốn là nền tảng của nền kinh tế kế hoạch trước đó.

Từ bộ trưởng tài chính năm 1991 cho đến vị trí thủ tướng từ năm 2004, ông Singh đã cởi trói nền kinh tế được kiểm soát bởi nhà nước bằng cách giũ bỏ hệ thống cấp giấy phép đòi hỏi phải thỏa mãn các yêu cầu của những 80 cơ quan chính phủ trước khi các công ty tư nhân có thể được cấp giấy phép sản xuất, nhờ đó thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào Ấn Độ. Kinh nghiệm mở cửa trọn vẹn chứ không nửa vời của ông Singh đã được Thomas Friedman đề cập trong Thế giới phẳng của mình.

Ấy thế mà ông Singh lại bị xem là hiện thân của tai họa kinh tế hiện nay. Tờ Forbes cảnh báo: “Ấn Độ phải đối mặt không chỉ một cuộc khủng hoảng tiền tệ mà là một cuộc khủng hoảng lòng tin. Dòng chảy biến thành một trận lụt vào cuối tuần trước sau khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ công bố những gì mà nhiều nhà đầu tư nhìn như là bước đi đầu tiên hướng tới việc kiểm soát vốn.

Các nhà đầu tư quốc tế đã bắt đầu rút tiền ra khỏi Ấn Độ. Hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp một lần nữa rối rắm trong tệ quan liêu. Doanh nhân Ấn Độ không có động cơ để đầu tư vào các dự án mới. Đầu tư công nghiệp đề xuất trong năm tháng đầu năm 2013 suy giảm 2/3 so với năm 2011”.

Không phải ông Singh không biết thế nào là tệ quan liêu. Tháng 4-2013, ông kêu gọi các viên chức hãy tự làm mới và chủ động hơn để có thể đảm bảo tăng trưởng (Indian Express 21-4-2013), song lời kêu gọi đó như “nước đổ lá môn” khi sự trì trệ và thụ động lại bảo đảm quyền lực và quyền lợi của các viên chức, trong khi xông xáo chưa hẳn đã đem lại gì cho bản thân.

Vị trí thứ 72 trên bảng chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2007, tức ba năm sau khi ông Singh làm thủ tướng, và vị trí 94 năm ngoái là một trong những minh họa cho sự thất bại vào cuối nhiệm kỳ thứ nhì của ông Singh. Tháng 5-2013, Bộ trưởng đường sắt Bansal từ chức một tuần sau khi cháu trai của ông bị Cục Điều tra trung ương bắt vì bị cáo buộc nhận hối lộ để đảm bảo việc lên chức cho một quan chức đường sắt.

Rồi đến lượt Bộ trưởng tư pháp Kumar cũng ra đi vì bị cáo buộc đã có những “bất thường” trong việc cấp lô khai thác than từ năm 2004 đến năm 2011. Tuy đã giải thích hai trường hợp từ chức trên là “không khoan nhượng với tham nhũng” (WSJ 10-5-2013), song Đảng INC cầm quyền đã không cứu vãn được thanh danh của mình.

Khi nạn tham nhũng cứ hoành hành trong lúc túi tiền của 1,2 tỉ người bị siết chặt, Đảng INC của ông Singh và gia tộc Gandhi phải trả giá. Tân thủ tướng Modi của Đảng BJP đối lập sẽ tháo gỡ di sản này như thế nào lại là một câu chuyện khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận